Cùng với sự xâm nhập thị trường quần áo may sẵn của các hãng thời trang tên tuổi trên thế giới như: Giorgio Armani, CK, Pierre Cardin, Chanel, D&G, Christian Dior, Louis Vuitton, Levis… Một loạt các thương hiệu Việt như PT 2000, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Ninomaxx… hay mới hơn là Eva de Eva, Nem… tuy vẫn còn non trẻ nhưng rõ ràng đang khẳng định được vị trí của mình trên thị trường.
Phần lớn các thương hiệu quần áo may sẵn của VN mới chỉ xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, rõ ràng nếu xét về bề dày hàng trăm năm của các hãng thời trang thế giới sẽ không có “cửa” để cạnh tranh. Nhưng, bằng những bước đi chắc chắn, dường như cuộc trường chinh của các thương hiệu Việt đang đi đúng hướng.
Nhắm phân khúc trẻ
Nếu chỉ so sánh ở ngay thị trường nội địa, một trong những điểm mạnh của các thương hiệu thời trang Việt so với các “đại gia” thời trang thế giới là tầm ảnh hưởng của họ lan rộng hơn và được đón nhận ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, mẫu mã và chủng loại đa dạng với nhóm khách hàng chính là giới trẻ các hãng thời trang này đang có một vị thế riêng trên thị trường nội địa.
Đơn cử như thương hiệu Canifa, tuy tuổi đời mới chỉ hơn chục năm nhưng rõ ràng thương hiệu này đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường thời trang len, sợi. Điểm mạnh của Canifa là giá cả hợp lý, nhưng chất lượng khá tốt và có nhiều mẫu mã để người tiêu dùng lựa chọn.
Các thương hiệu thời trang Việt vẫn đang phải tự mình dò dẫm bước đi cho sự tồn tại của chính mình.
Hay như thương hiệu PT2000 có thể coi là thương hiệu thời trang được giới trẻ VN nhắc đến nhiều nhất bởi PT 2000 có phong cách thời trang khá riêng, nhiều mẫu mã “độc”. Các sản phẩm chủ lực của thương hiệu PT 2000 là áo thun, những giản phẩm với chất liệu Jean, áo sơ mi, dây nịt, giày… tất cả đều hướng tới sự năng động, hiện đại và mạnh mẽ. Và quan trọng là giá cả rất phù hợp với lứa tuổi 20+ nên PT 2000 đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ kể từ khi ra đời vào năm 2000.
Một thương hiệu khác nhắm vào giới trẻ là hãng thời trang Ninomaxx, một hãng thời trang ra đời vào những năm 90. Ban đầu chỉ với 20 công nhân và 12 chiếc máy khâu. Nhưng đến nay, cái tên Ninomaxx đang là thương hiệu của những bộ trang phục năng động và cá tính, cho dù hệ thống cửa hàng của Ninomaxx hiện đã giảm nhiều so với thời kỳ đỉnh cao.
Và cao cấp..
Khác với phân khúc trên, nhiều thương hiệu quần áo may sẵn của VN gần đây cũng đã khẳng định dấu ấn trong cuộc trường chinh của mình bằng dòng thời trang cao cấp.
Cty CP Thời trang Nem là một ví dụ. Được thành lập năm 2002, từ một cửa hàng bán lẻ trên phố Hàng Lược – Hà Nội, đến thời điểm năm 2007 – 2008, Nem cùng với Slogan “Vẻ đẹp quyến rũ thời trang Pháp” đã khẳng định thương hiệu thời trang cao cấp dành cho nữ giới (dù thương hiệu này có tất cả sản phầm dành cho cả nam và nữ).
Tương tự là Eva de Eva – từ một cửa hàng khiêm tốn trên phố Tràng Tiền mở cửa từ năm 2007 đã trở thành một nhãn hiệu thời trang của Việt Nam với phong cách lãng mạn, sang trọng, đậm chất Pháp.
Ngày 9/5 vừa qua, Eva de Eva tiếp tục khai trương đại lý thứ 50 trên toàn quốc tại TP Bắc Giang.
