Multi coin là gì

Multicoin Capital đã đầu tư vào rất nhiều dự án thành công từ khi được thành lập vào tháng 5/2017 cho tới hiện tại. Sự hỗ trợ nhiệt tình của họ dành cho các dự án không chỉ về mặt tài chính mà cả về mặt phát triển sản phẩm, tìm kiếm người dùng giúp dự án,… đã tạo nên sự thành công của nhiều dự án cho tới hiện tại, đặc biệt là các dự án Layer 1.

Vậy quỹ đầu tư Multicoin Capital là quỹ đầu tư nào? Portfolio của Multicoin Capital gồm những dự án nào? Phong cách đầu tư của Multicoin Capital ra sao? Cùng mình tìm hiểu tất tần tật về Multicoin Capital thông qua bài viết sau.

Giới thiệu quỹ đầu tư Multicoin Capital

Multicoin Capital là một quỹ đầu tư dựa trên các “investment thesis” chuyên đầu tư vào thị trường crypto qua hình thức đầu tư token dự án và cổ phần các công ty blockchain. Họ là quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital), được thành lập vào tháng 5 năm 2017.

Multicoin Capital đã phát triển danh tiếng là quỹ đầu tư với tư tưởng độc lập, họ được biết đến với việc tiên phong tạo ra các “economy model” cho các dự án crypto, tạo ra các phương pháp định giá mới và thay đổi cả các giả định lâu đời mà hệ sinh thái crypto hay thị trường tài chính truyền thống coi là đương nhiên. Có thể nói, Multicoin Capital hướng tới việc đầu tư thực thụ – giúp đỡ dự án họ đầu tư, cùng đội ngũ dự án cải tiến, tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của thị trường.

Multicoin Capital đầu tư vào mọi layer trong crypto, từ các lớp cơ sở hạ tầng đến các lớp ứng dụng bề nổi, cho tới các ứng dụng xen giữa hai layer trên, và cả các ứng dụng được xây dựng trên lớp ứng dụng.

Trong một podcast Kyle Samani trả lời phỏng vấn của Su Zhu và Hasu mang tên “Umcommon Core” mang tên “Intro to Solana”, Kyle có nói rằng, quỹ đầu tư Multicoin Capital xác định đầu tư mạo hiểm vào các dự án với khoảng thời gian nắm giữ là từ 5-10 năm, sẵn sàng đối mặt với các mối nguy như các rủi ro về mặt kĩ thuật, sản phẩm, về thị trường chưa sẵn sàng cho sản phẩm, về mặt đội ngũ xây dựng,… nhưng chỉ cảm thấy do dự khi 2-3 yếu tố trên xếp chồng lên nhau, bởi quản lí và đánh giá một rủi ro dễ dàng hơn nhiều so với việc nhiều yếu tố tích lũy lại.

Từ đó, anh em có thể hiểu được cách quỹ Multicoin tìm hiểu, đánh giá rủi ro và đầu tư dài hạn.

Đội ngũ Multicoin Capital

Kyle Samani – Co-founder/ Managing Partner

Kyle Samani là đồng sáng lập và là đối tác quản lý tại Multicoin Capital. Kyle Samani bắt đầu lập trình khi tôi 10 tuổi, hoàn toàn bị cuốn hút bởi phần mềm. Ông học Tài chính và Quản lý của NYU Stern. Với tư cách là đối tác quản lý tại Multicoin, Kyle Samani làm việc chặt chẽ với danh mục đầu tư của quỹ, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu và thiết kế các chiến lược đầu tư.

Kyle Samani nói rằng siêu năng lực của ông là khả năng tiêu thụ và tổng hợp một lượng lớn thông tin phức tạp, đồng thời chắt lọc các thông tin cốt lõi để có thể giải thích dễ hiểu.

Trước khi thành lập Multicoin, ông đã đồng sáng lập Pristine, một công ty startups kính thông minh. Công ty này đã có hàng triệu đô doanh thu và huy động được hơn 5 triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm trước khi được Upskill mua lại vào tháng 5/2017.

Tushar Jain – Co-founder/ Managing Partner

Tushar lãnh đạo việc xây dựng danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và quản lý nhóm của Multicoin Capital. Anh đam mê mô hình kinh tế mới được hình thành bởi công nghệ blockchain và tập trung vào các sản phẩm tài chính phi tập trung.

Tushar trước đây đã thành lập ePworthyFinder, một công ty khởi nghiệp công nghệ thông tin y tế đã huy động được hơn 10 triệu đô la từ các quỹ, và được mua lại bởi Elligo Health Research. Tushar có bằng Tài chính và Khoa học Chính trị của NYU.

Trên các tweet của mình, Tushar thể hiện rõ trường phái bản thân ở việc ủng hộ các layer 1 mới phát triển, thay vì ủng hộ Bitcoin và Ethereum. Điều này cũng có thể nhận thấy trong trường phái đầu tư của quỹ.

