Kinh Nghiệm

Stablecoin là gì? Thuật toán nào đảm bảo cho các Stable coin?

Theo định nghĩa được nhiều người thừa nhận nhất, stablecoin là đồng xu (coin) ổn định (stable). Đây là một loại tiền điện tử mã hóa, được phát triển trên blockchain và có cơ chế để đảm bảo giá trị luôn trong trạng thái ổn định.

Trong đó, tính “ổn định” ở đây được đảm bảo bằng cách neo giá trị vào một tài sản ổn định khác như vàng hoặc tiền pháp định (fiat) – hầu hết là neo theo USD.

stablecoins

Stablecoin là loại tiền điện tử mã hóa đặc biệt, với cơ chế đảm bảo giá trị ổn định

Stablecoin là một loại tiền điện tử mã hóa, do đó nó thừa hưởng đầy đủ các tính chất như tính phi tập trung, bảo mật cao và được bảo trợ, kiểm soát nghiêm ngặt.

Đối với các nhà đầu tư tiền số nhỏ lẻ, họ có thể giao dịch chuyển tài khoản sang stablecoin để tránh các đợt biến động mạnh của thị trường tiền điện tử mà không cần chuyển sang fiat. Hay nói cách khác, stablecoin đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn ngay khi thị trường đang manh nha hoặc đã xuất hiện những biến động nhất định.

Đối với các doanh nghiệp, stablecoin có thể xem là một phương thức thanh toán thay thế cho các phương thức truyền thống – khi các đồng tiền điện tử mã hóa thông thường, có tính phi tập trung, nhưng lại biến động rất nhanh, rất mạnh và khó lường.

Hiện tại, có thể chia các stablecoin ra làm ba loại chính: stablecoin được đảm bảo bởi tiền pháp định (fiat), stablecoin được đảm bảo bởi tiền điện tử mã hóa (crypto) và stablecoin “thuật toán”.

Các stablecoin được đảm bảo bởi tiền fiat

Về stablecoin đảm bảo bằng tiền fiat, chúng sẽ được bảo chứng bằng cách dự trữ một loại tiền pháp định theo tỉ lệ 1:1. Hay nói cách khác, mỗi đồng stablecoin được phát hành thêm phải có một đồng fiat tương ứng được bảo chứng ở ngoài đời thực. Gương mặt tiêu biểu cho loại stablecoin này có thể kể đến như BUSD (Binance USD) hay USDC (USD Coin – phát hành bởi Coinbase)

Stablecoin là gì

Báo cáo của PAXOS cho thấy cứ mỗi 1 BUSD sẽ có 1 USD ngoài đời thực để bảo chứng

Về cơ chế cân bằng giá, giả sử như một đồng A (được neo với đồng USD) đang có giá vượt 1 USD, các nhà kinh doanh “ăn” chênh lệch giá sẽ chuyển USD thành đồng A để bán nó với giá cao hơn thị trường, từ đó làm tăng nguồn cung của đồng A để bán, đồng thời kéo giá của đồng A xuống lại mức cân bằng. Tương tự, nếu giá trị đồng A hạ xuống dưới mức 1 USD, các nhà giao dịch mua đồng A và chuyển đổi sang USD, kéo theo cầu tăng và nâng giá của đồng A lên lại mức được neo.

Các stablecoin được đảm bảo bởi crypto

Kiểu stablecoin này khá tương đồng với stablecoin được đảm bảo bởi tiền fiat, nhưng thay vì sử dụng tiền pháp định (fiat) thì sẽ dùng một đơn vị tiền điện tử mã hóa (crypto) để bảo chứng, hay nói cách khác thì đây là hình thức đảm bảo bằng một tài sản thế chấp. Do đó, thông thường thì các stablecoin thuộc loại này sẽ được thế chấp vượt mức (thường là 1,5 lần) để giữ tỉ giá ổn định trong những thời điểm thị trường tiền điện tử mã hóa biến động.

Các stablecoin được đảm bảo bởi crypto sử dụng các hợp đồng thông minh để quản lý việc đúc, đốt tiền, từ đó tạo niềm tin vì người đầu tư có thể kiểm tra các hợp đồng một cách độc lập.

Những gương mặt điển hình cho loại stablecoin này có thể kể đến như USDT (Tether USD)…

Ví dụ: để đúc 100 USD của đồng B được neo giá với USD, người đầu tư cần phải thế chấp tài sản tiền điện tử mã hóa tương đương 150 USD. Sau khi có được 100 đồng B, người đó có thể sử dụng tùy ý (đầu tư, chuyển, giữ…) và để lấy lại tài sản thế chấp thì phải hoàn trả 100 đồng B. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản thế chấp đã bị tụt giảm giá trị xuống dưới một tỉ lệ đã được quy định, nó sẽ bị thanh lý để tránh thất thoát tài sản.

Về cơ chế cân bằng, khi stablecoin có giá dưới mức được niêm yết, các holders (người nắm giữ token) sẽ được khuyên trả stablecoin để lấy lại tài sản thế chấp, từ đó làm giảm nguồn cung và “ép” giá của nó phải tăng lên lại tỉ giá niêm yết. Tương tự, khi giá của stablecoin vượt mức niêm yết, người dùng sẽ được khuyến khích tạo token, tăng nguồn cung và từ đó giá token sẽ giảm để về lại mức cân bằng.

Các stablecoin “thuật toán”

Với stablecoin “thuật toán”, chúng tiếp cận theo một cách hoàn toàn khác khi loại bỏ nhu cầu dự trữ. Thay vào đó, các thuật toán và hợp đồng thông minh sẽ được dùng vào việc quản lý nguồn cung token được phát hành, tương tự như chính sách quản lý tiền tệ của các ngân hàng trung ương (central banks).

Để hiểu đơn giản, hệ thống stablecoin thuật toán sẽ “ép” giảm nguồn cung token nếu giá giảm xuống dưới giá loại tiền pháp định mà nó được neo, bằng cách stake (giữ và khóa), burn (đốt) hoặc mua lại. Trong trường hợp giá trị vượt quá đơn vị fiat được neo, token mới sẽ được phát hành, lưu thông để kéo giá trị của nó về lại mức đã định.

Mặc dù ý tưởng về stablecoin thuật toán khá là thú vị, đây là loại stablecoin vấp phải nhiều chỉ trích và hoài nghi, đặc biệt là sau thảm kịch Terra vừa diễn ra trong nửa đầu tháng 5.2022.