Đã nói tới Nem, Eva de Eva thì cũng không thể không nói đến thương hiệu Elise của Cty Cổ phần Thời trang Elise với thành công các dòng sản phẩm như: Thời trang công sở, dạo phố, dòng basic, dòng giới hạn limited, và phụ kiện thời trang đi kèm. Năm 2014, nắm bắt xu thế phát triển của thị trường, Elise tiếp tục cho ra mắt dòng sản phẩm Elise Kids dành cho trẻ em, tiến thêm một bước đên gần hơn mục tiêu đáp ứng mọi nhu cầu thời trang của người tiêu dùng Việt Nam…
Nhưng vẫn phải núp bóng “Tây”
Điều dễ nhận thấy, ở các hãng thời trang Việt còn non trẻ này, điểm chung là họ biết khai thác ngách riêng mà các hãng thời trang nước ngoài ít để ý hoặc không khai thác. Đó là dòng sản phẩm phù hợp văn hóa thời trang Á Đông, cao cấp nhưng không quá đắt tiền. Tuy nhiên, nếu để ý, rất dễ để nhận ra cho dù quy mô ra sao thì các hãng thời trang Việt đều phải lấy một cái tên “Tây” để phát triển thương hiệu.
Vậy tại sao là một hãng thời trang thuần Việt, họ không lấy một cái tên Việt cho dễ nhớ, dể hiểu?
Đem câu hỏi này tới ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT TCty may Hưng Yên, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may ông cho rằng, thời trang là do thị trường mà cụ thể là người tiêu dùng quyết định chứ không phải là ý thức của người làm thời trang. Hiện nay, có một số tên tuổi của làng thời trang VN, cho dù các hãng thời trang VN có thành lập các phòng chuyên thiết kế thời trang, thậm chí có doanh thu hàng trăm tỉ đồng nhưng thực tế tên tuổi, phong cách thời trang… vẫn không hẳn là thuần Việt, bởi một lẽ nếu các hãng này ghi hẳn tên Việt sẽ rất khó bán hàng.
An Phước được xem là DN tiên phong trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu với thương vụ lừng danh với Pierre Cardin vào năm 1997. Khi mới xuất hiện, Pierre Cardin của An Phước đã gần như nổi bật giữa các mặt hàng may mặc của Việt Nam và không thua kém các nhãn hàng hiệu nước ngoài.
Cũng chọn cách nhận nhượng quyền, năm 2007, “đầu tàu” của ngành dệt may là TCty May Việt Tiến đã nhận nhượng quyền hai thương hiệu thời trang mang phong cách Ý với giá 36.000 USD/năm là San Sciaro (Tập đoàn Perry Ellis International) và Manhattan (Tập đoàn Perry Ellis International Europe – Mỹ); Còn May Nhà Bè cũng nhận nhượng quyền hàng loạt thương hiệu thời trang có tiếng, như Osca dela, Renta, Aoyama, Ann Taylor, Calvin Klein…)…
Cty CP Thời trang Kowil Việt Nam (thuộc tập đoàn Phú Thái) thì chọn một cách khác, không nhận nhượng quyền mà “Tây” hóa tên gọi các dòng sản phẩm thời trang với các thương hiệu tên tuổi trong nước và quốc tế như Winny, Owen, Wonnerful, Fila, Dunlop…
Ngay bản thân TCty may Hưng Yên, mặc dù sản phẩm và mẫu mã là của may Hưng Yên, nhưng khi XK sang các thị trường nước ngoài, may Hưng Yên vẫn phải nhượng quyền thương hiệu, lấy tên tuổi nước ngoài…
Nói như thể để thấy rằng VN vẫn chưa có được một ngành công nghiệp thời trang VN thực sự phát triển độc lập và chuyên nghiệp. Ngay cả như tập đoàn Dệt may VN, lẽ ra là đơn vị đi đầu của ngành dệt may, Vinatex phải có một trung tâm thời trang hay một Viện mẫu mang tầm cỡ khu vực nhưng hiện cũng chưa hình thành. Mặc dù Viện mẫu thời trang FADIN là một thành viên của Vinatex nhưng thực ra cũng không đóng góp được nhiều cho lĩnh vực thời trang.
Trong lúc chờ đợi, các thương hiệu Việt vẫn đang phải tự mình dò dẫm bước đi cho sự tồn tại của chính mình. Cũng không thể trách họ trong việc lấy tên tuổi nước ngoài để phát triển bởi đó là tiếng gọi của thị trường. Chỉ biết rằng, với những gì đã và đang làm, cùng với tầm nhìn như: “Trở thành Cty thời trang hàng đầu Việt nam về xu hướng, thương hiệu và doanh thu. Đến năm 2020 có mặt trên toàn thế giới” như Elise hay khẳng định chỗ đứng trên thị trường thời trang công sở nữ Việt Nam của Eva de eva… cũng đủ để thấy nỗ lực của các thương hiệu Việt trong cuộc trường chinh không ít cam go.
Q.Anh – V.Chung Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp