MỘT SỐ ĐIỀU LƯU Ý KHI DỊCH 12 CON GIÁP SANG TIẾNG ANH
Nguyễn Phước vĩnh Cố
A learner of the University of Google
12 CON GIÁP TRONG TIẾNG ANH (12 ANIMAL DESIGNATIONS /ˌdezɪɡˈneɪʃ(ə)n/)
Tí-chuột: The Mouse /maʊs/ (Vietnam), the Rat /ræt/ (China)
Sửu-trâu: The Buffalo /ˈbʌfələʊ/ (Vietnam), the Ox /ɒks/ (China)
Dần-hổ: The Tiger /ˈtaɪɡə(r)/
Mẹo-mèo/Thỏ: The Cat /kæt/ (Vietnam), the Rabbit /ˈræbɪt/ (China)
Thìn-rồng: The Dragon /ˈdræɡən/
Tỵ-rắn: The Snake /sneɪk/
Ngọ-ngựa: The Horse /hɔːs/
Mùi-dê: The Goat /ɡəʊt/
Thân-khỉ: The Monkey /ˈmʌŋki/
Dậu-gà: The Rooster /ˈruːstə(r)/, the Cock /kɒk/
Tuất-chó: The Dog /dɒɡ/
Hợi-lợn: The Pig /pɪɡ/
Trong 12 con giáp khi dịch con giáp đầu tiên là ‘chuột’ ta gặp hai hình thức ở tiếng Anh ‘rat’ và ‘mouse’, vậy bạn chọn từ ‘rat’ hay ‘mouse’ khi dịch (tuổi) Tý, (năm) Tý sang tiếng Anh?
RAT HAY MOUSE?
Trong tiếng Anh, có sự khác biệt giữa ‘rat’ và ‘mouse’, nếu bạn đã từng xem các phim ‘Chuột Mickey’ (tiếng Anh: Mickey Mouse) và phim ‘Chuột đầu bếp’ (tiếng Anh: Ratatouille) nói về chú chuột (rat) có tên Remy thì bạn đã biết cách dùng của hai từ này. Tuy nhiên, ở tiếng Trung khi nói hay viết ở tiếng Anh: ‘Chào mừng/đón năm Tý -2020’ thì họ sẽ nói hay viết ‘(the) Year of the Rat’ hay ‘welcome the Year of the Rat- 2020’ vì trong tiếng Trung chỉ có một từ duy nhất để diễn đạt vừa ‘rat’ (chuột cống) vừa ‘mouse’ (con chuột). Do nghĩa của hai từ ‘rat’ và ‘mouse’ nói trên nên một số người phương Tây ưa gọi năm Tý (year of the Rat) là ‘year of the Mouse’ (dù sao ‘mouse’ /maʊs/ nghe ra vẫn hay hơn ‘rat’ /ræt/. Ở tiếng Việt ta thấy ‘year of the Mouse’ được ưa thích và dùng nhiều hơn là ‘year of the Rat’. Nếu bạn gõ trên thanh Google ‘year of the rat’ thì nó sẽ cho ‘khoảng 725.000.000 kết quả (0,65 giây)’ nhưng gõ ‘year of the Mouse’ thì kết quả sẽ là ‘khoảng 1.030.000.000 kết quả (0,77 giây)’ để thấy rằng trong thế giới nói tiếng Anh ‘year of the Mouse’ được dùng nhiều hơn ‘year of the Rat’.
BUFFALO HAY OX?
Kế đến, khi dịch con giáp thứ hai (con trâu) bạn cũng gặp một vấn đề tương tự. Ở tiếng Anh, ‘sửu’ cũng có hai từ mà cho đến nay ở các từ điển Việt-Anh cũng như các trang web tiếng Anh trên mạng đều dùng mà ít khi phân biệt. Khi nói đến năm ‘sửu’ người Trung quốc ưa dùng ‘year of the Ox’ và thi thoảng ta cũng bắt gặp ‘year of the Ox or Buffalo’. Theo Wikipedia tiếng Anh, Sửu – Trâu (Ox) (牛) là con vật thứ hai trong mười hai con giáp trong lịch hoàng đạo Trung Quốc . Thuật ngữ Trung Quốc được dịch ở đây là ox trong tiếng Trung Quốc là niú (牛), một từ thường dùng để chỉ bò, bò đực hoặc các loại trung tính của họ bò, chẳng hạn như gia súc thông thường hoặc trâu nước. Ở văn hóa Việt, trái lại, hình ảnh con trâu nước (water buffalo) đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp nên năm sửu ở người Việt người ta nghĩ đến con trâu nước (water buffalo), vì vậy không lạ gì ở các văn bản viết bằng tiếng Anh của người Việt ta thường gặp là ‘year of the Buffalo’. Nếu ta gõ trên thanh Google ‘year of the Ox’ Viet nam thì có khoảng khoảng 6.370.000 kết quả (0,66 giây) nhưng gõ ‘year of the Buffalo’ Viet nam thì có khoảng 15.300.000 kết quả (0,62 giây). Là một người Việt nếu được dịch năm Sửu sang tiếng Anh thì bạn sẽ chon ‘Ox’ hay ‘Buffalo’?
