Giáo dục kinh tế và pháp luật là gì

Chương trình giáo dục phổ thông mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và tuyên bố của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc: “Học để biết – Học để làm – Học để chung sống – Học để tự khẳng định mình” nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam cả Đức, Trí, Thể, Mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.

So với chương trình hiện hành, chương trình Giáo dục công dân ở THPT mới có sự đột phá về quan điểm xây dựng chương trình; mục tiêu chương trình; những yêu cầu cần phải đạt về phẩm chất, năng lực và đặc biệt nội dung chương trình cập nhật những tri thức mới, đáp ứng dạy và học phát triển năng lực học sinh. Cụ thể:

Thứ nhất, về tên gọi của chương trình: Tên gọi cũ là “Giáo dục công dân” nhấn mạnh đến mục tiêu trang bị tri thức về thế giới quan, phương pháp luận triết học cùng đường lối chính sách cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và những phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì tên gọi mới “Giáo dục kinh tế và pháp luật” coi trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp, trang bị cho học sinh những kiến thức chủ yếu về kinh tế và pháp luật, làm hành trang cho các em lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Thứ hai, về vị trí, vai trò của môn học: Theo chương trình Giáo dục phổ thông cũ, tất cả mọi môn học đều là môn bắt buộc, trong đó có môn GDCD. Theo chương trình mới, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật thuộc nhóm môn học tự chọn bắt buộc (nhóm Khoa học xã hội: Lịch sử – Địa lý – Giáo dục kinh tế và pháp luật). Sự thay đổi vị trí của môn học từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc không có nghĩa là môn học có vị trí phụ trong chương trình phổ thông mới. Với mục tiêu là định hướng nghề nghiệp, vị trí tự chọn bắt buộc mang lại nhiều cơ hội cho giáo viên và học sinh. Nhiều trường Đại học đã lựa chọn điểm thi môn GDCD làm điểm xét tuyển đầu vào, nhiều học sinh và cả giáo viên giảng dạy GDCD nỗ lực dạy tốt học tốt môn học đáp ứng định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh.

Thứ ba, cách tiếp cận xây dựng chương trình: Chương trình GDCD ở cấp THPT hiện hành cách tiếp cận xây dựng chương trình GDCD này tập trung vào giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan, phương pháp luận cho công dân tương lai. Do đó, ngay khi bước vào học kỳ 1 của lớp 10, học sinh được học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin dưới dạng khái quát nhất cùng những phạm trù cốt lõi nhất về đạo đức. Trong các học kỳ tiếp theo, học sinh sẽ được học nội dung về thể chế chính trị cùng các quan điểm, đường lối chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về dân số, việc làm, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, đào tạo, khoa học.

Chương trình GDCD mới, được xây dựng trên cơ sở: đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; các thành tựu nghiên cứu về tâm lý học, giáo dục học, đạo đức học, luật học, chính trị học, kinh tế chính trị và kinh tế học; các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và giá trị chung của nhân loại; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hóa Việt Nam… Chương trình môn Giáo dục công dânchú trọng tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế. Nội dung chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật được xây dựng theo hướng phát triển tuyến tính, xoay quanh các quan hệ kinh tế và pháp luật, từ kinh tế vĩ mô đến kinh tế vi mô, từ hệ thống chính trị và nhà nước, pháp luật và hệ thống pháp luật đến những nội dung, lĩnh vực pháp luật cụ thể.

Thứ tư, về nội dung giáo dục: Trong kết cấu của chương trình hiện hành, học sinh lớp 10 học về các vấn đề Triết học và đạo đức. Học sinh lớp 11 học chủ yếu về các vấn đề kinh tế và các đường lối chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Học sinh lớp 12 sẽ học về pháp luật. Sau khi học xong chương trình, học sinh phổ thông có kiến thức đa dạng, tự tin hòa nhập cuộc sống khi trở thành người trưởng thành.

Trong chương trình mới, học sinh lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đều được học về nội dung kinh tế và pháp luật theo kiểu đồng tâm và tuyến tính. Chẳng hạn lớp 10 học về “Thị trường và cơ chế thị trường” đến “Cạnh tranh, cung cầu trong kinh tế thị trường” (lớp 11) đến “Tăng trưởng và phát triển kinh tế; Hội nhập kinh tế quốc tế” (lớp 12). Đặc điểm chương trình mới bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

Những nét mới trong chương trình GDCD so với chương trình hiện hành nhằm xây dựng nền giáo dục với chương trình hiện đại, bắt kịp nhịp phát triển của các nước có nền giáo dục tiên tiến; bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, phục vụ quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trần Quang Minh