Du lịch bền vững là gì

Chúng ta cần một nền du lịch bền vững – một nền du lịch tốt cho đất nước lúc này và còn bền vững dài lâu mai sau. Vậy phát triển du lịch bền vững là gì? Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững? Việt Nam đang gặp những khó khăn gì trong việc tiếp cận mô hình phát triển du lịch bền vững? Và đâu là giải pháp cho những khó khăn này?

Du lịch bền vững là gì?

Du lịch bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable Tourism. Khái niệm du lịch bền vững được nhắc đến lần đầu tiên năm 1992, tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro.

Du lịch bền vững

Du lịch bền vững khác với du lịch đại chúng như thế nào?

Du lịch đại chúng không được lập kế hoạch cẩn thận cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc giáo dục, không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Và kết quả là có thể phá hủy hoặc là thay đổi không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hóa mà chúng phụ thuộc

Ngược lại, đây thì được lập kế hoạch một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hóa, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giáo dục du khách và cả cộng đồng địa phương.

Nó có thể tạo ra một lợi tức tương tự như du lịch đại chúng, nhưng có nhiều lợi ích được nằm lại với cộng đồng địa phương và các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hóa của vùng được bảo vệ.

Các yếu tố của loại hình du lịch này?

Theo Khoản 14, Điều 3 của Luật Du lịch 2017, Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – văn hóa xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Du lịch bền vững có ba hợp phần chính, đôi khi được ví như “ba chân”: Môi trường – Văn hóa xã hội – Kinh tế

1. Thân thiện với môi trường

Du lịch bền vững có tác động thấp đến môi trường tự nhiên và khu bảo tồn biển. Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường (động vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…) và cố gắng có lợi cho môi trường.

2. Gần gũi về xã hội và văn hóa

Du lịch bền vững không gây hại đến các cấu trúc xã hội và văn hóa của cộng đồng nơi mà chúng được thực hiện. Thay vào đó thì nó lại tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương.

Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành chương trình du lịch và quản lí chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.

3. Phát triển kinh tế địa phương

Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt.

Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn. Một đơn vị kinh doanh du lịch mà hội đủ ba tiêu chí trên thì “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”.

Điều này có nghĩa là kinh doanh du lịch có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hóa, mang lợi tức đến cho cộng đồng và cũng có thể sẽ thu lợi tức.

Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững?

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp tạo nhiều lợi nhuận nhất cho đất nước. Du lịch có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt các Mục Tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) mà Liên Hơp Quốc đã đề ra từ năm 2000, đặc biệt là các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tính, bền vững môi trường và liên doanh quốc tế để phát triển.

Chính vì vậy mà du lịch bền vững (sustainable tourism) là một phần quan trọng của phát triển bền vững (sustainable development) của Liên Hợp Quốc và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Phát triển du lịch bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều ở các hội nghị và diễn đàn lớn nhỏ trên toàn thế giới. Theo đó, có 3 lý do chính để chúng ta cần phải phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thứ nhất

Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.

Thứ hai

Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.

Thứ ba

Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Với ba lí do được đề cập đến ở bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Phát triển loại hình du lịch này để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện.

Kết luận

Quá trình phát triển du lịch mà đảm bảo giải quyết được các vấn đề nêu trên sẽ được đánh giá là bền vững. Tuy nhiên sự phát triển đó chỉ mang tính tương đối bởi vì trong xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển thì sự bền vững của yếu tố này có thể sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự bền vững của những yếu tố khác. Không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể đạt được sự bền vững tuyệt đối. Mọi hoạt động, mọi biện pháp của con người chỉ nhằm mục đích đảm bảo khả năng khai thác lâu dài các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tổng quan du lịch, ThS. Ngô Thị Diệu An, 2014, NXB Đà Nẵng; Đỗ Hồng Thuận (ĐH Sư Phạm TP HCM)