DAO là gì? Hạn chế và tiềm năng của DAO trong Blockchain

DAO giúp các thành viên dễ dàng tiếp cận, kiểm chứng và tham gia vào các quyết định của tổ chức. DAO đang ngày càng phát triển và mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu:

  • DAO là gì? Bối cảnh hiện tại của DAO trong thế giới Crypto.
  • Phân loại DAO và các dự án nổi bật trong từng mảng.
  • Một số hạn chế của DAO.
  • Tiềm năng, dự phóng tương lai & cơ hội đầu tư với DAO.

DAO là gì?

DAO (Decentralized Autonomous Organization) là tổ chức tự trị phi tập trung. Khác với các tổ chức truyền thống (như Facebook, Google,…), bằng cách ứng dụng các bộ quy tắc được mã hóa bằng code, chúng có thể hoạt động một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.

DAO là một chủ đề rất rộng, chúng hiện hữu từ những blockchain, giao thức DeFi áp dụng model quản trị on-chain, cho đến các nhóm áp dụng cơ chế đề xuất và biểu quyết on-chain trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều có đặc điểm chung là các thành viên trong DAO có thể dễ dàng tiếp cận, kiểm chứng các đề xuất, hành động của tổ chức và họ có thể tham gia vào các quyết định của DAO.

Bối cảnh của DAO

DAO có xu hướng phát triển cùng blockchain với tính decentralized, tuy nhiên, chúng ngày càng nhận được nhiều sự chú ý mà nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố như:

Sức nặng ngày càng lớn của việc decentralized: Các tổ chức tài chính truyền thống và chính phủ các nước có nhiều biện pháp kiểm soát người dùng. Các ông lớn trong nhiều lĩnh vực có quá nhiều quyền lực và đang có những hành động lạm dụng sức mạnh của mình. Điều này là tác nhân thôi thúc người dùng vượt ra khỏi những hạn chế và lấy lại những quyền lợi thuộc về mình.

Crypto ngày càng thu hút nhiều giá trị: Từ DeFi cho đến NFT và các lĩnh vực như âm nhạc, giải trí,.. Crypto đang thu hút một lượng giá trị có tốc độ tăng trưởng nhanh. Để tiếp cận miếng bánh này dễ dàng hơn, việc tạo ra các DAO với sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp bổ trợ lẫn nhau, từ nguồn vốn, kinh nghiệm, quan hệ và nhiều yếu tố khác.

Ví dụ ta có thể kể đến các Ventures DAO như The LAO, Yield Guild Game, MetaCartel DAO,… khi các thành viên tập trung lại với nhau để tạo ra các quỹ và đầu tư vào các dự án Crypto.

Những ưu điểm mà DAO mang lại ngày càng được thể hiện rõ: DAO giúp những người tham gia tìm lại những “quyền” mà họ không được chạm tới từ bấy lâu nay.

  • Các kế hoạch của một tổ chức, thứ thông thường chỉ được biết và quyết định bởi các nhân vật đứng đầu, thì giờ đây mọi thành viên đều có thể biết và biểu quyết, kết quả sẽ được thực hiện theo mong muốn của số đông.
  • Các thành viên trong tổ chức không đặt nặng việc quen biết và tin tưởng lẫn nhau, vì mọi hành động bây giờ đều sẽ được ghi lại on-chain, mở ra nhiều tiềm năng mới cho việc hợp tác.
  • Áp dụng game theory, người tham gia nắm giữ một phần của DAO, do đó họ sẽ lựa chọn những đề xuất giúp phát triển DAO, những đề xuất được đưa ra cũng phải được cân nhắc để tạo ra lợi ích cho số đông.
  • Và nhiều ưu điểm nữa đang chờ được khai phá.

Hạn chế của DAO

Những hạn chế chung của DAOs hiện tại:

Tính bảo mật: Vấn đề về smart contract, một khi DAOs đã được deployed (triển khai) thì rất khó thể thay đổi, các hoạt động phải diễn ra như đúng những gì quy định ở smart contract. Ngoài ra bảo mật của smart contract cũng là 1 vấn đề quan trọng điển hình là vụ The DAO hack.

Tính pháp lý: Khung pháp lý dành cho DAO thật sự chưa rõ ràng. Nếu DAO không có tính thuyết phục về pháp lý sẽ tạo ra 01 rào cản lớn đối với việc áp dụng DAO bởi người tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.

