Truyện đồng thoại là gì lớp 6

Câu 1: VỀ CÁCH HIỂU TRUYỆN ĐỒNG THOẠI Ở VIỆT NAM

TÓM TẮT

Khái niệm truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam vốn vay mượn từ Trung Hoa. Nhưng trong quá trình sử dụng, nó đã được quy ước lại, thể hiện cách hiểu riêng của nền văn học Việt Nam. Khác với Trung Hoa, chúng ta dùng khái niệm truyện đồng thoại để chỉ một thể loại tự sự hiện đại dành cho trẻ em, sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật, kể chuyện vật mà gợi chuyện người nhằm đưa đến cho các em những bài học giáo dục về nhận thức và thẩm mĩ… Chúng ta cũng không đồng nhất truyện đồng thoại với truyện cổ tích, mà xem đó là hai thể loại hiện đại, có quan hệ họ hàng nhưng trước sau vẫn là hai thực thể độc lập, mang những tố chất thẩm mĩ riêng. Từ Trung Hoa vào Việt Nam, khái niệm truyện đồng thoại đã trải qua một độ khúc xạ và do đó có những độ chênh thuật ngữ nhất định.

1. NGUỒN GỐC KHÁI NIỆM

Theo Hoàng Vân Sinh, “từ đồng thoại ở Trung văn được du nhập từ Nhật Bản, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh. Dấu mốc đầu tiên của nó là bộ Tùng thư đồng thoại do Tôn Dục Tu chủ biên, Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1909”(Hoàng Vân Sinh,2001,tr.1). Ở Nhật, những truyện kể cho trẻ em được gọi là dowa, dịch sang Hán ngữ là đồng thoại.

Ban đầu, đồng thoại được hiểu theo nghĩa rộng, gồm tất cả mọi tác phẩm có tính kể chuyện cho trẻ em. Về sau, đến thời Ngũ Tứ, người ta mới xem “đồng thoại là văn học huyễn tưởng có tính đặc thù, trở thành một thể loại độc lập”(Hoàng Vân Sinh, 2001, tr.1), có địa vị quan trọng trong văn học nhi đồng. Cách hiểu này được duy trì từ đó cho đến nay.

Lí thuyết Trung Hoa cho rằng, đồng thoại nảy sinh từ trong dân gian và được tiếp nối trong thời hiện đại. Vì vậy, kho tàng đồng thoại Trung Hoa gồm có đồng thoại dân gian và đồng thoại hiện đại. Đồng thoại dân gian là những sáng tác của quần chúng nhân dân, “phản ánh những yêu cầu bức thiết của nhân dân trong xã hội cũ và nguyện vọng thoát khỏi ách áp bức bóc lột, mưu cầu tự do hạnh phúc”(Vương Kiến Huy – Dịch Học Kim, 2004, tr.1156). Đồng thoại hiện đại là những sáng tác của các nhà văn dựa trên cơ sở của đồng thoại dân gian, hoặc là chất liệu, hoặc là nguyên tắc nghệ thuật. Ở Trung Hoa, đồng thoại hiện đại được bắt đầu với vai trò của Diệp Thánh Đào. Trong hai năm 1921, 1922, Diệp Thánh Đào đã sáng tác liên tiếp 23 tác phẩm, tiêu biểu có Con Bù nhìn rơm, Chiếc thuyền trắng nhỏ… Đến 1923, ông xuất bản thành tập Con Bù nhìn rơm, gây được tiếng vang lớn trong dư luận.

