Web 3.0 là thế hệ thứ ba của internet, đó là tầm nhìn về một Internet thông minh không máy chủ bao gồm những web phi tập trung kết nối với nhau. Một Internet nơi mà người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.
Thời đại Web 1.0 và 2.0
Vào năm 1990 khi Internet mới được thành lập, người ta vẫn chưa định nghĩa Web 1.0 là gì mà chỉ đơn thuần gọi nó là Internet để sử dụng. Lúc đó các trang web chỉ có thể thụ động cung cấp thông tin, chủ sở hữu website là những người đưa thông tin, còn những người dùng Internet chỉ có thể tiếp nhận thông tin trên đó mà không thể làm gì khác.
Darcy DiNucci là người đầu tiên nêu ra khái niệm về Web 2.0. Bà viết như sau:
“Web mà chúng ta đang biết, vốn chỉ đơn giản là tải về hình ảnh vào một cửa sổ trình duyệt tĩnh, đây chỉ là một phần rất nhỏ của web trong tương lai. Những dấu hiệu của Web 2.0 trong thời gian đầu đã xuất hiện dần dần, và chúng ta chỉ mới thấy được những bước đi đầu tiên. Web sắp tới có thể hiểu như là nơi mà các hành động xảy ra….”
Từ đó người ta định nghĩa ngược lại các website trong Internet trước thời 2.0 là Web 1.0.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Web 2.0 và Web 1.0 là khả năng tương tác. Web 2.0 là những website có khả năng tương tác giữa người dùng và website. Bạn có thể đăng ký tài khoản, bình luận, post video trên youtube là những ứng dụng thường thấy nhất. Về mặt kỹ thuật, các Web 2.0 tiến bộ hơn các Web 1.0 ở điểm chúng có thể tách các yêu cầu gửi lên hệ thống và các dữ liệu phản hồi riêng biệt, nó giúp cho bạn không cần phải load lại toàn bộ website để thực hiện thao tác bất kỳ.
Sự ra đời của Web 3.0 – Semantic Web
Trong bối cảnh bùng nổ của Internet đầu thế kỷ 21, Web 2.0 dần dần bộc lộ những yếu điểm khi không thể đáp ứng được các yêu cầu của người dùng nhanh chóng. Người dùng Internet giờ đây không chỉ cần có thể tương tác được với website mà còn yêu cầu làm sao có thể giải quyết nhu cầu nhanh chóng và tiện lợi nhất mà không phải truy cập quá nhiều website.
Vậy làm sao các website có thể giao tiếp với nhau để phục vụ nhu cầu của người dùng?
Đáp án là phải có một chuẩn chung để các website thống nhất với nhau nhằm trao đổi dữ liệu nhanh chóng và dễ dàng.
Semantic Web là một phong trào do Hiệp hội World Wide Web (W3C) dẫn đầu nhằm tiêu chuẩn hóa các định dạng dữ liệu chung trên Internet để giải quyết những vấn đề của Web 2.0. Bằng cách khuyến khích sự bao hàm của nội dung ngữ nghĩa trong các trang web, Semantic Web hướng đến việc chuyển đổi các nội dung web hiện tại bao gồm phần lớn các văn bản không có cấu trúc hoặc bán cấu trúc thành “dữ liệu web” có ý nghĩa. Và người ta gọi phong trào Semantic Web này là Web 3.0. Mục tiêu cuối cùng của Semantic Web là tạo ra các trang web thông minh, kết nối vạn vật(Internet of things) hòa nhập chung với nhau.
Nhờ có Semantic Web, Google có thể nhanh chóng tìm thứ chúng ta cần, Spotify tự động tìm những bài hát chúng ta có thể thích nghe. Facebook sẽ hiển thị quảng cáo những món đồ mà chúng ta có nhu cầu. Nói chung, ứng dụng của Semantic Web đối với cuộc sống của chúng ta là vô hạn.
