Đời Sống

Tâm thần phân liệt là gì

1. DỊCH TỄ

– Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng, đặc trưng bởi các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực, hành vi thanh xuân và ngôn ngữ thanh xuân). Bệnh tiến triển mạn tính, bệnh nhân dần dần sa sút, mất khả năng lao động, sinh hoạt và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

– Tỷ lệ bệnh tâm thần phân liệt là 1% dân số. Tỷ lệ này giống nhau ở các quốc gia, không phụ thuộc vào vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội.

– Tỷ lệ bệnh giống nhau ở nam và nữ.

– Nhóm tuổi có tỷ lệ khởi phát cao nhất ở nam là 20-28, ở nữ là 26-32. Bệnh TTPL hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi và sau 60 tuổi.

2. BỆNH SINH

2.1. Gen di truyền

Gen di truyền đóng vai trò quan trọng nhất trong bệnh sinh của TTPL. Người ta thấy rằng bệnh TTPL là do đa gen gây ra, các gen gây bệnh nằm ở các nhiễm sắc thể số 6, 8, 10, 13 và 22. Tuy nhiên gen di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường thuận lợi, gây ra bệnh TTPL.

2.2. Vai trò của Dopamin

Trong bệnh TTPL, người ta nhận thấy có sự hoạt động quá mức hệ thống dopamin, biểu hiện ở 2 mặt sau:

– Tăng sự nhạy cảm của các thụ cảm thể dopamin ở vỏ não và các nhân dưới vỏ.

– Tăng nồng độ dopamin (đến 300%) ở khe xi nap thần kinh hệ dopamin.

Người ta cho rằng, rối loạn về gen di truyền dẫn đến tăng hoạt động của hệ dopamin, hậu quả là gây ra các triệu chứng loạn thần trong bệnh TTPL.

3. LÂM SÀNG

3.1. Các triệu chứng dương tính

3.1.1. Hoang tưởng

– Hoang tưởng là triệu chứng loạn thần cơ bản của bệnh tâm thần phân liệt. Hoang tưởng phải có các đặc trưng sau:

+ Sai lầm.

+ Cố định trên bệnh nhân.

+ Chi phối hành vi của bệnh nhân.

+ Không phải là các niềm tin tôn giáo phổ biến.

+ Bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng phê phán (nghĩa là không bao giờ thừa nhận ý nghĩ của mình là sai lầm).

– Nội dung hoang tưởng có thể bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, hay gặp nhất trong tâm thần phân liệt là:

+ Hoang tưởng bị hại: bệnh nhân tin rằng họ bị hành hạ, bị tra tấn, đầu độc, sẽ bị giết bởi một người hoặc một thế lực nào đó.

+ Hoang tưởng liên hệ: bệnh nhân tin rằng một số sách báo, bài bình luận, bài hát hoặc một số thông tin khác ở bên ngoài ám chỉ họ dưới các hình thức đặc biệt.

+ Hoang tưởng bị kiểm tra, chi phối: bệnh nhân tin rằng có một người hoặc một thế lực nào đó đang chi phối bệnh nhân bằng các phương tiện đặc biệt.

+ Các hoang tưởng kỳ quái: hoang tưởng được coi là kỳ quái nếu như chúng rất lập dị, không phù hợp và không phải là kết quả của mọi kinh nghiệm trong cuộc sống.

3.1.2. Ảo giác

Ảo giác là tri giác không có đối tượng. ảo giác có thể ở bất kỳ giác quan nào (ví dụ ảo thanh, ảo thị, ảo khứu, ảo xúc, ảo vị giác) nhưng ảo thanh là hay gặp nhất và có giá trị chẩn đoán cao cho tâm thần phân liệt.

– Ảo thanh có ở 60-70% số bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bệnh nhân nghe thấy những tiếng nói không có thật, nhưng được bệnh nhân cho là thật. Chúng thường được chia làm ảo thanh thật và ảo thanh giả.

Nội dung của ảo thanh có thể rất khác nhau, căn cứ vào nội dung người ta chia làm các loại ảo thanh sau:

+ Ảo thanh bình phẩm là tiếng người khen hoặc chê bai bệnh nhân nhưng xúc phạm hoặc đe dọa bệnh nhân là hay gặp nhất.