Đồng thoại là một thể loại có những đặc trưng riêng về nội dung và nghệ thuật. Hầu hết các tài liệu đều khẳng định, “đồng thoại tràn đầy viễn tưởng và đó là đặc trưng chủ yếu của đồng thoại (…). Hình tượng của đồng thoại tự do và rộng rãi hơn nhiều so với các tác phẩm văn học khác. Từ mây gió tuyết sương, ngày tháng đến trời mây trăng sao, từ côn trùng, chim, cá, thú dữ đến hoa lá, cỏ cây, từ những vật hữu sinh đến vô sinh, từ vật hữ hình đến vô hình, từ khái niệm trừu tượng đến vật chất cụ thể đều có thể được nhân cách hóa trở thành nhân vật có tư tưởng, có tư tưởng, có tính cách, có hành động và lời nói xuất hiện trong đồng thoại. Đây lại là một đặc trưng nữa của đồng thoại”(Vương Kiến Huy – Dịch Học Kim,2004,tr.1156).

Loại hình tác phẩm đồng thoại khá đa dạng. Căn cứ vào nhân vật, người ta chia đồng thoại thành ba tiểu loại. Tiểu loại thứ nhất là siêu nhân thể đồng thoại sử dụng hình tượng nhân vật thần kì, thần tiên, ma quỷ… Tiểu loại thứ hai là nghĩ nhân thể đồng thoại sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật, đồ vật và những vật vô tri khác. Hình thức này được ghi nhận là rất phổ biến trong đồng thoại hiện đại. Cuối cùng, những tác phẩm đồng thoại lấy con người bình thường làm nhân vật chính được gọi là thường nhân thể đồng thoại.

Căn cứ vào những nội dung trên đây, có thể nhận thấy, truyện đồng thoại trong cách hiểu của người Trung Hoa thực chất là truyện cổ tích. Nói cách khác, khái niệm đồng thoại (Tonghua) được sử dụng ở Trung Hoa có nội hàm là “truyện cổ tích”. Rất tiếc, lâu nay, độc giả Việt Nam ít biết về điều này; vì vậy, chúng ta gần như không thấy khái niệm đồng thoại từ Trung Hoa vào Việt Nam đã “trải qua một độ khúc xạ, và do đó chịu một độ lệch”(Phan Ngọc,2002,tr.204).

2. TIẾP NHẬN VÀ SỬ DỤNG KHÁI NIỆM Ở VIỆT NAM

Danh từ đồng thoại xuất hiện trong Việt ngữ được ghi nhận lần đầu tiên bởi công trình Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (Quan hải tùng thư xuất bản, 1932). Rất nhiều năm sau, nó mới được sử dụng vào việc đặt tên cho một tuyển tập văn học. Đó là cuốn Cổ kim đồng thoạido ông Lê Văn Chánh biên soạn dựa trên nguồn tư liệu phương Tây, với mục đích giúp vào việc giáo dục trẻ em. Sách do nhà xuất bản Minh Tân ấn hành vào năm 1952. Phải đợi thêm gần 10 năm nữa, nó mới chính thức được xác lập làm khái niệm, trở thành thuật ngữ công cụ phục vụ hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học – nhất là văn học thiếu nhi.

Hoàn cảnh đưa đến sự ra đời của khái niệm là việc sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chúng ta bắt tay xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu niên nhi đồng. Nhằm thúc đẩy phong trào chung, nhà xuất bản Văn học đã tổ chức dịch, giới thiệu một số tài liệu nước ngoài nói về lí luận và kinh nghiệm sáng tác cho các em. Đó là các cuốn: 1/Kinh nghiệm viết cho các em (Nhiều tác giả, 1960); 2/ Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề khác (Kim Cận, 1961); và 3/ Làm thơ cho các em (Nhiều tác giả, 1961). Theo nhà nghiên cứu Nam Mộc, những tài liệu này đã thể hiện được “một số vấn đề cơ bản của văn học thiếu nhi, nêu lên được những ý kiến cơ bản về lí luận và thực tiễn sáng tác phục vụ lớp bạn đọc nhỏ tuổi”(dẫn theo Vân Thanh, 2007, tr.5).

