• Trang chủ
  • Kinh Nghiệm
  • Đào tạo y khoa liên tục (continuing medical education, viết tắt là CME) – neurosurgery
34 lượt xem

Đào tạo y khoa liên tục (continuing medical education, viết tắt là CME) – neurosurgery

Cme là gì

…Tất cả cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Thời gian được đào tạo mỗi năm tối thiểu là 24 giờ thực học. Trong 5 năm mỗi cán bộ y tế phải tham gia học tập và tích luỹ đủ thời gian đào tạo liên tục ít nhất là 120 giờ thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ đang hành nghề… (trích thông tư 07/2008 TT-BYT).

Đào tạo y khoa liên tục là gì?

Với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và thông tin hiện nay, các nhà khoa học ước tính trong tương lai tri thức của nhân loại sẽ đổi mới khoảng 50% trong một chu kỳ thời gian là 2,5 năm. Tốc độ này còn có thể nhanh hơn đối với y khoa. Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp trường y, kiến thức học được nếu không được ôn tập, sử dụng cũng sẽ mất đi theo thời gian. Do đó, nếu không có những hoạt động học tập củng cố kiến thức đã được dạy và cập nhật các thông tin kiến thức mới, nhân viên y tế sẽ không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đào tạo y khoa liên tục không phải là khái niệm mới. Các hoạt động này đã được nhìn nhận và phát triển trên thế giới từ thập niên 50. Cho đến nay, CME đã được công nhận và bắt buộc tại hầu hết các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở Việt nam, khái niệm này chỉ được chú ý trong hệ thống y tế trong vài năm trở lại đây.

Đào tạo y khoa liên tục (continuing medical education, viết tắt là CME) là một hoạt động đặc thù và chuyên biệt nhằm giúp phát triển năng lực nghề nghiệp của nhân viên y tế với mục tiêu cuối cùng là cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. CME bao gồm tất cả các hình thức học tập mà nhân viên y tế tham gia nhằm mục tiêu cải thiện kiến thức, kỹ năng, thái độ để thực hiện tốt hơn trách nhiệm chuyên môn. Chính sự liên tục các hoạt động CME đã giúp định hình sự phát triển năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng các chức năng và trách nhiệm của nhân viên y tế đối với xã hội.

Do vai trò đặc biệt của CME trong chất lượng chăm sóc sức khỏe, ở đa số các nước trên thế giới, CME ngày càng được công nhận và được tổ chức hoàn thiện hơn. Theo quan điểm hiện nay, hoạt động CME tối ưu và đạt hiệu quả tốt nhất khi từng cá nhân có chương trình, phương pháp và tài liệu học tập phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của mình. Mục tiêu nhằm liên tục cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn mà mình đảm trách. Để đáp ứng yêu cầu đó, các chương trình CME phải được tổ chức thật phong phú và hình thức, phương tiện và mức độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng y tế.

Để thực hiện được điều này, hệ thống y tế cần vận động nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện các hoạt động CME. Ở các nước trên thế giới, các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động CME bao gồm: các hội nghề nghiệp, trường y và các bệnh viện có giảng dạy. Các tổ chức đào tạo này phải thể hiện vai trò năng động và đươc sự hỗ trợ của hệ thống nhà nước để tổ chức tốt các hoạt động CME nhằm đáp ứng sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở từng quốc gia.

Các hoạt động của CME phải giúp đỡ bác sĩ một cách hiệu quả trong việc khái quát hóa, diễn giải, đánh giá và ứng dụng các kiến thức mới vào chăm sóc sức khỏe nhằm cung cấp cho bệnh nhân một dịch vụ chăm sóc chất lượng, hiệu quả và chi phí phù hợp. Để đáp ứng mục tiêu này, chúng ta cần có chính sách đúng đắn về đào tạo nguồn nhân lực y tế và sự hợp tác của nhiều thành phần trong xã hội.

