Marketplace là gì? Có nên kinh doanh online trên Marketplace?

Marketplace là mô hình kinh doanh online mới xuất hiện và nở rộ trong những năm gần đây, bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh qua hình thức này (từ cá nhân đến doanh nghiệp). Vậy Marketplace là gì và có nên kinh doanh, bán hàng trên Marketplace không?

1. Marketplace là gì?

Nếu dịch nguyên nghĩa gốc từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thì Marketplace là chợ. Tuy nhiên, để tránh gây nhầm lẫn cho người đọc, trong bài viết này GOBRANDING sẽ đề cập đến Marketplace trên nền tảng thương mại điện tử.

Marketplace hay Online Marketplace là một mô hình thương mại điện tử trung gian, kết nối giữa người bán và người mua thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về bản chất, Marketplace trong thương mại điện tử cũng giống như chợ ở môi trường truyền thống. Đây là nơi cho phép người bán có thể thuê một vị trí phù hợp, để xúc tiến các hoạt động như trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm… Nói cách khác, Marketplace chính là “chợ ảo” – nơi người bán và người mua cùng truy cập vào một website để mua – bán hàng hóa.

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp mô hình Marketplace thông qua các website thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee…

Lazada là một trong những website thương mại ứng dụng mô hình Marketplace đầu tiên tại Việt Nam.
Lazada là một trong những website thương mại điện tử ứng dụng mô hình Marketplace đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mô hình Marketplace không chỉ phát triển thông qua các website thương mại điện tử, mà còn nhân rộng ở nền tảng mạng xã hội và ứng dụng (app):

  • Marketplace trên Facebook: + Là một “chợ online” được phát triển trên nền tảng của facebook. + Cách bán hàng trên Marketplace của Facebook: người dùng đăng nhập bằng tài khoản cá nhân của mình => vào phần Marketplace => đăng tải sản phẩm muốn bán.
Marketplace trên facebook.
Mô hình Marketplace trên Facebook.
  • Marketplace trên Zalo app: là nơi doanh nghiệp có thể đăng ký để mở shop và bán hàng trên nền tảng Zalo Shop.
Mô hình marketplace trên zalo.
Mô hình marketplace trên Zalo.

2. Phân loại Marketplace

2.1. Phân loại dựa theo đối tác kinh doanh

Dựa theo đối tác kinh doanh là cá nhân hay doanh nghiệp, Marketplace được phân loại theo hai hình thức là C2C Marketplace và B2C Marketplace.

C2C Marketplace là gì?

C2C Marketplace là mô hình kết nối giữa tất cả các cá nhân, hộ kinh doanh có sản phẩm cần bán với người tiêu dùng, thông qua sàn giao dịch. Với hình thức này, bất kỳ ai có sản phẩm cần bán đều có thể trở thành nhà bán hàng trên Marketplace. Đây là nhóm đối tượng ít chi phí Marketing, chưa có nhiều kênh để hỗ trợ bán hàng như website, cửa hàng…

Ví dụ: Bạn là người mới bắt đầu kinh doanh online, chưa có nhiều vốn để mở cửa hàng hay thiết kế website. Lúc này, ngoài việc tận dụng các kênh bán hàng miễn phí như Facebook, Zalo… người mua có thể đăng ký tài khoản để trở thành nhà bán hàng trên nền tảng Marketplace của Shopee.

Tại đây, Shopee cung cấp cho bạn đầy đủ các tính năng của một website bán hàng: quản lý đơn hàng, quản lý sản phẩm, quản lý nguồn thu, phân tích dữ liệu… và cả hỗ trợ Marketing cho người bán.

Kênh bán hàng trên Shopee.
Kênh bán hàng trên Shopee.

B2C Marketplace là gì?

B2C Marketplace là mô hình Marketplace kết nối các doanh nghiệp, hoặc nhà phân phối chính hãng của các thương hiệu tại Việt Nam với người tiêu dùng. Đặc điểm để nhận biết giữa B2C và C2C trên Marketplace là thông qua danh mục Mall (Shopee Mall, Lazada Mall…). Đây là nơi bán hàng dành cho các doanh nghiệp bán sản phẩm chính hãng, uy tín.