+Ảo thanh xui khiến, ra lệnh: là tiếng nói xui khiến hoặc ra lệnh cho bệnh nhân phải làm một việc gì đó. Thông thường, bệnh nhân không thể cưỡng lại các mệnh lệnh của ảo thanh đưa ra.

+ Ảo thanh là tiếng người trò chuyện với bệnh nhân: bệnh nhân nói chuyện với ảo thanh (giống như ta nói chuyện qua điện thoại) mà người ngoài có thể thấy bệnh nhân nói chuyện một mình to thành tiếng.

+ Ảo thanh là 2 hay nhiều giọng nói đối thoại với nhau hoặc giọng nói bình phẩm về ý nghĩ và hành vi của bệnh nhân.

– Ảo thị giác: là những hình ảnh không có thật nhưng được bệnh nhân nkinf thấy như thật. Ảo thị giác gặp ở 10% số bệnh nhân tâm thần phân liệt, chúng ít có giá trị chẩn đoán cho bệnh tâm thần phân liệt hơn ảo thanh.

Các ảo thị có thể có nội dung dễ chịu, vui vẻ; tuy nhiên, các ảo thị thường là các hình ảnh ghê sợ khiến bệnh nhân rất lo lắng và sợ hãi. Bệnh nhân có thể có các hành vi nguy hiểm như đánh người, tự sát do sự chi phối của ảo thị.

– Ảo xúc giác: ít gặp trong tâm thần phân liệt và ít có giá trị chẩn đoán cho bệnh này. Bệnh nhân có cảm giác có các con côn trùng bò dưới da, có con rắn đang bò trong dạ dày bệnh nhân…

3.1.3. Ngôn ngữ thanh xuân

Ngôn ngữ thanh xuân là một triệu chứng rất có giá trị chẩn đoán trong tâm thần phân liệt. Triệu chứng này thường chỉ gặp trong tâm thần phân liệt thể thanh xuân. Bệnh nhân có tư duy (lời nói) rất hỗn loạn, kỳ dị, khó hiểu.

3.1.4. Hành vi thanh xuân

Hành vi thanh xuân là rối loạn hành vi nặng, rất có giá trị chẩn đoán cho tâm thần phân liệt. Triệu chứng này hay gặp trong tâm thần phân liệt thể thanh xuân và thể không biệt định.

Các hành vi này có thể biểu hiện ở các mức độ khác nhau, từ đi lại không ngừng đến kích động. Các hành vi này thường là rất lố lăng, hời hợt, kỳ dị, khó hiểu.

3.1.5. Hành vi căng trương lực

Hành vi căng trương lực bao gồm:

– Sững sờ căng trương lực: là sự giảm sút rõ ràng các phản ứng lại mọi tác động của môi trường. Một số trường hợp đạt đến mức độ vô thức quá mức, bệnh nhân giữ ở một tư thế rất lâu.

– Kích động căng trương lực: là kích động do căng trương lực cơ. Các kích động này rất lố lăng, kỳ quái nhưng chỉ xuất hiện trong không gian hẹp (trên giường, trong phòng) chứ không xảy ra trong không gian rộng như hưng cảm.

– Phủ định căng trương lực là bệnh nhân chống lại mọi tác động bên ngoài. Ví dụ: khi ta kéo tay bệnh nhân ra thì bệnh nhân co tay chống lại.

– Uốn sáp căng trương lực là bệnh nhân giữ lâu ở một số vị trí vô lý và kỳ lạ (ví dụ: khi ta đưa tay bệnh nhân lên đầu làm tư thế chào, bệnh nhân sẽ giữ nguyên tư thế đó hàng tiếng đồng hồ). Trong lâm sàng, người ta thường làm nghiệm pháp gối không khí, bệnh nhân có thể giữ đầu ở tư thế không chạm xuống giường trong nhiều chục phút.

– Nếu tình trạng căng trương lực quá nặng, bệnh nhân sẽ không đáp ứng với các kích thích bên ngoài mà chỉ nằm im một chỗ.

3.2. Các triệu chứng âm tính

Triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt rất hay gặp, chúng là nền tảng của bệnh tâm thần phân liệt; tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chúng rất kín đáo, khó phát hiện. Sau một vài năm bị bệnh, các triệu chứng này ngày càng rõ ràng và đến giai đoạn di chứng thì bệnh nhân chỉ còn các triệu chứng âm tính mà thôi.