Nhận xét

Anh em có thể thấy, nếu đúng như những gì được khẳng định, Multicoin Capital có hai co-founder tương đối dày dặn kinh nghiệm trong thị trường startups và đầu tư mạo hiểm.

Cả hai đều học khoa tài chính ra, có nhiều kinh nghiệp làm founder dự án trước khi cùng nhau thành lập Multicoin Capital. Bởi vậy, họ rất hiểu vấn đề các startups, hiểu vấn đề trong giai đoạn phát triển sản phẩm của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp khác nhau để giúp các dự án giải quyết vấn đề. Điều này càng được khẳng định rõ ràng nếu anh em thăm trang blog của Kyle Samani (www.kylesamani.me), Multicoin Capital (multicoin.capital/blog/category/blog) và đọc các bài viết do hai founder này viết.

Từ đó, anh em có thể thấy các dự án được Multicoin Capital đầu tư có thể nhận được hỗ trợ nhiều đến thế nào từ đội ngũ quỹ đầu tư này.

Triết lý đầu tư của Multicoin Capital

Trong một tập podcast với Su Zhu và Hasu trên Uncommon Core, Kyle đã chia sẻ về triết lý đầu tư của anh cũng như của Multicoin Capital: “Multicoin Capital đầu tư vào tất cả các layer trong crypto, từ cơ sở hạ tầng, blockchain nền tảng, đến các ứng dụng bên trên các blockchain này hay cả các lớp ứng dụng ở giữa.”

Họ thoải mái với tất cả các hình thức rủi ro dưới tư cách là quỹ đầu tư mạo hiểm như rủi ro kỹ thuật, rủi ro sản phẩm, rủi ro thị trường chưa sẵn sàng với sản phẩm. Nhìn chung, họ thường đánh giá từng rủi ro riêng lẻ, nhưng sẽ tương đối phân vân khi có hai hoặc ba rủi ro trong số trên cộng dồn lên nhau.

Nhưng họ cũng nói, trên thực tế, những dự án mang lại lợi nhuận tốt nhất là những dự án cộng dồn những rủi ro đó. Tuy nhiên, Kyle cũng nói quỹ sẽ cố gắng không kết hợp quá nhiều hình thức rủi ro khác nhau. Ông lấy ví dụ như vào năm 2018, khi ông mới được đội ngũ Mina giới thiệu công nghệ ZK-Rollups, ông vô cùng phân vân liệu thị trường đã sẵn sàng đón nhận sản phẩm này chưa, bởi cá nhân công ty trước đây của ông đã mang tới những sản phẩm tốt nhưng thị trường chưa đủ sẵn sàng để đón nhận nó.

Nhưng khi thấy tất cả các yếu tố khác như đội ngũ, kỹ thuật,… đều thấp (do đội ngũ dự án vô tập hợp nhiều kĩ sư giỏi), ông vẫn quyết định đầu tư và chấp nhận rủi ro “timing market” này.

Tổng quan về danh mục đầu tư của Multicoin Capital

Anh em có thể xem qua portfolio của Multicoin Capital qua hình bên dưới. Tiếp theo, chúng ta sẽ điểm qua một vài dự án nổi bật của từng Sector. Phần lớn các dự án được nhắc đến dưới đây đều đã có bài viết cung cấp thông tin trên Coin98 Insights, anh em quan tâm đến dự án nào thì có thể search tên dự án để tìm hiểu thêm nhé!

Dự án Layer 1 & Layer 2

Các dự án Layer 1 và Layer 2 được Multicoin Capital đầu tư (ngoài Bitcoin và Ethereum):