Doanh nghiệp muốn bán hàng trên Mall phải cung cấp đầy đủ các chứng từ, giấy tờ gốc được pháp luật công nhận. Nên để trở thành nhà bán hàng C2C Marketplace sẽ đơn giản hơn B2C Marketplace rất nhiều. Do đó các sản phẩm được bán thuộc danh mục B2C Marketplace luôn tạo được sự tin tưởng cho khách hàng.

Ví dụ: Song song với hình thức C2C Marketplace, Shopee còn triển khai hình thức B2C Marketplace thông qua Shopee Mall. Tại đây, người mua có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm, bởi nó được cung cấp từ những doanh nghiệp đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường như Friso, Nestle, Pantene, Pampers…

Shopee Mall là một trong những hình thức B2C Marketplace.
Shopee Mall là một trong những hình thức B2C Marketplace.

2.2. Phân loại dựa theo sản phẩm

Marketplace dọc: là loại Marketplace cung cấp các sản phẩm cùng loại từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Ví dụ: Grabbike là một ứng dụng đặt xe hoạt động theo hình thức Marketplace dọc. Tất cả các đối tác của Grabbike đều cung cấp một sản phẩm là dịch vụ chạy xe gắn máy.

Grabbike là mô hình Marketplace dọc.
Grabbike là mô hình Marketplace dọc.

Marketplace ngang: là loại Marketplace cung cấp nhiều sản phẩm khác nhau nhưng có đặc điểm tương tự như cùng ngành hàng, sản phẩm có đặc điểm giống nhau…

Ví dụ: Traveloka thuộc loại Marketplace ngang cung cấp các sản phẩm chung một nhóm ngành về du lịch như khách sạn, vé máy bay, cho thuê xe…

Now là Marketplace ngang cung cấp các sản phẩm chung nhóm ngành dịch vụ ăn uống như cafe, thức ăn nhanh, nhà hàng…

Now là một hình thức Marketplace ngang
Now là một mô hình Marketplace ngang.

Marketplace hỗn hợp: là loại Marketplace bán đa dạng tất cả các sản phẩm khác nhau.

Ví dụ: Tiki kết hợp giữa mô hình Marketplace hỗn hợp và mô hình Inventory (tự bán các sản phẩm của doanh nghiệp). Các doanh nghiệp có thể đăng ký bán hàng trên sàn Tiki với nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, điện tử, đồ gia dụng, thời trang…. Còn các sản phẩm thuộc sở hữu của Tiki được bán trên Tiki Trading.

Danh mục các ngành hàng trên Tiki.
Danh mục các ngành hàng trên Tiki.

3. Có nên bán hàng online trên Marketplace?

Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của Marketplace đối với các cá nhân, hay doanh nghiệp muốn kinh doanh trực tuyến. Vậy đây có phải là kênh bán hàng hiệu quả nhất mà bạn nên lựa chọn?

3.1. Ưu điểm khi bán hàng online trên Marketplace

Tiếp cận được một lượng lớn khách hàng: số lượng người truy cập trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng, đây là cơ hội để sản phẩm trên Marketplace có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn.

Giúp người bán tiết kiệm tối đa chi phí:

  • Chi phí Marketing: bán hàng trên Marketplace bạn không cần tốn quá nhiều chi phí quảng cáo, thiết kế website hay mua tên miền…
  • Chi phí quản lý: nếu kinh doanh tại cửa hàng, bạn sẽ mất một số chi phí cho các hạng mục như nhân viên, quản lý hàng tồn kho… Trong khi đó, chuyển sang bán hàng trên Marketplace, các chi phí này sẽ được cắt giảm tối đa, vì mọi hoạt động quản lý đều thông qua các danh mục trên sàn giao dịch.
  • Chi phí logistics: đa số các sàn giao dịch thương mại điện tử theo mô hình Marketplace đều hỗ trợ người bán các khâu như xử lý đơn hàng, đóng gói, vận chuyển…

Tạo niềm tin cho khách hàng khi bán sản phẩm trên các Marketplace uy tín:

Khi mua sản phẩm qua các Marketplace có tên tuổi như Lazada, Tiki, Shopee,… khách hàng sẽ yên tâm hơn thông qua các chính sách mà Marketplace cam kết. Vì vậy, với những cá nhân hay doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, khi bán hàng qua các Marketplace này sẽ tăng thêm mức độ uy tín cho sản phẩm.