Trong các tài liệu nói trên, vấn đề truyện đồng thoại đã được bàn đến bởi hai cây bút Trung Hoa là Hạ Nghi và Kim Cận. Ý kiến của Hạ Nghi được thể hiện qua hai bài viết: Mạn đàm về văn học nhi đồng và Truyện đồng thoại phải giáo dục các em một cách đúng đắn (in trongKinh nghiệm viết cho các em), còn Kim Cận là trong Sáng tác đồng thoại và một số vấn đề khác. Cả hai tác giả đều tập trung nói về truyện đồng thoại hiện đại và thống nhất cho rằng, thể loại này rất thích hợp với trẻ em. Những truyện đồng thoại hay bao giờ cũng tạo được hiệu quả giáo dục sâu sắc. Làm được điều đó là vì, truyện đồng thoại giàu chất tưởng tượng, sử dụng hiệu quả hình thức “tiếng chim lời thú” tạo được nét ngộ nghĩnh, thú vị, phù hợp với tâm lí tuổi thơ…“Tiếng chim lời thú là một hình thức biểu hiện thường dùng trong đồng thoại. Nhân vật chính trong đồng thoại thường là chó, mèo, lang sói…”(Kim Cận,1961, tr.17). Kim Cận nhấn mạnh, viết tiếng chim lời thú có một số khó khăn nhưng nhất thiết phải viết, vì “tưởng tượng của các em không giống với chúng ta, các em cảm thấy thân thiết với động vật”(Kim Cận,1961,tr.20). Nhìn chung, các bài viết ngắn gọn, nhiều nhận định đến nay vẫn còn nguyên giá trị lí luận.

Vào thời điểm những bài viết này xuất hiện, văn học Việt Nam hãy còn xa lạ với lí thuyết về truyện đồng thoại. Nhà văn Tô Hoài cho biết, trước cách mạng, khi viết đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký, “tôi không biết như bây giờ phân tích nội dung và cách viết thể loại đó”(Tô Hoài,1968,tr.49). Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, một người rất ý thức về mặt thể loại, trong Nhà văn hiện đại cũng chỉ mới dừng lại gọi Con Dế Mèn, Dế Mèn phiêu lưu ký một cách chung chung là “truyện nhi đồng”(Vũ Ngọc Phan,1994 – tái bản,tr.422). Cho nên, những bài viết của Hạ Nghi, Kim Cận thật sự có ý nghĩa đối với nhận thức của chúng ta về kiểu truyện loài vật nhân cách hóa. Chính là từ những gợi ý nói trên, khái niệm truyện đồng thoại đã được xác lập và nhanh chóng đi vào đời sống học thuật.

Trên báo Văn nghệ số tháng 9/1961, nhà văn đồng thời là nhà phê bình văn học thiếu nhi Vũ Ngọc Bình có bài viết Những thiếu sót cần khắc phục trong sáng tác cho thiếu nhi. Nội dung bài viết là đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế của văn học thiếu nhi qua mấy năm đầu xây dựng CNXH. Trong bài, có một đoạn nói về truyện đồng thoại như sau: “Còn đồng thoại là một thể loại không xa lạ gì lắm đối với con em chúng ta. Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài trước kia và Cái tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi gần đây đã chứng tỏ đồng thoại là một loại truyện khá đặc sắc cho thiếu nhi. Với sức tưởng tượng dồi dào và với nguồn nhân vật rộng rãi từ người đến súc vật, cỏ cây… đồng thoại có khả năng phản ánh hiện thực qua mọi không gian, thời gian”(Vũ Ngọc Bình,1985 (in lại), tr.8). Với bài viết này, Vũ Ngọc Bình trở thành cây bút đầu tiên ở Việt Nam sử dụng khái niệm truyện đồng thoại. Qua cách diễn đạt của ông, chúng ta thấy, truyện đồng thoại được xem là truyện về loài vật nhân cách hóa.

Theo thời gian, khái niệm được sử dụng theo hướng ngày càng mở rộng. Theo một thống kê chưa đầy đủ, khái niệm xuất hiện trong hàng trăm bài viết, chuyên luận, giáo trình về văn học thiếu nhi nói chung, truyện đồng thoại nói riêng. Hệ quả là, khái niệm giờ đây đã không còn xa lạ với nhiều người. Nó phản ánh cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng văn chương Việt Nam về một hiện tượng văn học cụ thể là truyện đồng thoại cho trẻ em. Thực chất quan niệm đó như thế nào?

