Backstop : Chiếc gai cản trở Anh Quốc và Bruxelles chia tay

Các nghị sĩ Anh Quốc không những không đồng tình với thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Anh đạt được với Bruxelles mà còn không ủng hộ một « Brexit Hard » – tức là một Brexit không có thỏa thuận.

Ngày 29/01/2019 các nghị sĩ Anh Quốc yêu cầu thủ tướng Theresa May phải thương thuyết lại điều khoản « Backstop » liên quan đến vấn đề đường biên giới giữa Cộng Hòa Ailen và vùng Bắc Ailen. Liên Hiệp Châu Âu, thông qua lời chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã từ chối mở lại các cuộc thương thuyết về chủ đề này.

Vậy « backstop » là gì ? Vì sao Anh Quốc phản đối mạnh mẽ điều khoản này ? Tại sao Bruxelles không muốn đàm phán lại điểm gai góc này? Kênh truyền hình France 24 có bài giải thích. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Đâu là vấn đề đường biên giới Ailen ?

Một trong những điểm nhậy cảm nhất trong các cuộc đàm phán về Brexit là vấn đề đường biên giới giữa Cộng Hòa Ailen – thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Ailen, vùng lãnh thổ thuộc Anh Quốc. Về mặt lý thuyết, việc Brexit có nguy cơ dẫn đến việc lập lại các chốt biên phòng dọc theo ranh giới dài 500 km này, tái lập kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông tài sản và hàng hóa giữa hai vùng lãnh thổ.

Cả Luân Đôn và Bruxelles đều muốn tránh kịch bản này bằng mọi giá. Đường biên giới gần như vô hình này là một trong những điều kiện tiên quyết của thỏa thuận « Thứ Sáu Tuần Thánh » (hay còn gọi là thỏa thuận Belfast) được ký kết vào năm 1998 nhằm chấm dứt 30 năm đối đầu bạo lực giữa những người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc theo Công giáo ở Cộng Hòa Ailen và những người chủ trương hợp nhất theo Tin Lành ở Bắc Ailen.

Người dân và các doanh nghiệp ở cả hai bên đều muốn giữ đường biên giới vô hình này càng lâu càng tốt. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 30.000 người dân Ailen băng qua đường biên giới phía bắc và ngược lại có đến 31% lượng hàng xuất khẩu của Bắc Ailen đổ vào Cộng Hòa Ailen.

« Backstop » mà Liên Hiệp Châu Âu đề xuất là gì ?

Trong thỏa thuận đạt được vào tháng 12/2017, Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đều cam kết làm mọi cách để tránh tái lập kiểm soát dọc theo đường biên giới giữa hai nước. Các nhà đàm phán Liên Hiệp Châu Âu mong muốn thiết lập một quy chế đặc biệt cho vùng Bắc Ailen.

Do vậy, ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán phía EU, đã đề xuất « backstop » hay còn gọi là cơ chế bảo đảm (filet de securite), một điều khoản bảo đảm tạm thời cho phép duy trì đường biên giới mở. Cơ chế này được ghi trong dự thảo thỏa thuận, nhưng bị các nghị sĩ Anh Quốc bác bỏ hồi tháng Giêng năm nay, trên thực tế dự kiến được tiến hành theo hai giai đoạn như sau :

– Giai đoạn thứ nhất, hay còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, được tính từ ngày tiến hành Brexit (được dự trù là vào ngày 29/03/2019) cho đến hết tháng 12 năm 2020. Trong giai đoạn này, Vương Quốc Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan, trong thời gian tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.

– Khi thời kỳ chuyển tiếp chấm dứt, tức sau năm 2020, nếu đôi bên vẫn chưa tìm được một thỏa thuận thương mại nào, cơ chế « backstop » sẽ được kích hoạt. Vương Quốc Anh vẫn tạm thời ở lại trong liên minh thuế quan, và do vậy hàng hóa vẫn được tự do lưu thông giữa lục địa và Anh Quốc.

Còn Bắc Ailen do có quy chế riêng, nên phải tuân thủ các quy định của thị trường chung, tức là có thỏa thuận thương mại với Liên Hiệp Châu Âu mang tính ràng buộc, hội nhập hơn vì được tự do lưu thông hàng hóa dịch vụ và đi lại của người dân.

Nói một cách tóm tắt, « backstop » là một cơ chế bảo đảm trong trường hợp Luân Đôn và Bruxelles vẫn còn có những bất đồng khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Vì sao các nghị sĩ Anh phản đối « backstop » ?

Những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit nhất chỉ trích cơ chế này ở ba điểm. Thứ nhất họ cho rằng « backstop » cản trở nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu « chia tay dứt khoát ». Vì nằm trong liên minh thuế quan với EU, Vương quốc Anh không thể thương lượng các thỏa thuận tự do mậu dịch khác cho chính mình.

Điều khoản ràng buộc này cho phép Liên Hiệp Châu Âu an tâm rằng sẽ không chuyện hàng hóa một nước thứ ba « tận dụng cổng vào đặc quyền, thông qua ngả Bắc Ailen để thâm nhập thị trường châu Âu », theo như giải thích của Le Monde.

Thứ hai, các nghị sĩ thuộc đảng chủ trương hợp nhất Bắc Ailen, mà thủ tướng May đang cần đến để có được đa số ở Nghị viện, e sợ rằng việc duy trì Bắc Ailen trong vùng kinh tế của Liên Hiệp có nguy cơ dẫn đến tình trạng « sáp nhập » Bắc Ailen vào Cộng hòa Ailen.

Cuối cùng, cơ chế « backstop » do Bruxelles đề xuất lại không quy định ngày hết hạn. Đây cũng điểm gây căng thẳng giữa thủ tướng Anh với các nhà đàm phán Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, đòi hỏi này của Thủ tướng Anh luôn bị các nước thành viên Liên Hiêp tìm cách trì hoãn, nhất là nước Cộng hòa Ailen. Do vậy đối với các nghị sĩ Anh Quốc đây chẳng qua là một tình trạng « vờ chia tay ». Anh Quốc có nguy cơ vĩnh viễn bị gắn chặt với Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu không đạt được thỏa thuận, chuyện gì xảy ra ?

Nếu như mỗi bên hiện nay cứ khăng khăng giữ nguyên lập trường, Anh Quốc vẫn rời Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/03/2019 vào lúc 23 giờ GMT. Chính phủ Luân Đôn và Dublin (Cộng hòa Ailen) đã đánh tiếng cho biết không có ý định áp đặt kiểm soát thuế quan ở biên giới. Nhưng Bruxelles nêu rõ là một « Brexit » không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc lập lại đường biên giới hữu hình dưới hình thức này hay hình thức khác.

Các đối tác châu Âu của Cộng hòa Ailen khẳng định đứng về phía Dublin và sẽ bảo vệ « backstop ». Nhưng các nước này cũng muốn tránh « No Deal » – một cuộc chia tay không có thỏa thuận. Trong trường hợp bế tắc kéo dài, Ailen cũng không thể nào để mở cửa lâu đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.

Và nếu như Ailen không thể kiểm soát hàng hóa đến từ nước Anh, Liên Hiệp Châu Âu một ngày nào đó có nguy cơ phải xem xét khả năng đến lượt hàng hóa xuất khẩu từ Cộng hòa Ailen sang các nước thành viên EU cũng phải bị kiểm soát.