  • Chính sách cam kết hàng chính hiệu của Tiki:
Các cam kết khi mua hàng trên Tiki
Các cam kết khi mua hàng trên Tiki.
  • Chính sách bảo hành và đổi trả của Lazada:
chính sách cam kết Lazada
Chính sách đổi trả của Lazada.
  • Chính sách cam kết của Shopee:
Shopee đảm bảo
Shopee đảm bảo 3 ngày trả hàng, hoàn tiền.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số nền tảng như Marketplace trên Facebook vẫn chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nên bạn cần cân nhắc lựa chọn cho mình Marketplace uy tín để bán hàng.

3.2. Nhược điểm khi bán hàng online trên Marketplace

Bên cạnh những ưu điểm Marketplace mang lại, bạn cũng nên cân nhắc những bất lợi dưới đây khi quyết định bán hàng trên kênh này.

Sản phẩm bán được sẽ mất phí hoa hồng:

Tùy vào từng loại Marketplace hay từng loại sản phẩm, khi bán được hàng bạn phải trả một mức hoa hồng theo quy định. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu, bạn nên cân nhắc xem lợi nhuận và phí hoa hồng phải trả có hợp lý không trước khi đăng ký làm nhà bán hàng trên Marketplace.

Đối thủ cạnh tranh trên Marketplace cao:

Nhiều nhà cung cấp cùng bán một sản phẩm trên Marketplace, thì việc đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh là điều dễ hiểu. Trên Marketplace, khách hàng có thể dễ dàng so sánh giá cả, ưu đãi giữa các sản phẩm với nhau, để chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất. Cho nên, có thể bạn sẽ mất khách chỉ trong 1 giây!

Ví dụ: Khi tìm kiếm từ khóa “quạt mini” trên Tiki, bạn nhận được 842 sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau khi xem qua một số sản phẩm được hiển thị, bạn click chọn một sản phẩm ưng ý nhất của nhà cung cấp Muasam247 với giá 274.000 đồng!

đối thủ cạnh tranh cao
842 sản phẩm xuất hiện trên Tiki khi tìm từ khóa “quạt mini”.

Nhưng chưa dừng lại ở đây, trong quá trình xem sản phẩm bạn nhận thêm 14 gợi ý từ các nhà bán khác với giá cạnh tranh hơn. Bạn bắt đầu nhấn sang nhà cung cấp GiaDụng SmartHome với giá 199.000 đồng và chọn mua sản phẩm ở cửa hàng này.

Khách hàng rất dễ chuyển từ nhà cung cấp này đến nhà cung cấp khác.
Khách hàng rất dễ chuyển từ nhà cung cấp này đến nhà cung cấp khác trên Marketplace.

Không thể kiểm soát được dữ liệu

Tất cả các thông tin, dữ liệu về khách hàng đều được lưu trữ trên nền tảng Marketplace. Vì vậy, bạn phải chấp nhận việc không thể sử dụng các dữ liệu này để nhắm mục tiêu cho chiến lược Marketing trên website, hay bất cứ kênh nào khác.

Bên cạnh đó, khi không muốn kinh doanh trên Marketplace nữa, mọi dữ liệu như lịch sử bán hàng, thống kê doanh số, thông tin khách hàng… đều không thể lấy lại.

Đây là những dữ liệu cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến những định hướng và chiến lược bán hàng trong tương lai. Việc không thể kiểm soát dữ liệu trên Marketplace là một trở ngại lớn trong kinh doanh trực tuyến.

Từ những ưu – nhược điểm GOBRANDING phân tích ở trên, kết hợp với quy mô và mục tiêu kinh doanh của mình, bạn sẽ cân nhắc và quyết định nên bán hàng trên Marketplace hay tìm kiếm thêm những hình thức khác?

