Bên cạnh các thành phần như là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ còn có các thành phần câu khác không tham gia diễn đạt ý nghĩa sự việc, không trình bày nội dung sự việc mà câu nói đến nhưng nó lại có chức năng khác, diễn đạt nội dung khác ở trong câu, bổ sung ý nghĩa cho câu. Những thành phần đó được gọi chung lại là các thành phần biệt lập.
Trong các thành phần biệt lập thì thành phần tình thái được sử dụng rất nhiều trong câu. Vậy thành phần tình thái là gì? Vị trí, vai trò của thành phần tình thái như thế nào?
Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị những nội dung sau để hỗ trợ khách hàng những thông tin cần thiết liên quan đến thành phần tình thái.
Thành phần tình thái là gì?
Thành phần tình thái là thành phần câu dùng để thể hiện cách nhìn của người nói hoặc người viết đối với sự việc được nói đến trong câu hoặc thể hiện cách nhìn nhận thái độ, cách đánh giá với người nghe.
Ví dụ 1: Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.
– Trong câu trên với trạng ngữ là “Với lòng mong nhớ của anh”, chủ ngữ “anh”, vị ngữ là “nghĩ rằng”. Trước chủ ngữ có từ “chắc” là thành phần gì?
– Nghĩa sự việc của câu: anh Sáu nghĩ con mình sẽ chạy xô lại ôm chặt lấy cổ mình. Thêm từ “chắc” cho thấy đây chỉ là lời phỏng đoán của người kể chuyện với mức độ chắc chắn cao. Bỏ từ “chắc” nghĩa sự việc không hề thay đổi.
– Từ ý nghĩa trên có thể thấy từ “chắc” là thành phần tình thái trong câu.
Ví dụ 2: Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
– Thành phần của câu gồm: “vì khổ tâm đến nỗi không khóc được” là trạng ngữ, “anh” là chủ ngữ, “phải cười vậy thôi” là vị ngữ.
– Nghĩa sự việc của câu văn: anh Sáu cười vì không thể khóc, vì anh rất khổ tâm. Đây là thông tin bên trong nội tâm của nhân vật nên tác giả thêm từ “có lẽ” mang nghĩa phỏng đoán và mức độ phỏng đoán ở mức độ có thể xảy ra.
Các nhóm thành phần tình thái
– Các từ ngữ thành phần chỉ mức độ chắc chắn như chắc, chắc chắn, có lẽ, hình như,….
– Các từ ngữ chỉ quan điểm riêng của người khác như theo tôi, ý anh, theo quan điểm của anh,…
– Các từ ngữ thể hiện thái độ, quan hệ giữa người nói với người nghe, thường ở kết thúc câu như à, ạ, nhỉ, nhé,….
+Thể hiện sự lễ phép, lịch sự với người lớn, bề trên nên thêm từ “ạ” phía cuối câu.
Ví dụ: Cháu chào ông ạ.
Em chào thầy ạ.
Chức năng của tình thái từ
– Tạo câu theo mục đích nói.
– Biểu thị sắc thái biểu cảm cho câu nói như:
+ Thể hiện thái độ hoài nghi, nghi ngờ.Ví dụ: Nó đi học về rồi hả chị?Nam đi ngủ rồi phải không?
+ Biểu thị thái độ ngạc nhiên bất ngờ.Ví dụ: Có thật công ty sẽ tạm dừng hoạt động không chị?
+ Biểu thị thái độ cầu mong, trông chờ.Ví dụ: Em làm bài tập luôn nhé.Nào ta cùng nhau đi đến công ty.
So sánh thành phần tình thái và thành phần cảm thán
– Giống nhau: + Đều là thành phần biệt lập;
+ Không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu.
– Khác nhau:
+ Thành phần tình thái: Được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói tới trong câu;
+ Thành phần cảm thán: Được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói (vui, mừng, buồn, giận,…)
Bài tập thành phần tình thái
Bài 1: Tìm thành phần tình thái trong các câu sau đây
1. Chắc chắn, hôm nay trời sẽ mưa.
2. Dường như, mùa thu đã đến.
3. Có lẽ, cô ấy cũng thích mình.
Trả lời:Các thành phần tình thái trong các câu trên là:
1. Từ tình thái là: Chắc chắn. Nó là lời khẳng định hôm nay trời sẽ nắng.
2. Từ tình thái là: Dường như. Nó thể hiện mức độ tin cậy thấp, vì người nói chỉ phỏng đoán.
3. Từ tình thái: Có lẽ. Nó chỉ mức độ tin cậy trung bình của người nói.
Bài 2: Hãy cho biết, trong số những từ có thể thay thế cho nhau trong câu sau đây, với người nói phải chịu trách nhiệm cao nhất về độ tin cậy của sự việc do mình nói ra, với từ nào trách nhiệm đó thấp nhất. Tại sao tác giả Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) lại chọn từ chắc?
Với lòng mong mỏi của anh, (1) chắc
(2) hình như
(3) chắc chắn
anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh
Trả lời:
Trong ba từ chắc/hình như/chắc chắn thì:
– chắc chắn có độ tin cậy cao nhất,
– hình như có độ tin cậy thấp nhất.
– Tác giả chọn chắc vì niềm tin vào sự việc có thể diễn ra theo hai khả năng:
+ Thứ nhất: Theo tính huyết thống thì sự việc sẽ phải diễn ra như vật;
+ Thứ hai: do thời gian và ngoại hình, sự việc có thể diễn ra khác đi
Bài 3: Viết một đoạn văn ngắn (từ 12 đến 15 câu) nói về cảm xúc của em khi được thưởng thức một tác phẩm văn nghệ (truyện, thơ, phim, ảnh, tượng,…), trong đoạn văn đó có câu chứa thành phần tình thái.
Trả lời:
Mỗi lần đọc lại bài Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong trái tim tôi dường như đang bị thứ gì đó bóp nghẹn lại. Tình cảm gia đình vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời thế nhưng những trang truyện viết về tình cảm cha con thời chiến ấy lại quá nhiều mất mát, đau thương. Tiếng kêu “Ba” xé lòng của bé Thu cuối trang truyện cứ vang mãi trong tâm trí của tôi – tiếng kêu đầu tiên phát ra từ đứa trẻ thiếu thốn tình cha và cũng là tiếng gọi cuối cùng của cuộc đời cô bé. Xót xa biết nhường nào! Ôi, đất nước tôi! Một đất nước bé nhỏ nhưng cứ mãi oằn mình dưới gót giày ngoại xâm. Kết thúc trang truyện tôi chỉ mong sao đất nước nhỏ bé của chúng tôi mãi được hòa bình, để chúng tôi có thể sống mãi trong nụ cười hiền của cha và cái ôm ấm áp của mẹ.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến thành phần tình thái là gì? Vị trí, vai trò của thành phần tình thái như thế nào? Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.