Đóng góp trực tiếp vào những thành tích kể trên phải kể đến những nỗ lực rất cao, sự quyết liệt và mưu trí trong điều tra phá án của các cán bộ chiến sĩ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an. Đáng chú ý, qua hoạt động nghiệp vụ, điều tra, xử lý hàng loạt vụ án “nóng” về tham nhũng, kinh tế, Bộ Công an đã đúc rút ra nhiều vấn đề và có nhiều kiến nghị quan trọng.
Khởi tố hàng loạt vụ án “nóng” về tham nhũng kinh tế
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an tạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 ngày 31/12/2021, năm 2021, toàn lực lượng đã khởi tố 3.871 vụ (tăng 14,7%) với hơn 5.000 bị can (tăng 25.9%). Nhiều địa phương phát hiện, thụ lý các vụ án lớn như: Khánh Hòa, Phú Yên, Sơn La, Bắc Giang… khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác thu hồi tài sản được chú trọng, nhất là cảm hóa, động viên nhiều đối tượng khai nhận, khắc phục hậu quả, tỷ lệ thu hồi cao (riêng án tham nhũng đạt 92%)…
Bên cạnh đó, chủ động nhận diện kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, các hành vi vi phạm pháp luật; xác định khâu đột phá, đánh trúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc lâu nay như: y tế, giáo dục, cổ phần hóa; đất đai, buôn lậu, chuyển tiền trái phép, hàng giả…
Điển hình nhất phải kể đến là lĩnh vực y tế với hàng loạt vụ án “dậy sóng” dư luận như: vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa, nhận hối lộ. Hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi…; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều vụ án đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều quan chức lãnh đạo các bệnh viện, bộ ngành như các vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức…
Tiếp đó là lĩnh vực giáo dục, C03 cũng khám phá được nhiều vụ án vi phạm trong dự án đấu thầu trang thiết bị ngành Giáo dục như: vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan (vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 15 bị can); vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và các công ty, đơn vị có liên quan (khởi tố 9 bị can); vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan (khởi tố 9 bị can).
Lĩnh vực cổ phần hóa, vụ án tại Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng công ty Cienco 1..; Lĩnh vực buôn lậu, chuyển tiền trái phép, hàng giả có các vụ án lớn như buôn lậu 200 tấn hàng hóa tại Quảng Ninh, vụ buôn lậu, chuyển tiền trái phép tại các tỉnh phía Nam (Liên quan đến Thủ Đức House), vụ 10 triệu sách giáo khoa giả tại Hà Nội…
Chỉ ra hàng loạt “lỗ hổng” trong hoạt động đấu thầu
Từ các vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên… Trung tướng Tô Ân Xô chỉ ra rằng, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp, không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông…mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa… Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án hình sự xảy ra tại VEC khi thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã chỉ ra 4 “lỗ hổng” nghiêm trọng trong quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng.
Theo đó, Bộ Công an kiến nghị cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan công tác đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán… (đơn vị thiết kế kỹ thuật dự án đã không tham gia công tác điều chỉnh thiết kế khi có phát sinh, không tham gia giám sát tác giả thiết kế; các đơn vị có tính hoạt động độc lập rất cao là đơn vị thí nghiệm vật liệu, thiết kế bản vẽ thi công nhưng lại trực thuộc nhà thầu thi công…).
Cũng theo Bộ Công an, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, giám sát có chi phí rất lớn nhưng thực tế lại do các đơn vị, kỹ sư người Việt Nam thực hiện ở hiện trường; vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công, phân bổ và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.
Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót, đảm bảo phù hợp, cơ quan điều tra cho rằng trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần thể chế hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, máy móc, điều kiện tham gia của nhà thầu phụ và các cá nhân được nhà thầu chính chọn thực hiện thi công, giám sát. Trong đó, các dự án quan trọng của quốc gia cần có quy định, điều kiện tiêu chuẩn cao hơn.
Đặc biệt, Bộ Công an cho rằng cần tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ (B’, B’’) không đủ năng lực dẫn tới không kiểm soát được chất lượng công trình.
Ngoài ra phải nâng cao vai trò, ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thực hiện thiết kế kỹ thuật dự án đối với công tác giám sát tác giả từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật và chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án.
