ủy ban nhân dân là gì

Ủy ban nhân dân(UBND) là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân (HĐND), cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương của hệ thống hành chính Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Vậy Ủy ban nhân dân là gì? Chức năng, nhiệm vụ và các nội dung khác có liên quan đến UBND? Kính mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu rõ hơn về UBND.

Ủy ban nhân dân là gì?

Ủy ban nhân dân là cơ quan do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Ở Việt Nam, UBND là khái niệm được dùng từ khi có Hiến pháp năm 1980 đến nay.Theo Hiến pháp 2013 quy định: UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

UBND tổ chức việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương; Tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Có thể hiểu, UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

UBND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.

Nhiệm kỳ của UBND sẽ theo nhiệm kỳ của HĐND cùng cấp. Khi HĐND hết nhiệm kỳ UBND vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi HĐND khóa mới bầu ra UBND khóa mới.

UBND họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần. UBND họp bất thường trong các trường hợp sau đây: Do Chủ tịch UBND quyết định; Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp, đối với phiên họp UBND cấp tỉnh thì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Theo yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Ủy ban nhân dân.

Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân

– Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.

– Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cấp trên.

– Việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương; bảo đảm tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực từ trung ương đến cơ sở; không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên đặt tại địa bàn.

– Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Tính chất, chức năng, vị trí của ủy ban nhân dân

Thứ nhất: Theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, UBND do HĐND cùng cấp bầu ra để tổ chức thi hành các quyết định của HĐND cùng cấp và chính sách, pháp luật, văn bản của cấp trên. Có thể nói, HĐND là cơ quan ra quyết định và UBND là cơ quan có trách nhiệm hiện thực hóa quyết định đó trong thực tiễn.

UBND không phải là cơ quan quyết định về các vấn đề của địa phương, đó là thẩm quyền của HĐND mặc dù UBND có thể đề xuất hoặc tham mưu HĐND trong quá trình thảo luận, ra quyết định. Chính vì vậy tính chất của UBND là tính chấp hành (Khoản 1 Điều 114 Hiến pháp năm 2013). UBND là cơ quan hành động.

Thứ hai: UBND tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao. Như vậy, UBND là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp đồng thời cũng có trách nhiệm chấp hành nhiệm vụ do cơ quan cấp trên giao.

Trong đó, chấp hành quyết định của HĐND là trách nhiệm đương nhiên còn chấp hành nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao chỉ được thực hiện khi có sự phân cấp, ủy quyền từ cấp trên (Khoản 1, Khoản 2 Điều 114 Hiến pháp năm 2013). Vì thực hiện chức năng chấp hành nên UBND chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Thứ ba: Vị trí của UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Khi thực hiện chức năng chấp hành của HĐND và cơ quan nhà nước cấp trên, trên thực tế UBND là cơ quan điều hành công việc nhà nước ở địa phương, cũng giống như Chính phủ là cơ quan điều hành công việc nhà nước trên phạm vi toàn quốc.

UBND nằm trong một hệ thống cơ quan chấp hành – hành chính của cả nước mà đứng đầu là Chính phủ – cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Đây chính là hệ thống nổi bật nhất trong bộ máy nhà nước và thực chất là hệ thống điều hành công việc của quốc gia từ trung ương tới địa phương.

Cơ cấu tổ chức của ủy ban nhân dân

Theo mô hình hội đồng – Ủy ban của chính quyền địa phương (CQĐP) ở Việt Nam, cơ quan chấp hành của HĐND ở tất cả các cấp, tức UBND, đều là một tập thể bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên UBND do HĐND cùng cấp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và có cùng nhiệm kì với HĐND cùng cấp.

Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Chủ tịch UBND được bầu tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân bầu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND. Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Số lượng các Phó chủ tịch UBND ở các cấp là khác nhau tùy theo quy mô và phân loại của CQĐP tương ứng. Các UBND cấp tỉnh thường có 3 hoặc 4 Phó chủ tịch, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tối đa 5 Phó chủ tịch. UBND cấp huyện thường có 2 hoặc 3 Phó chủ tịch. Cấp xã có 1 hoặc 2 Phó chủ tịch.

Số lượng ủy viên UBND ở các cấp khác nhau cũng khác nhau. Ủy viên UBND cấp tỉnh là người đứng đầu cơ quan chuyên môn và tương đương, ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Ủy viên UBND cấp xã chỉ bao gồm ủy viên phụ trách quân sự và ủy viên phụ trách công an.

Chế độ làm việc của ủy ban nhân dân

Như vậy, UBND hoạt động theo nguyên tắc tập thể quyết định kết hợp với vai trò cá nhân của Chủ tịch UBND. Hai nội dung này ở góc độ nào đó vận hành theo chiều ngược nhau và phản ánh sự áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của UBND.

Về nguyên tắc, những vấn đề quan trọng nhất trong công tác của UBND phải được bàn bạc và quyết định bởi tập thể UBND theo nguyên tắc đa số quá nửa. Trường hợp số phiếu bằng nhau thì theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch UBND. Các vấn đề này thường liên quan tới xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, công tác tổ chức, công tác thực hiện ngân sách, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phân cấp, ủy quyền cho cơ quan cấp dưới (Căn cứ các Điều 21,28, 35, 38,49, 63, 70 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân?

– Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.

Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

– Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

– Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân khóa mới.

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Ủy ban nhân dân là gì?. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.