Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, số ca nhiễm trong nước không ngừng tăng, Bộ Y tế đã ban hành quyết định mới về việc thực hiện xét nghiệm. Theo đó, để phát hiện ca nhiễm F0 nhanh nhất có thể, các cơ sở y tế sẽ thực hiện xét nghiệm gộp. Vậy xét nghiệm COVID-19 gộp là gì, quy trình thực hiện ra sao?
11/08/2021 | Có thể xét nghiệm COVID-19 PCR ở đâu Hà Nội hiện nay? 11/08/2021 | Hút thuốc lá có nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 nặng hơn – ĐÚNG hay SAI? 11/08/2021 | Xét nghiệm COVID-19 bao lâu có kết quả, thực hiện ở đâu uy tín?
1. Xét nghiệm COVID-19 gộp là gì?
RT-PCR là kỹ thuật xét nghiệm chính để xác định virus SARS-CoV-2 có trong cơ thể người hay không. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi đã đưa vào ưu tiên phương pháp test nhanh để giảm thời gian thực hiện và sớm có kết quả. Trên cơ sở đó, có thể “tách” F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.
Và trong chiến lược test nhanh để sàng lọc F0, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1817/QĐ-BYT, trong đó hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm. Nghĩa là thay vì test riêng lẻ một mẫu của một người, thì sẽ gộp 3 (hoặc 5) mẫu của 3 (hoặc 5) người vào một bộ test.
Xét nghiệm gộp COVID-19 là gộp 3 – 5 mẫu vào một bộ test thay vì test riêng lẻ từng mẫu
Việc này vừa tiết kiệm thời gian và nguồn lực, vừa gia tăng hiệu suất xét nghiệm. Và quan trọng hơn hết là xác định F0 một cách nhanh chóng. Nhất là với tỉnh thành có số ca nhiễm tăng chóng mặt như TP.HCM. Nếu thực hiện xét nghiệm riêng lẻ cho từng người sẽ rất mất thời gian, tốn nguồn lực. Đồng thời, F0 bị phát hiện chậm trễ có thể kéo theo rất nhiều ca nhiễm khác.
2. Quy trình xét nghiệm COVID-19 gộp
Không khó để hiểu xét nghiệm COVID-19 gộp là gì, tuy nhiên, không nhiều người biết quy trình thực hiện ra sao. Đặc biệt là làm thế nào để đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng xét nghiệm, từ đó cho kết quả chính xác.
Điều kiện áp dụng xét nghiệm COVID-19 gộp
Xét nghiệm COVID-19 gộp được áp dụng cho những đối tượng lấy mẫu tại vùng nguy cơ thấp, có cùng đặc điểm dịch tễ và ở cùng một địa điểm. Chẳng hạn như ở cùng một đơn vị/cơ quan làm việc, ở cùng tòa nhà/chung cư, ở chung một nhà,…
Việc xét nghiệm gộp mẫu không hoặc hạn chế áp dụng cho những vùng có nguy cơ cao. Đặc biệt, không áp dụng cho những đối tượng lấy mẫu đã tiếp xúc trực tiếp với F0 hoặc đang có các triệu chứng như đang bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (sốt, ho, đau họng, khó thở,…).
Ngoài ra, những mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân đang điều trị COVID-19 hay từ những người đang làm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nhưng chưa có kết quả cũng sẽ không được gộp với các mẫu bệnh phẩm khác.
Xét nghiệm gộp COVID-19 áp dụng cho những đối tượng có cùng đặc điểm dịch tễ
Các hình thức gộp mẫu xét nghiệm
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm (dịch tỵ hầu hoặc dịch họng), nhân viên y tế sẽ gộp mẫu theo các hình thức sau:
-
Gộp que: Nhân viên y tế sẽ gộp que mẫu bệnh phẩm vào một ống (chứa môi trường vận chuyển).
-
Gộp dung dịch mẫu: Nhân viên y tế sẽ lấy một ít (theo thể tích nhất định) dung dịch mẫu từ các ống chứa mẫu bệnh phẩm đơn để gộp vào một ống (chứa môi trường vận chuyển).