  • Algorand: Hiện chưa rõ Algorand được Multicoin đầu tư khi nào, trong thương vụ nào cùng những ai tham gia.
  • Near: Tháng 7/2019, Near Protocol gọi vốn 12 triệu đô, dẫn đầu bởi Metastable và Accomplice, với sự tham gia của Electric Capital, Pantera Capital, Amplify Partners, Multicoin Capital, ACapital, Coinbase Ventures, IDEO Colab Ventures, Scalar Capital và Ripple’s Xpring. Không rõ chính xác giá mua NEAR của các nhà đầu tư trong round này nhưng khoảng giá họ đầu tư là từ 0.1 – 0.2 đô.
  • Solana: Multicoin hỗ trợ Solana và đầu tư vào nền tảng này từ những ngày đầu, và không chỉ đầu tư trong một round duy nhất.
    • 20 million Series A đã được Multicoin dẫn đầu vào tháng 7/2019, với sự tham gia của Distributed Global, Blocktower Capital, Foundation Capital, Blockchange VC, Slow Ventures, NEO Global Capital, Passport Capital and Rockaway Ventures. Đây là round đầu tư giá bán SOL ở khoảng 0.2 – 0.25 đô.
    • Tiếp theo, Solana Labs đã hoàn thành gọi vốn 314.15 triệu đô trong private sale vào tháng 6/2021, được đi đầu bởi Andreessen Horowitz và Polychain Capital, trong đó có sự tham gia của Alameda Research, CMS Holdings, CoinShares, Jump Trading, Multicoin Capital, Sino Global Capital. Giá bán token không được tiết lộ.
    • Multicoin được gọi là “a day-one supporter of Solana” – nghĩa là người hỗ trợ Solana từ những ngày đầu. Tuy nhiên, không tìm thấy thông tin về việc họ đầu tư vào seed round dự án Solana.
  • Dfinity: Tháng 8/2018, Andreessen Horowitz và Polychain Capital đi đầu khoản đầu tư 102 triệu đô đầu tư vào Dfinity, với sự tham gia của SV Angel, Aspect Ventures, Village Global, Multicoin Capital, Scalar Capital, and Amino Capital, KR1.
  • Thorchain: Mình chỉ tìm được thông tin về việc Multicoin đã đầu tư nhiều vào token nền tảng Thorchain – RUNE. Nhưng không rõ họ đầu tư vào mức giá nào, thời gian nào trong quá khứ. Chỉ biết rằng Kyle Samani nói rằng đây là một trong các khoản đầu tư lớn của quỹ.
  • Mina: Mình chỉ tìm được thông tin Mina đã nhận đầu tư của nhiều quỹ bao gồm Multicoin Capital, và không rõ họ đầu tư vào Mina ở vòng nào, thời gian nào. Mina có nhiều vòng gọi vốn trong quá khứ, bao gồm seed round 15 triệu đô vào tháng 4/2019, 10.9 triệu đô vào strategic round tháng 10/2020, và funding round vào tháng 4/2021.
  • Nervos: Tháng 7/2018, Nervos Network đã gọi vốn thành công 28 triệu đô từ nhiều quỹ bao gồm Polychain Capital, Sequoia China, Wanxiang Blockchain, FBG Capital, Blockchain Capital, Dekrypt Capital, Multicoin Capital, 1confirmation, Matrix Partners China, và 1kx.
  • Tari: Dự án layer 1 được Multicoin, Polychain, Redpoint và nhiều quỹ đầu tư khác đầu tư trong tháng 2/2018, chưa rõ số tiền đầu tư, tập trung vào NFT và Collectibles.
  • Kadena: Dự án được Multicoin đầu tư từ seed round vào năm 2018. Họ tham gia vòng đầu tư 2.25 triệu đô cùng nhiều quỹ như Metastable, Kilowatt Capital, Coinfund.
  • LayerZero: Tháng 9/2021, LayerZero – một dự án làm về nền tảng blockchain để liên kết các blockchain khác – đã gọi vốn thành công 6.3 triệu đô series A từ Multicoin Capital và Binance Labs. Dự án chưa launch, và đã gọi vốn thành công 2 triệu đô seed round từ ​​Sino Global Capital, Defiance, Delphi Digital, Robot Ventures, Spartan, Hypersphere Ventures, Protocol Ventures, Gen Block Capital.
  • StarkWare: Tháng 10/2018, StarkWare được đầu tư 30 triệu đô bởi nhiều quỹ đầu tư trong Series A, trong đó Multicoin Capital dẫn đầu và có sự tham gia của Paradigm, Sequoia, Intel Capital, DCVC, Wing, Consensys, Atomico, Coinbase Ventures, Collaborative Fund, Scalar Capital, Semantic Ventures, Pantera, và Floodgate. Đây cũng là một dự án được Multicoin đầu tư vì sự tin tưởng của họ vào công nghệ ZK.

Nhận xét: Multicoin đầu tư rất nhiều và rất sớm vào các dự án Layer 1, và phần lớn trong số đó đang mang lại lợi nhuận cao chót vót cho Multicoin Capital, điển hình là Solana.

Họ đầu tư từ seed round của các dự án Layer 1 này, và đầu tư vào nhiều layer 1 khác nhau, có lẽ bởi họ tin rằng đây là mảng cần sự tăng trưởng trước hết tất cả các mảng khác trên con đường crypto tới mass-adoption. ROI trên các dự án trên cho thấy họ đang vô cùng thành công trong việc đầu tư các dự án layer 1, với ROI trên các dự án Layer 1 cao hơn các quỹ khác rất nhiều.

Founder Kyle Samani cũng nói trên một podcast trên Uncommon Core rằng, khi đầu tư vào các dự án Layer 1, anh luôn xem xét và đầu tư vào các Layer 1 có đột phá lớn, và đánh cược rằng thị trường sắp tới sẽ sẵn sàng cho sự hoạt động của Layer 1 này. Đó là cách anh cùng Multicoin đánh cược vào các nền tảng đang thành công như Solana, Mina, hay các nền tảng mới đây như LayerZero.