CAT (VIỆT NAM), RABBIT (CHÂU Á)
Năm ‘2011’ BBC giựt cái tít ‘Việt Nam đón Mèo còn châu Á chào Thỏ’ https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/02/110203_cat_or_rabbit . và mở đầu bài viết: Đúng ngày mồng một Tết, hai hãng thông tấn lớn AFP và Reuters cùng chạy bài về chuyện các nước Châu Á khác chào đón năm Thỏ còn Việt Nam bước vào năm Mèo.
AFP nói Việt Nam muốn chứng tỏ sự độc lập trước thế thống trị văn hóa của Trung Quốc còn Reuters nói đây có thể là lỗi dịch thuật. Có thể đi tìm lý do tại sao ở văn hóa Việt đón ‘Mèo’ còn Trung Quốc chào ‘Thỏ’. Theo Sim Sang – Joon https://laodong.vn/archived/tai-sao-trung-quoc-nam-tho-viet-nam-nam-meo-670464.ldo , giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt – Hàn: ‘Trong Thập nhi chi của Trung Quốc, con thỏ là chi thứ tư (gồm Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Con mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập nhị chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo – âm Hán-Việt là “miêu”). Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu song về âm thì thỏ (măo) và mèo (máo) đều là mao. Điều thú vị nữa là trong Việt Nam tự điển, thì chữ Mão – nghĩa là con thỏ – lại được dùng để chỉ con mèo’, và cũng theo ông ‘Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng văn hoá, dù Việt Nam có chọn tên năm Mèo thì vẫn không đánh mất chữ Máo – chỉ con thỏ. Ngược lại, trên lập trường một nước tiếp biến văn hoá bên ngoài như Việt Nam, dù có lựa chọn con mèo – con vật quen thuộc với người Việt – thì vẫn nằm trong mạch ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc. Việc thay đổi tinh tế chữ Máo – chỉ con thỏ – sang con mèo đã cho thấy tài trí của người Việt Nam trong tiếp biến văn hoá* (acculturation)!’.
GOAT HAY SHEEP HAY RAM?
Năm mùi dịch sang tiếng Anh là ‘year of the Goat’, ‘year of the Sheep’, hay ‘year of the Ram’? Theo Wikipedia, tại Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên (gồm cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc) và Nhật Bản thì Mùi tương ứng với cừu (sheep), còn tại Việt Nam thì nó tương ứng với dê (goat). Chữ ‘dương’ 羊 theo Hán văn, nghĩa là con dê (goat), nhưng cũng có nghĩa là con cừu (sheep). Rắc rối hơn nữa ‘dương’ dịch qua tiếng Anh có thể là goat (dê), là sheep (cừu), và là ram (dê núi ), vì vậy có nơi ghi là ‘year of Goat’, có nơi viết là ‘year of Ram’, hay ‘year of Sheep’. Đối với người Việt (láng giềng của Trung quốc) thì năm mùi chỉ con dê nên khi dịch sang tiếng Anh ‘năm mùi’ chỉ có một hình thức là ‘year of the Goat’ mà thôi.
ROOSTER HAY COCK?
Cả từ ‘rooster’ và ‘cock’ đều có nghĩa là con gà trống (male chickens) trong tiếng Anh vì vậy ở tiếng Việt cũng như tiếng Trung khi dịch năm dậu sang tiếng Anh đều có thể dịch là ‘year of the rooster/cock’. Theo từ điển Longman, ‘rooster’ là tiếng Mỹ còn ‘cock’ là tiếng Anh. Ở tiếng Anh, ngoài nghĩa ‘con gà trống’ thì ‘cock’ là một từ lóng thô tục (vulgar slang) chỉ ‘dương vật’ (penis), vì vậy người Anh khi nói năm gà thường dùng ‘year of Cockerel’ thay cho ‘year of the Cock’.
PIG HAY BOAR?
Trong 12 con giáp, vị trí cuối cùng thuộc về con lợn (Pig). 12 cung hoàng đạo (12 con giáp) của người Nhật và người Tây Tạng thì ‘Pig’ được thay thế bằng ‘Boar’ /bɔː(r)/ (lợn rừng).
* acculturation /əˌkʌltʃəˈreɪʃn/: contact between culturally differentiated groups and resulting cultural changes in each of them (tiếp biến văn hóa: sự tiếp xúc giữa các nhóm khác biệt về văn hóa và dẫn đến những thay đổi văn hóa trong mỗi nhóm).
Thạc gián, ngày 22 tháng 1 năm 2021