Động từ là những từ được bôi đen và gạch chân trong đoạn văn sau:
“Mặt trời lên cao dần. Gió đã thổi mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ. Khoảng mênh mông ầm ĩ càng lan rộng mãi. Bãi vẹt đã ngập lưng lưng. Biển cả như muốn nuốt tươi con dê mỏng manh như con cá mập đớp con cá chim nhỏ bé.
Trống giục thùng thùng. Từ hai bên, đất được đổ xuống thành từng dòng. Đất cao dần, đã nổi trên mặt dòng sông thành những vệt đỏ. Sọt đất dựa vào cọc tre, cọc tre giữ chặt sọt đất. Dòng nước bị chặn lại. Tiếng reo hò nổi lên ầm ĩ: chúng ta thắng biển rồi. Cố lên anh em ơi!…”
(Trích Bão biển – Chu Văn)
(Trong đoạn văn có sử dụng cả động từ và cụm động từ, tuy nhiên, người viết chỉ gạch chân động từ)
3. Khả năng kết hợp của động từ
– Động từ có thể kết hợp với các tính từ, danh từ để để tạo ra cụm động từ: đi (động từ) nhanh lên (tính từ), thắng (động từ) biển (danh từ),…
– Động từ cũng có khả năng kết hợp với các phó từ (đã, sẽ, đang, không, chưa, chẳng, vẫn, cứ, còn). Khác với tính từ, động từ còn có thể kết hợp với các phó từ thức mệnh lệnh (hãy, đừng, chớ) để tạo ra những câu hoặc cụm từ có mục đích sai khiến.
Ví dụ: đã thổi mạnh, không về nhà, cứ nói nhiều, đừng nói nữa
4. Chức năng của động từ
– Chức năng chính của động từ (cụm động từ) là làm vị ngữ trong câu, bổ sung ý nghĩa cho danh từ hoặc tính từ.
Ví dụ: Trời // đang mưa
CN (Danh từ) VN (Cụm Động từ)
Em bé // bị ngã trên đường
CN (danh từ) VN (Động từ)
– Ngoài chức năng chính, động từ (cụm động từ) còn có thể làm các thành phần khác trong câu: chủ ngữ, định ngữ, trạng ngữ.
Ví dụ:
+ Động từ làm chủ ngữ: Lao động // là vinh quang
CN (động từ) VN
+ Động từ làm định ngữ: Con đường đang làm // đi qua nhà tôi
Định ngữ (cụm động từ)
+ Động từ làm trạng ngữ: Làm như vậy, tôi thấy không được
Trạng ngữ (cụm động từ)
5. Phân loại động từ
Động từ cũng giống như hầu hết các từ loại, chức năng chính là để bổ nghĩa cho danh từ và làm vị ngữ trong câu. Song với mỗi cách kết hợp khác nhau, mỗi kiểu động từ khác nhau lại bổ sung một ý nghĩa khác cho các từ đứng trước nó.
Dựa theo đặc điểm, động từ chia làm 2 tiểu loại lớn là động từ chỉ hoạt động và động từ chỉ trạng thái.
Ngoài ra còn có cách chia khác chia thành nội động từ và ngoại động từ.
5.1. Động từ chỉ hoạt động và trạng thái
a) Động từ chỉ hoạt động
– Khái niệm: Động từ chỉ hoạt động là những động từ dùng để tái hiện, gọi tên các hoạt động của con người, sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: đi, chạy, nhảy, (chim) hót, (mưa) rơi, (gió) thổi, hát, ca, đuổi nhau,…
– Những động từ chỉ hoạt động của con người có thể dùng để chỉ hoạt động của các sự vật, hiện tượng nhằm làm tăng sức gợi hình và biến các sự vật vô tri ấy trở nên gần gũi hơn với con người.
b) Động từ chỉ trạng thái
– Khái niệm: Động từ chỉ trạng thái là những động từ để tái hiện, gọi tên các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tồn tại của con người, sự vật, hiện tượng.
– Lưu ý về ĐT chỉ trạng thái :
– Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của Động từ chỉ trạng thái là : nếu như ĐT chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau (ăn xong, đọc xong ,…) thì ĐT chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau (không nói : còn xong, hết xong, kính trọng xong, …). Trong Tiếng Việt có một số loại ĐT chỉ trạng thái sau :
+ ĐT chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại) :còn,hết,có,…
+ ĐT chỉ trạng thái biến hoá : thành, hoá,…
+ ĐT chỉ trạng thái tiếp thụ : được, bị, phải, chịu,…
+ ĐT chỉ trạng thái so sánh : bằng, thua, hơn, là,…
– Một số ĐT sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái : nằm, ngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi ,đứng , lăn, lê, vui, buồn , hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,…Các từ này có một số đặc điểm sau :
+ Một số từ vừa được coi là Động từ chỉ hành động, lại vừa được coi là ĐT chỉ trạng thái.
+ Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là ĐT chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại ).
Ví dụ: Bác đã đi rồi sao Bác ơi ! (Tố Hữu )
Anh ấy đứng tuổi rồi .
+ Một số từ mang đặc điểm ngữ pháp của Tính từ ( kết hợp được với các từ chỉ mức độ )
– Các ĐT sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái ( trạng thái tâm lí ) : yêu, ghét , kính trọng, chán, thèm,, hiểu,…Các từ này mang đặc điểm ngữ pháp của Tính từ, có tính chất trung gian giữa ĐT và Tính từ.
– Có một số ĐT chỉ hành động dược sử dụng như một ĐT chỉ trạng thái.
Ví dụ: Trên tường treo một bức tranh.
Dưới gốc cây có buộc một con ngựa .
– ĐT chỉ trạng thái mang một số đặc điểm về ngữ pháp và ngữ nghĩa giống như tính từ . Vì vậy, chúng có thể làm vị ngữ trong câu kể : Ai thế nào ?
5.2. Nội động từ và ngoại động từ
a) Nội động từ
– Khái niệm: Những động từ hướng vào người làm chủ hoạt động (ngồi, đi, đứng, nằm,…)
– Động từ nội động cần phải có quan hệ từ để có bổ ngữ chỉ đối tượng
Ví dụ: Mẹ mua cho tôi con mèo
Động từ nội động Quan hệ từ Bổ ngữ
b) Ngoại động từ
– Khái niệm: những động từ hướng đến người, vật khác (xây, cắt, đập, phá,…)
– Động từ ngoại động không cần phải có quan hệ từ mà có khả năng có bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp.
Ví dụ: Mọi người yêu quý mẹ
Động từ ngoại động Bổ ngữ
6. Cụm động từ
– Khái niệm: Cụm động từ là cụm từ có động từ là từ trung tâm, kết hợp với các phụ trước và phụ sau để tạo thành.
– Chức năng: Chức năng của cụm động từ cũng giống như của động từ. Tức là cụm động từ cũng có chức năng chính là làm vị ngữ, nhưng cũng có thể làm chủ ngữ, định ngữ hoặc trạng ngữ trong câu.
– Cấu tạo của cụm động từ:
+ Mô hình cấu tạo đầy đủ của cụm động từ:
Phụ trước + Động từ trung tâm + Phụ sau
– Tuy nhiên, cụm động từ có thể chỉ có phụ trước hoặc phụ sau, đây là dạng không đầy đủ của cụm động từ.
– Phụ ngữ cho động từ có loại chuyên đứng trước hoặc có loại chuyên đứng sau nhưng cũng có những từ có vị trí tự do, đứng trước hay đứng sau động từ đều được.
Ví dụ: Các phụ ngữ chuyên đứng trước (làm phụ trước) động từ: đã, sẽ, đang, vẫn, cứ, còn,…
Các phụ ngữ chuyên đứng sau (làm phụ sau) động từ: chi tiết về đối tượng
Các phụ ngữ có vị trí tự do, đứng trước hay sau động từ đều được: ăn vội vàng -> vội vàng ăn cho xong; đi thong thả ->. Thong thả đi,…
7. Bài tập về động từ
1. “Các bạn học sinh còn đang vui chơi ở sân trường”.
Phân tích cụm động từ trong câu trên.
=> Cụm động từ: “còn đang vui chơi ở sân trường”.
Trong đó:
– Phần trước: “còn đang” bổ ngữ cho động từ chính, diễn tả sự việc đang xảy ra.
– Phần trung tâm: “vui chơi”.
– Phần sau: “ở sân trường” bổ ngữ cho động từ chính về địa điểm.
2. “Nam đã ăn cơm lúc 7 giờ tối”.
Phân tích cụm động từ trong câu trên.
=> Cụm động từ: “đã ăn xong buổi tối”.
Trong đó:
– Phần trước: “đã” diễn tả quan hệ thời gian, hành động tiếp diễn.
– Phần trung tâm: “ăn”.
– Phần sau: “lúc 7 giờ tối” bổ sung ý nghĩa về mốc thời gian diễn ra.