Công ty phục vụ mục đích đặc biệt
Khái niệm
Công ty phục vụ mục đích đặc biệt trong tiếng Anh là Special Purpose Entity, viết tắt là SPE hoặc còn gọi là Special Purpose Vehicle, viết tắt là SPV.
SPE là một công ty con được công ty mẹ tạo ra với mục đích là cô lập rủi ro tài chính. Với tư cách pháp nhân là một công ty riêng biệt nên các nghĩa vụ của công ty này được đảm bảo kể cả trong trường hợp công ty mẹ phá sản.
Nếu lỗ hổng kế toán bị khai thác, những công ty này có thể trở thành một phương tiện nguy hiểm để che giấu nợ công ty, điển hình là trong vụ bê bối Enron năm 2001.
Mục đích của SPE
Một công ty mẹ tạo ra một SPE để cô lập hoặc chứng khoán hóa tài sản trong một công ty riêng biệt thường không được giữ trong bảng cân đối kế toán. Nó có thể được tạo ra để thực hiện một dự án rủi ro trong khi bảo vệ công ty mẹ khỏi các mối rủi ro nghiêm trọng nhất từ sự thất bại dự án.
Trong các trường hợp khác, SPE có thể được tạo ra chỉ để chứng khoán hóa các khoản nợ để nhà đầu tư được đảm bảo về sự thu hồi các khoản vay và có thể yên tâm cho vay nợ.
Trong mọi trường hợp, hoạt động của SPE chỉ giới hạn ở việc mua lại và tài trợ cho các tài sản cụ thể, và cấu trúc công ty riêng biệt đóng vai trò là phương pháp cách li rủi ro của các hoạt động này. Một SPE có thể đóng vai trò là đối tác cho các giao dịch hoán đổi và các công cụ phái sinh nhạy cảm tín dụng khác.
Một công ty có thể hình thành SPE như một quĩ ủy thác, một tập đoàn hoặc một công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc các hình thức khác. Nó có thể được thiết kế dành cho quyền sở hữu, quản lí và tài trợ độc lập. Trong mọi trường hợp, SPE giúp các công ty chứng khoán hóa tài sản, tạo liên doanh, cô lập tài sản của công ty hoặc thực hiện các giao dịch tài chính khác.
Cách SPE hoạt động
Tình trạng tài chính của SPE có thể không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ dưới dạng vốn chủ sở hữu hoặc nợ. Thay vào đó, tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của nó sẽ chỉ được ghi lại trên bảng cân đối kế toán của chính nó.
Do đó, SPE có thể che giấu thông tin quan trọng từ các nhà đầu tư, khiến cho họ không có được cái nhìn đầy đủ về tình hình tài chính của công ty. Nhà đầu tư cần phân tích bảng cân đối kế toán của công ty mẹ và SPE trước khi quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không.
(Theo: investopedia.com)