Pháp nhân thương mại là gì

Qua nhiều năm tiếp cận với nhiều doanh nhân và các nhà quản trị doanh nghiệp trong phạm vi nhiều địa phương, tư vấn về pháp chế – quản trị doanh nghiệp cho chủ thể này, bản thân tác giả bỏ nhiều công sức vận động, thuyết phục về điều nói trên nhưng chẳng thấm tháp gì, nếu không nói là như “nước đổ lá môn”. Có công ty cổ phần 10 năm không hề làm đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), đến khi được tư vấn mới chịu tổ chức nhưng lại nhờ làm tất cả các khâu, từ chuẩn bị hồ sơ, đến triệu tập ĐHĐCĐ, làm biên bản, nghị quyết của ĐHĐCĐ, vì không nắm được gì. Có hợp tác xã khi được tư vấn mới nhận ra việc Chủ tịch Hội đồng quản trị ký quyết định miễn nhiệm Giám đốc là sai – trong khi việc này thuộc thẩm quyền của đại hội thành viên hợp tác xã. Không ít trường hợp doanh nhân chỉ mượn danh pháp nhân để thực hiện hoạt động đầu tư hay kinh doanh – nhưng vẫn đối ngoại bằng tư cách pháp nhân này.

Quy định pháp luật về pháp nhân thương mại

Chương IV Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản về điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân, quyền thành lập pháp nhân, phân loại pháp nhân, các thành tố cơ bản của pháp nhân (điều lệ, tên gọi, trụ sở, quốc tịch, tài sản, cơ cấu tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện), đại diện của pháp nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của pháp nhân, tổ chức lại pháp nhân, chấm dứt pháp nhân. Theo đó, căn cứ vào mục đích thành lập, hoạt động của pháp nhân, BLDS phân loại pháp nhân trong quan hệ dân sự theo hai loại pháp nhân cơ bản là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

Pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác, không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại là các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp – trừ doanh nghiệp tư nhân; pháp nhân thương mại là các nhà đầu tư quy định tại Luật Đầu tư – trừ các cá nhân đầu tư; pháp nhân thương mại là người sử dụng lao động quy định tại Bộ luật Lao động – trừ cá nhân thuê lao động giúp việc gia đình; pháp nhân thương mại là hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.

Để loại trừ sự nhầm lẫn về chủ thể với nhiều trường hợp kinh doanh khác, BLDS quy định Chương VI: “Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự”, quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo cách tiếp cận mới. Theo đó, trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

Pháp nhân thương mại không tự đi tham gia giao dịch dân sự, đàm phán và ký hợp đồng kinh doanh, đàm phán và ký các dự án đầu tư mà thông qua người đại diện, nhưng pháp nhân thương mại vẫn là chủ thể – khiến có sự ngộ nhận trong nhiều trường hợp. Bởi vậy, BLDS, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đều có phần quy định về đại điện của pháp nhân thương mại. Chế định đại diện pháp nhân thương mại xác định hai loại: đại diện theo pháp luật và đại diện ủy quyền.

Một sự ngộ nhận khá phổ biến là cứ tưởng mọi hành vi của người đại diện đều khiến pháp nhân thuơng mại phải gánh chịu. Pháp luật quy định mỗi pháp nhân thương mại có năng lực pháp luật riêng biệt. Điều 86 BLDS quy định pháp nhân thương mại có năng lực pháp luật phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký hoạt động. Điều 87 BLDS quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện nhân danh pháp nhân.

Song, pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của người đại diện trong khuôn khổ năng lực pháp luật của pháp nhân đó và phù hợp với quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của mình mà thôi. Bởi vậy, với pháp nhân thương mại bất kỳ thì giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và điều lệ tổ chức, hoạt động là bản mệnh của pháp nhân thương mại đó. Điều đó buộc mọi người có liên quan, cũng như các đối tác, các cơ quan nhà nước phải căn cứ giấy đăng ký hoạt động và điều lệ của pháp nhân thương mại khi giao dịch hoặc xử lý các phát sinh. Cần lưu ý rằng, những hành vi của người đại diện không nằm trong khuôn khổ năng lực pháp luật của pháp nhân và không phù hợp với quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của pháp nhân thì người đại diện phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hành vi đó.

Luật Doanh nghiệp 2020 đã cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”. Trong đó, nhiều quy định rõ hơn về pháp nhân thương mại gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh. Rất đáng tiếc là doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được coi là pháp nhân thương mại mà trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân to lớn, bề thế hơn khá nhiều Công ty Cổ phần cả về tài sản, thị trường, nhân lực và mức độ đóng góp vào GDP của đất nước.

Bản chất của pháp nhân thương mại

Điều 74 BLDS quy định về điều kiện một tổ chức được công nhận là pháp nhân và Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thương mại, bao gồm: thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản riêng độc lập với tài sản của chủ thể khác (kể cả chủ sở hữu) và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; là nguyên đơn, bị đơn trước tòa; là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 về pháp nhân thương mại phạm tội.

Bản chất của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (pháp nhân thương mại) – là một tổ chức kinh tế độc lập: Có đời sống riêng biệt, tách rời khỏi các thành viên, các cổ đông đã góp vốn hay cổ phần để lập ra nó; hoàn toàn tự quản, tự định đoạt mọi vấn đề liên quan vòng đời của nó; luôn ổn định trong vòng đời cho đến khi bị giải thể, phá sản hay thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp; tái cấu trúc thường xuyên để phát triển.