Dự án về sàn giao dịch DEX và CEX

Các dự án về sàn giao dịch được Multicoin Capital đầu tư bao gồm (bao gồm DEX, CEX):

  • Saber: Đây là một sàn giao dịch stablecoin thuộc hệ sinh thái Solana, dự án đã gọi được 7,7M$ vào tháng 7/2021 trong vòng seed round được dẫn đầu bởi Race Capital, theo sau là các quỹ như Multicoin Capital, Social Capital, Jump Capital,…
  • FTX – Series B: Vòng gọi vốn Series B của FTX vào tháng 7/2021 được coi là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất lịch sử crypto với tổng giá trị gọi vốn lên đến 900$M với sự góp mặt của Multicoin Capital, Coinbase Venture, Paradigm và gần 60 quỹ lớn nhỏ khác.
  • OpenOcean: Dự án được rót vốn $2M từ tháng 3/2021 bởi các quỹ như Multicoin Capital, LD Capital, CMS, Kenetic, dẫn đầu bởi Binance. Đây là một ứng dụng DEX và CEX để cung cấp tỉ lệ swap tốt nhất cho người dùng.

Nhận xét: Multicoin Capital đầu tư tương đối ít thương vụ vào các sàn DEX và CEX. Chỉ với vỏn vẹn 2 thương vụ và một thương vụ aggregator được ghi lại vào năm 2021, mảng này ít được Multicoin chú ý. Tuy nhiên trong ba thương vụ thì cả ba thương vụ đều có ít nhiều thuộc hệ sinh thái Solana, chứng tỏ sự quan tâm lớn của quỹ đối với hệ sinh thái này.

Dự án về Derivatives

Các dự án về sàn giao dịch phái sinh được Multicoin Capital đầu tư bao gồm:

  • Perpetual Protocol – Seed: Perpetual Protocol là một giao thức cho phép phát hành các hợp đồng tương lai không kỳ hạn của mọi tài sản. Dự án đã gọi được 1.5M$ trong vòng strategic round vào tháng 8/2020 được dẫn đầu bởi Multicoin Capital, cùng với sự tham gia của các quỹ khác như Zee Prime Capital, Three Arrows Capital, CMS Holdings, LLC….
  • Drift Protocol – Seed: Đây là một sàn giao dịch hợp đồng tương lai phi tập trung on-chain dựa trên cơ chế Dynamic AMM hoạt động trên Solana. Drift Protocol đã kêu gọi được 3.8M$ trong seed round từ tháng 10/2021, được dẫn đầu bởi Multicoin Capital. Alameda Research, Jump Capital, LedgerPrime, Not3Lau Capital,… và nhiều quỹ khác cũng góp mặt trong vòng gọi vốn này
  • Strips Finance: Đây là một nền tảng giao dịch phái sinh sử dụng lãi suất phi tập trung hoạt động trên Arbitrum. Vào tháng 10/2021, dự án đã kêu gọi được $8.5M, dẫn đầu vòng gọi vốn là Multicoin Capital với sự góp mặt của các quỹ khác như DeFiance Capital, Fabric Ventures và Morningstar Capital.
  • MCDEX: Một sàn giao dịch phái sinh phi tập trung, với sản phẩm phái sinh là Perpetual contract. Dự án đã kêu gọi được $7M trong vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 5/2021, với sự góp mặt của Multicoin, Fenbushi Capital, Defiance, Incuba Alpha, D1 Ventures, và nhiều cái tên khác nữa
  • Qilin Protocol: Đây cũng là một dự án làm về mảng phái sinh trên Ethereum, đã nhận được $800k sau vòng gọi vốn vào tháng 5/2021 bởi các quỹ như Continue Capital, Fundamental Labs, Math Foundation, Multicoin Capital,…

Nhận xét: Multicoin Capital đầu tư vào nhiều ứng dụng derivatives trên nhiều nền tảng khác nhau, từ Ethereum đến Solana, hay Layer 2 Ethereum như Arbitrum. Multicoin cũng đầu tư vào các dự án này ở những giai đoạn tương đối sớm, thường là seed round hoặc strategic round và chủ yếu đầu tư vào khoảng thời gian trong năm 2021.

Trong các khoản đầu tư này, mới chỉ có Perpetual là có sản phẩm đã hoàn chỉnh và có tệp người dùng tương đối ổn định, xếp thứ hai toàn thị trường sau dYdX. Các khoản đầu tư khác trong mảng này vì chưa đầu tư lâu nên chủ yếu các dự án chưa có sản phẩm hoặc mới chỉ launch chưa lâu.

