Thị trường phái sinh (Derivatives market)
Định nghĩa
Thị trường phái sinh trong tiếng Anh là Derivatives market.
Thị trường phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các công cụ phái sinh.
Các công cụ phái sinh là các công cụ tài chính cao cấp như hợp đồng kì hạn, quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, chứng quyền, quyền mua cổ phần… Do đó, thị trường phái sinh cũng được gọi là thị trường tài chính cao cấp.
Ý nghĩa của thị trường phái sinh
– Sự ra đời của thị trường phái sinh là một trong những sáng tạo tài chính lớn trong quá trình phát triển của hệ thống tài chính. Đặc biệt, trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, các sáng tạo tài chính ngày càng phát triển, mở rộng và đa đạng, tạo điều kiện cho thị trường phái sinh cũng ngày càng phát triển.
– Trên thực tế, đa số các công cụ phái sinh được tạo ra trong các giao dịch tư nhân ở thị trường OTC. Tuy nhiên, ngày nay cũng có một số lượng lớn các giao dịch phái sinh diễn ra trên sàn giao dịch.
Liên hệ thực tiễn
– Khối lượng giao dịch phái sinh niêm yết trên toàn cầu trong năm 2010 là 22,3 tỉ hợp đồng, chiếm khoảng 78% tổng các giao dịch phái sinh trên toàn thế giới. Khối lượng giao dịch phân bổ khá đều giữa hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai, với khoảng 11,2 tỉ hợp đồng tương lai và 11,1 tỉ hợp đồng quyền chọn.
– Năm loại tài sản có khối lượng giao dịch lớn nhất là chỉ số chứng khoán, cổ phiếu, lãi suất, ngoại tệ và hàng hóa nông nghiệp (Chance & Book, 2013)
Các hoạt động trên thị trường phái sinh
(1) Tự bảo hiểm hay phòng ngừa rủi ro
– Tự bảo hiểm là hành động một người đầu tư vào thị trường phái sinh để giảm rủi ro biến động giá trên thị trường hối đoái, tức là loại bỏ rủi ro biến động giá trong tương lai.
– Công cụ phái sinh là công cụ phổ biến nhất trong lĩnh vực phòng ngừa rủi ro.
(2) Đầu cơ
– Đầu cơ là hoạt động thị trường phổ biến nhất trên thị trường phái sinh. Đây là một hoạt động rủi ro mà các nhà đầu tư tham gia. Hoạt động đầu cơ liên quan đến việc mua bất kì công cụ tài chính hoặc tài sản nào mà nhà đầu tư suy đoán sẽ có giá trị đáng kể trong tương lai.
– Đầu cơ được thúc đẩy bởi động cơ có khả năng kiếm được lợi nhuận cao trong tương lai.
(3) Kinh doanh chênh lệch giá
– Kinh doanh chênh lệch giá là một hoạt động tạo ra lợi nhuận phổ biến bằng cách tận dụng hoặc thu lợi nhuận từ sự biến động giá trên thị trường.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Corporate Finance Institute)