Có 3 triệu chứng âm tính chính trong tâm thần phân liệt, đó là: vô cảm xúc, ngôn ngữ nghèo nàn và mất ý chí.

3.2.1. Cùn mòn cảm xúc

Bệnh nhân có nét mặt đơn điệu, không thay đổi, không sinh động như vốn có của mình. Bệnh nhân giảm sút sự tiếp xúc bằng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể; tuy nhiên một bệnh nhân cùn mòn cảm xúc đôi khi có thể cười, có nét mặt sinh động, nhưng biểu hiện cảm xúc của họ giảm sút rõ ràng trong phần lớn thời gian còn lại.

Khi bệnh tâm thần phân liệt đã chuyển thành thể di chứng, cùn mòn cảm xúc sẽ phát triển thành vô cảm. Lúc này, bệnh nhân không hề biểu hiện cảm xúc vui buồn, cáu giận… với bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào ngoài môi trường.

3.2.2. Ngôn ngữ nghèo nàn

Nghèo nàn lời nói thể hiện bởi các câu trả lời cộc lốc, ngắn cụt ngủn. Bệnh nhân với nghèo nàn ngôn ngữ có thể có giảm sút lượng suy nghĩ, điều đó phản ánh sự giảm sút quá trình ảnh hưởng và tạo ra ngôn ngữ.

3.2.3. Mất ý chí

Mất ý chí là sự giảm sút hoạt động định hướng về một mục đích nào đó. Người bệnh mất hết sáng kiến, mất động cơ, hoạt động không hiệu quả. Các thói quen nghề nghiệp cũ mất dần đến nỗi bệnh nhânh không muốn làm bất kỳ việc gì nữa. Do vậy họ giảm sút khả năng lao động, mất việc làm dẫn đến lối sống ngày càng suy đồi, không muốn làm gì, chỉ nằm lỳ một chỗ.

4. TIẾN TRIỂN VÀ TIÊN LƯỢNG

4.1. Tiến triển

– Tiến triển theo giai đoạn có các triệu chứng di chứng giữa các giai đoạn: Bệnh nhân có các giai đoạn với đầy đủ các triệu chứng của tâm thần phân liệt; giữa các giai đoạn, bệnh nhân có các triệu chứng di chứng rõ ràng. Kiểu tiến triển này có tiên lượng không tốt khi được điều trị.

– Tiến triển theo giai đoạn không có triệu chứng di chứng giữa các giai đoạn: Bệnh nhân có các giai đoạn với đầy đủ triệu chứng của tâm thần phân liệt; giữa các giai đoạn, bệnh nhân không có các triệu chứng di chứng rõ ràng. Đây là kiểu tiến triển cho tiên lượng tốt. Sau điều trị, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn.

– Tiến triển liên tục: Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có liên tục ; các triệu chứng âm tính ngày càng rõ ràng trong suốt thời gian của bệnh. Kiểu tiến triển này có tiên lượng xấu, kháng điều trị.

+ Tiến triển 1 giai đoạn, lui bệnh hoàn toàn: Bệnh nhân chỉ có 1 giai đoạn duy nhất có đủ triệu chứng của tâm thần phân liệt; sau đó, họ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng. Đây là kiểu tiến triển cho tiên lượng tốt nhất.

4.2. Tiên lượng

4.2.1. Các yếu tố tiên lượng tốt

– Khởi phát muộn, cấp tính.

– Không có biểu hiện bất thường trên điện não, CT- Scan não…

– Có triệu chứng rối loạn cảm xúc.

– Nhiều triệu chứng dương tính.

– Đáp ứng điều trị tốt.

– Thừa nhận bệnh và tự giác điều trị.

4.2.2. Các yếu tố tiên lượng xấu là:

– Khởi phát sớm, từ từ.

– Không có yếu tố thuận lợi cho khởi phát.

– Có biểu hiện bất thường trên điện não đồ, CT-Scan não…

– Nhiều triệu chứng âm tính.

– Đáp ứng điều trị kém.

– Phủ định bệnh và từ chối điều trị.

