Đời Sống

Mục đích của khiếu nại là gì

1. Khiếu nại là gì? Thực tế có những loại khiếu nại nào?

Khiếu nại là hoạt động diễn ra khá thường xuyên và phổ biến, do đó cụm từ khiếu nại được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Theo nghĩa chung nhất, khiếu nại là việc cá nhân hay tổ chức yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sửa chữa một việc làm mà họ cho là không đúng, đã, đang hoặc sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của họ.

Các quy định pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm chung nhất về khiếu nại mà tùy vào từng loại khiếu nại, luật và các văn bản hướng dẫn tương ứng sẽ đưa ra các khái niệm khác nhau về khiếu nại. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, có thể khái quát chung như sau:

Khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trong đó:

+ Người khiếu nại là mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại.

+ Người bị khiếu nại là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức có quyết định, hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khi thực hiện quyền khiếu nại phải thông qua người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

+ Đối tượng của khiếu nại là quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Quyết định phải thể hiện dưới dạng văn bản, trong đó thể hiện ý chí của người ra quyết định mới là đối tượng của khiếu nại. Hành vi bị khiếu nại có thể dưới dạng hành động hoặc không hành động.

+ Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Với mỗi đối tượng khiếu nại khác nhau, luật quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết khiếu nại khác nhau. Dựa vào tính chất của đối tượng khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và các quan hệ pháp lý phát sinh, khiếu nại được chia làm nhiều loại khác nhau, được pháp luật quy định khác nhau, qua nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, có thể khái quát những loại khiếu nại sau:

  1. Khiếu nại hành chính
  2. Khiếu nại trong hoạt động tư pháp
  3. Khiếu nại kiểm toán
  4. Khiếu nại trong lĩnh vực lao động, việc làm
  5. Khiếu nại bầu cử

Trong đó khiếu nại hành chính là lĩnh vực khiếu nại phổ biến nhất, nhiều nhất về số lượng và tính chất phức tạp vì hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và làm phát sinh khiếu nại. Khiếu nại trong hoạt động tư pháp, kiểm toán, lao động, việc làm và bầu cử là các dạng khiếu nại đặc thù trong từng lĩnh vực, ít gặp trong thực tế. Điểm khác biệt cơ bản giữa khiếu nại hành chính và các dạng khiếu nại khác là về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

2. Phân biệt khiếu nại với kiến nghị, phản ánh

Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó (Khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013).

Như vậy giữa khiếu nại và kiến nghị, phản ánh có sự khác nhau cơ bản sau:

– Về mục đích: khiếu nại với mục đích là đề nghị cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi đã ban hành mà quyết định, hành vi đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của bản thân mình, Qua việc giải quyết khiếu nại để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của cá nhân mình. Đối với kiến nghị, phản ánh là việc công dân nêu lên và đề xuất với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại hoặc xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của các cá nhân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp, có mục đích góp ý, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước của công dân.

– Về chủ thể: Chủ thể khiếu nại có thể là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức là những người chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi bị khiếu nại. Còn đối với phản ánh, kiến nghị là công dân khi thấy những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác thì nêu lên, đề xuất với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần áp dụng những giải pháp kịp thời xử lý những vấn đề nêu trên, hạn chế hậu quả xấu xảy ra với cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội.

– Về trình tự giải quyết: Thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và các luật khác có quy định về khiếu nại; trình tự giải quyết phản ánh, kiến nghị được giải quyết theo quy định của Luật Tiếp công dân 2013.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: [email protected] để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!