Bộ máy của pháp nhân thương mại thông thường phải bao gồm 04 loại cơ quan:

Cơ quan quyền lực: đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên.

Cơ quan lãnh đạo: hội đồng quản trị.

Cơ quan điều hành: tổng giám đốc hoặc giám đốc.

Cơ quan giám sát: ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Sự ngộ nhận từ phía thành viên góp vốn bắt nguồn từ việc khó nhận ra “hình hài” của pháp nhân thương mại dưới các đặc điểm quan trọng sau:

(1) Pháp nhân thương mại có cơ cấu và cơ chế quản lý tập trung, thống nhất – là một cơ thể sống độc lập.

(2) Pháp nhân thương mại và các thành viên góp vốn là hai chủ thể độc lập cả về pháp lý và về tài sản.

(3) Pháp nhân thương mại tồn tại và phát triển ngay cả khi các thành viên góp vốn chết hết – vì sẽ có các thành viên thừa kế.

(4) Tài sản góp vốn vào pháp nhân thương mại chuyển thành sở hữu riêng của pháp nhân thương mại (không được rút vốn dưới mọi hình thức).

(5) Pháp nhân thương mại là một thứ hàng hóa: có thể được mua bán, chuyển nhượng; có giá mua, giá bán riêng và bị chi phối bởi quan hệ cung, cầu; mua bán pháp nhân thương mại là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

(5) Thành viên góp vốn chỉ thực hiện quyền thông qua cơ quan quyền lực – đại hội đồng cổ đông hoặc đại hội thành viên.

(6) Chế độ trách nhiệm hữu hạn (TNHH):

Thành viên góp vốn không chịu trách nhiệm về giao dịch tài sản của pháp nhân thương mại.

Pháp nhân thương mại chịu TNHH bằng tài sản thực có tại thời điểm đó (bản cân đối kế toán).

Ví dụ: Công ty Minh Phụng nợ 4.600 tỉ đồng, tổng tài sản có 760 tỉ đồng thì chỉ chịu trách nhiệm 760 tỉ đồng.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Công ty Cổ phần là một loại pháp nhân thương mại mở:

Đối vốn – hàng triệu thành viên góp vốn không biết nhau.

Xã hội hóa tư liệu sản xuất.

Quyền sở hữu và quyền quản lý tách rời.

Công ty đại chúng.

Sẵn sàng mời gọi thành viên góp vốn chiến lược, nhân tài tham gia đầu tư và quản lý doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán.

Có điều kiện thu hút nguồn lực toàn xã hội.

Công ty cổ phần đại chúng là loại pháp nhân thương mại đặc thù của kinh tế thị trường. Đó là sản phẩm của quá trình xã hội hóa tư bản, xã hội hóa tư liệu sản xuất và phân tán quyền sở hữu cổ phiếu, với các đặc điểm: Tách rời quyền sở hữu và quyền quản lý; thành viên góp vốn sở hữu cổ phần chứ không sở hữu công ty; thành viên góp vốn quan tâm đến cổ tức và giá cổ phiếu; cổ phần tự do chuyển nhượng nên cổ đông luôn thay đổi. Công ty Cổ phần đại chúng có thể có hàng triệu cổ đông, cổ đông chỉ hưởng lợi theo mức đầu tư; việc quản lý công ty phải giao cho nhân vật tài đức, các chuyên gia có đủ trình độ chuyên môn. Công ty Cổ phần đại chúng là hiện tượng xã hội hóa tư liệu sản xuất ở mức cao – không còn tư bản độc quyền, lũng đoạn.

Điều lệ công ty là “hiến pháp” của công ty – cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động. Điều lệ tốt là công cụ quản lý hữu hiệu của công ty:

Chất lượng điều lệ kém khiến không đủ hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý.

Chất lượng điều lệ và hệ quy chế tốt hợp thành thể chế quản lý công ty: Giúp hoạt động quản lý suôn sẻ, có hiệu quả cao.

Điều lệ tốt tạo minh bạch, ổn định các nguyên tắc ăn chia của công ty.

Sự ngộ nhận về pháp nhân thương mại đưa đến hệ lụy là các điều lệ công ty hiện nay còn nhiều mặt hạn chế như sau: Đa số còn đơn giản, sơ sài nên không điều chỉnh có hiệu quả hoạt động quản lý; không nêu đầy đủ, chi tiết về quyền của ĐHĐCĐ, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; không rõ ranh giới về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, cơ quản quản lý và cơ quan kiểm soát; không quy định đầy đủ quyền của cổ đông; thiếu quy định bảo vệ lợi ích của cổ đông; đa số điều lệ chưa bắt kịp yêu cầu của môi trường pháp lý mới thay đổi; thiếu quy định chống giao dịch tư lợi; chưa quy định rõ thể thức thông qua quyết định của ĐHĐCĐ; chưa quy định rõ bảo đảm để ĐHĐCĐ được tiến hành (không rơi vào bế tắc).

Từ sự thiếu hụt này, nhiều pháp nhân thương mại hiện nay hoạt động kém hiệu quả vì còn quản trị ở cấp thấp, chưa biết đến cấp quản trị khoa học chứ chưa nói gì đến cấp quan trị hiện đại hay tiên tiến. Con số thống kê trên 70 ngàn doanh nghiệp phải rời thị trường trong 06 tháng đầu năm 2021 có thể phần nào xuất phát từ nguyên nhân này?

Luật gia PHAN VĂN TÂN

Phó Giám đốc TTTVPL, Hội Luật gia Hà Nội

Nguồn: Luật sư Việt Nam