3. CÁCH HIỂU VÀ NHỮNG ĐỘ CHÊNH THUẬT NGỮ

Chúng ta đều biết, khái niệm là một quy ước, chứa đựng cách nhìn, cách nghĩ về đối tượng của một cộng đồng văn hóa cụ thể. Khái niệm truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam là kết quả vay mượn, dung hóa một sản phẩm văn hóa Trung Hoa. Với trường hợp đang xét, chúng chúng tôi thấy có những độ chênh thuật ngữ nhất định. Tuy nhiên, để đi đến kết luận, chúng ta cần thiết phải xem xét cách dùng khái niệm trong thực tiễn nền văn học qua mấy chục năm như thế nào. Dưới đây là kết quả khảo sát qua bốn nhóm tư liệu cơ bản:

– Nhóm 1: Các bộ từ điển, gồm Từ điển Hán – Việt, Từ điển Tiếng Việt, Từ điển thuật ngữ văn học… Hầu hết các bộ Từ điển Hán – Việt, Từ điển Tiếng Việt đều có mục từ “đồng thoại”. Sớm nhất là Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh. Trong công trình này, từ đồng thoại được giảng là “truyện chép cho trẻ em”. Về sau, một số từ điển khác cũng giảng theo nghĩa ấy. Riêng Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xem đồng thoại là một thể loại văn học: “Đồng thoại: thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hóa, tạo nên một thế giới thần kì thích hợp với trí tưởng tượng của các em”(Viện Ngôn ngữ học, 2001,tr.344). Như vậy, ở đây tồn tại hai cách hiểu rộng hẹp khác nhau về truyện đồng thoại. Qua Hán – Việt từ điển (Đào Duy Anh) và Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), chúng ta thấy có sự thay đổi về nhận thức đối với truyện đồng thoại (Loại -> Thể loại).

Rất tiếc, các bộ Từ điển thuật ngữ văn học (cũ, mới), Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) và 150 thuật ngữ văn học (Lại Nguyên Ân) không có mục từ truyện đồng thoại. Giới nghiên cứu văn học, trong trường hợp này, đã chưa dành cho văn học thiếu nhi một sự quan tâm cần thiết. Chúng ta cũng mất đi một căn cứ cho việc khái quát về cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam.

– Nhóm 2: Ý kiến của các nhà nghiên cứu. Nguồn tư liệu này rất quan trọng, bởi đó là kết quả của những suy tư vào khảo cứu của nhà khoa học. Thường quan niệm của nhà nghiên cứu về truyện đồng thoại được diễn đạt dưới dạng định nghĩa, ngắn gọn mà sáng rõ về đối tượng.

Định nghĩa đầu tiên cần được nhắc đến ở đây là của nhà nghiên cứu Vân Thanh. Trước khi nêu lên định nghĩa, nhà nghiên cứu này đã có một thời gian dài tìm hiểu về văn học thiếu nhi nói chung, truyện đồng thoại nói riêng. Trong bài viết Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại, Vân Thanh đã đưa ra định nghĩa như sau: “Đồng thoại là một thể loại đặc biệt của văn học, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và mơ tưởng. Ở đây, các tác giả thường dùng nhân vật chính là động vật, thực vật và những vật vô tri, lồng cho chúng những tình cảm của con người.(Cũng có khi nhân vật là người). Qua thế giới không thực mà lại thực đó, tác giả lồng cho chúng những tình cảm và cuộc sống của con người. Tính chất mơ tưởng hoặc khoa trương đó chính là những yếu tố không thể thiếu được trong đồng thoại”(Vân Thanh,1974,tr.104). Tác giả xem “đồng thoại là một thể loại đặc biệt của văn học” là đã căn cứ vào hình tượng nhân vật chính với thủ pháp nhân hóa và khoa trương được sử dụng như những hình thức nghệ thuật đặc thù. Định nghĩa này tuy hơi dài, có chỗ còn gây mơ hồ (câu văn trong ngoặc đơn) nhưng được nhiều người sử dụng, như Lã Thị Bắc Lý trong Văn học trẻ em (nxb ĐHSP Hà Nội,2003), Nguyễn Ánh Tuyết trong Truyện đồng thoại với trẻ thơ(in trong Giáo dục mầm non – những vấn đề lí luận và thực tiễn, nxb ĐHSP Hà Nội, 2005)…