Dù gộp mẫu theo hình thức nào thì nhân viên y tế cũng sẽ xem xét các đặc điểm dịch tễ để thực hiện gộp ngay sau khi lấy mẫu. Và số lượng mẫu gộp có thể là từ 3 – 5 mẫu vào một ống.
Quy trình gộp mẫu
Để đảm bảo an toàn sinh học và chất lượng xét nghiệm, phương pháp gộp mẫu sẽ được thực hiện theo quy trình các bước:
-
Sau khi lấy mẫu của từng người, nhân viên y tế bắt đầu gộp mẫu. Nếu gộp dung dịch mẫu thì sẽ cho 3 – 5 mẫu dung dịch vào một ống chứa 3ml môi trường vận chuyển. Nếu gộp que thì sẽ cho 3 – 5 que bệnh phẩm vào một ống chứa môi trường vận chuyển.
-
Song song gộp mẫu sẽ lên danh sách các đối tượng trong mẫu gộp và mã hóa riêng cho từng mẫu gộp.
-
Đóng gói, bảo quản và vận chuyển cẩn thận các mẫu đã gộp.
-
Thực hiện bảo quản mẫu gộp tại phòng xét nghiệm cho đến khi sử dụng.
-
Tiến hành xét nghiệm các mẫu gộp theo kỹ thuật RT-PCR và trả kết quả.
Các mẫu gộp được đóng gói, bảo quản đúng theo quy định tại phòng xét nghiệm
Đối với kết quả xét nghiệm: Nếu mẫu gộp âm tính thì không cần xét nghiệm lại. Nếu mẫu gộp dương tính thì có ít nhất 1 mẫu đơn dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, phòng xét nghiệm sẽ báo cáo kết quả với đơn vị quản lý.
Đơn vị quản lý tiếp nhận kết quả và bắt đầu triển khai thực hiện việc lấy mẫu lại và xét nghiệm riêng lẻ cho từng đối tượng có trong mẫu gộp có kết quả dương tính. Kết quả cho thấy mẫu nào dương tính thì kết luận dương tính. Trường hợp tất cả các mẫu đều âm tính hoặc không xác định được thì sẽ lại lấy mẫu và xét nghiệm lại.
3. Một số lưu ý khi đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Như vậy, bạn đọc đã hiểu được xét nghiệm COVID-19 gộp là gì và quy trình thực hiện ra sao. Bên cạnh đó, đừng quên thực hiện nghiêm túc những việc sau đây trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đồng thời, phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K khi đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
-
Đeo khẩu trang đúng cách và đeo trong suốt quá trình chờ lấy mẫu, trong khi lấy mẫu và sau khi lấy mẫu xong, về nhà.
-
Giữ khoảng cách an toàn với mọi người xung quanh. Hạn chế nói chuyện khi không cần thiết.
-
Tránh đụng chạm vào người khác, kể cả nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu.
-
Lúc ngồi lấy mẫu, nên ngồi thẳng lưng, đầu hơi ngửa về phía sau. Hít thở đều, không cựa quậy hay nhăn mặt để nhân viên y tế có thể lấy mẫu nhanh, chính xác, không đau. Vẫn đeo khẩu trang để che miệng, chỉ để lộ mũi.
-
Nếu đã tiêm vắc xin, vẫn thực hiện lấy mẫu nếu được chỉ định. Bởi vắc xin có thể không mang lại hiệu quả 100%, ngay cả khi đã tiêm đủ mũi.
-
Rửa tay sạch sẽ bằng nước rửa tay, nước sát khuẩn ngay sau khi lấy mẫu xong và về nhà.
Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc xét nghiệm COVID-19 gộp là gì cũng như quy trình thực hiện như thế nào. Trên hết, mọi người dân cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Nếu bản thân hay người trong gia đình nghi ngờ nhiễm COVID-19, hãy gọi ngay đến đường dây nóng của cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể. Hoặc gọi đến số điện thoại 1900 565656 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn.