Sang chấn tâm lý là tình trạng không hiếm gặp trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, những ảnh hưởng mà nó gây ra và cách phản ứng của mỗi người trước tình trạng ấy là không giống nhau. Vậy chính xác, sang chấn tâm lý là gì và nên làm thế nào để sớm vượt qua đó, bài viết sau sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp.
26/02/2022 | Những phương pháp phù hợp trong việc điều trị tâm lý bệnh nhân ung thư 14/03/2021 | Điều trị tâm lý cho người bị ung thư quan trọng như thế nào?
1. Sang chấn tâm lý là gì?
1.1. Như thế nào là sang chấn tâm lý?
Sang chấn tâm lý là thuật ngữ không lạ lẫm với nhiều người nhưng để giải thích chính xác nó nghĩa là như thế nào thì không phải ai cũng làm được. Vậy, sang chấn tâm lý là gì? Nói một cách dễ hiểu thì đây là một dạng tổn thương tâm lý được tạo nên sau khi trải qua một hoặc nhiều sự kiện khiến một người cảm thấy căng thẳng, đáng sợ hoặc đau khổ. Tình trạng sang chấn về tâm lý thường có mối liên quan đến tình huống nào đó gây cho họ cảm giác bị cô lập, cảm thấy quá tải và bất lực.
Gặp phải nỗi đau lớn là nguyên nhân dẫn đến sang chấn tâm lý ở một số người
Khi trải qua một chấn thương về tâm lý, mỗi người sẽ có phản ứng không giống nhau, có người đi qua nó một cách dễ dàng nhưng có người lại cảm thấy vô cùng khó khăn. Một số người khi đi qua một sự kiện đau thương sẽ nảy sinh hiện tượng stress, sợ hãi,… dần dần chuyển thành rối loạn stress và sang chấn tâm lý.
1.2. Nguyên nhân nào dẫn đến sang chấn tâm lý?
Biết được nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý là gì có vai trò rất quan trọng đối với việc đưa ra giải pháp để vượt qua nó. Thường thì tình trạng này là do:
– Bị tấn công bạo lực, chấn thương, tai nạn,… trong quá khứ.
– Trải qua cảm giác mệt mỏi, căng thẳng trong một thời gian dài vì một hoàn cảnh hay sự kiện đau thương nào đó.
– Một số nguyên nhân dễ bị bỏ qua như: sự mất mát người thân, bị sỉ nhục, một mối quan hệ bị tan vỡ,…
1.3. Dấu hiệu nhận biết một người bị sang chấn tâm lý
Những người đang bị sang chấn tâm lý thường có dấu hiệu:
– Về nhận thức: khả năng tập trung kém, dễ nhầm lẫn, mất trí nhớ, hay gặp ác mộng, có cảm giác lâng lâng, bị mất phương hướng,…
– Về hành vi: né tránh những địa điểm hoặc hoạt động dễ kích hoạt ký ức, thu mình và cách ly với xã hội, trở nên thiếu hứng thú với những hoạt động trước đây vốn thấy rất thú vị,…
– Về vật lý: dễ giật mình, cảm thấy kiệt sức, dễ tức giận, nhịp tim nhanh, mất ngủ, chức năng tình dục rối loạn, luôn cảnh giác với các nguy cơ tiềm ẩn,…
– Về tâm lý: tràn ngập nỗi lo sợ, có hành vi cưỡng chế và ám ảnh, tách rời khỏi người khác, cảm xúc bị tê liệt, hay muộn phiền, có cảm giác tội lỗi, phẫn nộ, lo ngại,…
2. Làm cách nào để vượt qua sang chấn tâm lý?
Sang chấn tâm lý cần được chữa trị bởi nếu điều này không xảy ra nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí có người còn tự hủy hoại sự sống của chính mình. Khi đã hiểu được tác hại của sang chấn tâm lý là gì chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc điều trị hội chứng này.
Liệu pháp tâm lý giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây sang chấn tâm lý là gì từ đó có biện pháp điều trị phù hợp
Đối với bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, bác sĩ sẽ có một số bài kiểm tra phù hợp để chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Hiện nay, có một số phương pháp đang được áp dụng để cải thiện tình trạng này, đó là:
– Trị liệu tâm lý
Rất nhiều bệnh nhân mắc sang chấn tâm lý có xu hướng né tránh, che giấu nguyên nhân khiến họ bị tổn thương và từ chối điều trị. Vì thế, liệu pháp tâm lý luôn được ưu tiên hàng đầu và đánh giá cao trong việc cải thiện hội chứng này.
Với việc điều trị tâm lý, bác sĩ sẽ có các buổi trò chuyện để người bệnh hiểu hơn về bản thân và nỗi sợ mà mình đang trải qua. Cũng từ đây bác sĩ tâm lý sẽ biết cách giúp cho họ vượt qua được chấn thương và đối diện với hiện thực tốt hơn, dễ cởi mở và chia sẻ về những gì mà mình đang gặp phải.
Khi đã có khả năng đối diện với sự kiện gây sang chấn, người bệnh sẽ dần dần vượt qua được nỗi lo sợ để quay lại với thực tại cuộc sống. Tuy nhiên, không có chung một liệu pháp tâm lý cho tất cả bệnh nhân mà cần căn cứ trên tình trạng bệnh của từng người để áp dụng phương pháp phù hợp.
Thực hành chánh niệm giúp kiểm soát tốt hơn các triệu chứng sang chấn tâm lý
Kết thúc quá trình điều trị tâm lý, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn, biết cách đối mặt và xử lý trước những vướng mắc, khó khăn,… và có kỹ năng cần thiết để hòa nhập dần dần với cuộc sống.
– Sử dụng thuốc
Mặc dù chỉ điều trị bằng thuốc không thể đẩy lùi được sang chấn tâm lý nhưng biện pháp này giúp kiểm soát được các triệu chứng do nó gây ra như: rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu,…
– Tự chăm sóc
Có biện pháp tự chăm sóc tốt bản thân cũng sẽ hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng về thể chất, tâm lý và cảm xúc do sang chấn tâm lý. Cụ thể là:
+ Tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút và duy trì đều đặn các ngày trong tuần.
+ Chánh niệm với các bài tập dựa trên chánh niệm để ngăn hồi tưởng đến sự kiện đau thương và sống với hiện tại.
+ Kết nối với những người xung quanh bằng cách chia sẻ, giao tiếp với những người mình cảm thấy tin tưởng sẽ giúp người bệnh bớt cảm thấy tiêu cực.
+ Có lối sống cân bằng như: ngủ đủ 7 – 9 giờ mỗi đêm, nói không với các chất kích thích, tránh những hoạt động dễ gây căng thẳng,…
Nhìn chung, sang chấn tâm lý có thể xảy ra với bất kỳ ai và cần được can thiệp càng sớm càng tốt để tránh những hệ lụy nguy hiểm. Nếu bạn đã biết được triệu chứng của sang chấn tâm lý là gì, hãy chủ động thăm khám khi nghi ngờ mình đang đối diện với nó. Việc làm này sẽ giúp bạn sớm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho bản thân để sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Nếu cần thêm sự hỗ trợ y tế, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, các bác sĩ và chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng đồng hành để giúp bạn tìm ra cách xử trí tốt nhất.