Xem phim your name – tên cậu là gì
Review nội dung phim Tên Cậu Là Gì (Your Name 2016)
Kimi no na wa (Your Name – 2016) là phim hoạt hình rất hay của Nhật, khi chúng ta gặp ai đó xa lạ nhưng dường như rất quen, biết đâu người ấy chính là người mà ta luôn tìm kiếm từ muôn kiếp trước. À! Tất nhiên, nếu ai trong hiện tại đã có người yêu hoặc vợ/chồng con cái, thì nên nghĩ rằng “người xa lạ” chỉ là một nhân vật phụ nào đó của tiền kiếp mà thôi (cười). Thật sự mà nói thì các yếu tố siêu nhiên xây dựng lên cốt truyện của phim không chỉ mang tính hư cấu, mà đó còn là niềm tin của một số người theo các trường phái tâm linh từ xưa đến giờ, giống như chúng ta sẽ không biết được giấc mơ là sự hư cấu của trí não hay nó là hình ảnh sót lại trong một kiếp sống nào đó, còn về khoa học thì có thể dựa vào thuyết về các vũ trụ song song. IMDb 8.3
Phim kể về sự kiện một sao chổi đi ngang qua trái đất và nó tạo ra những hiện tượng thần bí, đó là sự hoán đổi thân xác giữa 2 thiếu niên nam – nữ ở 2 nơi khác nhau và ở 2 thời điểm khác nhau. Sự xáo trộn đó tạo ra những tình huống thú vị giữa họ. Bạn nên xem phim để biết thêm chi tiết.
Tưởng chừng như đã quen
Đó là cái cảm giác gần giống với Deja Vu khi chúng ta gặp người nào đó nhưng chúng ta biết rằng mình chưa từng quen biết họ. Đó không chỉ là sự cuốn hút thông thường, mà còn mang theo cảm giác của sự thấu hiểu và cảm thông, cứ như là chúng ta biết hết về con người ấy dù nó chỉ là một cảm giác mông lung không thể diễn tả thành lời, cái cảm giác đó không được xây dựng trên ký ức, chúng ta chỉ biết rằng chúng ta hiểu thế thôi, và quả thật đáng kinh ngạc nếu 2 con người có cùng cảm giác như thế gặp nhau, họ sẽ tìm thấy nhiều sự cảm thông và đồng điệu thật sự. Khi đó chúng ta tự hỏi, liệu có điều gì đó mang tính siêu nhiên ở đây, vì sự trùng hợp không đủ để giải thích cho mọi thứ đang diễn ra, hoặc chúng ta không muốn tin đó là sự trùng hợp.
Là siêu nhiên hay ngẫu nhiên thì khó mà nói, tuy nhiên, nếu điều đó xẩy ra ở 2 con người xa lạ, thì ít nhất có một điểm chung giữa họ, đó là sự nhạy cảm trong tâm hồn. Vì những kẻ thiếu sự nhạy cảm thì ít khi nào tin vào những cảm giác mông lung hoặc mang tính lãng mạn, và nếu họ có cảm giác đó thì cũng cười xòa và quay lưng bỏ đi. “Tưởng chừng như đã quen” cũng thường có ở những con người cô đơn, họ cô đơn không hẳn do họ tự cô lập bản thân, mà do họ nhận ra sự khác biệt quá lớn giữa mình và vô số người khác, rồi chợt họ bắt gặp “ai đó” cho họ cảm giác “đây là người mà ta đang chờ đợi”. Thật đẹp biết bao, nhưng cũng khó khăn biết bao khi chúng ta cần quá nhiều sự dũng cảm để tiến gần về phía người ấy.
Trong vô số trường hợp “tưởng chừng như đã quen” đó, có không ít cái hố khiến chúng ta bị té cho dập mặt, khi phát hiện ra nàng hoặc chàng đã thuộc về người khác hoặc có cả đàn con nheo nhóc ở nhà (cười). Ừ thì cứ nghĩ rằng có lẽ chúng ta không phải hẹn nhau kiếp này mà là một kiếp nào đó khác, giống như con cáo chê nho xanh để tự an ủi mình. Nhưng đừng lầm lẫn với việc chúng ta gặp ai đó lý tưởng thì lại nghĩ “người ấy đây rồi!”, hay vài tên đểu giả đang mồi chài những cô gái ngây thơ bằng những lời hoa mỹ có cánh.