Dự án về Lending/Yield

Các dự án Lending/Yield Farming được Multicoin Capital đầu tư bao gồm:

  • Oxygen: Oxygen là một ứng dụng lending P2P được xây dựng trên Solana và được cung cấp bởi cơ sở hạ tầng của Serum. Dự án đã kêu gọi được $40M trong tháng 2/2021 trong vòng gọi vốn dẫn đầu bởi Alameda Research, cùng với đó là các quỹ như Multicoin Capital, Genesis Capital và CMS.
  • Timeswap – Seed: Một ứng dụng lending sử dụng cơ chế AMM để mang tới sản phẩm lending DeFi không cần Oracle, được Multicoin và DeFiance đầu tư tại seed round dự án vào tháng 12/2021. Hiện chưa rõ số tiền họ đầu tư.
  • Alpha Labs – Strategic: Tháng 10/2020, Spartan Group, Multicoin Capital, và DeFiance Capital tham gia vào vòng đầu tư strategic của dự án. Đây là ứng dụng yield leverage đầu tiên trên thị trường, và đã có sự tăng trưởng x100 giá IDO sau một vài tháng ra mắt. Đây có thể coi là một thương vụ đại thắng dành cho Multicoin trong thời gian ngắn.
  • Saffron Finance – Strategic: Vòng gọi vốn $2M của Safforn diễn ra vào tháng 8/2021, với sự tham gia của Multicoin Capital, Dragonfly Capital, Coinbase Venture,… Đây là một ứng dụng giải quyết vấn đề sự biến động APR trong farming.
  • dForce: Dự án thuộc mảng Lending đã hoàn thành vòng gọi vốn của mình vào tháng 3/2020, kêu gọi được $1.5M với sự góp mặt của các quỹ như Multicoin Capital, Huobi Capital và CMB International.
  • Beta Finance: Một lending protocol nhưng cho phép người dùng có thể short asset của mình. Dự án đã gọi được vốn vào tháng 10/2021 với sự tham gia của các quỹ như DeFiance Capital, Multicoin Capital, GSR, Delphi Digital và được dẫn đầu bởi Sequoia Capital India.
  • Swivel Finance: Dự án này từng được Multicoin dẫn đầu vào trong vòng gọi vốn trị giá $1.15M vào tháng 11/2020, và cũng có sự góp mặt của quỹ này trong vòng tiếp theo trị giá $3.5M trong tháng 10/2021.

Nhận xét: Anh em có thể thấy đa số các dự án về Lending và yield được Multicoin đầu tư chủ yếu vào giai đoạn Seed Round hoặc strategic của dự án – các vòng gọi vốn đầu tiên và tương đối sớm của dự án. Họ đầu tư vào các dự án mới và không đầu tư vào các top lending protocol như Compound, MakerDAO hay Aave như các quỹ đầu tư lớn khác trong thị trường.

Các dự án họ đầu tư đều ít nhiều có các innovation ấn tượng: Alpha Labs khởi đầu leverage farming, Saffron là thế hệ đầu của ứng dụng phân chia rủi ro farming, Beta Finance hay TimeSwap cũng có nhiều sáng tạo mới.

Từ đó, anh em có thể thấy, Multicoin ít đầu tư vào các dự án lớn đã hoạt động ổn định mảng lending, mà tập trung vào các ý tưởng mới nhiều hơn.

Dự án về Stablecoin

Các dự án về Stablecoin được Multicoin Capital đầu tư bao gồm:

  • UXD Protocol: Vào tháng 9/2021, dự án thông báo đã kêu gọi được $3M từ seed round với sự tham gia của Alameda Research, Defiance Capital, CMS Holdings, Solana Foundation, Mercurial Finance,…. và được dẫn đầu bởi Multicoin Capital. Đây là dự án phát hành stablecoin thông qua việc tạo ra các vị thế long-short cùng lúc.

Nhận xét: Multicoin không có nhiều thương vụ đầu tư vào các dự án Stablecoin, chỉ với một thương vụ stablecoin thuật toán trên Solana. Có lẽ đây không phải thế mạnh của họ, anh em hãy cùng theo dõi dự án này để xem performance của họ trong mảng này là như nào nhé!