Một số quan điểm về đào tạo y khoa liên tục

Hội đồng chứng nhận đào tạo y khoa liên tục Hoa kỳ (ACCME)

Đào tạo y khoa liên tục là một dạng đặc biệt của đào tạo liên tục nhằm giúp nhân viên y tế duy trì năng lực chuyên môn và học tập những kiến thức mới cũng như thông tin về những lãnh vực mới thuộc chuyên ngành. Những hoạt động này có thể bao gồm các sự kiện (hội nghị, hội thảo, họp chuyên môn định kỳ, hội nghị thường niên), tài liệu, các chương trình đào tạo qua mạng internet, các hình thức nghe nhìn hoặc thông tin điện tử khác…. Nội dung của các hoạt động đào tạo này được xây dựng, xem xét và thực hiện bởi các chuyên gia đầu ngành trong các lãnh vực chuyên môn.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ (AAP)

Đào tạo y khoa liên tục bao gồm các hoạt động đào tạo nhằm mục tiêu duy trì, phát triển năng lực chuyên môn hoặc củng cố kiến thức, kỹ năng y khoa cần thiết cho bác sĩ để thực hiện chức năng nghề nghiệp, bao gồm cung cấp dịch vụ điều trị cho bệnh nhân, phục vụ cộng đồng cho cộng đồng và cho ngành y. Định nghĩa này của CME nhấn mạnh rằng tất cả các hoạt động đào tạo liên tục nhằm hỗ trợ người bác sĩ thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình hiệu quả hơn đều được xem là đào tạo y khoa liên tục.

Hội đồng Y khoa quốc gia Singapore

Đào tạo y khoa liên tục bao gồm các hoạt động đào tạo nhằm duy trì, phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn của bác sĩ.

Bảng phân loại các hoạt động CME của Hội đồng Y khoa Singapore

Khái niệm về đào tạo liên tục theo Thông tư 07/2008 TT-BYT

Đào tạo liên tục là các khóa đào tạo ngắn hạn bao gồm đào tạo bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và những khoá đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống bằng cấp quốc gia. Khái niệm này tương đương với phân loại 1A của Hội đồng Y khoa quốc gia Singapore.

Đào tạo y khoa liên tục ở Việt nam

Trong vài năm gần đây, các qui định về đào tạo y khoa liên tục bắt đầu được ban hành và xuất hiện trong nhiều bằng các văn bản quan trọng của Bộ y tế.

Thông tư Thông tư 07/2008 TT-BYT

Tất cả cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Thời gian được đào tạo mỗi năm tối thiểu là 24 giờ thực học. Trong 5 năm mỗi cán bộ y tế phải tham gia học tập và tích luỹ đủ thời gian đào tạo liên tục ít nhất là 120 giờ thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ đang hành nghề. Mọi cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam đều có nghĩa vụ tham gia học tập theo quy định của Thông tư này.

Thủ trưởng đơn vị y tế có trách nhiệm xem xét cho phép tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn với những người không tích luỹ đủ thời gian học trong 5 năm công tác.

Kinh phí cho đào tạo liên tục thông qua các nguồn sau đây:

– Kinh phí đóng góp của người tham gia khoá đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân theo quy định của Nhà nước.

– Kinh phí đào tạo liên tục được kết cấu từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch hàng năm của các cơ sở đào tạo do cơ quan có thẩm quyền phân bổ.

– Các cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí kinh phí để đào tạo cán bộ của đơn vị từ kinh phí chi thường xuyên với tỷ lệ hợp lý, phù hợp với kế hoạch đào tạo liên tục.

– Kinh phí có từ nguồn thu hợp pháp khác.

Luật Khám bệnh – Chữa bệnh (đã được Quốc hội khóa 12 đã thông qua ngày 23/11/2009)