Quyết định tệ hại: DAOs cho phép thành viên biểu quyết 1 cách dân chủ. Nhiều quyết định mang tính phức tạp và học thuật nhưng nhiều người biểu quyết có thể không hiểu, hoặc không biết họ đang biểu quyết vấn đề gì. Điều này có thể dẫn tới những quyết định tệ hại bởi đa số mọi người không có kiến thức về các quyết định liên quan.

Thường bị trì hoãn: Ngoài ra trong những trường hợp khẩn cấp, việc phải có thời gian chờ để được bỏ phiếu thông qua có thể sẽ tạo hệ quả xấu cho DAO. Ví dụ trong trường hợp của Maker khi thị trường sập hồi tháng 3/2020, nếu lúc đó còn đợi để vote xong mới triển khai các biện pháp thì thiệt hại về tài sản sẽ là rất lớn.

Privacy: Mọi thứ đều minh bạch on-chain cũng không hoàn toàn là một điều tốt, việc các đề xuất phải được đưa on-chain để biểu quyết rồi mới được thực hiện đồng nghĩa với việc kế hoạch phát triển được công khai hoàn toàn và đối thủ cạnh tranh có thể biết được hướng đi tương lai của dự án.

Centralized entity: Một thực thể, tổ chức có sức mạnh voting cao hơn các thành viên khác. Tạo nên cảm giác centralized ngay trong việc voting của protocol.

Ta có thể lấy ví dụ về case của dự án Uniswap, đã có đề xuất bán một lượng token UNI trị giá 20 triệu đô để làm quỹ cho “DeFi Education Fund” với mục đích lobby với các nhà làm luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là cộng đồng Uniswap gần như không biết về đề xuất này mãi cho đến ngày cuối, và kể cả đã có người phán ứng thì số vote “Yes” là quá lớn, chứng tỏ mức độ Centralized trong việc quản trị của Uni.

Các loại hình DAO

Tuy DAO có thể được phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nhìn chung ta có thể chia chúng thành hai loại chính:

phân loại dao

Token-Based DAO

Token-Based DAO như tên gọi, token chiếm một vai trò quan trọng đối với sự vận hành của DAO. Đây là loại hình phổ biến nhất vì token là mạch máu và đang hiện diện ở mọi nơi trong Crypto:

  • Từ các blockchain như Bitcoin, Ethereum: Miner đảm bảo tính bảo mật cho mạng lưới đổi lại nhận được phần thưởng token.
  • Cho đến các protocol như Maker DAO, Uniswap, Sushiswap…: Token holders có quyền biểu quyết cho các quyết định trong protocol.

Ưu điểm của model này là khả năng mở rộng (scale) rất tốt khi bất kỳ ai cũng có thể sở hữu token, tuy nhiên lại gặp khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực và đi đến những thống nhất chung.

Organization (Shared-based DAO)

Organization (Shared-based DAO) đại diện cho một nhóm, tổ chức có chung mục tiêu trong một lĩnh vực nào đó, điển hình như các Ventures DAO tập trung vào việc đầu tư. Các thành viên sẽ dùng shares (cổ phần) để biểu quyết hoạt động của tổ chức.

Ví dụ như The LAO, một VC DAO trong đó những người góp vốn sẽ nhận được tỷ lệ shares tương ứng với vốn góp và sẽ có quyền voting hoặc proposal dự án để các thành viên khác của The LAO biểu quyết, xem xét có nên đầu tư hay không.

Khác với Token-based DAO khi ai cũng có thể tiếp cận đến token và tham gia DAO, Shared-based DAO thường permissioned và yêu cầu người tham gia đáp ứng một điều kiện nào đó. Model này có ưu điểm là dễ quản lý và nguồn lực được tập trung, tuy nhiên lại khó để scale.

Lưu ý: Các DAO trong cùng một lĩnh vực hoàn toàn có thể sử dụng model khác nhau. Ví dụ trong lĩnh vực Ventures DAO, The LAO sử dụng Shared-Based model còn Yield Guild Games lại áp dụng model token-based với YGG token.

Tìm hiểu thêm: Phân tích mô hình hoạt động Ventures DAO: BitDAO, the LAO, MetaCartel Ventures

Các dự án nổi bật hiện tại

Phía dưới mình sẽ liệt kê một vài DAO nổi bật hiện tại để anh em có cái nhìn tổng quan về cách chúng hoạt động trong thực tế.

