ý thức xã hội là gì

Ý thức xã hội là một trong những vấn đề được nhiều độc giả nghiên cứu và quan tâm tìm hiểu. Việc nghiên cứu khái niệm ý thức xã hội sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều cơ sở để nhận diện xã hội chúng ta đang sinh sống, học tập và lao động.

Ý thức xã hội là? sẽ được chúng tôi đưa ra giải đáp qua nội dung bài viết sau.

Ý thức xã hội là gì?

Ý thức xã hội là khái niệm triết học dùng để chỉ các hình thái khác nhau của tinh thần trong đời sống xã hội bao gồm những tư tưởng, quan điểm, tình cảm, tâm trạng, thói quen, phong tục, tập quán, truyền thống … của cộng đồng xã hội được sinh ra trong quá trình xã hội tồn tại và phản ánh tồn tại xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Ý thức xã hội chỉ phương diện sinh hoạt tinh thần của xã hội, nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội.

Cần thấy rõ sự khác nhau tương đối giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân. Các ý thức cá nhân đều phản ánh tồn tại xã hội với mức độ khác nhau. Do đó, nó không thể không mang tính xã hội. Song ý thức cá nhân không phải lúc nào cũng thể hiện quan điểm tư tưởng, tình cảm phổ biến của cộng đồng, của một thời đại xã hội nhất định.

Ý thức xã hội và ý thức cá nhân tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ, biện chứng với nhau, thâm nhập vào nhau và làm phong phú nhau.

Kết cấu của ý thức xã hội

Bên cạnh việc tìm hiểu ý thức xã hội là gì? thì kết cấu của ý thức xã hội cũng được nhiều độc giả quan tâm. Ý thức xã hội gồm những hiện tượng tinh thần, những bộ phận, những hình thái khác nhau phản ánh tồn tại xã hội bằng phương thức khác nhau. Chúng ta có thể phân ý thức xã hội thành các dạng: Ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận; Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất: Đối với ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận

+ Ý thức xã hội thông thường là những tri thức, những quan niệm của con người hình thành một cách trực tiếp trong hoạt động thực tiễn hàng ngày, chưa được hệ thống hoá, khái quát hoá.

+ Ý thức lý luận là những tư tưởng, quan điểm được hệ thống hoá, khái quát hoá thành học thuyết xã hội, được trình bày dưới dạng những khái niệm, phạm trù, quy luật. Ý thức lý luận (lý luận khoa học) có khả năng phản ánh hiện thực khách quan một cách khái quát, sâu sắc và chính xác, vạch ra các mối liên hệ bản chất của các sự vật và hiện tượng.

Thứ hai: Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội

+ Tâm lý xã hội là bộ phận của ý thức xã hội bao gồm tình cảm, ước muốn, thói quen, tập quán… của con người, của một bộ phận xã hội hoặc của toàn bộ xã hội hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của đời sống hàng ngày của họ và phản ánh đời sống đó. Đặc điểm của tâm lý xã hội phản ánh trực tiếp điều kiện sống của xã hội và phản ánh có tính tự phát. Tâm lý xã hội ghi lại những mặt bề ngoài không có khả năng vạch ra đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc bản chất các mối quan hệ xã hội. Tâm lý xã hội còn mang nặng tính kinh nghiệm, chưa được thể hiện về mặt lý luận, yếu tố tình cảm đan xen yếu tố lý luận. Bên cạnh đó, tâm lý xã hội có vai trò nhất định trong đời sống xã hội.

+ Hệ tư tưởng là bộ phận của ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội một cách gián tiếp, tự giác, khái quát hoá thành những quan điểm, tư tưởng (chính trị, triết học, nghệ thuật, tôn giáo). Đặc điểm của hệ tư tưởng có khả năng đi sâu vào bản chất các mối quan hệ xã hội do vậy có khả năng phản ánh sâu sắc những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học, và tới toàn bộ xã hội, biểu hiện ở chỗ, hệ tư tưởng là cơ sở lý luận để định hướng sự phát triển của khoa học và các hoạt động cải tạo xã hội

+ Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội tuy là hai trình độ, hai phương thức phản ánh khác nhau của ý thức xã hội, nhưng chúng có mối quan hệ với nhau. Tâm lý xã hội là toàn bộ đời sống tình cảm, tâm trạng, khát vọng, ý chí…. của những cộng đồng người nhất định, phản ánh trực tiếp và tự phát đối với hoàn cảnh sống của họ. Hệ tư tưởng xã hội là toàn bộ các hệ thống quan niệm, quan điểm xã hội như: chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo,…; là sự phản ánh gián tiếp và tự giác đối với tồn tại xã hội.

Bản chất của ý thức xã hội

Có thể thấy trước hết ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định. Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội một cách đa dạng, phức tạp, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trung gian (lợi ích, tình cảm…). Khi những điều kiện tồn tại xã hội thay đổi thì một số yếu tố cụ thể trong ý thức xã hội sẽ thay đổi theo.

Ý thức xã hội có tính độc lập tương đối trong mối quan hệ với tồn tại xã hội. Do sức ỳ của ý thức xã hội, những tác động qua lại về lợi ích trong xã hội và do bản chất là sự phản ánh của tồn tại xã hội nên một số yếu tố của ý thức xã hội cụ vẫn tồn tại và phát huy ảnh hưởng trong tồn tại xã hội mới.

Giữa các hình thái ý thức xã hội luôn có sự xâm nhập, ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau.

Ngoài ra ý thức xã hội có thể tác động mạnh mẽ trở lại tồn tại xã hội; nó có thể thúc đẩy sự phát triển của tồn tại xã hội khi phản ánh đúng quy luật vận động của tồn tại xã hội; thậm chí kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội khi phản ánh không đúng quy luật vận động của tồn tại xã hội.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Ý thức xã hội là gì? Nếu trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu và giải quyết vấn đề còn điều gì mà bạn đọc thắc mắc hay quan tâm bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật để được hỗ trợ.