Điều 29. Thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề

1. Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

… đ) Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời

gian 2 năm liên tiếp

Điều 37. Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp

… 3. Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao

trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Như vậy, theo các qui định hiện hành tại Việt nam, nhu cầu đào tạo liên tục của cán bộ y tế trong cả nước là rất lớn. Cả nước hiện nay có khoảng 250.000 nhân viên y tế (và sẽ tăgn nhanh trong tương lai). Nếu trung bình mỗi năm, mỗi nhân viên y tế phải thực hiện ít nhất 24 giờ đào tạo liên tục theo thông tư 07/2008 TT-BYT, hệ thống đào tạo y khoa liên tục ở Việt nam phải đảm bảo cung cấp tối thiểu 6.000.000 giờ-học viên trong một năm. Thông tư 07/2008 TT-BYT có hiệu lực từ năm 2008. Luật khám bệnh – chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ năm 2011. Tuy vậy, cho đến nay, số chương trình và số đơn vị đào tạo y khoa liên tục được ngành y tế phê duyệt vẫn còn rất ít và chủ yếu tập trung ở một vài thành phố lớn. Điều này khiến thông tư 07/2008 TT-BYT hoàn toàn không khả thi. Đây thật sự là một bài toán khó cho ngành y tế.

Theo nhiều chuyên gia trong lãnh vực này ở Việt nam, để đảm bảo hoạt động đào tạo y khoa liên tục theo các qui định hiện nay, chúng ta cần ít nhất 5-10 năm để xây hệ thống đào tạo y khoa liên tục phù hợp. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo y khoa liên tục thật sự chỉ được quan tâm trong thời gian gần đây, do đó, hệ thống này hiện còn rất thiếu và yếu. Vấn đề càng trở nên khó khăn trong bối cảnh mà ngay cả hệ thống đào tạo cơ bản về y khoa bao gồm các trường đại học, trung học chuyên nghiệp cũng còn thiếu thốn về nguồn lực và lạc hậu về chương trình đào tạo so với thế giới và khu vực.

Khái niệm về đào tạo y khoa liên tục theo thông tư 07/2008 TT-BYT chưa thật sự mô tả đúng phạm vi và các hình thức của đào tạo y khoa liên tục theo các quan điểm phổ biến trên thế giới hiện nay. Chúng ta có thể tham khảo hệ thống phân loại đào tạo y khoa liên tục của Singapore để hiểu rõ hơn. Các khái niệm và phân loại các hoạt động đào tạo liên tục tương tự như Singapore hiện đang được đa số các nước trên thế giới áp dụng, ngay cả ở Thái lan. Điều này, giúp các hoạt động đào tạo y khoa liên tục phong phú hơn về hình thức, nội dung và mức độ. Hệ thống này rất hữu ích trong điều kiện Việt nam, khi mà trình độ phát triển y tế không đồng đều giữa các vùng miền và các tỉnh thành. Mở rộng hình thức các hoạt động đào tạo liên tục giúp các hoạt động này đến được và phù hợp với nhiều đối tượng nhân viên y tế hơn và hiệu quả xã hội lớn hơn, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu học tập cho cán bộ y tế ở các khu vực đào tạo y khoa chưa phát triển và thiếu thông tin. Do đó, cần thiết có một hệ thống khái niệm và phân loại mở rộng và khoa học, làm tiền đề cho sự phát triển của hoạt đào tạo y khoa liên tục ở Việt nam, đáp ứng nhu cầu phát tirển của ngành y tế và xã hội.

Như vậy, bên cạnh việc củng cố và tiếp tục phát triển hệ thống đào tạo y khoa cơ bản ở các trường đại học, ngành y tế cần phải có những chiến lược hiệu quả và lâu dài dể phát triển hệ thống đào tạo y khoa liên tục. Với ngân sách y tế hiện tại, việc đảm bảo hoạt động dự phòng và chăm sóc sức khỏe người dân, cũng như việc đào tạo cơ bản cho nhân viên y tế tại các trường đại học và trung học, ngành y đã, đang và sẽ gặp những khó khăn lớn về kinh phí. Do đó, việc xã hội hóa các hoạt động đào tạo y khoa liên tục là một tất yếu. Ở các nước phát triển và các nước trong vực, các hoạt động đào tạo y khoa liên tục được thực hiện chủ yếu bởi các hội nghề nghiệp y học. Đây có thể sẽ là xu hướng phát triển của đào tạo y khoa liên tục ở Việt nam trong thời gian tới.

-HMT-

Nguồn: https://drtuong.wordpress.com/tag/cme/