Đời Sống

Khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự là gì

Khám nghĩa vụ quân sự? Thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong những trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của đời người. Hàng năm, Nhà nước đều có những đợt tuyển quân trên khắp cả nước. Mỗi đợt tuyển lại diễn ra vô cùng nghiêm ngặt với nhiều tiêu chuẩn. Vậy liệu bạn có biết về các tiêu chuẩn đó? Hãy cùng Luật Hùng Sơn tìm hiểu tường tận quy trình khám nghĩa vụ quân sự ở nước ta.

Khám nghĩa vụ quân sự là gì? Để làm gì?

Khám nghĩa vụ quân sự (khám nvqs) là việc thực hiện kiểm tra, sàng lọc và trả kết quả cho công dân được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự. Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện theo đúng chỉ thị của các cấp đề ra.

Căn cứ pháp lý:

  • Dựa vào Luật nghĩa vụ quân sự
  • Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Mục đích của quá trình này nhằm tìm kiếm và sàng lọc những người có đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nhà nước. Hiện nay ở nước ta, quy trình này chia là hai đợt: vòng khám sơ tuyển và vòng khám chi tiết.

Vậy khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là khám những gì?

Khám nghĩa vụ quân sự gồm những gì? Có lẽ đây là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều thanh niên khi bị gọi đi sơ tuyển. Như đã đề cập, quy trình khám nghĩa vụ quân sự sẽ chia làm 2 vòng sơ tuyển và chi tiết. Chính vì vậy, ở mỗi vòng, cách thức và chỉ tiêu sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

Đối với khám sơ tuyển tại trạm y tế xã (Vòng 1)

Đây là vòng đầu tiên trong quá trình khám nghĩa vụ. Vòng này sẽ được thực hiện bởi trạm y tế xã, phường, dưới sự chỉ đạo, giám sát từ Trung tâm y tế huyện.

Mục đích khám quân sự:

  • Phát hiện các trường hợp bị dị tật, dị dạng, sức khỏe và thể lực không đủ, các bệnh lý thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự.
  • Truy khám tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình. Từ đó, xác định có đủ tiêu chuẩn cơ bản nhập ngũ hay không.

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

  • Kiểm tra thể lực của công dân bao gồm: đo cân nặng, chiều cao, vòng ngực. Đồng thời phát hiện chỉ số BMI nếu cần thiết.
  • Phát hiện dị tật, bệnh lý thuộc hệ miễn đăng ký nghĩa vụ. Các bệnh lý được miễn bao gồm:
    • Bị động kinh, thỉnh thoảng lên cơn động kinh, bệnh Parkinson
    • Bị tâm thần: mất trí, cuồng dại, điên rồ.
    • Bị viêm tim, suy thận, viêm thận, hư thận,… dẫn đến phù thũng lâu ngày.
    • Không thể lao động do bệnh chân voi.
    • Chân tay tàn tật, liệt tứ chi, biến dạng.
    • Các bệnh lý về lao xương khớp hoặc lao hạch.
    • Bị câm, điếc, líu lưỡi từ bé, mù hoặc chột.
    • Bị liệt nửa người hoặc liệt hai chi dưới.
    • Chân tay bị run quanh năm không thể lao động, đi lại khó khăn, bị giật chân tay hoặc múa giật.
    • Cổ có tật, bị ngoẹo lâu năm.
    • Chiều cao dưới quy định, bệnh lý lùn (dưới 1m40).
    • Gầy gò, ốm yếu, cơ thể suy nhược không thể hồi phục do mắc các bệnh mãn tính.
    • Gù lưng, có bướu ở lưng do di chứng từ chấn thương cột sống để lại.
    • Bị sụp mí mắt bẩm sinh.
    • Sứt môi, môi hở hàm ếch, hở vòm miệng chưa vá.
    • Bị teo cơ, cứng khớp hoặc các bệnh lý về khớp.
    • Người bị nhiễm HIV/ AIDS.
    • Mắc phải các bệnh lý ác tính (ung thư).
  • Đo nhịp tim, huyết áp của người khám nghĩa vụ quân sự.
  • Khám mắt, đo thị lực, phát hiện các tật khúc xạ.

Nếu bạn đang thắc mắc khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự là sao thì đó là việc trải qua các quy trình trên. Về việc đo tật khúc xạ, tùy thuộc vào cơ sở máy móc của từng địa phương để thực hiện.

Sau đó, các cán bộ sẽ tổng hợp, rà soát và báo cáo kết quả của vòng này. Những công dân đủ tiêu chuẩn sẽ được hẹn đến lần khám chi tiết (vòng 2).

Đối với khám chi tiết tại trung tâm y tế huyện (Vòng 2)

Khi khám nghĩa vụ quân sự lần 2 sẽ có một hội đồng khám sức khỏe được lập thành. Hội đồng khám chi tiết ở huyện bao gồm: bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế huyện, Quân y của ban chỉ huy và các đơn vị liên quan.

