Làm chủ bản thân qua việc vượt thắng ham muốn và lòng tham

Làm chủ bản thân qua việc vượt thắng ham muốn và lòng tham

LÀM CHỦ BẢN THÂN QUA VIỆC VƯỢT THẮNG HAM MUỐN VÀ LÒNG THAM

Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND-CSA

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.” (Erich Fromm)

“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm… Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.” (Thư MV HĐGMVN 10/2019)

Có thể nói rằng lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ham muốn có thể hiểu theo nghĩa: thèm, muốn, ham… Cũng có thể hiểu rộng ra là tham lam và tham vọng. Tham lam có tính chiếm hữu, là vơ vét về cho mình, còn tham vọng là lòng ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng, khó có thể thực hiện được.

Không ai có thể vỗ ngực tự hào “tôi không có chút ham muốn, tham lam nào”. Trong ba điều huý kỵ “tham – sân – si”, chữ “tham” được đặt ở vị trí đầu tiên. Ngoài ra, con người chúng ta thường hay chìm đắm trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Có thể tóm như sau:

1. Người ham muốn về tiền của thì mong sao có thật nhiều tiền càng nhiều lại càng muốn thêm.

2. Người ham muốn về sắc đẹp, suốt đời rong ruổi đi “tìm hoa”. Thấy ai có sắc đẹp là “chân đi không rời”

3. Người tham muốn về danh vọng thì suốt đời mãi đi tìm kiếm quyền cao, chức trọng.

4. Người ham muốn ăn ngon thì suốt đời lân la bên những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những bàn tiệc.

5. Người ham muốn ngủ nghỉ thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên những chiếc giường, mất thì giờ và không làm được gì khác.

1. Nguyên nhân của ham muốn

Ham muốn có nhiều mức độ khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.

Ai trong chúng ta cũng có những ham muốn và khát khao cho riêng mình. Khát khao nếu quá mạnh, quá cao, quá khó so với thực chất của mình, chúng ta gọi là tham vọng. Vấn đề là tham vọng đó tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn có vốn tri thức hơn người…

Lòng ham muốn sẽ đưa đến hành động để đạt được cái mà mình muốn sở hữu. Bản chất của ham muốn không mang tính tốt hay xấu mà chính cái đối tượng mà nó ham muốn, cái hành động để thỏa lòng ham có chính đáng hay không mới định tốt hay xấu. Ví dụ ham giàu là điều thường tình nhưng hành vi tham nhũng, gian xảo để giàu thì đó là điều xấu. Và khi ham muốn quá độ thì có thể nói đó là tham. Tham sẽ đưa đến dục. Khi đó trí tuệ và lương tâm bị che mờ và người đó có thể làm bất cứ điều gì để thỏa mãn. Có thể nói tham là khởi điểm của những điều tệ hại xấu xa. Tuy vậy, nếu con người còn biết làm chủ bản thân, trí tuệ và lương tâm còn sáng suốt để hướng dẫn lòng tham thì sẽ chuyển hướng cái tham đó theo con đường tốt. Khi đó nó biến thành năng lực giúp chúng ta đạt được mục tiêu chính đáng. Điều đáng nói là khi thỏa mãn được rồi thì chúng ta có thấy hạnh phúc và hết tham không? Nhân gian thường nói “lòng tham vô đáy”. Đó là một thực tế dựa trên kinh nghiệm của bao đời người. Tục ngữ có câu “tham thì thâm”. Quá tham có nghĩa là kết cuộc sẽ đưa đến sự hư hại. Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta suy nghĩ thêm về vấn đề này.

“Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán:

‘Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi’.

Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất.

Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, lả đi gần chết ở trong rừng. Ông ta lẩm bẩm: ‘Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!’”

Trông người mà ngẫm đến ta. Bao phen chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta đã quên sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên những cảnh đẹp thiên nhiên, quên bạn bè, có khi quên cả danh dự và những giá trị đạo đức… Nhiều người khi tỉnh giấc thì không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa. Tiếc nuối và mất mát!!!