4.2.3. Tái phát của bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, thường hay tái phát. Nếu không được điều trị củng cố, tỷ lệ tái phát của bệnh tâm thần phân liệt là 10% số bệnh nhân/tháng. Sau 1 năm kể từ ngày ngừng thuốc, đa số các bệnh nhân đều tái phát bệnh.

5. CHẨN ĐOÁN VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

5.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh TTPL theo ICD-10 năm 1992

a/ Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị áp đặt hay bị đánh cắp và tư duy bị phát thanh.

b/ Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối hay bị động có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hay các chi hoặc có liên quan với những ý nghĩ, hành vi hay cảm giác đặc biệt và tri giác hoang tưởng.

c/ Các ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của bệnh nhân hay thảo luận với nhau về bệnh nhân hoặc các loại ảo thanh khác xuất hiện từ một bộ phận nào đó của cơ thể.

d/ Các hoang tưởng dai dẳng không thích hợp về mặt văn hoá và hoàn toàn không thể có được tính đồng nhất về tôn giáo hay chính trị hoặc những khả năng và quyền lực siêu nhiên như: khả năng điều khiển thời tiết hoặc đang tiếp xúc với người ở thế giới khác.

e/ Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào, có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh, không có nội dung cảm xúc rõ rệt hoặc kèm theo ý tưởng quá dai dẳng hoặc xuất hiện hàng ngày trong nhiều tuần hay nhiều tháng.

f/ Tư duy gián đoạn, hay thêm từ khi nói, đưa đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp hoặc ngôn ngữ bịa đặt.

g/ Tác phong căng trương lực như: kích động, giữ nguyên dáng, uốn sáp, phủ định và không nói hoặc sững sờ.

h/ Các triệu chứng âm tính như: vô cảm rõ rệt, ngôn ngữ nghèo nàn, đáp ứng cảm xúc cùn mòn hoặc không thích hợp thường dẫn đến cách li xã hội hoặc giảm sút hiệu suất lao động và các triệu chứng trên phải rõ ràng là không do trầm cảm hay thuốc an thần gây ra.

i/ Biến đổi thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân biểu hiện như: mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhác, thái độ mải mê suy nghĩ về bản thân và cách li xã hội.

* Yêu cầu chẩn đoán bệnh TTPL theo ICD-10:

– Phải có ít nhất 1 triệu chứng rõ ràng hoặc phải có tối thiểu 2 triệu chứng (nếu các triệu chứng đó ít rõ ràng) thuộc các nhóm từ a đến d kể trên.

– Nếu là nhóm từ e đến i thì phải có ít nhất là 2 nhóm triệu chứng.

– Thời gian của các triệu chứng phải tồn tại ít nhất là 1 tháng.

– Không được chẩn đoán TTPL nếu có triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm mở rộng xuất hiện trước các triệu chứng nói trên.

– Không được chẩn đoán TTPL khi có bệnh não rõ rệt hoặc bệnh nhân đang ở trong trạng thái nhiễm độc ma tuý.

– Không được chẩn đoán TTPL khi có bệnh ĐK và các bệnh tổn thương thực thể não khác.

5.2. Chẩn đoán phân biệt

5.2.1. Loạn thần do bệnh cơ thể

Có nhiều bệnh có triệu chứng loạn thần như các bệnh mất trí Alzheimer, Pic, Parkinson…; các bệnh nhiễm trùng trong và ngoài hộp sọ như viêm não, viêm màng não, sốt rét ác tính thể não, thương hàn… cũng có hoang tưởng bị hại và ảo thị. Căn cứ khám lâm sàng cùng các xét nghiệm chuyên biệt mà xác định căn nguyên cụ thể, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

5.2.2. Loạn thần do nghiện rượu, ma tuý

– Bệnh nhân nghiện rượu có thể có hoang tưởng (bị hại), ảo giác (ảo thanh thật, ảo thị, ảo xúc giác) giống với tâm thần phân liệt.

– Bệnh nhân nghiện heroin thường có các triệu chứng ảo xúc giác (giòi bò trong xương, côn trùng bò trên da), hoang tưởng bị hại.

– Bệnh nhân nghiện amphetamin thường có ảo thanh thật, bình phẩm xấu về bệnh nhân; họ cũng có thể có hoang tưởng bị hại, bị theo dõi.

Cần khai thác bệnh sử, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm tìm ma túy trong máu hoặc nước tiểu để xác định chẩn đoán.