4. Giải pháp nào để kinh doanh online hiệu quả?

Marketplace là một kênh bán hàng trực tuyến khá tiềm năng đối với những cá nhân có ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên đi kèm với đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ ba, lâu dần bạn sẽ mất đi những thông tin giúp mình có thể chủ động kiểm soát và định hướng cho doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp lớn, Marketplace chỉ nên là một kênh bán hàng phụ. Bạn phải xây dựng một nền tảng kinh doanh trực tuyến cho riêng mình!

“Kết hợp kinh doanh trên cả Website và Marketplace”

Dù là kinh doanh online hay offline, bạn đều phải xác định đâu là kênh bán hàng chính mình muốn tập trung? Bạn không nên sử dụng kênh bán hàng mà mình không kiểm soát được dữ liệu như Marketplace để làm kênh chính thức. Vì vậy xây dựng website chính là cốt lõi trong bán hàng trực tuyến. Lúc này, website trở thành trung tâm cho mọi hoạt động Marketing: xây dựng thương hiệu, thu thập dữ liệu khách hàng… và Marketplace trở thành kênh bán hàng hỗ trợ tăng doanh số. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp B2C vừa kết hợp xây dựng Website, vừa mở gian hàng trên Marketplace.

Mặc khác, xây dựng thêm kênh bán hàng Website là một cách để bạn tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Bởi với những khách hàng đã biết và muốn mua sản phẩm có thể truy cập trực tiếp vào Marketplace. Nhưng với những khách hàng muốn tìm hiểu nhiều thông tin hơn về sản phẩm hoặc các thông tin hữu ích trong một lĩnh vực, thì Marketplace khó tiếp cận và nuôi dưỡng được nhóm đối tượng tiềm năng này.

Ví dụ: Bạn kinh doanh sản phẩm giày thể thao, sẽ có hai nhóm khách hàng cần tiếp cận là khách có nhu cầu trực tiếp và khách có nhu cầu gián tiếp.

    • Với nhóm khách hàng có nhu cầu trực tiếp (mua sản phẩm): họ có thể vào ngay các kênh như Marketplace, Facebook, search trên Google và vào trực tiếp website của bạn,… để mua hàng.
    • Với nhóm khách hàng có nhu cầu gián tiếp: họ thường tìm kiếm các thông tin liên quan như cách vệ sinh giày, cách buộc dây giày,… trên Google. Bây giờ, website sẽ giúp bạn tiếp cận được nhóm khách hàng này thông qua các bài viết hướng dẫn về các chủ đề trên. Bạn bắt đầu dẫn dắt họ bằng chuỗi bài viết có nội dung hấp dẫn, từ đó tạo được niềm tin và nhận thức về thương hiệu, tăng cơ hội bán hàng trong tương lai.

Lúc này để người dùng có thể tìm thấy bạn trên Google, thì SEO chính là cách bền vững và chất lượng nhất.

Sau khi khách hàng đã truy cập vào website, bạn sẽ thu thập được các dữ liệu quan trọng (bằng cách sử dụng dữ liệu truy cập lịch sử, form đăng ký nhận bản tin, lịch sử đơn hàng,…) để phối hợp với các hình thức Remarketing (tiếp thị lại) như Email Marketing, Facebook Ads, Google Ads,… nhằm tăng hiệu quả kinh doanh.

Bạn có thể kinh doanh qua các kênh khác như Facebook, Zalo, Marketplace,… Nhưng website vẫn nên là “trụ sở thương hiệu trực tuyến” trong chiến lược kinh doanh online của bạn.

Xem ngay: Tối đa hóa giá trị kinh doanh từ website nhờ SEO & Content Marketing

Kết luận

Kinh doanh trực tuyến trên Marketplace ngày càng được nhiều người lựa chọn để gia tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, đây không nên là nền tảng chính nếu doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài. Bạn cần có “tài sản” riêng cho mình chính là website, sau đó kết hợp với SEO và các công cụ tiếp thị khác (Email Marketing, Facebook Marketing, Google Ads,…) để tiếp cận khách hàng, thu thập dữ liệu. Đồng thời sử dụng Marketplace để mở rộng thị trường kinh doanh.

Nhân đôi cơ hội kinh doanh online từ Website

Thừa hưởng hơn 17 năm kinh nghiệm SEO tại Nhật Bản và Việt Nam, GOBRANDING mang lại cho bạn giải pháp Marketing Online hiệu quả