Cái tên Flamingo nổi danh ra đời như thế nào?

“Anh V., sắp tới kỷ niệm thành lập Tập đoàn, anh kể lại giúp em ngày xưa cái tên FLAMINGO ra đời như thế nào với nhé!” – chị Nguyễn Vân Anh (Phó Chủ tịch Tập đoàn) nhắn hỏi anh L.Q.V, “cha đẻ” tên gọi Flamingo nổi danh.

cái tên "flamingo" ra đời như thế nào

-*-*-*-*-*-*-*-*-*-*-

Nếu search thử [ Ý nghĩa tên gọi “Flamingo” ] của khu nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp nhất nhì Việt Nam hay hỏi qua người Fla dường như sẽ KHÔNG THỂ hoặc RẤT KHÓ trả ra bất kì kết quả tương xứng nào làm thỏa mãn sự tò mò của người cần. Bởi người tạo nên nó, tác giả của tên gọi này đến nay mới lần đầu tiết lộ.

¤-¤-¤-¤-¤

“Mọi thứ đều là tình cờ…

Năm 2004, khi đang muốn chuyển việc thì M.N (bạn anh V.) gọi điện bảo: “Bên công ty em đang tìm Giám đốc kinh doanh dự án khu resort Đại Lải. Sếp giao em tìm mà mãi chưa được. Hay là anh về làm đi!”

Hừm. Trước giờ mặc dù đã chục năm làm quản lý, nhưng toàn là khách sạn thôi – đây là siêu dự án bất động sản du lịch, kinh nghiệm gần như là con số 0. Nhưng kệ, đi gặp phỏng vấn xem sao, mất gì của bọ đâu mà sợ.

Thế là, sau cả buổi chiều ngồi nói chuyện với Sếp Tổng của Hùng Vương Group (HVG); về, nó hỏi N. “Sếp bảo gì về anh không?” thì nhận được lời đáp: “Em chỉ thấy nói mỗi câu là: “anh V. làm được đấy!”, anh thu xếp chuyển sang đi nhé. Sếp giao cho anh cả dự án Đại Lải và 2 bãi tắm ngoài Cát Bà”…

Á à. Nó hình dung một núi việc và những khó khăn đang chờ: dự án bất động sản du lịch đầu tiên của Việt Nam – rộng hơn 100 hécta với 500 biệt thự, vô số cụm khách sạn và dịch vụ 5 sao khác. Thêm nữa, resort mới chỉ được phê duyệt trên giấy, chưa có tên tuổi, sales kit chưa có gì, kinh doanh sao được đây?

Rồi chân ướt chân ráo vào làm. Công việc đầu tiên đã “bị” giao ngay làm phiên dịch cho bà Kathrine Moore, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ, được thuê sang để phản biện bản quy hoạch tổng thể dự án (master plan). Phải nói rằng tư duy (concept) người Mỹ khác hẳn với kiến trúc sư Việt Nam lúc đó. Sau mấy ngày đi cùng, lăn lộn từng gốc cây ngọn cỏ, master plan được vẽ lại. Những con đường đôi hoành tráng được thay bằng “dải lụa mềm” uốn lượn. Không san đồi, bạt núi nữa mà các biệt thự sẽ được đặt tự nhiên trên đúng thế đất: trong rừng thông, bên bờ suối, sát mép hồ…

Bước tiếp theo, Sếp bảo:

– Em tìm tên gọi cho dự án đi!

– Vâng, đầu bài như thế nào Sếp ơi?

– Chú cứ tìm cái tên nào gắn với “Hùng Vương”, dễ đọc, dễ nhớ, sang trọng, sinh thái là được.

– Vâng, khoai quá, đã sinh thái lại còn sang nữa. Để em thử, à mà tiếng Anh cho “sang” anh nhé.

– OK, phát động cho cả công ty cùng đặt xem, đội Hà Nội Red Tours đi nhiều chắc có nhiều ý tưởng.

Thế là sau 2 tuần, có chục cái tên được đưa ra. Nó cũng có vài đề xuất. Tập hợp đưa lên trình Sếp,

– No, chưa sướng, may ra trong này được từ “Bliss” có chút liên quan đến Vĩnh Phúc, nghĩ tiếp đi!