5.2.3. Rối loạn cảm xúc có loạn thần

Trong rối loạn cảm xúc có loạn thần (thường là hoang tưởng phù hợp với khí sắc), các triệu chứng loạn thần xuất hiện khi rối loạn cảm xúc nặng nề nhất. Nếu triệu chứng loạn thần không còn tồn tại khi rối loạn cảm xúc đã hết thì chẩn đoán sẽ là rối loạn cảm xúc có yếu tố loạn thần; còn nếu bệnh nhân còn loạn thần khi đã hết rối loạn cảm xúc thì chẩn đoán sẽ là tâm thần phân liệt.

5.2.4. Loạn thần cấp

Trong loạn thần cấp, bệnh nhân cũng có đầy đủ các triệu chứng như trong bệnh TTPL, tuy nhiên, thời gian bị bệnh chưa đủ 1 tháng.

– Nếu bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn trong 1 tháng, chẩn đoán xác định là loạn thần cấp.

– Nếu bệnh kéo dài trên 1 tháng hoặc có tái phát, chẩn đoán sẽ là TTPL.

6.CÁC THỂ BỆNH CHÍNH

Tâm thần phân liệt được chia là các thể khác nhau căn cứ vào triệu chứng nổi bật trong thời gian đánh giá bệnh.

6.1. Thể paranoid

Thể bệnh này có đặc điểm là các hoang tưởng hoặc các ảo thanh rõ ràng trong phạm vi liên quan tới chức năng nhận thức và cảm xúc. Đây là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm hơn 50% số bệnh nhân tâm thần phân liệt.

Thể paranoid có khởi phát muộn hơn các thể khác của tâm thần phân liệt. Nhiều nghiên cứu cho rằng tiên lượng của thể paranoid có thể tốt hơn các thể khác của tâm thần phân liệt, đặc biệt là chức năng xã hội và khả năng có một cuộc sống độc lập.

6.2. Thể thanh xuân

Thể thanh xuân có các triệu chứng ngôn ngữ thanh xuân, hành vi thanh xuân, vô cảm xúc hoặc cảm xúc không phù hợp. Thể bệnh này có khởi phát rất sớm (từ 15-25 tuổi), bệnh tiến triển liên tục (mặc dù điều trị), bệnh nhân nhanh chóng sa sút. Do vậy tiên lượng của tâm thần phân liệt thể thanh xuân rất xấu.

6.3. Thể căng trương lực

Thể bệnh này có các triệu chứng căng trương lực như bất động vận động, kích động, phủ định, vận động cường độ lớn kỳ dị, nhại lời, nhại vận động. Ngày nay thể bệnh này hiếm gặp hơn thế kỷ trước đặc biệt ở các nước phát triển. Người ta cho rằng do được phát hiện và điều trị sớm nên tâm thần phân liệt khó phát triển thành thể căng trương lực. Thể bệnh này đáp ứng rất tốt với điều trị bằng sốc điện.

6.4. Thể không biệt định

Thể không biệt định có các triệu chứng thuộc tiêu chuẩn của tâm thần phân liệt, nhưng không thoả mãn các tiêu chuẩn cho thể paranoid, thanh xuân hoặc căng trương lực.

6.5. Thể di chứng

Tất cả các thể bệnh của tâm thần phân liệt đều có thể chuyển sang thể di chứng sau nhiều năm bị bệnh. Thể di chứng của tâm thần phân liệt có ít nhất 1 giai đoạn của tâm thần phân liệt trong tiền sử, nhưng hiện tại bảng lâm sàng không còn các triệu chứng loạn thần rõ ràng. Trái lại, biểu hiện của triệu chứng âm tính (ví dụ: vô cảm xúc, ngôn ngữ nghèo nàn, hoặc mất ý chí) lại nổi bật trong bảng lâm sàng.

7. ĐIỀU TRỊ

7.1. Điều trị tấn công

7.1.1. Điều trị bằng thuốc

– Haloperidol: đây là thuốc an thần cổ điển, đa năng, có hiệu quả cao cho các triệu chứng loạn thần và dương tính như hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như ngoại tháp, vì vậy bắt buộc phải dùng kết hợp với trihex hoặc pipolphen.

. Dạng ống tiêm 5mg/1 ml dùng tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.

. Dạng viên nén 1mg, 1,5mg và 5mg.

