Tần số dao động là gì?
Tần số dao động của đồng hồ là con số cụ thể biểu thị số vòng xoay khi bánh lắc trong máy cơ hay tinh thể thạch anh trong máy pin thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định (thông thường lấy mốc thời gian là 1 giờ hoặc 1 giây). Một số đơn vị tính thường thấy của tần số dao động bộ máy đồng hồ: Hz, vph, bph, A/h, … cùng với một số đơn vị do quy định của nhà sản xuất. Dao động của bánh lắc hoặc tinh thể thạch anh tương tự như quả lắc của đồng hồ quả lắc. Các dao động đó được dùng để điều chỉnh cho năng lượng đến các bộ phận khác bộ máy là đúng và đủ để thực hiện các chức năng đếm thời gian của đồng hộ một cách chính xác. Các mẫu đồng hồ pin thường chỉ có một tần số dao động duy nhất là 32.768Hz nên tần số dao động thường không phải là điểm quan trọng khi nói đến đồng hồ pin. Ngược lại, đối với đồng hồ cơ (lên dây bằng tay, lên dây tự động) lại có nhiều mức tần số khác nhau, thông số này sẽ mang lại những ưu khuyết điểm khác nhau cho đồng hồ cơ, và thông số này thường được quan tâm khi mua đồng hồ cơ.
Ý nghĩa của các đơn vị đo tần số
Hz (Hertz): là đơn vị đo chu kì dao động trong mỗi giây. Một chu kì bao gồm 2 dao động của bánh lắc/ tinh thể thạch anh.Vph (Vibrations per hour): đơn vị đo số dao động trong mỗi giờ.Bph (Beats per hour): đơn vị đo số nhịp dao động trong mỗi giờ. Một nhịp tương đương 1 dao động.A/h (Alternance per hour hoặc Alterations per hour): là đơn vị đo một luân phiên mỗi giờ. Một luân phiên tức tương đương một dao động. Ngoài ra nó còn có kí hiệu khác là Alt/h với ý nghĩa tương tự.
Cách thức để quy đổi các đơn vị trên: 1 vph = 1 bph = 1 A/h = 1 alt/h.
1 Hz = 7200 vph = 7200 bph = 7200 A/h = 7200 alt/h. Điều này có nghĩa là nếu trong mỗi giây đồng hồ thực hiện được 1 chu kì thì trong một giờ nó sẽ thực hiện được 7200 dao động/ nhịp/ luân phiên.
Một số mức tần số dao động phổ biến hiện này
Tùy theo bộ máy đồng hồ của từng thương hiệu sẽ cho ra tần số dao động và độ chính xác trên lý thuyết khác nhau. Song những con số tương đối dưới đây sẽ áp dụng cho đa số đồng hồ.
– 18000 vph (2.5 Hz): sai số lý thuyết từ khoảng -30 đến +60 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 30 giây và nhanh không quá 60 giây/ngày).
– 21600 vph (3 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -20 đến +40 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 20 giây và nhanh không quá 40 giây/ngày).
– 25200 vph (3.5 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -15 đến +30 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 15 giây và nhanh không quá 30 giây/ ngày).
– 28800 vph (4 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -15 đến +20 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 15 giây và nhanh không quá 20 giây/ ngày).
– 36000 vph (5 Hz): sai số lý thuyết khoảng từ -10 đến +15 giây/ngày (nghĩa là chậm không quá 10 giây và nhanh không quá 15 giây/ ngày).
Những lí giải trên đây của Duy Anh Watch về các kí hiệu tần số dao động trong bộ máy đồng hồ chắc hẳn sẽ bổ sung thêm một phần kiến thức nữa về đồng hồ cho bạn và giúp cho việc bạn lựa chọn cũng như thấu hiểu chiếc đồng hồ của mình hơn.