Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách được phân biệt bởi chức năng thẩm mĩ, thể hiện ở ba đặc trưng cơ bản: tính hình tượng, tính truyền cảm và tính cá thể hoá.
3. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
a. Tính hình tượng
Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật. Để tạo ra hình tượng ngôn ngữ, người viết thường dùng rất nhiều các biện pháp tu từ, như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, thậm xưng,… Tính hình tượng giúp cho cách diễn đạt trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật cụ thể, sinh động, hàm súc và gợi cảm hơn. Như vậy, tính hình tượng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là khái niệm chỉ ra cách diễn đạt cụ thể, hàm súc và gợi cảm trong một ngữ cảnh hay văn cảnh nhất định.
Có thể nói rằng, trong tác phẩm văn chương, chính tính hình tượng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật. Đó là trường hợp một từ ngữ, một câu văn, một hình ảnh hoặc toàn bộ văn bản nghệ thuật có khả năng gợi ra nhiều nghĩa, nhiều tầng nghĩa khác nhau. Đồng thời, tính đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật cũng quan hệ mật thiết với tính hàm súc, tức là khả năng khơi gợi những ý tứ sâu xa, rộng lớn trên cơ sở một lượng ngôn từ rất ít.
b. Tính truyền cảm
Trong ngôn ngữ nghệ thuật, người viết (người nói) sử dụng ngôn ngữ không chỉ để diễn đạt cảm xúc của mình mà còn làm cho người nghe, người đọc cũng vui buồn, tức giận, căm ghét, yêu thương, đau khổ,… như người nói (người viết). Như thế, tính truyền cảm trong ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở chỗ, người viết (người nói) làm cho người nghe (người đọc) nảy sinh những cảm xúc như chính bản thân mình. Năng lực gợi cảm của ngôn ngữ nghệ thuật sở dĩ có được là nhờ sự lựa chọn ngôn ngữ để miêu tả, bình giá đối tượng (trong truyện và kịch) và tâm trạng chủ quan (trong thơ trữ tình).
c. Tính cá thể hoá
Tính cá thể hoá trong lời nói vốn là một dấu hiệu mang tính tự nhiên của con người (ở giọng nói, cách nói,…) để ta có thể dễ dàng phân biệt người này với ngườikhác. Ngôn ngữ, vì thế, dẫu là phương tiện giao tiếp chung của cả cộng đồng nhưng khi được đem vào sử dụng nó lại có khả năng thể hiện một giọng điệu riêng, một phong cách riêng của từng tác giả.
Tính cá thể hoá của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật chính là khái niệm dùng để chỉ việc sử dụng ngôn ngữ chung để tạo ra một phong cách riêng không nhầm lẫn với người khác, thể loại khác. Tính cá thể hoá trong mỗi tác phẩm hay trong từng tác giả được xem xét ở nhiều khía cạnh phong phú: từ cách dùng từ, đặt câu, đến việc tạo ra những nét riêng trong lời nói của các nhân vật; từ cách miêu tả các hình ảnh nghệ thuật đến những nét riêng trong cách diễn đạt ở từng tình huống, từng sự việc trong tác phẩm,… Tính cá thể hoá chính là cách tạo cho ngôn ngữ nghệ thuật những sáng tạo mới và tránh trùng lặp sáo mòn, nhàm chán.
Ta có thể lấy ví dụ:
– Khi so sánh Ngô Tất Tố và Nam cao, tuy cùng viết về người nông dân với tình cảnh khốn khổ nhưng đọc văn của 2 người, ta sẽ không thấy có gì giống nhau về giọng điệu, về ngôn ngữ miêu tả.
– Hoặc một ví dụ khác cụ thể hơn là Văn của Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam, đều là những nhà văn nổi tiếng trước 1945, sống trong cùng một thời kì nhưng với VuxTrongj Phụng lại là cách miêu tả theo kiểu châm biếm, mỉa mai còn đối với Thạch Lam, ông đi tìm cái đẹp bình dị trong cuộc sống với những ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng, bay bổng, đậm chất lãng mạn.
Như vậy, hiểu đơn giản, để có thể trả lời cho câu hỏi trong đề thi THPT, nếu đề ra câu: Đoan văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào, nếu là trích trong thơ, hoặc truyện thì chắc chắn, văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
4. Luyện tập các dạng bài Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
1.Tính hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật thường được tạo ra bởi rất nhiều những phương tiện tu từ, nhưng phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là các biện pháp như: ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, nhân hoá, thậm xưng,… và đặc biệt là cách nói hàm ẩn trong những ngữ cảnh tu từ.
Ví dụ:
– Biện pháp nhân hoá:
Bỗng nhận ra hương ổi,
Phả vào trong gió se.
Sương chùng chình qua ngỗ,
Hình như thu đã về.