Tuy nhiên Internet còn có rất nhiều vấn đề mà Semantic Web vẫn chưa thể giải quyết, đó là việc ăn cắp dữ liệu. Người dùng không thể kiểm soát dữ liệu của mình cũng như không lưu trữ được giá trị gốc của dữ liệu. Đã 30 năm kể từ khi Internet được ra đời, kiến trúc dữ liệu của Internet vẫn dựa trên những máy tính độc lập mà không phải là một mạng lưới. Dữ liệu của bạn được lưu trữ và quản lý tập trung trên một máy chủ, mỗi khi dữ liệu được gửi và truy xuất bởi một máy khách thì các bản sao dữ liệu sẽ được gửi đi nên bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được dữ liệu của bạn sẽ bị dùng làm gì. Trong thời đại ngày nay, dữ liệu cá nhân của bạn là thứ đáng giá nhất trên internet. Nhờ có dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người dùng mà Facebook và Google đã vươn lên thành những tập đoàn lớn nhất thế giới.
Nền tảng Web phi tập trung và Tokenized Network
Trong bối cảnh này, blockchain dường như trở thành động lực của Internet thế hệ tiếp theo, cái mà nhiều người gọi là Web 3.0. Blockchain đổi mới cách dữ liệu được lưu trữ và quản lý. Nó cung cấp một tập dữ liệu duy nhất được quản lý chung. Lớp trạng thái duy nhất này lần đầu tiên kích hoạt lớp định giá giá trị cho Internet. Nó cho phép chúng ta gửi dữ liệu theo cách được bảo vệ bằng bản sao, cho phép các giao dịch P2P thực sự mà không cần trung gian. Nền tảng của những Website được vận hành theo mô hình này gọi là nền tảng Web 3.0 phi tập trung.
Xin lưu ý rằng không có khái niệm cụ thể nào là Web 3.0. Semantic Web hay Web phi tập trung là những phương hướng phát triển mà một số nhóm người cho rằng sẽ là chủ đạo của Internet thế hệ mới chứ chưa phải là khái niệm Web 3.0 được thống nhất trên toàn thế giới. Sự khác biệt lớn nhất giữa Semantic Web và Web phi tập trung là Semantic Web không yêu cầu xử lý dữ liệu phi tập trung. Chúng có thể là hệ thống tập trung hoặc không tập trung.
Nghe có vẻ giống với IoT (Internet of Things) và công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), liệu chúng có liên quan gì tới nhau không?
Bản thân Internet of Things là kết quả của khả năng tương tác ngôn ngữ máy và AI cũng là kết quả của sự tương tác ngôn ngữ máy ở một mức độ nhất định. Nói dễ hiểu, không có Semantic Web thì IoT và công nghệ AI không thể ra đời.
Tokenized Network là gì?
Sẽ thật thiếu sót nếu Web 3.0 không có Tokenized Network. Một mạng lưới phi tập trung luôn cần một loại tiền điện tử phi tập trung để các thành viên trao đổi giá trị, nếu sử dụng một loại tiền điện tử tập trung như Paypal thì sự phi tập trung của mạng là vô nghĩa. Tokenized Network nói một cách dễ hiểu, đó là hệ thống kinh tế phi tập trung dành cho Internet thế hệ mới.
Sự khác biệt chính (và quan trọng) của Tokenized Network so với một mạng lưới thanh toán thông thường là đảm bảo rằng chi tiết giao dịch được bảo vệ trong toàn bộ vòng đời giao dịch tại Blockchain.
Hãy tưởng tượng Web 3.0 không có Tokenized Network sẽ giống như Blockchain không có Bitcoin. Sẽ không ai có động lực chạy các nút để duy trì Blockchain cả.
Web3 Foundation, tổ chức tiên phong của Web 3.0
Viết tới đây, có lẽ các bạn đã hiểu Web 3.0 là gì, nhưng thực tế đặt ra một thách thức to lớn là ai sẽ xây dựng Web 3.0? Để tạo nên cơ sở hạ tầng của Internet thế hệ mới cần rất nhiều tài nguyên và nhân lực, nhưng ai sẽ trả lương cho họ để làm việc này ? May mắn thay, chúng ta đã có Web3 Foundation, đó là một tổ chức nuôi dưỡng và quản lý các công nghệ và ứng dụng trong các lĩnh vực giao thức phần mềm web phi tập trung, đặc biệt là những giao thức sử dụng các phương pháp mật mã hiện đại để bảo vệ sự phân quyền. Trước đây Web 3.0 chủ yếu đề cập đến các ứng dụng cho phép người dùng tương tác với chuỗi khối Ethereum. Nền tảng Ethereum cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung (decentralized applications). Tuy nhiên hiện nay Web 3.0 còn có thể phát triển các ứng dụng trên chuỗi khối Polkadot và Kusama.
