37 lượt xem

[EJS] Bài 1 – EJS Là Cái Gì?

Ejs là gì

Trong Sub-Series này, chúng ta sẽ chỉ làm các ví dụ về việc sử dụng EJS để kiến trúc nên giao diện blog cá nhân đơn giản sử dụng làm chất liệu cho code xử lý các route của Sub-Series ExpressJS. Tuy nhiên thì trước hết, mình muốn dành ra một chút thời gian giới thiệu lại EJS một cách đầy đủ hơn một chút ở bài viết mở đầu trong trường hợp bạn đang sử dụng một Template Engine khác.

EJS – Embed JavaScript

EJS là một thư viện JavaScript được thiết kế để hỗ trợ tác vụ templating – tạo ra các tệp code HTML dạng mẫu tempalte chờ gắn dữ liệu thực tế – và chuyển đổi các template này trở thành văn bản HTML để trình duyệt web hiển thị. Một thư viện thực hiện tác vụ này còn được người ta gọi với một cái tên khác là Templating Engine.

Trang web chính thức của thư viện EJS

EJS có thể được cài đặt và sử dụng trong cả môi trường chạy JavaScript của trình duyệt web ở phía client-side và của NodeJS ở phía server-side.

a. Sử dụng EJS trong trình duyệt web

Để sử dụng EJS trong môi trường trình duyệt web, chúng ta chỉ cần tải về tệp ejs.min.js để nhúng thư viện này vào một thẻ <script> đứng trước code sử dụng:

<script src=”ejs.min.js”></script> <script src=”main.js”></script>

Như vậy là code JavaScript trong tệp main.js đã có thể sử dụng EJS để tạo ra và sử dụng các template.

const ejs = require(“ejs”); var template = ` <body> <h1> <%= data.get(“title”) %> </h1> <p> <%= data.get(“content”) %> </p> </body> `; var data = new Map() data.set(“title”, “Giới thiệu EJS”) .set(“content”, “Đây là một thư viện hỗ trợ Templating.”); var html = ejs.render(template, { data }); console.log(html); <body> <h1> Giới thiệu EJS </h1> <p> Đây là một thư viện hỗ trợ Templating. </p> </body>

b. Sử dụng EJS trong NodeJS

Cài đặt bằng npm:

npm install -save ejs

Code sử dụng thư viện ejs:

const ejs = require(“ejs”); var template = ` <body> <h1> <%= data.get(“title”) %> </h1> <p> <%= data.get(“content”) %> </p> </body> `; var data = new Map(); data.set(“title”, “Giới thiệu EJS”) .set(“content”, “Đây là một thư viện hỗ trợ Templating.”); var html = ejs.render(template, { data }); console.log(html);

Kiểm tra code html kết quả:

npm test <body> <h1> Giới thiệu EJS </h1> <p> Đây là một thư viện hỗ trợ Templating. </p> </body>

Và như chúng ta đã thấy, trong Sub-Series ExpressJS, khi chúng ta gọi phương thức response.render() và cung cấp đường dẫn tới tệp .ejs kèm theo object data cung cấp dữ liệu. ExpressJS đã tự động hóa quá trình đọc nội dung của tệp .ejs và chuỗi nội dung template được chuyển cho thư viện EJS kèm theo data để tạo ra code HTML kết quả. Sau đó ExpressJS cũng tự động hóa luôn việc chuyển code HTML kết quả này trình duyệt web đang yêu cầu.

<body> <h1> <%= data.get(“title”) %> </h1> <p> <%= data.get(“content”) %> </p> </body> app.get(“/”, async (request, response) => { // – giả định dữ liệu truy vấn được từ database -> data var data = new Map(); data.get(“title”, “Giới thiệu EJS”) .get(“content”, “Đây là một thư viện hỗ trợ Templating.”); response.render(“index”, { data }); });

Những thẻ nhúng cơ bản

Như chúng ta đã thấy thì template của EJS về cơ bản vẫn là code HTML và được nhúng thêm code JavaScript bằng các thẻ đánh dấu khu vực dành cho code JavaScript. Cặp thẻ <%= và %> trong ví dụ mở đầu được sử dụng để hiển thị một giá trị trong JavaScript vào vị trí tương ứng trong code HTML.

