đại ngu có nghĩa là gì

Hồ Quý Ly tên thật là Lê Quý Ly – tự là Lý Nguyên. Ông sinh năm 1336, quê ở Thanh Hóa, là hậu duệ đời thứ 16 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật ( người Chiết Giang, Trung Quốc sang định cư nước ta từ thời Hậu Hán ( 947 – 950 ). Lý do mà ông mang họ Lê là vì trước đó vào thời nhà Lý – hậu duệ thứ 12 Hồ Liêm được nhận làm con nuôi của Tuyên Úy Lê Huấn nên đổi sang họ Lê. Quý Ly là cháu 4 đời của Hồ Liêm nên mới có tên là Lê Quý Ly. Sau khi lên làm vua mới chính thức đổi lại họ Hồ.

Việc tại sao phải đổi họ tôi đã nói trong bài: Việt Nam có bao nhiêu họ. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết này.

Gia đình nhà Quý Ly cũng thuộc hàng địa vị tôn quý trong xã hội. Mẹ Hồ Quý Ly là con gái của quan Thái y thời Trần Anh Tông ( 1293 – 1314 ). Hai người cô của ông là đều là phi tần của vua Trần Minh Tông ( 1314 – 1329 ). Cả hai bà đều sinh ra hoàng tử mà sau này chính là vua Trần Nghệ Tông ( 1370 – 1372 ) và Trần Duệ Tông ( 1372 – 1377 ) , và hai bà được phong là Thái hậu và Thái Phi. Bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Huy Ninh công chúa ( con gái của vua Trần Minh Tông ). Con gái đầu của ông sau này cũng lấy vua Trần Thuận Tông ( 1388 – 1398 ) và sinh ra vua Trần Thiếu Đế – vị vua cuối cùng của nhà Trần và chính là cháu ngoại Hồ Qúy Ly.

Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Hồ Quý Ly rất được vua Trần tín nhiệm. Ngay từ thời vua Trần Nghệ Tông ông đã nắm quyền lực lớn mạnh trong tay. Cho đến khi con rể ông là vua Trần Thuận Tông phong ông làm Thái Sư Nhiếp chính phụ trách các vấn đề quan trọng trong nước, kể cả quân đội thì sự bành trướng của Hồ Quý Ly ngày càng lộ rõ.

Năm 1396, Hồ Quý Ly bức ép vua Trần dời đô từ Thăng Long vào thành Tây Đô ( Thanh Hóa ). Điều này đã khiến các quần thần trung thành với nhà Trần cực kì phẫn nộ. Họ mưu tính lật đổ Hồ Quý Ly nhưng không thành. Kể từ lúc Hồ Quý Ly nắm trong tay quyền bính, ông đã giết tổng cộng hơn 370 người chống đối lại ông. Trong đó có tướng Trần Khát Chân – vị tướng có công đánh tan quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi phía Nam của Đại Việt.

Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi cả cháu ngoại của mình là Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ – đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Nhưng rõ ràng số phận không ưu ái cho Hồ Quý Ly và nhà Hồ mà ông đã bỏ bao tâm huyết gây dựng. Từ cái quá trình lên ngôi gây ra biết bao sóng gió cho đến khi nhà Minh xâm lược nước ta chỉ vỏn vẹn có 7 năm. Nhưng trong 7 năm đó, Hồ Quý Ly không hề là một vị vua xấu xa, bất tài bạo ngược. Ngược lại, ông đã thay đổi gần như là ngoạn mục về mọi mặt của đất nước lúc bấy giờ. Cụ thể :

Trong kinh tế, Hồ Quý Ly cho cải tổ lại phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp, đầu tư cho các công trình thủy lợi, đê điều, đào sông, đắp đường…Đo đạc lại ruộng đất, điều tra dân số… để nắm rõ sức lao động và tài sản trong cả nước, từ đó có kế hoạch điều chỉnh phân bố lao động cho phù hợp để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ông còn cho đặt tên các đường, phố xá, đặt các trạm công văn để chuyển phát thông tin thư từ nhanh nhất có thể.