- So sánh Polkadot (DOT) và Kusama (KSM) – “Chị chị Em em” của thế giới crypto?
Polkadot – giao thức hàng đầu của Web3 Foundation
Polkadot (DOT) là một công nghệ đa chuỗi (Multi-Chain), không đồng nhất (heterogeneous) và có thể mở rộng. Cho phép các Blockchain kết nối với nhau để chia sẻ dữ liệu để tạo thành một Network phi tập trung. Polkadot tập trung giải quyết hai vấn đề chính của Blockchain đó là khả năng tương tác và khả năng mở rộng của mạng lưới.
Polkadot là một dự án mã nguồn mở và bất cứ ai cũng có thể tự do đóng góp cho sự phát triển của nền tảng. Đối với Polkadot, Web3 Foundation có vai trò đóng góp tài chính lẫn công nghệ.
Kusama (KSM) là mạng lưới chuyên dụng của Polkadot đóng vai trò phát hiện và cảnh báo bất kỳ lỗ hổng hoặc điểm yếu nào trên mạng lưới Polkadot. Đối với các nhà phát triển thì Kusama là nền tảng minh chứng cho việc nâng cấp thời gian chạy và quản trị trên chuỗi.
Có thể nói Kusama là phiên bản thử nghiệm của Polkadot tồn tại như một mạng độc lập và nó cho phép các nhà phát triển blockchain triển khai và thử nghiệm các phiên bản hay ứng dụng trên mạng lưới này trước khi khởi chạy chúng trên Polkadot.
Kusama được thành lập vào năm 2019 bởi Gavin Wood, người sáng lập Polkadot đồng thời là đồng sáng lập và cựu CTO của Ethereum.
Web3 Foundation cung cấp nguồn quỹ tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển phần mềm dựa trên Polkadot và Kusama lên tới 100.000 USD cho mỗi dự án. Để có thể nhận được tài trợ, dự án cần có mã nguồn mở và các giấy phép như GNU GPLv3, Apache 2.0.
Ngoài việc ủng hộ các dự án Web 3.0 ra thì chính Web3 Foundation cũng tự mình thực hiện các dự án nghiên cứu bởi một nhóm nội bộ có trụ sở tại Zug (Thụy Sỹ) đồng thời phối hợp với các dự án chuyên ngành và các nhóm nghiên cứu học thuật khác.
Nội dung nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến hệ thống phi tập trung bao gồm:
- Bảo mật, Cryptography, chính sách web3.
- Thuật toán phi tập trung: Đồng thuận và Tối ưu hóa.
- Nền kinh tế tiền điện tử và lý thuyết trò chơi.
- Networking.
- Kinh tế hành vi và tính khả dụng.
- Nghiên cứu phân tích các giao thức hiệntại, đưa ra các giao thức mới và cụ thể hóa.
- Nghiên cứu giao thức mạng Polkadot.
Những vấn đề của Web 3.0
Tốc độ chậm
Internet phi tập trung có khả năng bảo mật và chống lỗi tốt hơn nhưng đồng thời nó cũng có tốc độ chậm hơn do phải chạy các nút xác thực.
Lưu ý rằng tốc độ giao dịch của tiền điện tử không phải là tốc độ truyền thông tin của Blockchain nhưng nó có mối quan hệ tương quan. Một giao dịch trong Blockchain có thể mang theo một lượng dữ liệu nhất định.
Không thân thiện với người dùng mới.
Đa số các công nghệ phi tập trung hiện tại không thân thiện với người dùng mới, người sử dụng phải có hiểu biết nhất định về công nghệ Blockchain để có thể sử dụng.
Quá trình chuyển đổi từ web truyền thống sang web phi tập trung sẽ phải diễn ra dần dần từ web truyền thống => phi tập trung một phần => phi tập trung hoàn toàn để người dùng Internet có thể thích ứng.
Mặc dù có khả năng tương lai Internet sẽ là phi tập trung, nhưng điều này không có nghĩa là các hệ thống tập trung sẽ bị loại bỏ hoàn toàn vì chúng vẫn cần thiết.
