Trong phiên điều trần hôm qua ngày 14/06, thẩm phán đã từ chối yêu cầu đóng băng tài sản của Binance.US do SEC không đưa được ra những câu trả lời thỏa đáng.
Ngày 12/6, Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) đệ đơn lên tòa án liên bang xin lệnh đóng băng tài sản của Binance và Binance.US. Tuy nhiên, trong phiên điều trần diễn ra từ 2h ngày 14/6 (giờ Hà Nội), thẩm phán Amy Berman Jackson từ chối yêu cầu của SEC, đồng nghĩa Binance.US vẫn có thể hoạt động ở Mỹ.
Bloomberg dẫn lời thẩm phán: “Việc đóng cửa toàn bộ Binance.US sẽ tạo ra những hậu quả đáng kể, không chỉ với sàn giao dịch mà còn ảnh hưởng đến cả thị trường tài sản kỹ thuật số nói chung”.
Trước đó ngày 5/6, SEC kiện Binance, Binance.US và tỷ phú CZ với 13 cáo buộc rằng Binance đã thổi phồng khối lượng giao dịch, điều hướng dòng tiền của khách hàng, không hạn chế người Mỹ khỏi nền tảng và đánh lừa nhà đầu tư về những biện pháp kiểm soát thị trường của mình. Cơ quan quản lý cũng cáo buộc CZ có quyền truy cập vào tài sản của người dùng Binance.US.
SEC không trả lời được câu hỏi cốt lõi
Coindesk cho biết thẩm phán chỉ trích luật sư của SEC đã vội vã khi chưa chứng minh được CZ hay bất kỳ ai có quyền truy cập vào các khóa riêng tư của người dùng. Ông cũng đi sâu vào câu hỏi cốt lõi của vụ kiện: “Điều gì khiến tài sản tiền điện tử trở thành chứng khoán? Nếu không phải chứng khoán, nó có phải hàng hóa?”
Thẩm phán yêu cầu SEC phân biệt giữa “tài sản tiền điện tử” và “chứng khoán tài sản tiền điện tử”, nhưng không hài lòng với câu trả lời nhận được. Matthew Scarlato, luật sư của SEC, nói cơ quan quản lý đã cung cấp một số ví dụ về tiền điện tử mà họ tin là chứng khoán trong đơn khiếu nại.
Thẩm phán hỏi cả SEC và Binance rằng liệu các loại tiền điện tử đều có thể coi là hàng hóa không? Đây là câu hỏi chưa có đáp án của ngành công nghiệp tiền số trong nhiều năm qua. Nếu là hàng hóa, nó sẽ thuộc quyền giám sát của Ủy ban Giao dịch và Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC). Matthew Martens, luật sư đại diện cho Binance.US, nói BNB, tiền mã hóa do Binance phát hành, là “tài sản tiền điện tử”.
Hai bên thỏa hiệp
Trái với phát ngôn căng thẳng trước phiên điều trần, cả SEC và Binance đều cho thấy thiện chí thỏa hiệp trong phiên xử. Jennifer Farer, luật sư của SEC, nói sẵn sàng để Binance.US tiếp tục hoạt động kinh doanh. Còn đại diện Binance khẳng định họ muốn hoạt động bình thường và “không buông tay chịu trói”.
Kết thúc phiên tranh luận, thẩm phán Jackson cho rằng hai bên có thể tìm thấy tiếng nói trong thỏa thuận mới. Điều này sẽ cho các bên thời gian cần thiết để sắp xếp lại các chi tiết của vụ kiện.
Thẩm phán Jackson ra lệnh cho SEC và Binance tiếp tục đàm phán. Đổi lại, Binance.US cần chuyển toàn bộ tài sản sang địa chỉ ví mới và CEO Changpeng Zhao (CZ) không có quyền động đến bất kỳ tài sản nào của sàn. Thẩm phán lưu ý nếu hai bên đi đến một thỏa thuận chung thì “hoàn toàn không cần đưa ra một lệnh cấm nào”. SEC và Binance cần báo cáo chi tiết thỏa thuận cho tòa án vào ngày 15/6.
Phản ứng của cộng đồng
Cùng ngày diễn ra phiên điều trần, các tài liệu liên quan đến Bill Hinman, cựu giám đốc tài chính của SEC, đưa ra năm 2018 cũng lần đầu được công bố. Theo luật sư John Deaton, nhà sáng lập CryptoLaw, tài liệu này đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ các sàn giao dịch đang bị SEC khởi kiện. SEC lập luận hầu hết tiền mã hóa là chứng khoán nên nó thuộc quản lý của SEC.
Cointelegraph dẫn lời Deaton rằng những tài liệu này không chỉ ảnh hưởng đến dư luận mà còn định hình lại các cuộc tranh luận về luật, “thúc đẩy quốc hội can thiệp và đưa ra nhận định rằng SEC đang sai lầm trong quản lý tài sản kỹ thuật số”.
Trong khi đó, cộng đồng tiền số cũng tỏ ra bất bình với tuyên bố của Chủ tịch SEC Gary Gensler về tiền mã hóa. Trước khi trở thành lãnh đạo SEC, Gensler là một trong những giáo sư tiên phong giảng dạy về blockchain. Nhưng giờ đây, ông đang dẫn đầu cuộc “đàn áp các công ty tiền mã hóa”.
Một video đang được chia sẻ rầm rộ trên Twitter là vào năm 2018, khi Gensler phát biểu trong một sự kiện do Bloomberg về thị trường tiền mã hóa. Khi đó ông khẳng định 70% tài sản trên thị trường tiền số không phải là chứng khoán.
Một video khác ghi lại bài giảng của ông tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào mùa thu 2018 với chủ đề “Blockchain và tiền tệ”, khẳng định: “Việc phát hành token lần đầu ra công chúng (ICO) không vi phạm luật chứng khoán Mỹ. ICO đang gây tranh cãi nhưng không phải là vấn đề pháp lý”. Khi đó ông cũng cho rằng ba phần tư thị trường tiền mã hóa không phải chứng khoán mà chỉ là hàng hóa, tiền mặt và tiền điện tử.
Những phát ngôn này ngược hoàn toàn với tuyên bố mới đây của Gary Gensler trong vai trò Chủ tịch SEC, rằng hầu hết tiền mã hóa là chứng khoán và phải chịu sự quản lý của SEC.
“Những tuyên bố bất nhất cho thấy Gensler đạo đức giả”, ZK Shark, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng tiền mã hóa, viết trên Twitter.
Ngày 12/6, Hạ nghị sĩ Mỹ Warren Davidson thậm chí kêu gọi sa thải Chủ tịch SEC Gary Gensler thông qua một dự luật được đề xuất nhằm tái cơ cấu ủy ban.