Ngay từ khi vừa ra khỏi lòng mẹ, chúng ta đã có những ham muốn, chúng đơn giản tự nhiên theo bản năng để tồn tại. Lớn lên, chúng ta ngày càng có nhiều nhu cầu hơn, và ham muốn cũng tăng theo. Có thể nói lòng ham muốn không giới hạn. Chúng ta cứ “đứng núi này trông núi nọ”. Thật ra, ham muốn là lẽ thường tình. Điều quan trọng là bản năng của chúng ta sẽ không phân biệt được đâu là ham muốn lành mạnh và thiếu lành mạnh, tích cực hay tiêu cực. Vì thế, chúng ta cần lý trí hỗ trợ, cần học hỏi, nhất là các bạn trẻ cần được dẫn dắt để có một nhận thức đúng đắn mới có thể phân biệt được chúng. Chúng ta biết rằng về khía cạnh tích cực, ham muốn là một động lực giúp chúng ta phấn đấu để vươn lên, nhưng nó lại trở thành tiêu cực nếu chúng ta không biết dừng mà để mình vượt qua khỏi giới hạn của đạo đức, luân lý xã hội, tôn giáo, và của tình thương nữa. Thánh Phaolô nói “Mọi sự đều có thể, nhưng không phải cái nào cũng đem lại lợi ích. Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng (1Cr 10, 23). Như vậy, chúng ta cần học chế ngự được lòng ham muốn của mình sao cho chúng ở một mức độ quân bình, thích hợp.

Trong hành trình cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nên dừng lại, quay về với bản thân và tự hỏi điều đáng sợ nhất trong đời là gì, là ma quỷ, chiến tranh hay là ốm đau bệnh tật? là mất người yêu, là nghèo đói…? Không hẳn là những thứ đó đâu. Điều đáng sợ nhất đối với con người chính là lòng tham, là tham vọng. Tham vọng rất nhẫn tâm, nó có thể đưa con người đến những hành vi mất nhân tính. Nó biến một người bình thường thành một kẻ đầy thủ đoạn và âm mưu. Nó khiến cho cuộc sống yên ấm của một gia đình tan vỡ. Có những người, không kiềm chế được tham vọng của bản thân, để lòng tham chế ngự và điều khiển bản thân, bị người đời lên án, phỉ báng. Trên báo chí hàng ngày chúng ta đều thấy nhan nhản những hành vi vô nhân, biến chất như thế. Thật đáng lo cho giới trẻ nói riêng và xã hội chúng ta đang sống. Nỗi lòng chúng ta sẽ được đồng cảm hơn qua lời chia sẻ của luật sư Võ Thị Kim Nga (SGTT.VN) sau đây:

Hơn 20 năm đứng trước tòa bào chữa, tôi từng gặp nhiều người là con ngoan, hiếu thảo, từng là những mẫu mực để người khác ngưỡng mộ nhưng rồi chỉ vì lòng tham, họ biến mình thành người khác hẳn: mưu mô, gian xảo và tìm mọi cách để đoạt được điều mình muốn dù phải dẫm đạp lên người khác. Họ đánh mất lòng nhân, sự trắc ẩn bởi sức mạnh đồng tiền. Tàn nhẫn và lạnh lùng…”

Ngay đến cha mẹ, bạn bè và anh em ruột thịt, họ cũng không buông tay. Kết quả họ nhận được là những gì? “Giết người đi thì ta ở với ai?” Rốt cuộc họ sống với ai? Có lẽ chung quanh những người chạy theo lòng tham chỉ là những tên ton hót, nịnh bợ, là những người thích lợi dụng và dựa dẫm vào họ mà thôi. Sự nhẫn tâm đã giết chết tình yêu thương mà người thân và xã hội dành cho mình. Cái giá đó không gì có thể bù đắp được.

Làm gì có được điều mình muốn dễ dàng nếu không phải trả một cái giá nào đó. Một khi lòng tham không có điểm dừng, thì chúng ta khó mà rút chân ra được. Người tham biến mình thành kẻ đáng sợ, là hung thần trong mắt người khác.

Nếu như tham vọng không có điểm dừng, chúng ta sẽ như những con thiêu thân sẵn sàng lao vào ánh sáng dù bỏ mạng cũng không hối tiếc. Với hai tay trắng chúng ta đến với đời, cuối đời cũng ra đi với hai bàn tay không. Hãy nhớ rằng, dù chúng ta có làm gì, bí mật đến đâu rồi cũng có lúc sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn cả cha mẹ, vợ/chồng cùng những đứa con thơ vô tội, những người mà chúng ta yêu thương bị vạ lây. Đừng đánh mất cuộc đời bởi tham vọng không có điểm dừng. Chuyện ngụ ngôn sau đây thật ý vị, đáng cho chúng ta suy nghĩ:

“Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào giậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: ‘Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.’”