Token-based DAO

Ethereum

Ethereum là một DAO với cơ chế Proof of Work, tức incentives hưởng fee và block reward cho thợ mỏ (miner), đổi lại miner cần thực hiện các hoạt động vận hành như khai thác khối mới, xác nhận giao dịch, đảm bảo bảo mật cho mạng lưới.

Cho dù khi nâng cấp lên Etherum 2.0 với model Proof of Stake, nguyên lý này vẫn không thay đổi khi các stakers sẽ là bên xác nhận giao dịch và đảm bảo bảo mật cho mạng lưới để đổi lại incentive.

Bên cạnh đó miner có quyền vote với những đề xuất phát triển của Ethereum (EIP), có thể nói tương lai phát triển của Ethereum phụ thuộc vào sự quyết định của các thành phần trong DAO.

Tìm hiểu: So sánh Proof of Stake vs Proof of Work

Compound

Compound là một protocol rất thành công việc quản trị on-chain. Với việc cho phép token holders tham gia bỏ phiếu với các đề xuất trong protocol, đi cùng với sự ra mắt của token COMP vào ngày 15 tháng 6 năm 2020, đã giúp Compound có một kế hoạch tăng trưởng rõ ràng, từ đó tiếp tục duy trì vị thế là một trong những lending platforms hàng đầu.

Compound Governance: compound.finance/governance/proposals

SushiSwap

Sushi là một case khá hay về việc cộng đồng có vai trò quyết định trong sự phát triển của dự án. Vào hồi tháng 7/2021, đã có một đề xuất bán khoảng hơn 50 triệu token SUSHI cho VC với giá discount, cuối cùng cộng đồng không thông qua đề xuất này và Sushi tiếp tục phát triển mà không có nguồn vốn của VC.

Mình sẽ không nhắc đến lợi ích hay thiệt hại mà quyết định này mang lại, mà chỉ muốn nói rằng DAO đang có một vị thế cực kỳ quan trọng và sức mạnh của cộng đồng đang được thể hiện rõ ràng nhất thông qua DAO.

Shared-based DAO

The Lao

The Lao là dự án nổi bật nhất trong các Quỹ đầu tư Phi tập trung, thành lập từ tháng 4/2020, hiện The LAO đã hoàn thành 35 khoản đầu tư, đa phần là các dự án trên Ethereum như Gitcoin, Zapper, Lido Finance,… The LAO là quỹ đầu tư hoạt động mạnh nhất trong các Quỹ đầu tư phi tập trung.

Tiềm năng của DAO

Hệ sinh thái DAO chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua với sự xuất hiện của hàng trăm dự án mới. Các dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, cho ta thấy tiềm năng rộng lớn của việc áp dụng model DAO.

Xét riêng ở DeFi, Governance là một use case tiêu chuẩn cho các token của dự án, dự án càng lớn thì use case này càng có giá trị. Trong số top các dự án có TVL cao nhất, gần như tất cả đều được quản trị bởi cộng đồng, các quyết định đều được đề xuất và vote bởi các thành viên nắm giữ token của dự án. Model DAO đã trở thành thứ “buộc phải có” cho những DeFi protocol phát triển.

Các DAO nắm giữ giá trị ngày càng lớn, chỉ xét riêng nhánh Ventures DAO, số tài sản trong treasury đã vượt qua mốc tỷ đô.

Với việc DAO đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như social, serviecs,… Lượng giá trị mà các DAO nắm giữ có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Dự phóng cho DAO

Hiện tại có rất nhiều DAO áp dụng token để leveraged model Shared-based DAO như Yield Guild Game, Jenny DAO, Whale, BitDAO,… Mục đích của việc làm này giúp scale DAO lên một tầm cao mới, khi bất kỳ ai cũng có thể tham gia DAO.

Tuy nhiên vì sao model này chưa thể scale ở thời điểm hiện tại?

Ta có thể lấy ví dụ về các dự án như Yield Guild Game thì gặp vấn đề về việc phân bố tài nguyên và chia sẻ doanh thu, còn BitDAO thì hiện chưa biết làm gì với số tiền khổng lồ mà mình gọi vốn được.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hiện nay chưa có một framework thích hợp để mở rộng DAO.

DAO hiện tại (tạm gọi là Dao 1.0), mọi thứ lộn xộn và chưa phân chia rõ ràng ⇒ Từ công việc, lợi ích đều rối loạn ⇒ Ko tạo ra positive feedback loop.