Cũng từ góc độ nghiên cứu, hai tác giả Cao Đức Tiến và Dương Thị Hương trong giáo trình Văn học (biên soạn theo chương trình Dự án phát triển giáo viên tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xem truyện đồng thoại là một thể loại hiện đại, có đặc trưng nổi bật là hệ thống nhân vật loài vật. “Truyện đồng thoại: là sáng tác của các nhà văn hiện đại, sử dụng nghệ thuật nhân hóa loài vật để kể chuyện về con người, đặc biệt là trẻ em, vì vậy nhân vật chủ yếu là loài vật”(Cao Đức Tiến – Dương Thị Hương,2005,tr.215). Trong định nghĩa này, Cao Đức Tiến và Dương Thị Hương đã có một nhấn mạnh cần thiết đến phạm trù hiện đại của thể loại truyện đồng thoại.

– Nhóm 3: Ý kiến của người sáng tác. Nhà văn là người trực tiếp làm ra tác phẩm, họ không làm lí luận văn chương. Tuy nhiên, là người trong cuộc, họ có những nhìn nhận tinh tế đối với bản chất thể loại. Vì vậy, ý kiến của họ thực sự là một kênh thông tin quan trọng, giúp ích nhiều đối với việc nắm bắt quan niệm của nền văn học. Dưới đây là ý kiến của Võ Quảng, Nguyễn Kiên và Trần Hoài Dương, những cây bút có nhiều thành tựu trong lĩnh vực truyện đồng thoại.

Sau những phát biểu tản mạn, nhà văn Võ Quảng đã có bài viết riêng về truyện đồng thoại, đăng trên Tạp chí Văn học, số 1/1982. Bài viết có tên Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi. “Lại nói”, nghĩa là “nói thêm”, “nói tiếp”, cũng là “nói lại” cho rõ một ý nào đó đã được phát biểu từ trước. Chủ yếu là ông nói tiếp: Ông cho rằng, truyện đồng thoại thuộc số những thể loại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực, giàu tưởng tượng, gần gũi với truyện cổ tích và ngụ ngôn… Về nhân vật, ông thừa nhận có sự tham gia của con người, nhưng chủ yếu vẫn là loài vật. “Nhân vật của đồng thoại và cuộc sống trong đồng thoại mở ra đa dạng hơn. Nhân vật của đồng thoại không chỉ là người mà còn đủ các loài vật, loài có xương sống, hoặc không có xương sống, biết nhảy, biết bay, biết đi, biết lội… Nhân vật đồng thoại còn là các loài cỏ cây hoa quả mọc ở bất cứ khí hậu nào. Cả từ cây kim sợi chỉ cho đến đoàn tàu, chiếc cầu sắt đều có thể biến thành nhân vật của đồng thoại”(Võ Quảng,1982,tr.74). Đóng góp của ông trong bài viết này là đã chỉ ra mối quan hệ họ hàng của truyện đồng thoại và cổ tích, dù sự phân biệt còn dừng lại ở mức sơ lược.