Lòng tham muốn quá độ làm cho người ta xao xuyến, nô lệ, mất hết tự chủ. Một khi đã bị lòng tham điều khiển thì con người sẽ gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Lòng tham muốn quá độ còn làm cho con người tối mắt với những sự phải trái. Ðã tham muốn, thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: “Biển kia dễ lấp, túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế, khi lòng tham, sự ham muốn là cái thùng không đáy thì làm sao có thể lấp đầy được.

“Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó.” (Francis Quarles)

“Tham lam” là tâm lý chung của phận người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Tính tham cũng sản sinh ra nhiều đàn con có bộ mặt bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện, “trùm sò”… và rồi dễ trở nên người bần tiện. Hệ quả của lòng tham chính là sự bất an, lo sợ. Dù là quan hay dân, tham thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách như chối quanh, đổ thừa… rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ cái họa nhỏ đến cái họa lớn hơn.

2. Khắc phục lòng tham lam, ham muốn

a. Chế ngự ham muốn

Chế ngự lòng ham muốn đồng nghĩa với việc thắng được chính mình! Nếu như có những ham muốn có thể thúc đẩy chúng ta sống vươn lên thì cũng có những ham muốn lệch lạc, vô bổ là nguyên nhân của hầu hết những tai ương, khổ đau, mất mát trong cuộc đời. Nói đến khổ đau chắc không ai thoát được cái gánh ấy. Nhưng nếu biết chế ngự những ham muốn của mình, chúng ta có thể giảm thiểu được phần lớn những khổ đau đó. Cần phải từ bỏ, loại đi những ham muốn không lành mạnh như người làm vườn tiêu diệt cỏ dại. Điều quan trọng và khó khăn đó là liệu chúng ta có đủ sức mạnh, ý chí để từ bỏ nó không. Thông thường bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng hút thuốc, nhưng mấy ai từ bỏ được ham muốn này. Những người không biết dừng những ham muốn quá độ của mình, không sớm muộn gì họ sẽ rơi vào những cơn nghiện, mà đã nghiện thì thật sự rất khó bỏ. Nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện cá độ, nghiện ma túy, nghiện games online, nghiện lướt Web, nghiện tình dục và ngay cả nghiện việc nữa có dễ gì từ bỏ đâu. Đời nào thì cũng bấy nhiêu cám dỗ: tình, tiền, quyền… và dẫu biết, biết rất rõ nữa là đàng khác rằng “Chừa được thứ nào hay thứ đó” nhưng rồi thì “Có chăng chừa rượu với chừa trà.” Điều này cho thấy, tự thắng được những ham muốn của chính mình thật không đơn giản. Tuy nhiên, không gì là không thể làm được nếu có quyết tâm cao, nghị lực và ý chí lớn, bền bỉ… Khó nhưng mọi sự đều có thể nếu chúng ta có đủ quyết tâm và kiên trì.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần sức mạnh bên ngoài trợ giúp, nhất là các bạn trẻ. Một môi trường lành mạnh, những người chung quanh động viên, hỗ trợ và thừa nhận những nỗ lực của mình thật đáng quý. Bên cạnh đó, chúng ta đừng quên hệ lụy của những ham muốn quá độ. Khi có được điều mình muốn rồi, điều còn lại trong lòng chúng ta là gì? Có lẽ là sự dằn vặt, hối hận và nuối tiếc. Nếu cứ buông mình theo những ham muốn quá độ như thế thì ta thật vô trách nhiệm với bản thân, làm mất đi những phẩm chất tốt đẹp của mình, cũng như mất đi điều kiện để phát triển. Về một phương diện nào đó chúng ta có thể nói người không chế ngự được ham muốn của mình là đang phản bội lại chính mình!