Đôi khi đó có thể hoàn toàn không phải là sự siêu nhiên, mà nó được tạo nên bởi cái cảm giác chúng ta bắt gặp lại chính mình ở người khác, bắt gặp lại tâm hồn mình – thứ mà chúng ta đã để lạc mất khi sống trong một thế giới lạnh lẽo và vô tình của hiện tại, khi mà các mối quan hệ chỉ mang tính xã giao và hình thức. Và khi bắt gặp sự bộc lộ của sự chân thật, chúng ta xúc động và bị cuốn hút. Nhưng bất hạnh thay, nếu trong vô tình “người ấy” bộc lộ ra sự chân thật, thì khi ta đến gần, “người ấy” có thể hất cả xô nước lạnh vào mặt ta khiến ta tỉnh ngay cơn mộng mị (cười), vì một bức tường hoặc một chiếc mặt nạ đã được dựng lên khi ta đến quá gần họ. Đời là vậy! Lúc này tôi chợt nhớ đến câu thơ “Nhưng ta là kẻ nghèo, chỉ có những giấc mơ, ta trải những giấc mơ dưới chân người, xin hãy bước khẽ, vì người đang giẫm lên giấc mơ của ta“
Đời sống như sợi chỉ, được đan bởi vô số sợi chỉ nhỏ hơn
Nếu bạn cầm lấy một sợi chỉ tốt và cố kéo đứt nó, nó sẽ không đứt mà có thể cứa vào da khiến bạn chảy máu, giờ thì hãy tưởng tượng là bạn tháo sợi chỉ ấy ra thành các sợi nhỏ hơn và đặt chúng song song nhau chứ không phải được đan vào nhau, bạn kéo và chúng sẽ đứt rời ra rất dễ dàng. Đời sống của chúng ta cũng giống như vậy.
Là nam hoặc nữ, ở thôn quê hoặc thành thị, trong từng thân phận đó thì chúng ta như những sợi chỉ nhỏ bị tách rời ra. Khi là nam giới, đôi khi chúng ta nhìn vào những gì mà phụ nữ có được, chúng ta muốn được như họ, hoặc ngược lại. Giống như cô bé Mitsuha muốn trở thành một chàng trai được sống ở Tokyo, vì cô đã quá chán cái thị trấn thôn quê của mình, muốn đến một nơi náo nhiệt và sôi động. Mộng ước đã thành hiện thực, nhưng nó có đẹp như điều mà Mitsuha tưởng tượng? Muốn có một bữa ăn ngon trong nhà hàng? Nó có thể tương đương với nửa tháng làm công vào buổi tối, con người ở thành thị có hòa hảo như ở vùng quê của cô bé? Chắc chắn là không! Tất cả chúng ta đều hiểu điều đó.
Bằng sự hoán đổi thân xác giữa Mitsuha và Taki, chúng ta thấy cả 2 người dần trở nên trưởng thành hơn, họ nhận ra những ưu điểm và khuyết điểm trong thân phận và trong hoàn cảnh, sau đó họ bù đắp cho nhau. Điều đó cũng giống như cách mà những sợi chỉ nhỏ đan vào nhau và hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau. Mitsuha giúp Taki “cua” chị quản lý, Taki giúp Mitsuha tạo nhiều điều thú vị ở thôn quê nhàm chán, và cuối cùng Taki giúp Mitsuha thoát khỏi một tai họa vô cùng thảm khốc.