Dự án về NFT/Metaverse/Gaming

Các dự án NFT/ Metaverse/ Gaming được Multicoin Capital đầu tư bao gồm

  • REALY – Strategic: Multicoin Capital và SNZ Holding đầu tư vào dự án metaverse này trên Solana vào tháng 4/2021.
  • Burnt Finance – Seed: Burnt Finance là một nền tảng đấu giá NFT trên hệ sinh thái Solana. Dự án đã kêu gọi được $3M vào tháng 5/2021 bởi các quỹ lớn như Injective Protocol, Multicoin Capital, Mechanism Capital, Alameda Research.
  • Jenny: Jenny là một DAO về chủ đề NFT và sẽ xây dựng một bộ sưu tập NFT thuộc sở hữu tập thể của UJENNY holders. Dự án đã kêu gọi được $7M trong vòng gọi vốn của mình vào tháng 5/2021 với sự tham gia của Multicoin Capital, Ascensive Assets, Animoca Brands vàMetapurse. Số tiền gọi vốn ở vòng này đã được dùng để hỗ trợ NFT collection của dự án ở nền tảng Unicly – một dự án AMM forked của Sushiswap để trao đổi quyền sở hữu NFT.
  • Community Gaming: Nền tảng guild tổ chức giải đấu e-sport cũng đã kêu gọi $2.3M từ tháng 7/2021. Vòng gọi vốn được dẫn đầu bởi CoinFund, cùng với sự tham gia của Dapper Labs, Animoca Brands, Multicoin Capital, 1kx, Warburg Serres, và Hashed.
  • Project Galaxy – Seed: Project Galaxy cung cấp cơ sở hạ tầng NFT-as-a-service. Dự án cho phép cho phép mọi người sáng tạo, phân phối và game hóa NFT mà không cần sự cho phép với dữ liệu on-chain. Dự án đã gọi được vốn vào tháng 5/2021 với sự góp mặt của Multicoin Capital, Divergence Ventures, Hard Yaka, Blockchain.com Ventures, IOSG, Draper Dragon, Multiplex Ventures, và Fifth Era, tuy nhiên số tiền gọi vốn không được tiết lộ.
  • Hawku: Vào tháng 10/2021, dự án đã hoàn thành vòng gọi vốn trị giá $4M, dẫn đầu bởi Lightspeed Venture Partners, cùng với đó là các quỹ khác như Dragonfly Capital, Multicoin Capital, Alameda Research, Animoca Brands, Solana, … Đây là một marketplace cho game đua ngựa Zed Run.
  • Tibles – Seed: Multicoin, Dapper Labs, CoinFund đã đầu tư vào Tibles 1.14 triệu đô. Đây là dự án trên Flow blockchain, được đầu tư vào tháng 5/2021.
  • Alethea AI: Hồi đầu tháng 8/2021, dự án thông báo đã gọi vốn được $16M với sự góp mặt của các quỹ như Metapurse, Multicoin, Crypto.com Capital, Alameda, …

Nhận xét: Hầu hết các dự án NFT và Metaverse được Multcoin đầu tư đều diễn ra thương vụ từ khoảng tháng 4/2021 trở đi. Hơn nữa, phần nhiều các dự án nằm trên nền tảng Solana chứng tỏ sự hỗ trợ nền tảng này vô cùng nhiều của quỹ Multicoin.

Việc họ đầu tư vào NFT từ thời gian tháng 4/2021 tới nay cho thấy họ mới bắt đầu quan tâm nhiều đến mảng này, sau khi trend game, NFT và Metaverse lên ngôi thu hút dòng tiền đổ vào thị trường. Đây có vẻ đang là mảng Multicoin Capital bet vào nhiều dự án trong thời gian vừa qua, nhưng size đầu tư của các thương vụ thường nhỏ và đầu tư vào các round sớm của dự án (nên số tiền đầu tư cũng không lớn).

Dự án về cơ sở hạ tầng và data

Các dự án được Multicoin Capital đầu trong trong mảng cơ sở hạ tầng và data bao gồm rất nhiều dự án, nhưng mình chỉ gọi tên một số dự án lớn tạo được tiếng vang trong thị trường:

  • Helium: Một mạng lưới không dây peer to peer phi tập trung (Decentralized Wireless Network) được xây dựng trên nền tảng blockchain. Trong vòng gọi vốn round C vào tháng 6/2019, dự án đã kêu gọi được $15M từ các quỹ như Khosla Ventures, GV, FirstMark, Munich Re Ventures, dẫn đầu bởi Union Square Ventures và Multicoin Capital. Sau đó vào tháng 8/2021, họ tiếp tục gọi vốn thành công cho Series D trị giá 111 triệu đô cho dự án.
  • The Graph – Strategic: The Graph là một giao thức cho phép lập chỉ mục (index) và truy vấn dữ liệu từ Blockchain. Vào tháng 1/2019, Multicoin Capital đã dẫn đầu trong seed round của dự án này và gọi vốn được 2.5 triệu đô. Trong vòng gọi vốn tiếp theo với giá trị 5 triệu đô vào 7/2020, quỹ này lại tiếp tục có tên trong danh sách những nhà đầu tư, cùng với đó là Framework, ParaFi Capital, Coinbase Ventures,…
  • Arweave: Dự án làm về lưu trữ dữ liệu Blockchain dựa trên thuật toán đồng thuận thế hệ mới Proof of Access. Dự án đã gọi được $5M từ tháng 11/2019 với từ các nhà đầu tư như Multicoin Capital, Union Square Ventures,… và dẫn đầu bởi a16z.
  • Eden: Dự án đã kêu gọi được khoản đầu tư trị giá $17.4M vào tháng 9/2021, vòng gọi vốn được dẫn đầu bởi Multicoin Capital, cùng với một số các quỹ khác như Electric Capital, CMS Holdings, Divergence Ventures,…
  • Dune Analytics: Một dự án cho phép chiết xuất dữ liệu, query, thể hiện, cung cấp một lượng lớn thông tin trên Ethereum. Dự án đã kêu gọi vốn một lần vào tháng 9/2020 và được rót vốn 2 triệu đô, cộng thêm một lần gọi vốn trị giá 8 triệu đô vào 8/2021, cả hai lần đều có sự có mặt của Multicoin Capital.
  • Và rất nhiều dự án khác…

