Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong quan hệ lao động? Thông qua những nội dung dưới đây, Luật Hoàng Phi sẽ giúp Quý vị giải đáp được thắc mắc này.
Quy định của Bộ luật lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động
Điều 5 Bộ luật lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:
Tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người lao động
Các quyền và nghĩa vụ nêu tại điều này mang tính khuôn mẫu để các bên của quan hệ lao động cụ thể hoá trong mối quan hệ cụ thể của họ.
Đối với người lao động, quyền tự do việc làm là quan trọng bậc nhất, kể đến là quyền hưởng lương, được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Các quyền khác (tham gia công đoàn, đình công…) cũng quan trọng nhưng xét cho cùng là cơ sở để bảo vệ các quyền lợi của người lao động. Các nghĩa vụ của người lao động được Bộ luật quy định cũng có ý nghĩa xác định nguyên tắc chung cho việc quản lý và bảo đảm quyền, lợi ích của người sử dụng lao động, trong đó bảo đảm tuân theo kỷ luật lao động là rất quan trọng giúp người sử dụng lao động có căn cứ quản lý lao động đế duy trì quan hệ lao động tương đối ổn định vì mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Theo điều luật này, người lao động được quy định có năm nhóm quyền cơ bản gồm: các quyền liên quan đến chọn lựa và thực hiện việc làm, nghề nghiệp; các quyền liên quan đến chế độ bảo đảm trong lao động gồm thù lao và các chế độ bảo đảm khác; các quyền liên quan đến việc tổ chức; quyền đơn phương tự mình chấm dứt quan hệ lao động và quyền đình công. Các quyền nêu trên mang tính khái quát và được cụ thể hoá, chi tiết hoá trong các điều luật khác. Điều đáng chú ý là tại khoản 1 Điều 5 của Bộ luật đã nhấn mạnh hai nhóm quyền: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và đình công. Trên bình diện chung, chấm dứt hợp đồng lao động thuộc nhóm quyền liên quan đến việc làm, nghề nghiệp, là một nội dung của quyền tham gia xác lập, duy trì chấm dứt quan hệ lao động. Còn đình công không thể tách rời quan hệ lao động và vấn đề tổ chức của người lao động.
Tuy nhiên, có lẽ nhà làm luật cho rằng, đó là những quyền cần được đề cao nên đã quy định riêng nhằm “tạo điểm nhấn” gây sự chú ý, chú trọng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, từ đó định hướng phương thức xử sự đúng cho hai bên của quan hệ lao động trong tương lai khi cùng nhau xác lập quan hệ lao động. Mặt khác, việc nhấn mạnh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho phép người lao động quyền tự quyết về việc lựa chọn việc làm, công việc, mối quan hệ lao động cụ thể.
Tuy nhiên, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không phải là quyền tự do tuyệt đối, vì trong trường họp sử dụng quyền này trái pháp luật thì người lao động vẫn phải chịu trách nhiệm, tức là không được loại trừ trách nhiệm, về quyền đình công, đây là một trong những quyền cơ bản của người lao động, là quyền đối trọng có ý nghĩa và tác dụng mạnh mẽ nhất trong quan hệ lao động giúp người lao động gây sức ép, đấu tranh với người sử dụng lao động nhằm bảo vệ, đòi hỏi các lợi ích chính đáng trước pháp luật.
Tuy nhiên, đình công không phải là quyền đựợc thực hiện mang tính đơn lẻ của mỗi người lao động. Trái lại, quyền đình công là loại quyền năng mang tính tập thể, phải được thực hiện trên phương thức tổ chức và kết hợp, với yêu sách nhất định, do tổ chức công đoàn lãnh đạo bằng cách tiến hành nghỉ việc tập thể. Vì thế, nếu một hoặc một vài người lao động nghỉ việc thì không có cơ sở xác định là đang sử dụng quyền đình công và có thể bị xử lý theo pháp luật, nội quy lao động.