(Sang thu, Hữu Thỉnh)
– So sánh
Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi,
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.
(Ca dao)
– Ẩn dụ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng,
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
(Viếng lăng Bác, Viễn Phương)
– Thậm xưng:
Con rận bằng con ba ba,
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh.
(Ca dao hài hước)
2. Trong ba đặc trưng (tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể hoá) của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, đặc trưng tính hình tượng được xem là tiêu biểu nhất, vì:
– Nó vừa là phương tiện, lại vừa là mục đích sáng tạo nghệ thuật.
– Các đặc trưng còn lại ít nhiều cũng được sinh ra từ tính hình tượng (trong mỗi hình tượng ngôn ngữ đã có những yếu tố gây cảm xúc và truyền cảm; thứ nữa, cách lựa chọn từ ngữ, cách xây dựng những hình tượng nghệ thuật đều đã tự thể hiện những nét cá tính sáng tạo nghệ thuật riêng của mỗi nhà văn ).
3. Hãy lựa chọn từ thích hợp cho trong ngoặc đơn để đưa vào chỗ trống trong các câu văn, câu thơ sau và giải thích lí do lựa chọn từ đó.
a. “Nhật kí trong tù”/…/ một tấm lòng nhớ nước.
(Theo Hoài Thanh)
(biểu hiện, phản ánh, thấm đượm, canh cánh, bộc lộ,…)
b. Ta tha thiết tự do dân tộc
Không chỉ vì một dải đất riêng
Kẻ đã /…/ trên mình ta thuốc độc
/…/ màu xanh cả Trái Đất thiêng.
(Theo Tố Hữu)
– Dòng 3 (gieo, vãi, phun, rắc)
– Dòng 4 (huỷ, diệt, triệt, giết)
Gợi ý:
a.Có thể lựa chọn các từ: thấm đượm, canh cánh.
b .Lựa chọn các từ:
– Dòng 3: vãi.
– Dòng 4: triệt.
4. Có nhiều bài thơ của các tác giả khác nhau viết về mùa thu, nhưng mỗi bài thơ mang những nét riêng về từ ngữ, nhịp điệu và hình tượng thơ, thể hiện tính cá thể trong ngôn ngữ. Hãy so sánh để thấy những nét riêng đó trong ba đoạn thơ sau:
a.
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như từng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
(Thu vịnh, Nguyễn Khuyên)
b.
Em không nghe mùa thu,
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng thu, Lưu Trọng Lư)
c.Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
(Đất nước, Nguyễn Đình Thi)
Gợi ý: Có thể so sánh trên những nét sau:
– Về từ ngữ: cách lựa chọn từ ngữ để tạo hình tượng mùa thu ở ba bài thơ của ba tác giả là khác nhau.
+ Nhóm các từ ngữ dùng để xây dựng nên hình tượng mùa thu trong bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến: trời thu xanh ngắt, cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu, nước biếc, khói phủ, bóng trăng,…
+ Chất liệu ngôn từ trong bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: lá thu rơi, nai vàng, lá vàng khô.
+ Chất liệu ngôn từ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi: núi đồi, gió thổi, rừng tre, trời thu, trong biếc.
Có thể nhận thấy rằng sự khác nhau về ngôn ngữ giữa ba bài thơ của ba tác giả là ở chỗ: Bài Thu vịnh sử dụng những từ ngữ có tính chất ước lệ, quen thuộc mang những dấu ấn của thi pháp văn học trung đại. Trong khi đó các từ ngữ được dùng để xây dựng nên hình tượng mùa thu trong hai bài thơ Đất nước và Tiếng thu mang tính chất tả thực nhiều hơn, mới lạ hơn.
– Về nhịp điệu:
+ Nhịp thơ của bài Thu vịnh là nhịp: 4/3 hoặc 2/2/3.
+ Nhịp của bài Tiếng thu: 3/2
+ Nhịp của bài Đất nước: 3/2, 3/4, 2/2/2, 2/3, 2/2/2.
Thu vịnh và Tiếng thu được làm theo những thể thơ có quy định khá chặt chẽ về nhịp điệu. Vì thế nhịp của các câu thơ tương đối thống nhất. Trong khi đó, bài Đất nước làm theo thể thơ tự do nên cách ngắt nhịp trong mỗi câu thơ tương đối linh hoạt và đa dạng.
– Hình tượng mùa thu ở ba tác giả do không cùng thời đại nên cũng có những điểm khác nhau (hình tượng mang tính ước lệ hoặc mang tính chân thực như trên đã nói). Cũng từ sự khác nhau về hình tượng và cách diễn đạt, khác nhau về hình ảnh, ngôn ngữ,… nên dấu ấn phong cách cá nhân ở mỗi tác giả cũng khác nhau.