Cơ quan điều tra cũng nhấn mạnh phải phân định rõ trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn để chủ đầu tư; nhà thầu thi công có điều kiện về vốn, hoàn thành các hạng mục công trình, đặc biệt là thi công để hoàn trả các đường công vụ, đường dân sinh, đường mượn của nhân dân tại địa bàn các tỉnh có dự án đi qua.
Và nêu nhiều kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng…
Đáng chú ý, qua quá trình điều tra các sai phạm của loạt quan chức lãnh đạo ở TP.HCM, có liên quan đến các khu đất “vàng” bị “nhóm lợi ích” dịch chuyển từ tài sản thuộc sở hữu nhà nước sang tay doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt, Bộ công an chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến hơn 6.000 m2 đất tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TP.HCM) rơi vào tay tư nhân xuất phát từ việc quản lý, điều hành vốn nhà nước tại Tổng Công ty Sabeco (trực thuộc Bộ Công thương) còn chịu ảnh hưởng bởi cơ chế “xin – cho” trong quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất.
Mặc dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT (những người đại diện chủ sở hữu trực tiếp 100% phần vốn nhà nước tại Sabeco) phải chịu sự chỉ đạo, chi phối và quyết định gần như tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Công thương. Trong khi đó lãnh đạo Bộ Công thương (Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước) và các đơn vị chuyên môn có chức năng chính là quản lý nhà nước, không bám sát được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. “Sự bất hợp lý này dẫn đến Bộ Công thương không quản lý hiệu quả tài sản, dẫn đến làm lãng phí vốn nhà nước”, Bộ Công an kết luận.
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc đã duyệt chủ trương cho Sabeco thoái vốn, khiến 6.000m2 đất “vàng” ở quận 1 vào tay tư nhân gây thiệt hại hơn 3.816 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, ông Hoàng biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, được sắp xếp giao cho Sabeco đầu tư xây dựng DA trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo… nhưng đã phớt lờ, chỉ đạo lãnh đạo Tổng công ty Sabeco triển khai việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quyết định của Thủ tướng để đầu tư dự án.
Ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, những người phụ trách Ban quản lý vốn nhà nước tại Sabeco không thể không nghe. Hơn nữa đó còn là thực hiện theo luật (quy định tại 43 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014). Chưa đầy một năm sau khi quyền sở hữu khu đất “vàng” hoàn tất về tay Sabeco Pearl núp dưới hình thức thuê đất dự án, ông Hoàng tiếp tục chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp cho Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/ cổ phần.
Cũng từ “kẽ hở” trên, trong một vụ án khác, với tư cách là Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân không ngần ngại phát Công văn đề nghị Bộ VH-TT&DL và UBND TP HCM để Công ty Bắc Nam 79 của Vũ “Nhôm” thuê lại khu đất “vàng” rộng hơn 5.000 m2, tại địa chỉ 15 Thi Sách (Q1, TP.HCM), hiện đang cho Hãng phim thuê. Kết luận của cơ quan điều tra, cho biết, từ các công văn mang tính chỉ đạo của Bộ Công an, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã phê duyệt cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất trái quy định. Vũ “Nhôm” và đối tác sau đó xây công trình 18 tầng, bán cho hơn 110 khách trong và ngoài nước gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước.
Quá trình điều tra các vụ án trên, Bộ Công an đã gửi công văn đến Văn phòng chính phủ, kiến nghị rà soát, chấn chỉnh các quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý tài sản công. Bộ Công an cho rằng, phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện vốn nhà nước, xóa bỏ cấp trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã gửi công văn đề nghị các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện kiến nghị này.
Thay lời kết
Những năm gần đây, C03 đã điều tra đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ án tham nhũng lớn được người dân đánh giá rất cao. Đặc biệt quan điểm đánh án tới cùng, truy tới gốc, không vùng cấm nên nhiều quan tham ăn hối lộ đã bị pháp luật trừng trị. Nhưng để công tác này hiệu quả hơn nữa, đặc biệt cần chú trọng hơn nữa tới công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu những đề xuất kiến nghị của Bộ Công an, từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật kinh tế còn bất cập, nhằm góp phần giúp công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.