Vơ đũa cả nắm nghĩa là gì

Cũng như những vụ tiêu cực, tham nhũng từng bị phát hiện và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đây, những kẻ cơ hội chính trị đã tập hợp thông tin phản ánh các vụ việc tiêu cực rồi cố tình nhào nặn để mọi người hiểu theo nghĩa khác. Họ lấy những tiêu cực xảy ra ở một số địa phương, bộ, ngành, rồi phóng đại lên để “biến” xã hội thành một bức tranh u ám, từ đó lớn tiếng quy kết, nói xấu Đảng, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt, từ hiện tượng một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng như ông Trịnh Xuân Thanh, ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ)… họ khái quát thành bản chất của Đảng ta là tham nhũng, không xứng đáng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Trong thực tế, hầu hết cán bộ, đảng viên của Đảng là những người tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất và năng lực tốt, đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, do mặt trái của nền kinh tế thị trường và do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được tư cách đạo đức của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có những hành xử không xứng đáng với vị trí, vai trò của mình như tham nhũng, lãng phí, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, gây dư luận xấu trong xã hội. Điều này, Đảng ta đã nhìn thấy rõ, coi đó là vấn đề hệ trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Sự đánh giá, nhìn nhận một cách nghiêm túc của Đảng đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang quyết tâm thực hiện.

Nguy hiểm và thâm độc là việc dùng chiêu bài trắng – đen, thật – giả lẫn lộn của những kẻ cơ hội chính trị đã lung lạc một số người, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên lâu năm, những văn nghệ sĩ có tên tuổi nhưng lại thiếu bản lĩnh chính trị. Và những phát ngôn của các đối tượng này thường được chúng tung hô, mổ xẻ, tán tụng và thậm chí còn được chúng coi đó là những tư tưởng dân chủ, đổi mới, cách tân, cải cách xã hội…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Vơ đũa cả nắm” dùng để chỉ việc đánh giá con người, sự việc một cách xô bồ, coi tất cả như nhau không phân biệt người tốt với người xấu, việc hay với việc dở, hoặc từ hiện tượng đơn điệu, riêng lẻ để khái quát thành bản chất. Câu thành ngữ rất đúng với những kẻ đang đội lốt “dân chủ” nhằm xúc phạm, bôi nhọ danh dự của Đảng và bêu xấu chế độ của chúng ta. Cho dù các phần tử cơ hội, phản động đã và đang áp dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, với định kiến và thái độ thù địch, thế nhưng sự thật luôn là chân lý. Bởi không ai có thể chối bỏ hiện thực về một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện và phát triển, đang thay da đổi thịt từng ngày trong mắt bạn bè quốc tế.

Trở lại vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, sở dĩ dư luận quan tâm nhiều là bởi những sai phạm của ông Thanh không thể do một mình ông làm được mà phải có sự tiếp sức của một vài người khác. Và cho dù còn nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ trong vụ việc này nhưng bước đầu đã cho thấy dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu… đang ẩn náu sau những cái gọi là “quy trình” đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng trong trường hợp cụ thể này. Đây chính là những bức xúc mà đông đảo cán bộ, nhân dân đều muốn các cơ quan chức năng phải tích cực, khách quan hơn nữa trong quá trình xem xét, giải quyết nhằm sớm đưa vấn đề ra ánh sáng một cách công khai, minh bạch. Và việc công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như các vụ việc tiêu cực khác sẽ không tạo cớ cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục sử dụng chiêu bài “vơ đũa cả nắm” để bôi nhọ, nói xấu Đảng ta!

Thảo Linh