Nến Nhật (candlestick) là một loại biểu đồ giá được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là chứng khoán.
Mẫu hình này được phát minh bởi một thương nhân người Nhật có tên là Munehisa Homma vào thế kỷ 18, với mục đích ban đầu là để ghi chép diễn biến giá gạo. Do có tính ứng dụng cao trong việc phân tích, nến Nhật nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới thương nhân và “du nhập” khắp thế giới. Ngày nay, nến Nhật được biết đến và sử dụng bởi gần như tất cả những người tham gia thị trường tài chính.
Một biểu đồ nến được cấu tạo bởi hàng nghìn cây nến Nhật khác nhau. Mỗi cây nến Nhật sẽ có 2 phần là thân nến và bóng nến.
– Thân nến cho biết mức giá đóng (close) và giá mở cửa (open) trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, trên biểu đồ 15 phút, mỗi cây nến Nhật sẽ được hình thành dựa theo diễn biến giá trong mỗi 15 phút. Tương tự, trên biểu đồ ngày của chứng khoán, mỗi cây nến Nhật sẽ được hình thành dựa theo diễn biến giá trong một phiên giao dịch.
– Bóng nến cho biết mức cao nhất (highest) và thấp nhất (lowest) của giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Nến Nhật được chia làm 2 loại là nến tăng và nến giảm, và thông qua màu sắc, bạn sẽ biết được một cây nến thuộc loại nào.
– Nến tăng, thường sử dụng màu xanh dương, có đặc điểm là giá mở cửa bao giờ cũng thấp hơn giá đóng cửa.
– Nến giảm, thường là màu đỏ, có đặc điểm là giá mở cửa luôn cao hơn giá đóng cửa.
So với một biểu đồ dạng đường (line), biểu đồ nến Nhật cung cấp nhiều thông tin về diễn biến giá hơn rất nhiều.
Ví dụ, khi nhìn vào một cây nến tăng có thân dài, không có bóng, điều đó có nghĩa cổ phiếu đã tăng liên tục trong cả phiên và chốt phiên ở mức cao nhất. Đây là một manh mối quan trọng trong việc phân tích, vì cây nến chỉ ra rằng sức cầu với cổ phiếu rất mạnh.
Tương tự, các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, và thấp nhất của một cây nến cũng giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá hướng đi của thị trường, đặc biệt là tín hiệu đảo chiều. Giả sử, trong một xu hướng tăng, đồ thị xuất hiện một cây nến xanh nhưng thân ngắn nằm nửa dưới cây nến, bóng trên dài thì đó là một tín hiệu cho thấy bên mua chiếm ưu thế lúc ban đầu, nhưng sau đó đã bị bên bán áp đảo.
Ngoài ra, không phải lúc nào cây nến cũng có mô hình cân xứng. Có nhiều mô hình nến đặc biệt như không có thân, hoặc thân nến nằm hoàn toàn phía trên… Các mô hình này được gọi bằng các tên khác nhau, như mô hình cây búa (Hammer), búa ngược (Inverted Hammer), mô hình người treo cổ (Hanging man), sao băng (Shooting star)…
Ngoài việc sử dụng đơn lẻ, các cây nến có thể hợp thành các bộ chỉ báo khác nhau, như ba con quạ đen (Three black crows), mây đen che phủ (Dark cloud cover)… Dựa trên các chỉ báo này, nhà đầu tư có thể phán đoán về xu hướng của giá cổ phiếu.
Như trường hợp “Three black crows”, mô hình này thường xuất hiện trong một xu hướng tăng hoặc sóng hồi trong xu hướng giảm, cấu trúc gồm ba cây nến đỏ, có thân dài, bóng ngắn, giá mở cửa của nến sau nằm trên hoặc ngang bằng với giá đóng cửa của nến trước.
Xét về yếu tố tâm lý thị trường, mẫu hình này cho thấy bên mua đã dần yếu sức trong khi bên bán lấy lại ưu thế. Chuyển động đi xuống liên tục trong 3 phiên liên tiếp trở thành tín hiệu đảo chiều xu hướng từ tăng sang giảm.
Với trường hợp “Dark cloud cover”, mẫu hình nến đảo chiều này là sự xuất hiện một cây nến đỏ, mở cửa phía trên mức đóng cửa của cây nến tăng trước đó, đồng thời giá đóng cửa bên dưới điểm chính giữa của cây nến tăng. Nói cách khác, thị trường đã mở cửa ở trạng thái tích cực nhưng bị áp lực bán ép xuống dưới mức trung bình của phiên hôm trước. Mẫu hình này thể hiện sự thay đổi trong xu hướng, hàm ý về tín hiệu đảo chiều khi bên bán lấy lại ưu thế.
Trong thực tế, nhà đầu tư thường quan sát diễn biến phiên giao dịch tiếp theo để khẳng định lại điều này, nếu đồ thị xuất hiện tiếp một cây nến đỏ với giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa phiên liền trước.