Trên báo Văn nghệ số 14/1986 nhà văn Nguyễn Kiên có bài viết Về sức tưởng tượng của đồng thoại. Mở đầu bài viết, nhà văn có một giới thuyết ngắn gọn về truyện đồng thoại như sau: “Theo tôi hiểu thì đồng thoại, như ta gọi một cách quy ước với nhau như vậy, là một thể tài hiện đại, nảy sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển trực tiếp từ một số thể loại văn học dân gian như truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện vui dân gian…”(Nguyễn Kiên,1986,tr.7). Xét trong nguồn tư liệu hiện có, chúng tôi thấy, Nguyễn Kiên là người đầu tiên đã khái quát được cách dùng khái niệm truyện đồng thoại của người Việt ở khía cạnh “một thể tài hiện đại”.

Một ý kiến khác – ý kiến của nhà văn Trần Hoài Dương: “Từ đồng thoại vốn là mượn của Trung Quốc. Theo đúng nghĩa của họ là để chỉ “những truyện chép cho trẻ em”, nhất là với lứa tuổi nhỏ, cho nhi đồng. Nhưng lâu nay ở ta, đồng thoại được hiểu là loại truyện viết mang tính nhân cách hóa loài vật, đồ vật, mang nhiều ẩn dụ, ngụ ngôn… Tôi dùng truyện tưởng tượng là không muốn dùng một khái niệm nước ngoài đã bị hiểu sai đi, mang một nghĩa khác nhiều với nguyên ý ban đầu của nó”. Đoạn văn trên được trích từ bức thư do nhà văn trực tiếp gửi cho chúng tôi, thư đề ngày 13.3.2007. Ông lí giải vì sao không gọi các truyện Cô bé mảnh khảnh, Áng mây, Chị Tẩy và em Bút Chì… là truyện đồng thoại như quan niệm hiện hành, mà gọi là truyện tưởng tượng. Theo ông, khái niệm truyện đồng thoại đã không được sử dụng đúng như cái “nguyên ý ban đầu của nó”. Đúng là, đồng thoại khởi đầu được hiểu là “truyện chép cho trẻ em”, nhưng qua thời gian, nó đã được quy ước lại. Ở trên chúng tôi đã giới thiệu, từ thời Ngũ Tứ trở đi, ở Trung Hoa, người ta cũng đã hiểu đồng thoại theo một nghĩa khác – là một thể loại có những đặc trưng riêng về nội dung và nghệ thuật, trong đó nổi lên là hình thức “đồng thoại nghĩ nhân thể”. Khái niệm có tính lịch sử, rất cần được lưu ý trong quá trình sử dụng. Mới đây, khi xem Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi (5 tập, nxb Trẻ, 2008) do chính nhà văn Trần Hoài Dương tuyển chọn, biên soạn, chúng tôi thấy ông đã gọi những truyện như Cái Tết của Mèo con, Vịt chị vịt em… là truyện đồng thoại. Như vậy, đã có sự thay đổi ở nhà văn vốn rất cẩn trọng về mặt chữ nghĩa này: ông đã chấp nhận sử dụng theo quan điểm hiện hành!

– Nhóm 4: Các tập truyện đồng thoại. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một nguồn tư liệu cần thiết cho việc khái quát nội dung quan niệm về truyện đồng thoại ở Việt Nam. Loại tư liệu này có tính chất “vô ngôn”, vì người làm sách không nói rõ quan niệm của họ. Người nghiên cứu phải căn cứ vào bản thân tác phẩm mà họ gọi là truyện đồng thoại để lần ra tiêu chí phân loại.

Những cuốn sách chúng tôi miêu tả dưới đây được chọn ngẫu nhiên, với điều kiện trên bìa sách (chính hoặc phụ) có phụ đề “truyện đồng thoại”. Để kết luận có độ xác tín cao, chúng tôi chọn các cuốn sách thuộc dạng tuyển tập, càng nhiều truyện càng tốt. Vì số lượng càng nhiều, tính thống nhất cao thì tiêu chí thể loại càng rõ ràng. Dưới đây là một số khảo sát cụ thể:

– Mây Đen và Mây Trắng (Cửu Thọ, nxb TP. Hồ Chí Minh, 1978): Tập sách này có bốn truyện, gồm: Hoa, Lá và Rễ, Đường tròn tuyệt đẹp, Mây Trắng và Mây Đen, Người khổng lồ. Ngoại trừ Người khổng lồ, các truyện còn lại đều dùng nhân vật chính là các vật vô tri được nhân cách hóa (mây, hoa, lá, compa…).

