Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nếu hai chủ thể không đăng ký kết hôn thì hôn nhân không được coi là hợp pháp và sẽ không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho các con sinh ra khi bố mẹ không có hôn nhân hợp pháp, pháp luật vẫn có những quy định để đảm bảo lợi ích cho con giống như một đứa trẻ bình thường khác. Vậy cụ thể, pháp luật quy định những vấn đề này như thế nào? Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến vấn đề này thì hãy liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về vấn đề này. Bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
Câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có một vấn đề thắc mắc mong được giải đáp. Tôi với chồng kết hôn, sống chung với nhau 5 năm và có 2 người con. Tuy nhiên cách đây mấy hôm có một người phụ nữ đến nhà chúng tôi bế theo một đứa trẻ, nói rằng đây là con của chồng tôi. Người phụ nữ này yêu cầu chồng tôi đứng tên trên giấy khai sinh và ghi tên đứa trẻ vào sổ hộ khẩu gia đình. Xin hỏi, tôi không đồng ý với yêu cầu của cô ta được không, sau này đứa trẻ có hưởng thừa kế từ tài sản chung của chúng tôi hay không?
Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, về việc đứng trên trên giấy khai sinh:
Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ
1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Theo đó, pháp luật công nhận quyền nhận cha mẹ của con, kể cả khi cha mẹ qua đời; nên việc người mẹ muốn chồng bạn đứng tên trên Giấy khai sinh thì bản thân bạn không thể ngăn cản.
Tuy nhiên, do chồng bạn và người phụ nữ này không đăng ký kết hôn nên nếu muốn chồng bạn đứng tên trên giấy khai sinh thì phải chứng minh được chồng bạn và đứa trẻ có quan hệ huyết thống. Việc chứng minh có thể thông qua Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con như giấy xét nghiệm ADN hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Thứ hai, về việc thêm người con vào hộ khẩu gia đình
Khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2020 có quy định sau:
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
Theo quy định trên, đứa bé nếu là con ruột của chồng bạn thì có căn cứ để nhập khẩu đứa bé vào sổ hộ khẩu gia đình. Tuy nhiên việc này cần sự đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp và chủ hộ gia đình đồng ý. Do vậy, nếu bạn là chủ hộ hoặc là chủ sở hữu nơi ở hiện tại của gia đình bạn thì bạn có quyền quyết định đứa bé có được nhập khẩu vào gia đình hay không.
Thứ ba, về tài sản chung của gia đình có liên quan đến đứa trẻ không:
Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Như vậy, trong trường hợp chồng bạn mất không để lại di chúc, di sản thừa kế của chồng bạn được chia theo pháp luật thì đứa trẻ ngoài giá thú của chồng bạn sẽ được hưởng một suất thừa kế. Di sản của chồng bạn sẽ bao gồm tài sản riêng của chồng bạn và phần tài sản của người chồng trong khối tài sản chung của hai vợ chồng. Ngoài ra, nếu chồng bạn mất có di chúc, để tài sản cho đứa trẻ hoặc không để lại nhưng đứa trẻ này chưa đến tuổi thành niên thì vẫn được hưởng một phần tài sản mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.