Central bank là gì

Ngân hàng trung ương (Central Bank)

Khái niệm

Ngân hàng trung ương trong tiếng Anh gọi là Central Bank.

Căn cứ theo hình thức pháp lí, qui định về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

“1.Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Ngân hàng Nhà nước là pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước, có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội.

3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lí nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng); thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”. (Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12)

Chức năng của Ngân hàng trung ương

Chức năng phát hành tiền

Ngân hàng trung ương là cơ quan độc quyền phát hành tiền mặt (gồm tiền giấy và tiền kim loại). Thông qua chức năng này, ngân hàng trung ương có thể tác động và ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương cung ứng tiền vào lưu thông qua bốn kênh:

Kênh tín dụng đối với chính phủ

Phát hành tiền qua kênh tín dụng đối với chính phủ hay còn gọi là kênh ngân sách nhà nước. Thông thường, ngân sách nhà nước rơi vào trạng thái sau: ngân sách nhà nước cân bằng, ngân sách nhà (thặng dư), ngân sách nhà nước bội chi (thâm hụt).

Phát hành tiền qua kênh tín dụng đối với chính phủ không chỉ đáp ứng trong trường hợp để xử lý bội chi trong ngân sách nhà nước mà còn cung ứng vốn trong ngân sách nhà nước theo từng đợt phát hành trái phiếu chính phủ.

Kênh tín dụng đối với hệ thống ngân hàng trung gian

Ngân hàng trung ương có thể cho vay đối với các ngân hàng trung gian với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng hoặc với tư cách là ngân hàng điều tiết.

Ngân hàng trung ương cấp tín dụng cho các ngân hàng trung gian dưới các hình thức: Cho vay tái cấp vốn và cho vay thanh toán.

Kênh thị trường mở

Ngân hàng trung ương tổ chức và thực hiện mua bán ngắn hạn các giấy tờ có giá với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên thị trường mở.

– Kênh thị trường ngoại hối:

Ngân hàng trung ương với tư cách là cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước phải can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết và không vì mục đích lợi nhuận. Khi cung cầu ngoại hối mất cân đối thì ngân hàng trung ương can thiệp với tư cách là người mua, người bán trên thị trường.

Chức năng ngân hàng của các ngân hàng

– Mở tài khoản, nhận tiền gửi và quản lí các khoản tiền gửi của các ngân hàng trung gian.

– Trung gian thanh toán giữa các ngân hàng trung gian.

– Cấp tín dụng cho các ngân hàng trung gian.

Chức năng ngân hàng của Nhà nước: Làm đại lí cho chính phủ trong việc phát hành trái phiếu chính phủ cũng như thanh toán các tiền gốc và lãi trái phiếu; mở tài khoản và giao dịch với hệ thống kho bạc Nhà nước; thực hiện thanh toán theo yêu cầu của chính phủ; cấp tín dụng cho chính phủ khi cần thiết,…

Chức năng quản lí nhà nước về tiền tệ và các hoạt động ngân hàng

– Quản lí hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng: Ngân hàng trung ương thực hiện quản lí nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

– Thực hiện quản lí vĩ mô đối với nền kinh tế trên lĩnh vực tiền tệ ngân hàng: Nhằm các mục tiêu ổn định tiền tệ, tăng trưởng kinh tế và hạn chế thất nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các đinh chế tài chính, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh).