Nông nghiệp hữu cơ là gì

ThienNhien.Net – Ở các nước trên thế giới, nông dân từ lâu đã trồng trọt theo phương thức hữu cơ, trong khi đó canh tác hữu cơ theo hiểu biết quốc tế lại khá mới đối với Việt Nam. Tháng 12/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cấp quốc gia đối với sản xuất theo hình thức hữu cơ, có thể áp dụng làm quy chiếu cho các nhà sản xuất, chế biến và những người khác quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ dành cho thị trường trong nước. Dự án Phát triển Khuôn khổ cho sản xuất và Marketing nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam do Tổ chức Phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch (ADDA) tài trợ và do Hội Nông dân Việt Nam thực hiện là một trong những dự án phát triển hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Xin được mượn lời giới thiệu của Dự án để cung cấp cho bạn đọc kiến thức về nông nghiệp hữu cơ.

Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ? Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM: “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”

Nhìn chung Canh tác Nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao… Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…

Tại sao Nông dân chọn sản xuất Nông nghiệp hữu cơ?

Đã có một số cuộc điều tra được thực hiện trên toàn thế giới để trả lời câu hỏi này, Nông dân toàn thế giới (trong đó có Việt Nam ) đều có chung câu trả lời đó là: Vì sức khoẻ của cả gia đình họ/ Vì có thu nhập cao hơn / Vì có môi trường tốt hơn /Vì thực phẩm an toàn hơn

Tại sao người tiêu dùng chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ?

Vì sản phẩm hữu cơ không có chất thải từ thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm hữu cơ. Rau quả hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn. Rau quả hữu cơ có chứa nhiều chất chống ôxy hoá có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức thông thường.

Sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm sạch, an toàn khác là gì?

Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, an toàn khác là quy trình sản xuất: Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên. Trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, thức ăn tăng trọng và các chất kích thích trong chăn nuôi.

Thực trạng vệ sinh an toàn trong sản xuất thực phẩm hiện nay?

Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.

Về phân tích thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho thấy hàm lượng độc tố và thức ăn nhiễm vi sinh vật gây bệnh cũng như hàm loại kim loại nặng như chì, đồng, kẽm trong thức ăn chăn nuôi cao hơn mức quy định từ 1,8 đến 5,6 lần. Điều này gây tồn dư và ảnh hưởng đến tính an toàn của vật nuôi.