Ở DAO 2.0, mọi thứ được sắp xếp và leverage cho nhau. Mọi thứ hoạt động trơn tru với nhau như model công ty truyền thống, nhưng có khả năng scale tuyệt vời khi bất kỳ ai tham gia cũng sẽ có quyền đóng góp trong DAO.

DAO tương lai sẽ có một framework để có thể phân bổ nguồn lực, chia sẻ doanh thu một cách hợp lý và không tạo ra mâu thuẫn trong tổ chức. Đồng thời các hạn chế của DAO ở phần trên cũng sẽ dần được giải quyết.

Cơ hội đầu tư

DAO hiện tại vẫn còn khá mới nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh, với vị thế nhà đầu tư, giai đoạn này là cơ hội tuyệt vời để ta có thể tìm kiếm những nhánh đầu tư tiềm năng và mở vị thế cho bản thân.

Những nhánh đầu tư tiềm năng:

Các dự án có DAO phát triển

Đây là cách đầu tư trực tiếp nhất, để đánh giá một DAO có thành công hay không, ta có thể dựa vào một vài tiêu chí như:

Những nhân vật đứng đầu DAO có định hướng phát triển dự án tốt hay không?

Tuy DAO dành cho mọi người, nhưng không có nghĩa là không có những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong DAO. Những đề xuất của họ có tác động lớn và là tác nhân trực tiếp đến sự phát triển của DAO.

Ví dụ như Compound, các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất đến quyết định của DAO đều là những VC, người nổi tiếng trong giới Crypto. Tầm nhìn và kiến thức của họ đã giúp Compound có những kế hoạch phát triển rất tốt trong thời gian qua.

Cộng đồng DAO có mạnh hay không?

Network Effect đóng một vai trò quan trọng đến sự phát triển của bất kỳ một dự án nào. Không phải ngẫu nhiên DOGE có thể ngồi trên top dự án có vốn hóa cao nhất thị trường, khi cộng đồng mạnh và hỗ trợ lẫn nhau thì dự án đó có thể tiến rất xa.

Các ví dụ về các dự án có cộng đồng DAO mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại có thể nhắc tới như SushiSwap (SUSHI), Olympus DAO (OHM), Gitcoin (GTC),… Ta có thể đánh giá nhanh chỉ bằng việc lướt nhóm Discord, telegram của dự án, cộng đồng của họ rất mạnh và đều tham gia tích cực các đề xuất của dự án

Kiếm tiền nhờ DAO

Tương tự những dự án như Yield Guild Game, Ancient8,… nơi người tham gia có thể cày game hoặc cho thuê NFT hay tài khoản để để thu về lợi nhuận. DAO đang mở ra những cơ hội việc làm thật sự cho những người tham gia.

Hay nói đến việc chơi Axie Infinity đã trở thành nghề tay trái của người dân Phillipine, anh em có thể sắp xếp thời gian để tìm kiếm những cơ hội kiếm tiền như vậy để tạo thêm nguồn thu nhập cho mình.

Việc tham gia các DAO sẽ giúp anh em có thêm kinh nghiệm, nguồn lực và sự trợ giúp từ cộng đồng từ đó đẩy nhanh tốc độ sinh lời hơn.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Tìm người bán xẻng trong cơn sốt vàng

Đây là phần mà mình thích nhất khi tìm kiếm những cơ hội đầu tư. Thay vì lọc các dự án làm về trend, ta có thể tìm kiếm những người cung cấp dịch vụ cần thiết cho các dự án làm về trend đó. Như vậy ta có thể giảm bớt phạm vi tìm kiếm và có upside cao.

Những dịch vụ cần thiết cho DAO:

  • Infrastructure: Aragon, Colony, Snapshot, Gnosis Safe.
  • Frontend & Analytics: Tally, boardroom, DAOHAUS.
  • Payment: Sablier, Superfluid.
  • Discussion: Discord, Telegram.
  • Identity: IDX, ENS.
  • và còn nhiều dịch vụ khác.

Lời kết

DAO đang có một tốc độ phát triển rất nhanh và ngày càng nhận được nhiều sự chú ý, tuy nhiên sẽ còn nhiều việc phải làm để DAO hiện tại hoàn thiện hơn. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho anh em một phương hướng để có thể đi sâu tìm hiểu về DAO và từ đó tìm ra cơ hội cho bản thân.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc ý kiến nào, anh em hãy comment ngay phía dưới để thảo luận cùng Coin98 nhé!