Trong đó:

  • Chủ tịch:
    • Số lượng: 01 người
    • Do Giám đốc Trung Tâm y tế huyện đảm nhiệm.
  • Phó chủ tịch:
    • Số lượng: 01 người
    • Do phó Giám đốc phụ trách chuyên môn.
  • Ủy viên thường trực kiêm thư ký:
    • Số lượng: 01 người.
    • Do cán bộ chuyên môn của Phòng Y tế đảm nhiệm.
  • Ít nhất 3 đến 5 bác sĩ, bố trí các bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên chuyên khoa để đảm nhiệm.

Số lượng của Ủy viên Hội đồng tùy thuộc vào từng địa phương để bố trí khám theo nội dung đã đề ra.

Sau khi vòng sơ tuyển kết thúc, hội đồng sẽ lập danh sách các công dân đủ điều kiện tham gia nhập ngũ. Đồng thời thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám chi tiết

Các nội dung khám nghĩa vụ quân sự:

  • Kiểm tra thể lực: công dân không được đội mũ, đi chân đất, cởi bỏ hết quần áo dài (với nam, nữ có thể mặc áo mỏng, quần dài). Sau đó sẽ được đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực, chỉ số BMI.
  • Kiểm tra mắt: công dân che một mắt bằng bìa cứng, mắt còn lại đọc bảng. Mỗi lần đọc không quá 10 giây, khoảng cách từ bảng đến chỗ đứng là 5m.
  • Khám răng: kiểm tra các bệnh về răng, sâu răng, răng giả và tình trạng răng hiện tại.
  • Kiểm tra tai – mũi – họng: đo sức nghe khi nói thầm, nói thường, kiểm tra các bệnh lý liên quan như: viêm họng mãn tính, chóng mặt.
  • Khám thần kinh: kiểm tra tình trạng mồ hôi tay – chân, kiểm tra bệnh teo cơ, nhược cơ, nháy cơ.
  • Khám nội khoa: kiểm tra về trực tràng, phế quản, tim, đo huyết áp và mạch.
  • Khám da liễu: phát hiện nấm da, vảy nến, tật bẩm sinh của da,…
  • Khám ngoại khoa: bao gồm khám trĩ, khám bàn chân và giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Khám sản phụ: chỉ áp dụng với nữ trong phòng kín đáo, bác sĩ nữ.

Đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn nhập ngũ, thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV/ AIDS. Sau đó, trả phiếu sức khỏe hoàn chỉnh, tổng hợp, báo cáo kết quả khám nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Tiêu chuẩn sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự

Theo thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về việc tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, với các công dân có tiêu chuẩn sức khỏe thuộc loại 1, 2, 3 sẽ được tuyển chọn đi nhập ngũ.

Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực được quy định như sau:

Lưu ý: Các trường hợp quá béo hoặc quá gầy sẽ xem xét đến chỉ số BMI

Trong đó:

  • Đạt chỉ tiêu sức khỏe:
    • Loại 1: 8 chỉ tiêu sức khỏe đều đạt điểm 1. Loại này công dân có thể phục vụ hầu hết trong các quân, binh chủng.
    • Loại 2: ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2. Công dân đạt loại 2 có thể phục vụ trong phần lớn quân, binh chủng.
    • Loại 3: ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3. Công dân phục vụ tại một số quân, binh chủng.
  • Không đạt chỉ tiêu sức khỏe:
    • Loại 4: ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4. Công dân chỉ phục vụ hạn chế trong một số quân, binh chủng.
    • Loại 5: ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5. Khi có lệnh Tổng động viên, công dân có thể làm một số công việc hành chính, sự vụ.
    • Loại 6: ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6. Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra, không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

Thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và thời gian nhập ngũ

  • Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3. Thời gian khám sức khỏe từ ngày từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.
  • Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai; thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Một số điều cần lưu ý khi đi khám nghĩa vụ quân sự

Khi đi khám tại các vòng, công dân cần lưu ý những điểm sau:

  • Phải xuất trình:
    • Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện
    • Giấy chứng minh nhân dân;
    • Các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có) để giao cho Hội đồng khám sức khỏe hoặc Tổ kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
  • Không uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích.
  • Chấp hành nội quy khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.
  • Cấm các hành vi lợi dụng việc khám sức khỏe để trốn, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trên đây là quy trình khám nghĩa vụ quân sự mà Luật Hùng Sơn gửi đến bạn. Đây là một nghĩa vụ thiêng liêng, cần chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước và Luật Nghĩa vụ quân sự. Nếu bạn muốn tư vấn về các thủ tục pháp luật, hãy gọi ngay đến hotline: 1900 6518 của Luật Hùng Sơn.