Vật vã. Trong đầu nó lúc nào cũng lởn vởn “Hùng Vương”, “Đại Lải”, “Vĩnh Phúc”, “sinh thái”… À mà logo công ty là mấy con chim lạc màu cam. Chim cò thì sinh thái đấy. Nhưng “bird” hay “stork” nghe vừa chán vừa sầu. Còn chim gì nữa không nhỉ? Nó lái xe máy từ văn phòng về nhà mà đi như vô định.

Eureka! Đây rồi. Vói kiến thức lịch sử của nó, “chim hạc” rất gần với “chim lạc”. Rõ là quá sang rồi nhé. Trong đền, chùa, hạc còn đứng trên lưng rùa cơ mà. Chim hạc màu cam? Đích thị là HỒNG HẠC, FLAMINGO!

Phú Thọ có Bạch Hạc thì Vĩnh Phúc có Hồng Hạc.

Về đến nhà, nó giở ngay từ điển ra tra (khi đó chưa có smartphone để check nóng như bây giờ). Flamingo có gốc từ flame/ flaming: nghĩa là ngọn lửa, nồng cháy, rừng rực, sôi nổi – lại có 8 chữ cái, quá phát nhé. Viết sao đọc vậy, nghe còn như có nhạc Flamenco, có lên ở chữ “l”, có xuống ở chữ “g”, quá cân bằng rồi. Tìm thêm thông tin về loài hồng hạc. Trời! Không thể tốt hơn: sống thành bầy đàn nơi hồ nước, rất chung thủy lại thọ nữa.

Và ngay lập tức, nó lập bảng các cái “được”, dài phết, kín gần 2 trang giấy.

cái tên "flamingo" ra đời như thế nào

cái tên "flamingo" ra đời như thế nào

Hôm sau trình, Sếp gật gù “ổn đấy, để anh tham khảo thêm chút.”

Rồi cuối tuần đó, dự án đã chính thức có tên: FLAMINGO ĐẠI LẢI RESORT.

Giờ thì bắt tay vào làm bộ nhận diện thôi.

Slogan là gì thì được nhỉ?

Hàng loạt ý tưởng một lần nữa được nghĩ đến nhưng nó tự thấy chưa thuyết phục. Rồi tình cờ, hôm đó là Chủ Nhật, nó nghỉ ở nhà, Hà Nội TV chiếu bộ phim về những người phi công Pháp đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn yêu thích được bay lượn trên bầu trời xanh và đã anh dũng cứu một chuyến bay khỏi không tặc. Ừ nhỉ, ai cũng có đam mê, bầu trời cũng thật đẹp. Giá mà có khoảng trời làm của riêng? Đúng rồi, “khoảng trời riêng”, tên phim Việt Nam mà nó rất thích về cái thuyết mỗi con người cần có một góc riêng của mình, thật đúng với phương châm đề cao tính riêng tư, sang trọng của mỗi căn biệt thự.

“Khoảng trời mơ ước”

Một khoảng thôi nhưng xanh thẳm và quý, đẹp vô cùng, nhất là với đàn hồng hạc kia.

Nghĩ đến đó, nó mail hỏi bà Kathrine Moore giúp tìm từ tương thích trong tiếng Anh, “A dream away”, bà mail trả lời lại.”

Phía dưới bài chia sẻ “chính chủ”, bên cạnh những comments “hay”, “quá chuẩn”, rất nhiều bình luận bày tỏ ngạc nhiên khi lần đầu biết được tác giả của tên gọi Flamingo nổi danh là ai, cái tên ra đời như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao…

– “Uầy! Lâu nay vẫn nhìn thấy Flamingo Office mà giờ mới biết người tạo ra nó là You”

Người của Tập đoàn càng thêm phần hứng khởi:

– “Cảm ơn anh giai về câu chuyện thú vị. Quà tặng này rất ý nghĩa, em nhận nó đúng ngày sinh nhật Công ty. Thanks anh ngàn lần!” – bình luận của chị Nguyễn Vân Anh

– “Cảm ơn V.! Có những tâm sự mà đến giờ người Fla mới biết…”

cái tên "flamingo" ra đời như thế nào

Theo L.Q.V.