Trong trường hợp chúng ta sẽ muốn thực hiện những logic khác ví dụ như lặp lại thao tác gắn dữ liệu cho các phần tử của một danh sách. Lúc này chúng ta có thể sử dụng cặp thẻ <% và %> – không có dấu = – để viết code JavaScript thực hiện thao tác lặp như sau:

<nav> <% for (var category of data.get(“category-list”)) { %> <a> <%= category %> </a> <% } %> </nav>

Và khi cung cấp data có chứa một mảng category-list thì chúng ta sẽ có code HTML kết quả ở dạng như thế này:

<nav> <a href=”#”> HTML </a> <a href=”#”> CSS </a> <a href=”#”> Bootstrap </a> <a href=”#”> JavaScript </a> <a href=”#”> jQuery </a> <a href=”#”> NodeJS </a> <a href=”#”> ExpressJS </a> </nav>

Ở đây chúng ta lưu ý là cặp thẻ <% và %> được sử dụng để viết code JavaScript xử lý logic chứ không có tác dụng hiển thị bất kỳ giá trị nào ra bề mặt code HTML kết quả.

Một cặp thẻ khác của ejs được sử dụng rất phổ biến là <%- và %> – thẻ mở có dấu – – được sử dụng để nhúng một tệp .ejs này trong một tệp .ejs khác.

<nav> <% for (var category of data.get(“category-list”)) { %> <a> <%= category %> </a> <% } %> </nav> <body> <%- include(“./component/topnav.ejs”, { data }) %> </body>

Ở đây chúng ta sử dụng hàm include() do thư viện EJS cung cấp và truyền tiếp data cho topnav.ejs sử dụng. Tệp topnav.ejs sẽ được biên dịch để lấy code HTML kết quả trả về ở vị trí lời gọi hàm include(). Sau đó code HTML kết quả được hiển thị bởi cặp thẻ <%- và %> giúp duy trì các ký hiệu đặc biệt trong code không bị chuyển đổi thành code HTML Entity.

Cặp thẻ <%= và %> sẽ khiến ký hiệu < được biên dịch thành &lt; và ký hiệu > được biên dịch thành &gt;. Điều này khiến code HTML kết quả bị thay đổi ví dụ như <p> sẽ được biên dịch thành &lt;p&gt;. Và khi được hiển thị trên bề mặt trình duyệt web thì các code Entity được chuyển đổi ngược lại thành các ký hiệu < và >. Như vậy người xem trang web sẽ có cơ hội được học HTML trước khi muốn tìm hiểu lập trình web.

Cuối cùng là cặp thẻ <%# và %> được sử dụng để viết chú thích trong tệp .ejs, các chú thích này sẽ được bỏ qua khi code EJS được biên dịch thành code HTML kết quả.

Kết thúc bài viết

Như vậy là chúng ta đã lướt qua phần giới thiệu thư viện EJS bao gồm cách cài đặt và sử dụng cơ bản. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ bắt đầu viết code xây dựng giao diện trang blog cá nhân đơn giản. Tuy nhiên mình cần lưu ý trước tại đây rằng giao diện blog được sử dụng làm ví dụ trong Sub-Series này sẽ ở dạng tối giản để chúng ta có thể tập trung tốt hơn vào logic quản lý code. Do đó chúng ta sẽ không triển khai code CSS responsive và đồng thời thiết kế blog sẽ chỉ đáp ứng những tính năng cơ bản nhất.

Mình hy vọng rằng Sub-Series này sẽ có thể được sử dụng làm chất liệu khởi điểm để bạn xây dựng nên giao diện blog mà bạn mong muốn với nhiều tính năng mở rộng hơn. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.

[EJS] Bài 2 – Viết Code Xây Dựng Giao Diện Blog Đơn Giản