Nâng cao nhận thức trong sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ

(ĐCSVN) – Hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam (23/11/1946-23/11/2013), một trong nhiều hoạt động được các cấp Hội trong cả nước chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biểu tượng CTĐ – ý nghĩa và giá trị của biểu tượng của CTĐ trong xã hội hiện nay.

Đồng thời, cũng qua hoạt động này, phản ánh và đánh giá lại thực trạng sử dụng biểu tượng CTĐ hiện nay ở nước ta, từng bước có những điều chỉnh để tránh việc sử dụng sai, chưa chuẩn xác biểu tượng CTĐ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một số đơn vị, địa phương và ngành khác.

Thực tế đã cho thấy nơi những nỗi đau khổ còn hằn lên số phận con người, bóng dáng lá cờ CTĐ trên nền trắng tinh khiết như một phần góp tay làm giảm nhẹ nỗi đau. Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… sẽ nặng nề hơn nếu hậu quả không được những bàn tay nhân ái, vì cộng đồng góp phần khắc phục.

Điều này cũng minh chứng biểu tượng CTĐ đã và đang ăn sâu vào tâm khảm người dân và cộng đồng xã hội với những giá trị nhân văn cao cả, nhân đạo sâu sắc.

Biểu tượng CTĐ (Ảnh: Website Trung ương Hội CTĐ Việt Nam)

Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam kí tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ biểu tượng của Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Luật hoạt động CTĐ năm 2009 cũng đã quy định rõ về biểu tượng trong hoạt động CTĐ.

Cũng liên quan tới việc sử dụng biểu tượng CTĐ, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 7964/BYT-KCB ngày 29/10/2009 về việc thực hiện quy định sử dụng biểu tượng CTĐ gửi tất cả các cấp thuộc ngành mình để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của biểu tượng với các hoạt động liên quan tới ngành.

Đáng chú ý, tháng 7/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam, một trong những yếu tố liên quan tới biểu tượng CTĐ.

Theo đại diện lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, mặc dù đã có những cơ sở pháp lý khá rõ ràng về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng CTĐ nhưng ở Việt Nam hiện vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng quốc tế trên, đặc biệt là ngành y tế (bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, các phòng khám, hiệu thuốc…); trên các phương tiện thông tin đại chúng (chuyên mục quảng cáo, các chương trình chăm sóc sức khỏe); trên các sản phẩm vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm; các dịch vụ bảo trì máy tính… Thực trạng này cho thấy đã đến lúc cần phải nhìn nhận để có những giải pháp khẳng định lại giá trị và ý nghĩa thực sự của biểu tượng CTĐ nói chung và biểu trưng CTĐ Việt Nam nói riêng.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải tăng cường phản ánh thực trạng sử dụng biểu tượng CTĐ tại Việt Nam hiện nay và nhận thức của người dân về biểu tượng CTĐ. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biểu tượng CTĐ, sử dụng biểu tượng đúng mục đích và từng bước hạn chế tình trạng vi phạm sử dụng biểu tượng CTĐ như hiện nay./.