Nhận xét: Anh em có thể thấy rằng, Multicoin Capital đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và đầu tư dàn trải từ năm này qua năm khác, từ deal nhỏ đến deal lớn, từ các vòng sớm tới vòng Series C, D của các dự án.

Multicoin đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng, và anh em có thể thấy rằng đây là mảng cần sự đầu tư liên tục và cũng như thay đổi liên tục trong các bối cảnh thị trường, bởi mỗi khi có các trend mới hay ứng dụng mới trên blockchain, lại có các ứng dụng cơ sở hạ tầng mới xuất hiện để hỗ trợ sự phát triển của category đó.

Bởi vậy, hành động đầu tư liên tục vào các ứng dụng thuộc mảng này vô cùng dễ hiểu.

Các dự án thuộc mảng ứng dụng người dùng cuối

Các dự án được Multicoin Capital đầu tư trong mảng ứng dụng người dùng cuối gồm:

  • Coin98: ParaFi Capital, Multicoin Capital, Hashed và Spartan Group đã đầu tư vào seed round Coin98 vào tháng 4/2021 1.25 triệu đô.
  • Torus – Giải pháp đăng nhập thông qua các bên thứ ba cho các ứng dụng phi tập trung, dự án đã kêu gọi được $2M vào tháng 7/2021, dẫn đầu bởi Multicoin Capital cùng với đó là sự tham gia của Binance Labs, Accomplice, Coinbase Ventures, Sixth Horizon,
  • Superfluid: Vào tháng 7/2021, dự án thông báo đã gọi được $9M từ các quỹ như Multicoin Capital, Semantic Ventures, Delphi Digital, DeFiance Capital, MetaCartel Ventures, MMC, Fabric Ventures và rất nhiều cái tên khác nữa
  • Math Wallet: Multicoin và Alameda Research đã từng dẫn vòng series A của dự án này và kêu gọi được $7.8M vào tháng 10/2020.
  • Braintrust: Một mạng lưới tuyển dụng freelancer phi tập trung, dự án đã kêu gọi được 18$M trong vòng gọi vốn gần đây nhất vào tháng 10/2020, với sự góp mặt của các quỹ như Multicoin Capital, Pantera và Galaxy Digital.
  • Audius: Một dự án được ví như Soundcloud của web3 cũng có tên trong portfolio của quỹ đầu tư. Dự án đã từng gọi vốn một lần trong vòng Series A với trị giá $5.5M. Trong lần gọi vốn tiếp theo dẫn đầu bởi Multicoin Capital, Audius đã gọi được thêm 3.1 triệu đô.
  • BetDEX: Dự án làm về cá cược này kêu gọi được $21M vào tháng 2/2021. Vòng gọi vốn được dẫn đầu bởi Paradigm và FTX, cùng với sự góp mặt của một số quỹ như Multicoin Capital, Hack VC, Lightspeed Venture Partners, Sino Global Capital,…

Nhận xét: Anh em có thể thấy Multicoin Capital đầu tư vào nhiều loại dự án khác nhau trên nhiều nền tảng, chủ yếu là trên Ethereum và Solana.

Thời gian họ đầu tư vào dự án nằm nhiều trong giai đoạn 2020 – 2021, với việc tham gia đầu tư sớm vào các round sớm của dự án như seed round, Strategic round hay Series A. Gu đầu tư này khác nhiều ông lớn khác như a16z hay 3AC,… khi họ thường đầu tư vào cả các round sớm lẫn round muộn của dự án (Series B, C, D,…).

