Phong cách hồ chí minh là gì

Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp ủy Đảng phải tập trung lãnh đạo việc làm theo phong cách Hồ Chí Minh.

Vậy phong cách Hồ Chí Minh là gì? Trong phạm vi bài viết này tôi xin giới thiệu đến các đồng chí, các bạn những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh, với mong muốn trang bị thêm cho các đồng chí, các bạn những thông tin cụ thể về phong cách của Bác. Từ đó, đẩy mạnh việc làm theo phong cách của Bác, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị trên.

Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một con người với cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn, cái hành mực thước, phong cách của một lãnh tụ, một chiến sĩ công sản chân chính. Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ để cho mọi người ca ngợi, chiêm ngưỡng, mà là tấm gương để mọi người học tập, làm theo. Không phải chỉ để người Việt nam, từ lao động chân tay đến trí óc, từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người tu hành đến các chính khách, thương gia đều tìm thấy ở Hồ Chí Minh phong cách của chính mình, mà cả người nước ngoài ở phương Đông hay phương Tây cảm thấy gần gũi, không xa lạ với phong cách Hồ Chí minh.

Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống, một chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo lôgic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hàng ngày.

1. Trước hết nói về phong cách tư duy: với Bác đó là tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đó là tư duy không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù. Đồng thời sáng tạo cũng là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hòi của cuộc sống đặt ra. Cái mới, cái sáng tạo của Bác là phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam, đồng thời phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Cái mới có thể bao hàm cả cái cũ và vượt lên trên và bổ sung giá trị mới. Cái mới cũng là cái chưa từng có trong tiền lệ lịch sử.

Phong cách tư duy của Bác hình thành trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam, do nắm vững thực tế tình hình đất nước, Bác đã phát hiện ra những quy luật vận động của đất nước, dân tộc để hoạch định đường lối, chủ trương đúng và tổ chức thực hiện thành công đường lối, chủ trương đó. Tư duy của Bác cũng trên cơ sở nghiên cứu những học thuyết như: Nho học, Phật giáo học, Lão giáo, Thiên chúa giáo, Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung quốc), Thuyết bất bạo động của Găngdi (Ấn Độ) và Học thuyết Mác-Lênin. Tư duy của người luôn hướng tới cái mới, cái tiến bộ và mở rộng tầm nhìn ra thế giới để tư duy. 2. Thứ hai, về phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh: đó là sự kết hợp hài hòa cái dân gian với cái bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữ phong cách phương Đông và phong cách phương tây và thực hiện nguyên tắc nhất quán trong diễn đạt. Bác luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích cần diễn đạt, Bác cũng đặt ra cho mình và yêu cầu mọi người thực hiện 4 vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau khi diễn đạt đó là: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào?

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là diễn đạt chân thật để cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác. Yêu cầu đầu tiên mà Bác đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói và viết; Người yêu cầu “điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nên nói ẩu”, viết “phải đúng sự thật, không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết”, “khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói chớ viết càn”.

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh còn là diễn đạt ngắn gọn, theo Hồ Chí Minh ngắn gọn là gọn gàng, có đầu có đuôi, “có nội dung”, “thiết thực”, “thấm thía, chắc chắn”.

Một đặc điểm nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Người cho rằng “cách nói của dân chúng rất đầy, rất hoạt bát, rất thiiết thực, mà lại rất giản đơn”; do đó trước hết phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng.

3. Thứ ba, phong cách làm việc Hồ Chí Minh: phải kể đến phong cách quần chúng, đây là nội dung quan trọng hàng đầu của phong cách làm việc Hồ Chí Minh đó là sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng quan tâm đến mọi mặt đời sống của quần chúng; tin dân, tôn trọng dân lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân, tiếp thu ý kiến, sửa chữa khuyết điểm; giáo dục, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng v.v…

Phong cách làm việc tập thể và dân chủ, người luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Bác luôn trân trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc, đẳng cấp, với những bài viết trước khi công bố Bác đã chuyển cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý; thậm chí Người còn trao đổi với các đồng chí phục vụ những bài báo ngắn để sửa chữa những chỗ viết còn khó hiểu trước khi đăng.

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh còn là phong cách làm việc khoa học, “đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu” nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp. Hồ Chí Minh giải thích “đích nghĩa là nhắm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, nắm điển hình, cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể. Người lãnh đạo phải óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm; phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Phải thường xuyên rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, cả kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công.

4. Thứ tư, là phong cách ứng xử Hồ Chí Minh: đặc trưng cơ bản của phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử văn hóa đó được thể hiện ở ngôn từ, cử chỉ thích hợp và đúng đối tượng giao tiếp. Phong cách ứng xử của Người chứa đựng những giá trị nhân bản của con người. Yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc, nhưng rất độ lượng, bao dung, không bao giờ bao che, nhằm nâng con người lên chứ không hạ thấp, vùi dập.

Cử chỉ của Người ân cần, niềm nở làm cho mọi người ngỡ ngàng trước sự hòa đồng giữa lãnh tụ và thường dân, giữa chủ với khách. Đó là thái độ bình dị, khiêm nhường không tự đặt mình cao hơn người khác.

Với nhân dân, anh em, bạn bè, đồng chí, đồng bào, phong cách ứng xử của Bác là tự nhiên, cởi mở, chân tình, vừa ân cần vừa bình dị, khiêm nhường. Với kẻ thù của cách mạng hay những người phía bên kia, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh là tự chủ và lịch lãm, bình tĩnh và đỉnh đạc, chủ động và tỉnh táo để vượt qua mọi cạm bẫy, đẩy lùi mọi đòn tấn công hiểm độc và mọi thủ đoạn xảo trá của đối phương.

5. Thứ năm là phong cách sinh hoạt: đó là sự giản dị, trong sạch thanh cao, cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian. Dù sống trong hòan cảnh nào, phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh vẫn giữ đúng nguyên tắc: lấy khiêm tốn, giản dị làm nền, lấy chừng mực, điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch, thanh cao làm vui, lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận.

Với phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức nỗ lực mới có thể làm theo. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi chúng ta không chỉ quan tâm nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải chú ý nhiều hơn đến làm theo phong cách Hồ Chí Minh.

Lê Văn Thu ubmttq.gialai.gov.vn