Quy phạm pháp luật là gì

Quy phạm pháp luật là kết quả hoạt động có lí chí và ý chí của con người. Quy phạm pháp luật không hình thành một cách tự nhiên mà nó phụ thuộc vào ý chí nhà nước, ý chí của những người tạo ra nó. Vậy quy phạm pháp luật là gì? Các loại quy phạm của pháp luật hiện nay gồm những loại nào?

Khách hàng đang quan tâm, cần tìm hiểu những nội dung trên vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi.

Quy phạm là gì?

Quy phạm là khuôn khổ hành vi do một cộng đồng tạo ra (quy phạm xã hội) hay do nhà nước ban hành (quy phạm pháp luật) để duy trì và quản lý trật tự xã hội, là những quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với nhau trong một phạm vi cộng đồng nhất định.

Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội, là những quy tắc xử sự chung bắt buộc mọi người thực hiện, do nhà nước xác lập, ban hành và bảo đảm việc thực hiện, để điều chỉnh các hành vi của cá nhân hoặc tổ chức theo ý chí của nhà nước.

Theo đó Quy phạm xã hội là những quy tắc xử sự chung của con người nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với con người trong một phạm vi, cộng đồng nhất định.

Đặc điểm của quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là loại quy phạm có những đặc điểm như sau:

– Là những quy tắc có tính chất bắt buộc chung;

– Được thể hiện dưới hình thức xác định;

– Thể hiện ý chí của Nhà nước, do các cơ quan có thẩm quyền ban hành;

– Được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Các loại quy phạm của pháp luật

Bên cạnh việc giúp Khách hàng giải đáp thắc mắc liên quan đến quy phạm pháp luật là gì? thì chúng tôi sẽ giúp Khách hàng phân loại các loại quy phạm pháp luật như sau:

– Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, quy phạm pháp luật có thể phân chia theo các ngành luật theo:

+ Quy phạm pháp luật hình sự;

+ Quy phạm pháp luật dân sự;

+ Quy phạm pháp luật hành chính,…

– Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật có thể chia thành:

+ Quy phạm pháp luật định nghĩa

Ví dụ: Điều 3 khoản 3 Luật Cạnh tranh: Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.

+ Quy phạm pháp luật điều chỉnh: Các quy phạm này quy định quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia trong các quan hệ xã hội; gồm ba nhóm Quy phạm bắt buộc, quy phạm cấm đoán, quy phạm cho phép;

+ Quy phạm pháp luật bảo vệ: Đây là loại quy phạm xác định các biện pháp cưỡng chế mang tính nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật.

– Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh nêu trong quy phạm pháp luật có thể phân chia thành:

+ Quy phạm pháp luật dứt khoát

+ Quy phạm pháp luật không dứt khoát

+ Quy phạm pháp luật tùy nghi

+ Quy phạm pháp luật hướng dẫn

– Căn cứ vào cách thức trình bày quy phạm pháp luật có thể chia thành:

+ Quy phạm pháp luật bắt buộc

+ Quy phạm pháp luật cấm đoán

+ Quy phạm pháp luật cho phép

Cấu trúc quy phạm pháp luật

Các yếu tố cấu thành quy phạm pháp luật bao gồm 3 bộ phận là Giả định, quy định và chế tài. Tuy nhiên, không phải mọi quy phạm pháp luật luôn có đủ 3 bộ phận này.

– Giả định: Giả định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên những hoàn cảnh, điều kiện có thể xảy ra trong cuộc sống và cá nhân hay tổ chức nào ở vào những hoàn cảnh, điều kiện đó phải chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó.

Trong giả định của quy phạm pháp luật cũng nêu lên chủ thể nào ở vào những điều kiện, hoàn cảnh đó.

Ví dụ: Bộ luật hình sự quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Bộ phận giả định của quy phạm là: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.

– Quy định: Quy định là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu cách xử sự mà tổ chức hay cá nhân ở vào hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật được phép hoặc buộc phải thực hiện.

Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật trả lời câu hỏi: Phải làm gì? Được làm gì? Không được làm gì? Làm như thế nào?

Mệnh lệnh được nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật có thể dứt khoát, tức chỉ nêu một cách xử sự và các chủ thể buộc phải xử sự theo mà không có sự lựa chọn.

Ví dụ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Hoặc không dứt khoát, tức nêu ra 2 hoặc nhiều cách xử sự và cho phép các tổ chức hoặc cá nhân có thể lựa chọn cho mình cách xử sự thích hợp từ những cách xử sự đã nêu.

Ví dụ: Luật hôn nhân và Gia đình quy định: “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn; Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài”).

– Chế tài: Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

Các biện pháp tác động nêu ở bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật có thể sẽ được áp dụng với tổ chức hay cá nhân nào vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng mệnh lệnh của Nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Trong trường hợp này thì Bộ phận chế tài của quy phạm là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đó là một số thông tin chúng tôi muốn gửi đến Khách hàng về quy phạm pháp luật là gì? Khách hàng theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc vui lòng phản hồi trực tiếp để nhân viên hỗ trợ.