Trong Khế Kinh có nói: Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý”. Vì thế các vị thánh hiền có khuyên chúng ta bốn chữ thật là quý giá: Thiểu dục và tri túc”. Thiểu Dục là muốn ít; tri túc là biết đủ. Nếu lòng tham làm cho chúng ta khổ sở, bất an bao nhiêu thì thiểu dục tri túc lại đem lại an bình bấy nhiêu. Nhờ thiểu dục tri túc mà chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ những ai cần khi có thể, biết trải lòng mình ra để cho và đón nhận tình yêu thương. Nhờ thiểu dục tri túc mà con quỷ dục vọng và tham lam mất hết quyền hành. Chúng không điều khiển, sai khiến được mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất tham muốn nữa thì lòng người bắt đầu được tự do giải thoát.

b. Biết dừng là biết sống

Trong cuộc sống, đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Dừng là thượng sách! Cố tìm những niềm vui bình dị. Quanh chúng ta không thiếu đâu! Chỉ khi biết tiết chế lòng tham, hoá giải sự cố chấp trong lòng và vơi bớt đi niềm si mê của bản thân, cuộc sống mới nhẹ nhàng hơn. Những người có lửa tham nung nấu trong đầu thì lúc nào cũng luôn thấy mình thiếu thốn, thiếu món này lại thấy thiếu món khác, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả, không toại ý lại càng thêm đau khổ. Vì vậy chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Điều này được chứng nghiệm qua cuộc đổi đời của nghệ sĩ Tô Thanh Tùng khi ông đối diện trước bệnh nan y. Sau đây là trích đoạn những nhận định và cuộc phỏng vấn của PGS TS Nguyễn Hoài Nam mà báo Tuổi Trẻ đã ghi lại:

Hơn một năm tôi mới gặp lại nhạc sĩ Tô Thanh Tùng – tác giả của những ca khúc Xót xa, Tình cây và đất, Đi giăng câu… Trông ông khỏe, nhanh nhẹn hơn lần gặp trước rất nhiều và trẻ hơn cái tuổi gần 70.”

PGS Nguyễn Hoài Nam: Tôi ngạc nhiên về sự thay đổi này, ông có bí quyết gì mà thay đổi ngoạn mục vậy?

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng: “Muốn được khỏe mạnh chúng ta phải bỏ bớt lo âu, suy nghĩ tính toán của đời thường, giảm bớt stress, những ham muốn tham vọng… để cuộc sống thêm phần an lành, giấc ngủ không còn mộng mị trằn trọc. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, tùy thuộc rất nhiều vào cái tôi của mỗi người và tùy thuộc hoàn cảnh. Nhưng nếu chúng ta làm được như vậy thì cuộc sống là thần tiên và sức khỏe sẽ được viên mãn.

Tôi từng có tiền tài, danh vọng và nhiều thứ khác nữa, nhưng vì quá đam mê những chuyện phù du đó mà tôi cũng mất hết tất cả, kể cả sức khỏe. Lang thang mãi trên đường đời, nuối tiếc thời oanh liệt nên làm đủ mọi chuyện để níu kéo nó. Nhưng rồi cả sức khỏe cũng đội nón ra đi. Bây giờ mình ngộ ra rồi, mọi chuyện cũng ổn từ khi ngộ ra.”

May mà nhạc sĩ Thanh Tùng còn có cơ hội “ngộ ra”: Càng ít tham vọng, cuộc sống càng hạnh phúc!

Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn tâm lý bắt nguồn từ mảnh đất nhu cầu của con người. Platon đã từng nói rằng dục vọng được chia làm 3 loại:

1. Có loại dục vọng là tất yếu, là tự nhiên

2. Có loại dục vọng là tự nhiên nhưng không tất yếu

3. Có loại dục vọng không tự nhiên cũng không tất yếu.

Ông còn cho thấy rằng chỉ có dục vọng tự nhiên và cần thiết mới có liên quan tương ứng với hạnh phúc. Hay nói cách khác nhu cầu của con người ngày càng nhỏ thì càng dễ được thỏa mãn.” Trích sách: “Làm thế nào khi lựa chọn sai

Tóm lại, những ai bị lửa tham muốn nung nấu trong đầu, thì lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn, thèm khát mãi không lúc nào được toại ý cả. Vì vậy mà chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng lòng với những gì mình đang có, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ dục vọng. Thực tế cho thấy lòng ham muốn nhiều không mang lại hạnh phúc chân thật mà chỉ là khổ đau. Cần sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức, con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.” (Erich fromm)

Nguồn: dongducba.net