38 lượt xem

Biệt ngữ xã hội là gì

Trong chương trình Ngữ văn lớp 8, tại bài số 5 (quyền 1), chúng ta được học về Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội.

Để giúp các bạn học sinh trong việc chuẩn bị bài, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về biệt ngữ xã hội qua bài viết Ví dụ về biệt ngữ xã hội này.

Biệt ngữ xã hội là gì?

Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được sứ dụng trong một tầng lớp xã hội nhất định (Tầng lớp xã hội có thể là vua quan trong triều đình phong kiến; tầng lớp thượng lưu, trung lưu trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám; những người buôn bán, lái xe, quân đội, học sinh sinh viên, những người chơi thể thao, những người cùng theo một tôn giáo, làm cùng một nghề,…).

Ví dụ về biệt ngữ xã hội

Một số ví dụ về biệt ngữ xã hội:

– Biệt ngữ của vua quan trong triều đình phong kiến: trẫm, khanh, long thể, mặt rồng, ngự giá, ngự bút, long bào,…

– Biệt ngữ của những người theo đạo Thiên Chúa: mình thánh, nữ tu, ông quản, cứu rỗi, lòng lành, ơn ích,…

– Biệt ngữ của học sinh, sinh viên: gậy, ngỗng, trúng tủ, trượt vỏ chuối,…

– Biệt ngữ của những người buôn bán, “phe phẩy” (thời bao cấp): bắt mồi, dính, phảy, luộc, búa, nặng doa, ế vở, guồng, nhẩu, dầm, sôi me,…

– Biệt ngữ của bọn lưu manh, trộm cắp ở thành phố (thời bao cấp): chọi, choai, xế lô, bổ, dạt vòm, đột vòm, rụng, táp lô, bè, đoa,…

Phân biệt giữa biệt ngữ xã hội và các từ ngữ thuộc về nghề nghiệp

– Biệt ngữ xã hội dùng trong một tầng lớp( tầng lớp học sinh, sinh viên; tầng lớp các tôn giáo khác nhau, tầng lớp phong kiến xưa,…);

– Các từ ngữ thuộc về nghề nghiệp: là các từ ngữ chuyên ngành thuộc về một số ngành nghề , chỉ sử dụng trong bộ phận những người cùng một ngành nghề đó. Chúng là những từ biểu thị sản phẩm, công cụ hay quy trình sản xuất có tính khác biệt của từng ngành nghề khác nhau.

Lưu ý về sử dụng biệt ngữ xã hội

Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ sử dụng trong hoàn cảnh hạn chế, không được phổ biến rộng rãi trong toàn dân nên cần lưu ý sử dụng cho phù hợp, tránh lạm dụng gây khó hiểu cho người đọc, người nghe thông tin.

Biệt ngữ xã hội chỉ nên sử dụng trong các hoàn cảnh dưới đây:

Thứ nhất: Trong khẩu ngữ, việc sử dụng biệt ngữ xã hội để giao tiếp với người cùng tầng lớp với mình để tạo sự thân mật, gần gũi.

Thứ hai: Trong thơ văn, sáng tác các tác phẩm văn học để làm tăng tính biểu cảm cũng như thể hiện rõ tầng lớp xã hội, làm nổi bật tính cách của nhân vật.

Để tránh lạm dụng biệt ngữ xã hội, cần tìm hiểu các từ ngữ toàn dân có nghĩa tương ứng để sử dụng khi cần thiết.

Bài tập với biệt ngữ xã hội

Câu hỏi:

Đọc các ví dụ sau đây và trả lời câu hỏi:

a) Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.

Tôi cũng cười đáp lại cô tôi:

– Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu).

Tại sao trong đoạn văn này, có chỗ tác giả dùng từ mẹ, có chỗ lại dùng từ mợ? Trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong tầng lớp xã hội nào ở nước ta, mẹ được gọi bằng mợ, cha được gọi bằng cậu?

b)

– Chán quá, hôm nay mình phải nhận con ngỗng cho bài tập làm văn.

Trúng tủ, hắn nghiễm nhiên đạt điểm cao nhất lớp.

Các từ ngữ ngỗng, trúng tủ có nghĩa là gì? Tầng lớp xã hội nào thường dùng các từ ngữ này.

Trả lời:

a) Trong đoạn văn trên, tác giả có chỗ dùng “mẹ”, có chỗ lại dùng “mợ” bởi vì Trong lòng mẹ là hồi ký nên tác giả dùng từ “mẹ” – từ ngữ hiện tại.

Nhưng những dòng đối thoại tác giả dùng từ “mợ” vì đoạn đối thoại đó nằm trong kí ức.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945 tầng lớp thượng lưu ở nước ta gọi mẹ là “mợ”, gọi cha là “cậu”.

Điều này cũng thể hiện sự tinh tế, uyển chuyển trong việc dùng từ của nhà văn Nguyên Hồng, bởi những dòng hồi ký với cách dùng từ “mẹ” – từ ngữ toàn dân dễ giúp người đọc hiểu hơn về người mà nhà văn đang muốn nhắc đến, còn khi dùng từ “mợ” – biệt ngữ xã hội trong giao tiếp với người cô trong kí ức cho thấy sự chân thật của câu chuyện mà tác giả kể lại, ngay từ cách nói chuyện với người cùng tầng lớp trong quá khứ.

b) Từ “ngỗng” có nghĩa là điểm hai, việc gọi như vậy xuất phát từ hình dạng con ngỗng giống với điểm 2.

Từ “trúng tủ” có nghĩa là ôn trúng những gì mình đã đoán được, làm trúng bài khi thi cử, kiểm tra.

Đây đều là những từ ngữ học sinh hay sử dụng.

Trên đây là một vài thông tin chúng tôi chia sẻ liên quan đến ví dụ về biệt ngữ xã hội cũng như biệt ngữ xã hội. Mong rằng, bài viết đã giúp Quý độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh hiểu rõ thế nào là biệt ngữ xã hội, có ý thức sử dụng biệt ngữ xã hội phù hợp với tình huống giao tiếp, tránh lạm dụng các lớp từ ngữ này.