Đánh giá & Nhận xét

Nhìn vào portfolio của Multicoin Capital, anh em có thể thấy những đặc điểm sau qua danh mục đầu tư của Multicoin Capital:

  • Họ đầu tư vào rất nhiều các dự án Layer 1 – số dự án layer 1 đầu tư nhiều hơn hẳn so với nhiều quỹ đầu tư khác như a16z, Paradigm,… Từ đó, họ cũng có nhiều thương vụ layer 1 thành công hơn so với các quỹ khác.
  • Họ đầu tư nhiều vào các dapps trên hệ sinh thái Solana thời gian gần đây. Từ mảng DEX, lending, stablecoin, NFT/ Metaverse/ Gaming đều được Multicoin Capital đầu tư, họ tiếp tục chứng tỏ niềm tin mãnh liệt của mình vào nền tảng Solana, và hỗ trợ cho các Dapps trên nền tảng.
  • Họ đầu tư vào hầu như tất cả các mảng trên thị trường, trừ các ứng dụng stablecoin – với chỉ một khoản đầu tư vỏn vẹn trong mảng này.

Các hệ sinh thái trong Portfolio của Multicoin Capital

Anh em có thể thấy, đa phần các dự án họ đầu tư trong danh mục nằm trên Ethereum hoặc Solana. Việc các dự án thời gian đầu họ đầu tư nằm trên Ethereum là tương đối dễ hiểu, bởi đó là mảnh đất màu mỡ và nhiều cơ hội đầu tư nhất.

Họ “đánh cược” lớn vào nền tảng Solana, không chỉ thể hiện ở việc họ đầu tư sớm vào coin nền tảng này mà còn bởi họ cũng đầu tư vào nhiều dự án trong hệ sinh thái này, trong nhiều mảng khác nhau từ DEX, Lending, Stablecoin,…

Các nhà đầu tư vào Multicoin Capital

Multicoin đã nhận đầu tư của nhiều quỹ và cá nhân nổi tiếng: Roca Capital, Three Arrows Capital, Marc Andreessen (co-founder a16z), Protocol Ventures, Elad Gil, Chris Dixon (GP tại a16z), Vy Capital, Union Square Ventures, Bill Lee, David Sacks, và Binance.

Anh em có thể thấy, Multicoin được rất nhiều quỹ lớn tin tưởng đầu tư, đặc biệt là 3AC, a16z hay Binance. Việc raise tiền ngang từ các quỹ đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của các quỹ đối với Multicoin, được các quỹ top-tier đầu tư chứng tỏ Multicoin có sự uy tín cao và investment thesis đang đạt hiệu quả tốt, dù quỹ mới chỉ vỏn vẹn 4 năm tuổi.

Đánh giá Portfolio của Multicoin

Performance

Đa phần các dự án do Multicoin đầu tư đều đã có sản phẩm và token. Top 5 dự án có Token đạt hiệu suất tốt nhất (giá hiện tại so với giá khởi đầu năm 2021) là:

  • Terra (LUNA): 11,300%;
  • Solana (SOL): 9,900%
  • Kadena (KDA): 7,500%;
  • Livepeer (LPT): 2,400%;
  • Helium (HNT): 2,300%.

Top 5 dự án có Token đạt hiệu suất tốt nhất (giá ATH so với ATL) là:

  • Alpha Finance (ALPHA): 11,000%;
  • Solana (SOL): 52,000%;
  • Terra (LUNA): 60,300%;
  • Kadena (KDA): 40,500%;
  • Thorchain (RUNE): 260,000%.

Xu hướng đầu tư của Multicoin trong năm 2021

Trong năm 2021, Multicoin đã dừng đầu tư nhiều vào mảng thế mạnh của mình là Layer 1. Thay vào đó, họ đầu tư vào nhiều dự án trong mảng NFT, Derivatives, Dịch vụ cho người dùng cuối như ví, các ứng dụng cơ sở hạ tầng và các ứng dụng khác. Anh em cũng có thể thấy, năm 2021 là năm bùng nổ của các dự án Layer 1, việc này khiến việc đầu tư vào Layer 1 không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư chuyên đầu tư seed round và strategic round như Multicoin Capital.

Anh em hãy cùng mình theo dõi xem, liệu họ đầu tư vào các mảng mới này có mang lại hiệu suất tốt như mảng Layer 1 hay không nhé.

Ngoài ra, anh em có thể thấy họ rất ít đầu tư vào game – một mảng mới vô cùng hot trong thời gian gần đây, và được nhiều quỹ đầu tư xuống tiền như a16z, Paradigm,…

Tổng kết

Trên đây là tổng quan về Portfolio và một số nhận định về xu hướng đầu tư của Multicoin, nếu anh em có bất kỳ thắc mắc hoặc ý kiến nào khác, hãy comment ngay phía dưới để thảo luận cùng mình và đội ngũ Coin98 nhé!

Đừng quên đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Coin98 Insights dưới đây để được thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng:

  • Group Chat Telegram: t.me/Coin98Insights_Chat
  • Channel Telegram: t.me/Coin98Insights
  • Youtube: youtube.com/coin98
  • Group Facebook: www.facebook.com/groups/Coin98.Net
  • Twitter: twitter.com/Coin98Insights