. Liều dùng: 8-20mg/ngày. Chia làm 2 lần: trưa 1/2 liều, tối 1/2 liều.

Ví dụ cụ thể:

(1). Haloperidol 5mg x 2 viên (trưa 1 viên, tối 1 viên).

(2). Trihex 2mg x 4 viên (trưa 2 viên, tối 2 viên).

Dùng thuốc 4-6 tuần, sau đó chuyển sang điều trị củng cố.

– Olanzapin.Olanzapin là thuốc an thần mới; có tác dụng chống loạn thần mạnh, giải lo âu, gây ngủ, chống trầm cảm nhẹ. Thuốc có hiệu quả tốt cả trên các triệu chứng dương tính (sau 4-6 tuần) và triệu chứng âm tính (sau 6-12 tháng).

Đóng viên 5mg, 7,5mg và 10mg. Liều dùng từ 5-20mg, liều trung bình 10mg/ngày, uống buổi tối trước khi đi ngủ.

7.1.2. Sốc điện

Liệu pháp sốc điện là biện pháp điều trị tấn công cho tâm thần phân liệt hiệu quả và an toàn nhất. Sốc điện có kết quả ngay cả với các trường hợp tâm thần phân liệt kháng thuốc.

Sốc điện tiền mê khắc phục được tính trạng sợ làm sốc điện của bệnh nhân và gia đình họ; không xuất hiện cơn co giật kiểu động kinh do sốc điện.

– Chỉ định:

+ Bệnh nhân TTPL có ý định và hành vi tự sát.

+ Bệnh nhân TTPL từ chối ăn uống.

+ Tâm thần phân liệt thể căng trương lực.

+ Các trường hợp kích động dữ dội, hoang tưởng, ảo giác… kéo dài mà điều trị bằng thuốc không có kết quả.

– Chống chỉ định:

+ Các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền nhĩ-thất, cao huyết áp.

+ Các bệnh hô hấp như phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.

+ Chấn thương sọ não, u não, tai biến mạch máu não.

+ Các bệnh gãy xương, sai khớp (chống chỉ định tương đối vì có thể làm sốc điện dưới gây mê).

+ Động kinh.

– Số lần làm sốc điện: thường làm 8-12 lần, cá biệt có trường hợp đến 15 lần. Có thể làm mỗi ngày 1 lần hoặc cách ngày. Nếu bệnh nhân có lú lẫn nhiều, nên làm cách ngày.

7.2. Điều trị củng cố

– Nếu không điều trị củng cố, đa số bệnh nhân sẽ tái phát sau một năm. Sau 2 năm bỏ thuốc, tỷ lệ tái phát là 90%. Tỷ lệ tái phát ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị củng cố liên tục bằng thuốc là rất thấp.

Tốt nhất là bệnh nhân dùng thuốc an thần mới đường uống, liều thuốc trong điều trị củng cố cần bằng 1/2-2/3 giai đoạn tấn công.

– Một số phác đồ cụ thể:

Haloperidol 5mg x 2 viên/ngày (trưa 1 viên, tối 1 viên).

Trihex 2mg x 4 viên/ngày (trưa 2 viên, tối 2 viên).

Hoặc: Olanzapin 10mg x 1 viên uống tối.

– Các trường hợp bệnh nhân không chịu uống thuốc: có thể dùng một trong những phác đồ sau:

Haloperidol decanoat 50mg x 1-2 ống/tiêm bắp sâu 2-4 tuần/lần.

Hoặc:

Fluphenazin decanoat 25mg x 1-2 ống/tiêm bắp 2-4 tuần/lần.

– Thời gian điều trị củng cố: bệnh nhân tâm thần phân liệt phải được điều trị củng cố suốt đời.

Câu hỏi ôn tập

1. Nêu các triệu chứng dương tính của TTPL?

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán TTPL theo ICD 10?

3. Các thể bệnh chính của TTPL?

4. Điều trị tấn công và củng cố TTPL bằng thuốc an thần?

Tài liệu tham khảo

1. Tâm thần học và Tâm lí học Y học, NXB QĐND, 2007, tr.113 – 126.

2. Bùi Quang Huy, Tâm thần phân liệt. NXB Y học. 2009

ThS. Lò Mai Cam – Bộ môn Tâm thần