Đời Sống

Tiêu hóa ở động vật là gì

1. Tiêu hóa là gì?

Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

– Tiêu hóa ở động vật gồm: tiêu hóa nội bào với tiêu hóa ngoại bào.

2. Các hình thức tiêu hóa

2.1. Tiêu hóa ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa

– Động vật chưa có cơ quan tiêu hoá là động vật đơn bào. VD: trùng giày, amip,…

– Ở các động vật này, thức ăn được tiêu hóa nội bào: Các enzim từ lizôxôm vào không bào tiêu hoá để thủy phân thức ăn thành các chất dinh dưỡng đơn giản để tế bào sử dụng.

Tiêu hóa ở trùng giày

– Trình tự các giai đoạn tiêu hóa nội bào:

1. Màng tế bào lõm dần vào, hình thành không bào tiêu hóa chứa thức ăn bên trong.

2. Lizôxôm gắn vào không bào tiêu hóa giải phóng enzim thủy phân các chất dinh dưỡng phức tap thành các chất đơn giản.

3. Các chất dinh dưỡng đơn giản được hấp thụ từ không bào tiêu hóa vào tế bào chất, phần chất không được tiêu hóa được thải ra khỏi tế bào theo kiểu xuất bào.

2.2. Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa

– Các loài ruột khoang và giun dẹp có túi tiêu hoá.

– Túi tiêu hóa có hình túi và được hình thành từ nhiều tế bào. Túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất ra bên ngoài. Lỗ thông vừa làm chức năng miệng vừa làm chức năng hậu môn.

– Trên thành túi có nhiều tế bào tuyến. Các tế bào này tiết enzim tiêu hóa vào lòng túi tiêu hóa.

– Quá trình tiêu hóa thức ăn trong túi tiêu hóa:

1. Thức ăn được lấy từ lỗ thông nhờ trợ giúp của xúc tua vào túi tiêu hóa.

2. Trong lòng túi xảy ra tiêu hóa ngoại bào (tiêu hóa bên ngoài tế bào) nhờ enzim của các tế bào tuyến.

3. Thức ăn đang tiêu hóa dở dang được tạo ra sau tiêu hóa ngoại bào đi vào các tế bào trên thành túi tiêu hóa, tiếp tục tiêu hóa nội bào.

4. Các chất không được tiêu hóa thải ra lỗ thông.

2.3. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa

Ống tiêu hóa của giun đất

Tiêu hóa ở châu chấu

Ống tiêu hóa ở chim

Hệ tiêu hóa ở người

– Ống tiêu hóa được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau.

– Thức ăn đi theo một chiều trong ống tiêu hóa.

– Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học và dịch tiêu hóa.

– Trong ống tiêu hóa thức ăn được biến đổi thành chất đơn giản và được hấp thụ vào máu. Các chất không được tiêu hóa sẽ tạo thành phân và được thải ra bên ngoài.

– Quá trình tiêu hóa trong ống tiêu hóa của người:

Video tiêu hóa ở người:https://youtu.be/q6UT9wjCLs8

3. Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thịt và thú ăn thực vật

3.1. Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thịt

Bộ răng: răng nanh, răng hàm và răng cạnh hàm phát triển để giữ mồi, xé thức ăn

– Dạ dày: Dạ dày to chứa nhiều thức ăn và tiêu hóa cơ học, hóa học (nhờ enzim pepsin).

– Ruột ngắn (ruột chó khoảng 6-7m) do thức ăn giàu chất dinh dưỡng.

3.2. Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thực vật

– Bộ răng : răng cạnh hàm, răng hàm phát triển để nghiền thức ăn thực vật cứng.

– Dạ dày một ngăn (dạ dày đơn) hoặc 4 ngăn (động vật nhai lại).

• Quá trình tiêu hóa trong dạ dày đơn:

+ Thức ăn thực vật được tiêu hóa và hấp thụ một phần trong dạ dày và ruột non.

+ Phần còn lại chuyển vào manh tràng và tiếp tục được tiêu hóa nhờ vi sinh vật cộng sinh.

• Quá trình tiêu hóa trong dạ dày 4 ngăn của trâu:

+ Thức ăn được nhai qua loa ở miệng, rồi nuốt vào dạ cỏ.

+ Trong dạ cỏ thức ăn được lên men nhờ vi sinh vật cộng sinh.

+ Sau 30-60 phút thức ăn trong dạ cỏ được đưa dần sang dạ tổ ong và ợ lên miệng nhai kĩ lại.

+ Thức ăn sau khi nhai lại cùng với lượng lớn vi sinh vật quay trở lại thực quản vào dạ lá sách hấp thụ bớt nước và chuyển vào dạ múi khế.

+ Dạ múi khế tiết ra pepsin và HCl để tiêu hóa prôtêin có ở vi sinh vật và cỏ.

+ Ruột non rất dài do thức ăn nghèo chất dinh dưỡng (ruột trâu bò khoảng 50m).

+ Manh tràng phát triển ở thú ăn thực vật có dạ dày đơn.