Quantitative easing là gì

Nới lỏng định lượng

Khái niệm

Nới lỏng định lượng trong tiếng Anh là Quantitative Easing, viết tắt là QE.

Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ độc đáo, trong đó một ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán khác trong thị trường để tăng cung tiền và khuyến khích cho vay và đầu tư.

Khi lãi suất ngắn hạn ở mức hoặc gần bằng không, các hoạt động thị trường mở thông thường nhằm tác động tới lãi suất không còn hiệu quả. Thay vào đó, ngân hàng trung ương có thể nhắm tới việc mua một số lượng tài sản nhất định.

Nới lỏng định lượng làm tăng cung tiền bằng cách mua tài sản bằng lượng dự trữ ngân hàng mới được tạo ra để cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng.

Bản chất của nới lỏng định lượng

Để tiến hành nới lỏng định lượng, các ngân hàng trung ương tăng cung tiền bằng cách mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác. Việc tăng cung tiền cũng có tác động tương tự như tăng cung của bất kì tài sản nào khác – nó làm giảm chi phí của tiền.

Chi phí tiền thấp hơn đồng nghĩa với lãi suất thấp hơn và các ngân hàng có thể cho vay với các tiêu chuẩn thấp hơn. Chiến lược này được sử dụng khi lãi suất gần bằng 0, khi đó, các ngân hàng trung ương có ít công cụ để tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Nếu việc nới lỏng định lượng mất đi tính hiệu quả, chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa để tiếp tục mở rộng cung tiền. Trên thực tế, nới lỏng định lượng thậm chí có thể làm mờ ranh giới giữa chính sách tài chính và tiền tệ, nếu tài sản được mua bao gồm trái phiếu chính phủ dài hạn được phát hành để tài trợ cho chi tiêu thâm hụt ngược chu kì.

Nhược điểm của nới lỏng định lượng

Nếu các ngân hàng trung ương tăng cung tiền thì có thể gây ra lạm phát. Trong trường hợp xấu nhất, ngân hàng trung ương sử dụng nới lỏng định lượng có thể gây ra lạm phát mà không tăng trưởng kinh tế, dẫn tới một giai đoạn được gọi là lạm phát đình đốn.

Mặc dù hầu hết các ngân hàng trung ương được tạo ra bởi chính phủ của đất nước họ và thực hiện một số vai trò giám sát theo qui định,ngân hàng trung ương không thể buộc các ngân hàng tăng cường cho vay hoặc buộc người dân phải đi vay và đầu tư.

Nếu nguồn cung tiền tăng không chảy qua ngân hàng vào nền kinh tế, nới lỏng định lượng có thể không mạng lại hiệu quả ngoại trừ việc dẫn tới chi tiêu thâm hụt của chính phủ.

Một hậu quả tiêu cực khác là nới lỏng định lượng có thể làm giảm giá trị đồng nội tệ. Đối với các nhà sản xuất, điều này có thể giúp kích thích tăng trưởng vì hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị nội tệ giảm làm cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu đắt hơn, có thể làm tăng chi phí sản xuất và mức giá tiêu dùng.

(Theo investopedia)