Trái với đoàn kết tương trợ là gì

Đoàn kết, tương trợ là những từ gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn đã hiểu đúng tương trợ là gì hay chưa? Và trái với tương trợ là gì? Bài viết sẽ giúp Quý độc giả có thêm thông tin giải đáp các thắc mắc trên. Mời Quý vị theo dõi, tham khảo nội dung bài viết:

Tương trợ là gì?

Tương trợ là sự cảm thông, chia sẻ và có việc làm cụ thể giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Sống đoàn kết, tương trợ sẽ giúp chúng ta dễ dàng hòa nhập, hợp tác với mọi người xung quanh và sẽ được mọi người yêu quý.

Tương trợ sẽ giúp chúng ta tạo nên sức mạnh để vượt qua được khó khăn. Đoàn kết, tương trợ là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngay từ xa xưa, cha ông ta đã có những lời răn dạy, nhắc nhở con cháu về sự cần thiết của đoàn kết, tương trợ qua những câu chuyện, câu ca dao, tục ngữ…Ví dụ như:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

(Ca dao).

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vĩ lãnh tụ thân yêu của dân tộc cũng từng khẳng định:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.

Và sự thật đã chứng minh, sức mạnh đoàn kết, tương trợ đã giúp Việt Nam đi qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, giành được thắng lợi vẻ vang.

Ngay cả trong ngày hôm nay, khi đất nước đã giành được nền độc lập, chúng ta được sống cuộc sống tự do nhưng sự tương trợ vẫn luôn hiện hữu để giúp những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn, giúp đất nước vượt qua thiên tai, dịch bệnh, hội nhập và phát triển cùng các nước khác trên thế giới.

Đoàn kết, tương trợ là nội dung bài học nằm trong chương trình Giáo dục công dân lớp 7 như một lời nhắc nhở mỗi công dân, mỗi con người về sự cần thiết, quan trọng của tương trợ trong cuộc sống.

Trái với tương trợ là gì?

Trái nghĩa với tương trợ là chia rẽ, ích kỷ, bè phái.

Nếu chúng ta không đoàn kết, tương trợ, chúng ta sẽ bị cô lập, lẻ loi, không vượt qua được nhiều thử thách, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không hòa nhập và không được mọi người yêu quý. Từ việc không đoàn kết, tương trợ, nội bộ có sự chia rẽ, kết bè, kết phái, tổ chức không có sức mạnh đoàn kết, không tập hợp được sức mạnh để phấn đấu đạt được những mục đích chung. Như vậy, thiếu đoàn kết, tương trợ gây ra nhiều hậu quả xấu với bản thân và tổ chức.

Một số bài tập về đoàn kết, tương trợ

Bài tập 1:

Em hiểu thế nào là đoàn kết, tương trợ ?

Trả lời: Đoàn kết, tương trợ là sự cảm thông, chia sẻ và có việc làm cụ thể giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.

Bài tập 2:

Hãy nêu một số biểu hiện của đoàn kết, tương trợ và một số biểu hiện trái với đoàn kết, tương trợ trong cuộc sống.

Trả lời:

– Một số biểu hiện của đoàn kết, tương trợ:

+ Sẵn sàng giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn.

+ Học tập, vui chơi một cách hoà thuận.

+ Yêu mến, gần gũi với tất cả các bạn.

– Một số biểu hiện trái với đoàn kết, tương trợ:

+ Chia bè chia phái

+ Chỉ với với những bạn học giỏi, còn bạn học dốt thì không chơi.

+ Cùng nhau quay cóp.

Bài tập 3:

Trái nghĩa với tương trợ là gì?

A. Xung khắc.

B. Xung đột

C. Ích kỷ

D. Tự kỷ

Trả lời: Đáp án đúng là đáp án C. Trái nghĩa với tương trợ là ích kỷ.

Bài tập 4:

Theo em, vì sao chúng ta phải đoàn kết, tương trợ ?

Trả lời: Lí do là chúng ta luôn phải đoàn kết trong mọi lĩnh vực, cũng như trong mọi lúc, mọi nơi. Khi đoàn kết chúng ta đã một phần nào đó giúp cho tập thể nơi mình sinh ra thêm gắn bó, tạo liên kết giữa mọi người , tạo nên một mối quan hệ rộng rãi. chúng ta sẽ được mọi người yêu quý.

Bài tập 5:

Sáng nay cô giáo sẽ trả bài kiểm tra Toán. Sơn thầm nghĩ, chắc bài kiểm tra của mình và Đại tốt lắm đây vì hôm đó hai đứa cùng nhau “góp sức” để làm bài kiểm tra mà. Đúng là “hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu”. Sơn tự hào, sung sướng mỉm cười. Theo em hành động của hai bạn Sơn và Đại có phải là thế hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ không ? Vì sao?

Trả lời: Hành động của hai bạn không phải là đoàn kết, tương trợ mà vi phạm quy chế, kỉ luật học tập.

Bài tập 6:

Nhà Quang nghèo, trên Quang lại có chị gái nên Quang hay phải mặc quần áo cũ của chị. Một số bạn trêu chọc, giễu Quang là “đồ đàn bà”. Quang ức lắm.

Trưa nay trên đường đi học về, lại bị các bạn ấy trêu chọc, Quang nổi khùng, xông vào đánh một bạn bị chảy máu mũi. Trước sự việc đó, có bạn cho rằng Quang đánh là đúng, có bạn lại phản đối, cho rằng Quang quá đáng.

Câu hỏi:

1/ Em tán thành ý kiến nào ? Vì sao ?

2/ Em sẽ góp ý thế nào cho Quang và cho các bạn hay trêu Quang ?

Trả lời:

1/ Hành vi của Quang và các bạn trêu Quang đều không thể hiện đoàn kết, tương trợ.

2/ Em sẽ góp ý cho các bạn trêu Quang là không nên trêu bạn ấy nữa và giải thích cho các bạn hoàn cảnh của Quang và để các bạn đoàn kết tương trợ nhau cùng tiến bộ trong học tập.

Bài tập 7:

Trong lớp, một bạn ngồi trước mặt Lan hay nói chuyện và đùa nghịch làm Lan không học được. Lan nhắc thì bạn ấy vênh mặt nói : “Việc gì đến mày !”. Lan tức quá, cầm thước kẻ quật vào đầu bạn. Thế là hai bạn đánh nhau và bị cô giáo cảnh cáo.

Câu hỏi :

1/ Em hãy nhận xét hành vi của hai bạn trong tình huống trên.

2/ Em sẽ khuyên hai bạn như thế nào ?

Trả lời:

1/ Hành vi của hai bạn trong tình huống trên là thể hiện sự ích kỉ và không mang tính đoàn kết, tương trợ.

2/ Em sẽ khuyên hai bạn nên nói chuyện để hòa giải với nhau, không nên vì sự ích kỉ, nóng giận mà làm tổn thương nhau.

Trên đây là một số chia sẻ giúp Quý độc giả hiểu hơn về tương trợ cũng như trái nghĩa với tương trợ là gì? Bài viết rất mong nhận được những đóng góp, phản hồi từ Quý độc giả.