Sự hòa quyện đó của cuộc sống không chỉ là những gì đang diễn ra, mà nó còn có các dòng thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai. Nếu trong sợi chỉ của đời sống mà không có sợi chỉ nhỏ của quá khứ, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm của quá khứ trong hiện tại, và chúng ta sẽ không tìm thấy “ai đó” trong tương lai, đó là sự lạc mất vĩnh viễn. Hoặc giống như hàng triệu con người đang ngày đêm cô độc ở thành phố Tokyo to lớn và tráng lệ, tất cả họ đi ngang qua nhau mà chẳng ai nhận ra nhau, hoặc chợt nhận ra nhau qua ô kính của 2 con tàu đang chạy ngược chiều nhau, rồi sau đó ngỡ như vừa gặp ai đó thân quen.
Thế giới này quá rộng lớn khiến chúng ta quên mất bản thân mình đến từ đâu và không biết nên về đâu, nó cũng biến đổi quá nhanh để chúng ta kịp nhớ. “Tên Cậu Là Gì?” như muốn nói lên rằng “tôi không biết cậu” trong vẻ bề ngoài hoặc bằng lý trí, nhưng bằng hành động, họ vội vã tìm đến nhau, nhịp đập hân hoan của trái tim và dòng nước mắt, thì họ như muốn nói cho nhau nghe “lý trí tôi không biết cậu nhưng trái tim và linh hồn tôi biết cậu”. Giống như dòng chữ cuối cùng mà Taki đã ghi trên bàn tay của Mitsuha, đó không phải là cái tên, mà là cảm xúc. Cái tên không nói lên người đó là ai, nhưng cảm xúc sẽ nói lên người đó là ai đối với chúng ta.
Những vấn đề mang tính xã hội – lịch sử của nước Nhật
Không khó để nhận ra rằng nước Nhật đã biến đổi vô cùng lớn lao sau chiến tranh thế giới thứ 2, từ một nước bại trận trong chiến tranh biến thành cường quốc về kinh tế. Nhưng giống như lời mà người bà trong bộ phim đã nói, có rất nhiều giá trị xưa cũ đã mất đi và ngày nay chỉ còn lại hình thức, và con người ngày nay đã quay lưng lại với những giá trị đó, giống như người cha của Mitsuha đã bỏ nhà ra đi, sau đó ông ấy liên kết với những ông chủ giàu có để được tiếp tục làm thị trưởng. Ông ấy muốn xây dựng thị trấn thành một đô thị mới, nhưng ông ấy không biết rằng đang có một tai họa sắp đến có thể hủy hoại mọi cố gắng đó trong phút chốc, mà để tránh được nó thì chỉ có giá trị truyền thống mới giúp họ vượt qua được.
Khi nhìn vào thực tế thì chúng ta cũng nhận ra được điều đó, sự phát triển kinh tế có mang đến cho người dân Nhật một đời sống hạnh phúc thật sự không? Hay những con người đó cứ nỗ lực làm việc như những robot, họ đánh mất cảm xúc, họ thấy sự lạc lõng trong đời sống, cứ nhìn vào tỉ lệ tự tử của dân Nhật là chúng ta sẽ hiểu, hoặc sự đè nén cảm xúc trong đời sống hằng ngày, bạn có thể thấy điều đó qua phim ảnh do người đóng, đến diễn viên cũng không thể diễn được cảm xúc con người cho đúng nghĩa.
Bộ phim muốn chỉ ra rằng hãy để thế hệ trẻ của Nhật tìm lại những gì mà cha ông họ đã và đang đánh mất, đó là các giá trị xưa cũ và cảm xúc thật bên trong con người, dù rằng có thể họ không còn nhớ gì về quá khứ, nhưng khi tin vào điều mà trái tim mách bảo, họ sẽ tìm được hạnh phúc thật sự.
Tôi thích bộ phim này vì kết thúc có hậu, điều mà phần lớn những bộ phim Nhật khác đã không làm được, một bộ phim có giá trị và ý nghĩa khi nó mang tính đột phá và đưa con người đến hạnh phúc chứ không phải sự nửa vời. Văn hóa Nhật rất đẹp, nhưng nếu đó chỉ là hình thức, nếu trong nó thiếu một trái tim thì cũng chỉ đáng để vứt bỏ, trái lại, nếu họ tìm lại được linh hồn và sự sống thật ở bên trong, thì đó quả là những điều đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ.