Thở máy không xâm nhập là biện pháp thông khí không xâm nhập, thường được sử dụng trong các trường hợp hồi sức cấp cứu, đặc biệt phổ biến trong trường hợp hồi sức sơ sinh. Vậy thở máy không xâm nhập là gì? Những trường hợp nào nên và không nên áp dụng phương pháp này? Thở máy không xâm nhập có gây ra những rủi ro nào hay không?
27/10/2021 | Phương pháp điều trị suy hô hấp nặng cho hiệu quả cao 11/09/2021 | Giúp bố mẹ tìm hiểu một số bệnh suy hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh 14/08/2021 | Hội chứng suy hô hấp: nguyên nhân, triệu chứng và các điều trị 21/07/2021 | Hội chứng suy hô hấp cấp tính: 7 triệu chứng điển hình
1. Thở máy không xâm nhập là gì?
Thở máy không xâm nhập là một phương thức thở bằng máy mà trong suốt chu kỳ hô hấp, bệnh nhân thở tự nhiên nhưng bị đặt một áp lực dương hoặc áp lực dương hai mức.
Phương pháp thở máy không xâm nhập thường được sử dụng cho những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Áp lực này được tạo ra với mục đích giúp phổi nở, cải thiện quá trình trao đổi khí, từ đó giúp bệnh nhân nhận được lượng oxy cần thiết, đồng thời giảm lượng carbon dioxide và giảm triệu chứng khó thở cho người bệnh.Những bệnh nhân được áp dụng thở máy không xâm nhập bắt buộc phải đang trong tình trạng tỉnh táo và cơ hô hấp vẫn có thể hoạt động bình thường.
Thở máy không xâm nhập gồm 2 loại:
+ Máy thở CPAP là loại máy thở chỉ tạo một mức áp lực dương liên tục.
+ Máy thở BiPAP là loại máy thở có hai mức áp lực dương.
Các loại máy này đều có kích thước nhỏ gọn, mang đến hiệu quả cao, có thể sử dụng ngay tại nhà với mức chi phí thấp.
2. Những trường hợp cần áp dụng và chống chỉ định với thở máy không xâm nhập
Ngoài thắc mắc thở máy không xâm nhập là gì, vấn đề những trường hợp được chỉ định và chống chỉ định thở máy không xâm nhập cũng được nhiều người quan tâm.
2.1. Những trường hợp cần áp dụng phương pháp thở máy không xâm nhập
Phương pháp thở máy không xâm nhập thường được sử dụng cho những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, những trường hợp bị suy hô hấp nghiêm trọng có nguy cơ tử vong cao cũng cần được sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập. Cụ thể là những trường hợp dưới đây:
Thở máy không xâm nhập rất an toàn, ít tác dụng phụ
+ Bệnh nhân bị suy hô hấp do phổi tắc nghẽn mạn tính.
+ Các trường hợp bị phù phổi cấp.
+ Những người thừa cân béo phì mắc phải hội chứng giảm thông khí.
+ Bệnh nhân bị viêm phổi
+ Các trường hợp lên cơn hen suyễn cấp tính.
+ Bệnh nhân thở kém sau phẫu thuật.
+ Rối loạn nhịp thở do bệnh rối loạn thần kinh.
+ Các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có triệu chứng suy hô hấp hoặc giảm oxy máu.
Lưu ý: Một điều kiện quan trọng đó là bệnh nhân cần phải tỉnh táo, đồng thời cơ hô hấp vẫn hoạt động thì mới có thể sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập. Phương pháp này còn mang một ưu điểm là hạn chế những tác dụng phụ và một số nguy cơ biến chứng so với phương pháp đặt nội khí quản hay mở khí quản.
Sau khi rút nội khí quản, một số bệnh nhân được sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập với mục đích giúp họ hô hấp được bình thường cho tới khi có thể hoàn toàn cai được máy thở.
2.2. Những trường hợp không được áp dụng phương pháp thở máy không xâm nhập
Không phải bất cứ trường hợp nào cũng được áp dụng phương pháp thở máy không xâm nhập, đặc biệt là những trường hợp bị khó thở nghiêm trọng, thậm chí suy giảm ý thức và bệnh nhân có triệu chứng khó nuốt.
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp thở máy không xâm nhập hay không?
Phương pháp thở máy không xâm nhập không được áp dụng với những trường hợp cụ thể dưới đây:
– Bệnh nhân có triệu chứng ngừng tim, ngừng thở.
– Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, hoặc gặp phải một số vấn đề bất thường nội khoa khác.
– Người bệnh khó nuốt, tổn thương cơ chế ho, không thể khạc đờm ra ngoài được.
– Có hiện tượng tăng tiết dịch nhiều.
– Các trường hợp không chịu hợp tác với máy thở.
3. Một số nguy cơ rủi ro có thể gặp phải khi áp dụng phương pháp thở máy không xâm nhập.
Phương pháp thở máy không xâm nhập có độ an toàn cao, không có nhiều tác dụng phụ và có thể giảm nhiều nguy cơ biến chứng so với một số phương pháp khác như đặt nội khí quản và mở khí quản. Phần lớn những nguy cơ rủi ro của phương pháp thở máy không xâm nhập có nguyên nhân từ mặt nạ. Cụ thể là:
– Bệnh nhân bị kích ứng da, khó chịu do mặt nạ: Biện pháp xử lý là thay đổi mặt nạ và chỉnh dây mặt nạ sao cho vừa vặn với khuôn mặt của người bệnh.
– Đầy bụng ở mức độ nhẹ
– Tình trạng khô miệng, khô mũi: Có thể được khắc phục bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, kiểm tra tình trạng rò khí.
– Sung huyết mũi: Tình trạng này có thể khắc phục bằng một số phương pháp như dùng thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng,…
– Loét cánh mũi có thể do dây mặt nạ quá chặt hoặc dùng loại mặt nạ không phù hợp. Biện pháp khắc phục là nới lỏng dây hoặc thay mặt nạ khác.
– Da bệnh nhân bị nổi mụn.
– Kích ứng mắt gây đỏ: Với tình trạng này, nguyên nhân cũng có thể là do mặt nạ hoặc dây đai thắt quá chặt. Biện pháp xử lý là nới lỏng dây đai hoặc thay mặt nạ mới.
– Đau xoang hoặc tai: Những trường hợp này cần giảm áp lực máy cho bệnh nhân.
Không nên ăn uống trong khi thở máy để tránh hít phải thức ăn hay chất lỏng vào phổi
Ngoài những nguy cơ rủi ro kể trên, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm hơn nhưng ít gặp, chẳng hạn như giảm huyết áp, viêm phổi hít,… Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định điều chỉnh giảm áp lực khí hoặc loại bỏ máy thở, đặt dẫn lưu màng phổi,…
Lưu ý: Dù được thở máy không xâm nhập tại nhà hay tại bệnh viện, bệnh nhân cần tiến hành theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong khi thở máy, bệnh nhân không ăn uống bất cứ loại thực phẩm nào để tránh nguy cơ hít phải thức ăn hay chất lỏng vào phổi.
Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ thở máy không xâm nhập là gì và một số trường hợp cần sử dụng phương pháp này. Nếu muốn biết chi tiết hơn hoặc muốn tư vấn về một số vấn đề sức khỏe khác hay cần đặt lịch khám sớm, bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56.