Lượng dữ liệu rác khổng lồ
Do dữ liệu tồn tại trên Blockchain mãi mãi nên chúng khiến cho Blockchain ngày càng trở nên nặng hơn. Hơn thế nữa công nghệ Blockchain yêu cầu mỗi nút phải tải toàn bộ dữ liệu Blockchain về khiến cho tổng dung lượng của Blockchain trên toàn mạng lưới càng kinh khủng. Ví dụ như Blockchain của Ethereum, nó đã đạt kích cỡ 300 Giga byte vào ngày 19 tháng 9.
- Xem thêm: Kích thước Blockchain Bitcoin chạm ngưỡng 300 Gigabyte
Khả năng mở rộng
Do vấn đề về bảo mật, một hệ thống phi tập trung không thể tùy ý mở rộng như một hệ thống tập trung. Những Blockchain đời đầu của Bitcoin hay Ethereum nổi tiếng là có khả năng mở rộng cực kỳ kém khiến cho các mạng chạy trên các Blockchain này thường xuyên bị tắc nghẽn. Đây là một vấn đề sống còn mà Web 3.0 cần phải giải quyết nếu muốn đi vào thực tế.
Ưu điểm của Web 3.0
Không có trung gian
Trong một mạng lưới phi tập trung, các giao dịch và dữ liệu được trao đổi trực tiếp do đó dữ liệu và tiền của bạn không phải phụ thuộc vào một bên trung gian như Facebook hay Paypal kiểm soát.
Ngăn chặn vi phạm dữ liệu
Vì dữ liệu sẽ do chính bạn kiểm soát. Rất khó để tin tặc có quyền kiểm soát dữ liệu của bạn trừ khi hắn có thể khống chế toàn bộ mạng. Những công ty như Facebook và Google không thể bán dữ liệu của bạn cho bên thứ ba để kiếm lợi nhuận.
Dữ liệu sẽ tồn tại mãi mãi
Trò chơi mà bạn ưa thích, nội dung tin nhắn hay bất kỳ dữ liệu nào trên Web 3.0 sẽ tồn tại chừng nào Internet còn hoạt động, không ai có quyền truy cập chúng và xóa bỏ.
Các dịch vụ sẽ hoạt động 24/7
Do các dịch vụ trên Web 3.0 không có một máy chủ cố định, chúng sẽ hoạt động liên tục chừng nào mạng lưới còn tồn tại. Sự cố mất điện hay dữ liệu hay một máy chủ bị phá hoại sẽ không thể khiến trò chơi yêu thích của bạn bị tạm dừng.
Dân chủ
Internet sẽ trở nên dân chủ như nó đã từng. Không ai được quyền ngăn cản bạn truy cập Internet. Bạn có thể truy cập Internet vào bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi đâu.
Kết nối thông minh
Khả năng gắn thẻ ngữ nghĩa của Web 3.0 sẽ cho phép Internet trở nên thông minh và được kết nối hơn. Người dùng có thể sử dụng các thiết bị kết nối internet được gắn thẻ ngữ nghĩa chung để cung cấp website phù hợp, trực quan và cá nhân hóa kinh nghiệm. Nói một cách dễ hiểu, đó là lợi ích của sự kết hợp giữa IoT và công nghệ AI.
Web 3.0 và công nghệ Blockchain có liên quan gì với nhau?
Như đã nói ở trên, Web 3.0 là một mạng lưới phi tập trung, nhưng một mạng lưới phi tập trung phải tồn tại một cơ chế đồng thuận để xác thực thông tin và khiến thành viên có thể tin tưởng lẫn nhau, công nghệ Blockchain chính là cơ chế đồng thuận để giải quyết vấn đề đó. Nếu không có công nghệ Blockchain, giấc mơ về Web 3.0 sẽ phải hoãn lại cho tới khi tìm được một cơ chế đồng thuận đáng tin cậy khác. Ngược lại, Web 3.0 cũng là một ứng dụng khác của Blockchain ngoài tiền điện tử và lưu trữ dữ liệu.
Lời kết
Vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để Web 3.0 đi vào cuộc sống hằng ngày. Nhưng có một điều chắc chắn, Web 3.0 sẽ thay đổi Internet mãi mãi. Chúng ta có quyền mơ về một Internet nơi mà mọi người đều có quyền sở hữu dữ liệu của chính mình, nơi mà danh tính của chúng ta chỉ được tiết lộ khi nào chúng ta mong muốn, nơi mà những tập đoàn khổng lồ như Facebook và Google buộc phải trả tiền cho dữ liệu của chúng ta.