Đời Sống

Quý hồ tinh bất quý hồ đa là gì?

Có những văn nhân, xuất bản cả chục đầu sách, có đến cả trăm truyện ngắn – bài thơ mà rút lại chẳng tìm được một câu thơ ra hồn, không thấy một truyện ngắn có nghĩa.

Trong văn hoá Việt Nam, tiền nhân đúc kết thành ngữ “Trăm voi không được bát nước xáo”. Cái cao thâm của người xưa là vậy, nên khi liên hệ với thứ có nhiều – nói nhiều, mới thấy rằng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” là một chân lý, không phải nói suông.

Việt Nam là đất nước có nền văn hoá độc đáo và để lại nhiều di sản có giá trị. Mới đây, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã ban hành các Quyết định công bố 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chính phủ cũng ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12) đối với 5 di tích.

Trong luật Di sản văn hoá nêu khái niệm, di sản là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân.

Bởi vậy, việc xếp hạng di tích – công nhận di sản có ý nghĩa quan trọng, vì từ đây di tích sẽ được bảo hộ bởi luật pháp. Tuy nhiên điều mà ai cũng thấy, xếp hạng là một chuyện nhưng bảo tồn lại là một chuyện có tính chất nghiêm trọng hơn.

Chúng ta cứ lo xếp hạng, công nhận di tích – di sản mà không có biện pháp hiệu quả trong việc gìn giữ – phát huy, thì hệ quả để lại còn nặng nề hơn khi chưa được xếp hạng.

Thực tế của câu Quý hồ tinh bất quý hồ đa là gì?

Thực tế đã có nhiều bài học, và thực tế lại cũng cho thấy các địa phương dường như luôn “chạy đua” để di tích được công nhận danh hiệu.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích, trong đó có gần 200 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích quốc gia và gần 10.000 di tích cấp tỉnh. Kể từ năm 2009 đến nay, đều đặn mỗi năm Chính phủ công nhận thêm các di tích quốc gia đặc biệt khiến cho việc đón nhận danh hiệu này có xu hướng nhạt dần bởi sự “đại trà hóa”.

quy-ho-tinh-bat-quy-ho-da.jpg
Bia đá chùa Thổ Hà gãy đôi trong quá trình trùng tu di tích.

Di tích quốc gia, rồi di tích đặc biệt, ngoài ra còn di sản quốc gia, bảo vật quốc gia… cứ mỗi năm lại thêm vài chục di sản, di tích thì còn đâu là hiếm, là đặc biệt. Mà một khi đã công nhận, thì phải kéo theo kinh phí, cơ chế để bảo vệ, trùng tu, gìn giữ.

Chương 5 Luật Di sản quy định về quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ở địa phương là UBND các tỉnh có trách nhiệm và giao cho sở chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế các tỉnh sẽ phân cấp quản lý cho các huyện, các huyện lại phân cho phường, xã.

Không có chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn, nên trong quá trình trùng tu di tích có vấn đề gì thì lại đến Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch có văn bản chỉ đạo. Như vụ việc chùa Thổ Hà (Bắc Giang) bị vỡ khối bia cổ 342 năm. Bia cổ vỡ rồi, chỉ còn nước chỉ đạo phục hồi, chứ còn biết làm sao.

Gương vỡ, làm sao có thể lành!.

Cho nên “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, ít mà phát huy được hiệu quả còn hơn nhiều mà đem con bỏ chợ.