Nhưng có lẽ phải kể đến một thành tích nổi bật của nhà Hồ chính là phát hành tiền giấy – một sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong việc cải tổ tài chính – kinh tế của Việt Nam lúc bấy giờ.

Về bộ máy cai trị, ông giảm bớt sa thải các tăng lữ tôn giáo, mà khuyến khích tuyển các vị quan lại bên ngoài để thêm nhiều người cùng nhau góp sức cho lợi ích chung.

Về xã hội, Hồ Quý Ly quy định dùng chữ Nôm là chữ của nước nhà thay thế cho chữ Hán, cải cách giáo dục thay đổi chế độ thi cử để chiêu mộ nhiều nhân tài hơn.

Về quốc phòng, công lao lớn không thể thiếu sót của ông chính là phát minh ra súng thần cơ, lập xưởng đúc binh khí, công cụ kỹ thuật phục vụ cho quân đội có quy mô lớn, sửa sang lại thành lũy và tăng cường lực lượng bảo vệ trấn giữ biên giới nhằm ngăn chặn sự xâm lược từ ngoại bang.

Nhưng rất đáng tiếc, Hồ Quý Ly nếu như khôn khéo hơn trong việc thu phục lòng người thì có lẽ nhà Hồ đã không chấm dứt nhanh chóng như thế. Năm 1407, triều Minh đem quân sang xâm lược nước ta. Quân nhà Hồ không thể chống đỡ được vì nhân dân không hề có ý đồng lòng cùng Hồ Quý Ly cản bước giặc ngoại xâm. Hai cha con Hồ Quý Ly bỏ chạy nhưng lại bị giặc Minh bắt được đem về Trung Quốc. Quốc hiệu Đại Ngu cũng đã chấm dứt luôn từ đấy.

Thật ra, nói một cách công bằng thì nhà Trần đã suy thoái vào thời kì cuối. Các vị vua cứ thay nhau ngồi lên ngai vàng liên tục trong thời gian ngắn là đủ hiểu rồi. Những cải cách của Hồ Quý Ly được xem là thay đổi thần kì, là bước tiến mới cho sự phát triển của Việt Nam vào thời kỳ trung đại. Tuy còn hạn chế nhưng sự cố gắng và tâm huyết của ông không thể phủ nhận. Thậm chí qua những việc làm của ông, Hồ Quý Ly được đánh giá là một người tiến bộ có tư tưởng đi trước thời đại. Nếu như có thể so sánh tôi nghĩ Hồ Quý Ly không khác gì Nhật hoàng thời kì Minh Trị nổi tiếng.

Nhưng chỉ tiếc là thời gian của Hồ Quý Ly quá ngắn ngủi. Và ông lại phạm phải sai lầm lớn trong việc thu phục trấn an lòng người, để lại ấn tượng tiêu cực xấu xa cho người đời đánh giá, kể cả các nhà sử học sau này.

Nhìn lại nhà Trần. Nhà Trần cũng là chiếm ngôi của triều trước khi đất nước đã mục tàn, cũng là tiêu trừ hậu duệ đời cũ không để cho mầm mống sau này kháng cự, nhưng Trần Thủ Độ lại có cách làm hay hơn nhiều. Đưa nhà Trần thế ngôi rất dễ dàng thông qua cuộc hôn phối của hoàng tộc, vừa thu phục được quần thần, dân chúng, vừa không phải tốn nhiều xương máu để gây lòng oán hận.

Do đó, đến tận khi nhà Trần đã tận, dân chúng vẫn còn trung thành nên mới căm ghét Hồ Quý Ly như vậy.

Tôi rất ưa thích tư tưởng của Tào Tháo. Việc một triều đại hưng thịnh rồi suy tàn là điều tất yếu của thời gian. Nếu nhà Ngụy không thay thế cho nhà Hán thì còn đó nước Thục, nước Ngô sẽ thay thế. Đó là điều tất yếu. Cái mới rồi sẽ thay thế cái cũ, sinh rồi tử, cái cây chết đi sẽ để lại mầm sống cho thế hệ tiếp theo. Thật đáng tiếc cho Hồ Quý Ly khi bị người đời phê phán.