– Hai bó hoa tươi thắm (Thy Ngọc, nxb Đồng Tháp, 1988): Có 12 truyện được in trong tập sách này. Đó là, Hai bó hoa tươi thắm, Chiếc thuyền lá tre, Cô bé Dê trắng, Anh Nhím họa sĩ, Cánh tiên biết nghĩ, Nghé xám bê vàng, vừa ngoan vừa khỏe, Bé Ong vàng, Mười chú Kiến đen, Tại sao tai Thỏ lại dài thêm, Bức tranh cá chép trông trăng, Mẹ vịt con vịt, Thi nhà. Tập sách là một thế giới loài vật đông vui, có hành động, có suy nghĩ, khác nào một thế giới trẻ thơ hồn nhiên, đáng yêu.

– Ông và cháu (Chu Huy, nxb Giáo dục, 2001): Tập truyện gồm ba phần, trong đó, Phần một: Truyện đồng thoại; Phần hai: Truyện sinh hoạt; Phần ba: Truyện nhiều kì. Phần một có các truyện sau: Cột điện và Dây chằng, Bé Chuối và bác Bồ Kết, Thỏ gỗ một tai, Sự tích loài Nhện kền, Chú Dế màu gỗ mun, Cô Ve xanh, Cây Cột đèn, Chú Ếch cốm sọc xanh, Chú Bê con, Cô Mướp và bác Vạn tuế, Sự tích con Chẫu Chuộc. Điểm chung của tác truyện này là đều sử dụng loài vật, đồ vật làm nhân vật chính, miêu tả chủ yếu bằng thủ pháp nhân cách hóa.

– Hòn đá thần (Ngô Thị Kim Doan tuyển chọn, biên soạn, nxb Hà Nội, 1999). Đây là một tuyển tập truyện đồng thoại được Ngô Thị Kim Doan biên soạn dựa trên nguồn tư liệu dân gian nước ngoài. Tập sách gồm 24 truyện, trong đó có 19/24 truyện sử dụng hình thức nhân cách loài vật. Các truyện còn lại, nhân vật chính là con người.

Từ những mô tả trên đây, chúng tôi thấy đã có thể kết luận về cách sử dụng khái niệm truyện đồng thoại ở Việt Nam. Cũng như ở Trung Hoa, nội hàm khái niệm có sự co dãn, nhưng căn bản, nó được sử dụng chủ yếu theo nghĩa hẹp. Theo đó, truyện đồng thoại là một thể loại hiện đại dành cho trẻ em, sử dụng loài vật, đồ vật và các vật vô tri được nhân cách hóa làm nhân vật chính, có quan hệ gần gũi với nhiều thể loại, nhất là cổ tích và ngụ ngôn… Có thể nói, ý nghĩa khái niệm truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam “hẹp” hơn rất nhiều so với cội nguồn Trung Hoa mà nó thoát thai. Biểu hiện ở ba điểm sau:

– Thứ nhất, trong khi ở Trung Hoa, người ta nói tới đồng thoại dân gian và đồng thoại hiện đại, thì ở Việt Nam, đồng thoại được hiểu là những “sáng tác của các nhà văn hiện đại”(Cao Đức Tiến – Dương Thị Hương,2005,tr.215). Đến nay, ở Việt Nam, khái niệm đồng thoại dân gian gần như không được sử dụng trong nghiên cứu văn học thiếu nhi. Như vậy, truyện đồng thoại là vấn đề thể loại của văn học hiện đại, đã và đang được xem xét một cách nghiêm túc trong khuôn khổ văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, về lâu dài, lĩnh vực văn học dân gian cho thiếu nhi cũng cần được xem xét lại, và khi đó có thể đề xuất những tên gọi mới cho một hiện tượng đã cũ. Chẳng hạn, truyện cổ tích loài vật là đồng thoại dân gian, như tác giả giáo trình Văn học cho thiếu nhi đã có lần đề nghị(Châu Minh Hùng – Lê Nhật Ký,2003,tr.58).

