Chủ nghĩa cá nhân là gì

Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Ngay từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” khi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp. Trước khi đi xa, Người căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.

Theo ông Phúc, trong giai đoạn hiện nay, cần phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa xây và chống như quan điểm của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã nêu, đó là lấy xây là cơ bản và lâu dài, chống suy thoái, tiêu cực là bức thiết và phải làm thường xuyên. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cho thấy có nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về xây và chống.

Tuy nhiên, tình trạng tu dưỡng, rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu của Đảng, dẫn tới mắc sai lầm, khuyết điểm và gốc gác là hiện tượng sa vào chủ nghĩa cá nhân.

“Có những người từng được phong anh hùng, rất đáng ngưỡng mộ, rồi ở những vị trí rất cao, có vai trò ảnh hưởng rất lớn nhưng rồi lại rơi vào sai phạm thậm chí phải bị xử lý, ra tòa… thì đó chính là khi lòng dạ không còn trong sáng nữa và sa vào chủ nghĩa cá nhân”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nói.