Theo khoản 2 điều này Bộ luật nêu ba nhóm nghĩa vụ cơ bản của người lao động:
1. Nhóm thứ nhất gồm các yêu cầu người lao động thực hiện các thoả thuận cá nhân (hợp đồng lao động) và thoả thuận tập thể (thoả ước lao động tập thể), là hai loại thoả thuận quan trọng, quyết định quan hệ lao động của hai bên. Trong các thoả thuận của hợp đồng lao động đã nêu rõ những nghĩa vụ cụ thể cho từng bên phù họp với đặc điểm, tính chất nguyện vọng mang tính cá nhân, về phương diện chung nhất, mang tính bản chất, nghĩa vụ theo hợp đồng lao động của các mối quan hệ lao động là giống nhau.
Nhưng đối với mỗi hợp đồng cụ thể sẽ ghi nhận những nội dung, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, tuỳ thuộc vào vấn đề hai bên quan tâm. Ví dụ: đối với hợp đồng giữa A ký với công ty B có thoả thuận A sẽ làm việc cho công ty B trong thời hạn không dưới 10 năm tính từ ngày ký hợp đồng, trong trường hợp B làm việc từ đủ 15 năm trở lên sẽ được công ty hỗ trợ mua nhà trả góp ở mức 30%….
Đối với hợp đồng giữa công ty B với chị H lại có thoả thuận chị H cam kết chỉ làm việc cho công ty nhiều nhất là 15 năm. Mặc dù hai nghĩa vụ có tính chất như nhau là xác định thời gian làm việc của người lao động, song không giống nhau ở nghĩa vụ cụ thể. Điều đó cho thấy tính phong phú và phức tạp trong hệ thống quyền và nghĩa vụ của họp đồng lao động giữa các bên, vì thế nó được đưa lên loại nghĩa vụ đầu tiên của người lao động.
Đối với thoả ước, việc quy định của Bộ luật là mang tính khái quát và tượng trưng, bởi vì các nghĩa vụ của thoả ước lao động tập thể vừa ràng buộc cá nhân, lại vừa ràng buộc tập thể, có những loại nghĩa vụ một người lao động cá thể không thể thực hiện, ví dụ nghĩa vụ không được tụ tập đông người trong giờ làm việc hoặc tập thể lao động cam kết không làm công dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, giữa thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động có mối quan hệ chặt chẽ, khống chế và bổ sung cho nhau, do đó việc thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ đó là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm hệ thống quản lý lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
2. Nhóm nghĩa vụ thứ hai đề cập đến việc tuân thủ sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Luật lao động một mặt yêu cầu người lao động, và người sử dụng lao động thực hiện các cam kết, mặc khác do đặc điểm và yêu cầu của sản xuất, kinh doanh với những mục tiêu “năng suất – chất lượng – hiệu quả”, vì sự ổn định và trật tự doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, vì sự an toàn của sản nghiệp, tài sản đầu tư nên pháp luật quy định người sử dụng lao động được quyền quản lý người lao động.
Sự quản lý này đề cao quyền năng chỉ huy, điều hành, giám sát, xử lý, thăng thưởng người lao động và buộc người lao động phải tuân thủ những hành động quản lý đó. Tuy nhiên cũng cần phải luôn ý rằng, vì có quyền quản lý và đơn phương buộc người lao động thực hiện các nghĩa vụ nên người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện lao động và chịu trách nhiệm trước những hậu quả do quản lý gây ra đối với người lao động.
3. Nhóm nghĩa vụ thứ ba là yêu cầu người lao động thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan gồm pháp Luật Bảo hiếm xã hội, bảo hiểm y tế. Nội dung của quy định này đề cập tới nghĩa vụ đối với Nhà nước – chủ thể thứ ba trong quan hệ lao động. Thực hiện nghĩa vụ này đòi hỏi người lao động tuân thủ, thực thi đúng và đầy đủ quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quy định có liên quan đến hai lĩnh vực bảo hiểm nêu trên (khai báo, sử dụng thẻ, giám định, các thủ tục khác có liên quan, không thực hiện các điều cấm nhằm trục lợi…).