– Thứ hai, phạm vi thể loại giới hạn ở những tác phẩm “truyện loài vật nhân cách hóa”. Theo lí thuyết Trung Hoa, đó chính là “đồng thoại nghĩ nhân thể”, một hình thức được xem là rất phổ biến trong đồng thoại, nhất là đồng thoại hiện đại. Như vậy, lí thuyết đồng thoại Trung Hoa chỉ được tiếp nhận một phần, và đó là phần căn bản nhất. Nguyên nhân trực tiếp đưa đến nhận thức này chính là những bài viết của Hạ Nghi, Kim Cận. Trong các bài viết của hai tác giả này, luận điểm về hình thức “tiếng chim, lời thú”, nhân cách hóa loài vật đã được nhấn đi nhấn lại nhiều lần. Và không phải ngẫu nhiên mà ngay trong bài viết đầu tiên về truyện đồng thoại, những Dế Mèn phiêu lưu ký, Cái tết của Mèo con… đã được định danh là truyện đồng thoại(Vũ Ngọc Bình,1985 (in lại), tr.8).

– Thứ ba, phân biệt truyện cổ tích và đồng thoại, xem đó là hai thể loại văn học hiện đại có mối quan hệ họ hàng bà con nhưng là hai thực thể độc lập. Đây là hệ quả của cách hiểu “truyện đồng thoại là truyện loài vật nhân cách hóa” đưa lại. Như vậy, các truyện trong nhóm “siêu nhân thể đồng thoại”, “thường nhân thể đồng thoại”, chúng ta thống nhất gọi là truyện cổ tích. Xét kĩ, đồng thoại và cổ tích đều từ một cội mà ra; sự khác nhau giữa chúng nằm ở phương diện nhân vật. Nếu nhân vật truyện đồng thoại là loài vật thì ở truyện cổ tích hiện đại “là những con người cụ thể, bình thường, có tâm trạng, có tính cách rõ ràng và luôn biết chủ động, hành động”(Lã Thị Bắc Lý,2000,tr.122). Chúng tôi cho rằng, kết quả phân chia thể loại như vậy đã giúp tránh được một khó khăn mà như nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên từng thừa nhận khi bàn về khái niệm truyện cổ tích (dân gian): “Khái niệm truyện cổ tích có một nội dung khá rộng (…), đã có khó khăn trong việc xác định cho khái niệm truyện cổ tích một nội dung thật chặt chẽ”(Chu Xuân Diên,1983,tập II,tr.425). * * * Tóm lại, “Đồng thoại theo Đào Duy Anh là “Truyện chép cho trẻ em” (Từ điển Hán – Việt). Nhưng trong nghĩa thông thường lâu nay vẫn dùng, đồng thoại có nghĩa hẹp hơn: truyện loài vật được nhân cách hóa”(Văn Hồng,1997,tr.83). Cách hiểu về truyện đồng thoại như vậy đã tồn tại ở Việt Nam gần nửa thế kỉ nay, mang dấu ấn riêng của cộng đồng văn chương Việt Nam. Chúng tôi cho đó là kết quả tất yếu của một nền văn hóa vốn giàu khả năng dung hóa, như GS. Đào Duy Anh từng nhận xét trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938). Chúng ta tôn trọng cách hiểu này, đồng thời có nhiệm vụ bàn bạc, tiếp tục làm sáng rõ những dấu hiệu đặc trưng của truyện đồng thoại, xét trên tư cách một thể loại. Vấn đề đặc trưng thể loại, chúng tôi xin được trình bày trong một bài viết khác…

Câu 2:Mình chịu