Trái phiếu ngân hàng là gì

Ngày nay bên cạnh các hình thức đầu tư như chứng khoán, cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng cũng khá phổ biến đối với nhiều nhà đầu tư. Được xem là một hình thức đầu tư có độ an toàn cao, loại trái phiếu này trở thành một hình thức đầu tư được quan tâm nhất hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu xem khái niệm thuật ngữ này là gì và cách đầu tư như thế nào nhé!

Trái phiếu ngân hàng là gì?

Trái phiếu là một hình thức đầu tư trong đó nhà phát hành trái phiếu phải trả cho người sở hữu trái phiếu một khoản tiền xác định trong khoảng thời gian cụ thể. Khi đáo hạn, người phát hành trái phiếu, tức người vay, phải hoàn trả khoản vay ban đầu cho người giữ trái phiếu. Trái phiếu phù hợp với các nhà đầu tư không thích mạo hiểm hơn so với các loại chứng khoán khác do tính ổn định và ít rủi ro.

>>> Xem thêm: Trái phiếu chính phủ là gì? Trái phiếu chính phủ gồm những loại gì?

Đây là loại trái phiếu được ngân hàng phát hành để huy động vốn cho ngân hàng trong thời gian ngắn với mức lãi suất xác định trước. Đây cũng là một cơ hội đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm nhưng có mức lãi suất cao hơn.

Một số ngân hàng có phát hành trái phiếu hiện nay

Ngân hàng là nhóm tổ chức tài chính phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường chỉ sau nhóm tổ chức bất động sản. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu của ngân hàng lên tới hơn 50 nghìn tỷ đồng. Một số ngân hàng đã phát hành trái phiếu để huy động vốn có thể kể đến như:

  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam – VietinBank
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu – ACB
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – HDBank
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank
  • Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông – OCB
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – TPBank
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam – MSB
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank

Cách mua trái phiếu ngân hàng

Khách hàng chỉ có thể mua loại chứng khoán này khi ngân hàng có đợt phát hành trái phiếu. Chính vì vậy, khách hàng cần thường xuyên cập nhật thông tin về các đợt phát hành trái phiếu này trên website của ngân hàng phát hành. Các điều kiện về nơi giao dịch và thủ tục mua cụ thể như sau:

Điều kiện đối với nhà đầu tư khi mua trái phiếu này

Nhà đầu tư cần đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Có tài khoản lưu ký tại tối thiểu một công ty chứng khoán.
  • Có tài khoản thanh toán tại tối thiểu 01 ngân hàng, có thể là ngân hàng phát hành trái phiếu hoặc bất kỳ ngân hàng nào.
  • Số dư trong tài khoản phải lớn hơn hoặc bằng 01 trái phiếu của ngân hàng phát hành.
  • Tùy vào ngân hàng sẽ có quy định riêng với mỗi đợt phát hành trái phiếu. Tại một số ngân hàng lớn, có một số loại trái phiếu chỉ phát hành cho doanh nghiệp hoặc các khách hàng lớn của ngân hàng.

Mua ở đâu?

Khách hàng có thể mua loại chứng khoán này tại:

  • Trực tiếp chi nhánh giao dịch của ngân hàng phát hành.
  • Các công ty môi giới chứng khoán: do một số ngân hàng phát hành trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán nên khách hàng có thể mua tại đó.

Thủ tục mua như thế nào?

Mua loại trái phiếu này cần thủ tục rất đơn giản, khách hàng chỉ cần có đủ vốn và chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn giá trị sử dụng. Nhân viên ngân hàng hoặc người môi giới sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cho khách hàng với các thủ tục bao gồm:

  • Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân bản gốc và bản photo.
  • Giấy chứng minh mục đích mua.
  • Giấy phép kinh doanh (nếu có).
  • Mẫu đơn mua trái phiếu theo mẫu phát hàng của ngân hàng.

Có nên mua loại trái phiếu này vào thời điểm này?

Nửa cuối năm 2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, tình hình kinh tế do đó cũng không có dấu hiệu khả quan. Vì thế nhiều người cho rằng đây là kênh trú ẩn và đầu tư an toàn cho đồng tiền nhàn rỗi của mình.

Ở thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế vẫn chưa hoàn toàn ổn định và còn tiềm ẩn nhiều biến động. Có thể nói đây là lựa chọn phù hợp cho những nhà đầu tư không muốn mạo hiểm đồng tiền của mình.

Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu này

Tuy nói loại chứng khoán này là kênh đầu tư an toàn, trên thực tế, bất kỳ hình thức đầu tư nào cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Đối với loại trái phiếu này, một số rủi ro có thể kể đến như:

  • Mối quan hệ nghịch đảo của lãi suất và giá của trái phiếu: Khi lãi suất giảm, giá trái phiếu này sẽ có xu hướng tăng. Và ngược lại, khi lãi suất tăng thì giá trái phiếu được phát hành sẽ giảm. Lý do xảy ra hiện tượng này là vì các nhà đầu tư mong muốn “khoá” lợi nhuận cao trong thời gian lâu nhất có thể khi lãi suất giảm.
  • Lãi suất không còn hấp dẫn: Trong bối cảnh gần như hầu hết các ngân hàng đều đồng loạt giảm lãi suất như hiện nay, lãi suất trái phiếu này không còn hấp dẫn như trước nữa. Mức lợi nhuận của khoản đầu tư mà nhà đầu tư thu được sẽ giảm đi khá nhiều.
  • Rủi ro tái đầu tư: Nhà đầu tư sẽ phải tái đầu tư số tiền thu được với mức tỷ lệ thấp hơn những gì đã thu được trước đó. Ngân hàng sẽ mua lại trái phiếu sau khi đáo hạn và bắt đầu phát hành đợt trái phiếu mới với mức lãi suất thấp hơn. Nếu tiếp tục đầu tư, nhà đầu tư sẽ thu được khoản lợi nhuận thấp hơn đợt trái phiếu trước đó.
  • Rủi ro xếp hạng: những tổ chức cho vay như ngân hàng hay các tổ chức sẽ có thể cân nhắc hoặc tính mức lãi suất cao hơn đối với các công ty bị xếp hạng tín dụng thấp. Từ đó có thể dẫn đến khả năng chi trả khoản nợ của doanh nghiệp đối với các trái chủ của công ty và gây tổn hại cho các cá nhân tổ chức sở hữu trái phiếu muốn bán đi.
  • Rủi ro do lạm phát: là một trái chủ về bản chất bạn có quyền được nhận trái tức trong thời gian nắm giữ. Tuy nhiên, nếu lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh chóng và nhanh hơn so với tốc độ sinh lợi từ trái tức của nhà đầu tư thì nhà đầu tư có khả năng phải nhận mức lợi suất âm và sức mua giảm đáng kể.
  • Rủi ro tín dụng: Một số nhà đầu tư thường không nhận ra được rằng trái phiếu doanh nghiệp không được tín dụng chính phủ đảm bảo mà phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó.
  • Rủi ro tính thanh khoản: Trái phiếu doanh nghiệp không có tính thanh khoản cao như trái phiếu doanh nghiệp. Một số trái phiếu doanh nghiệp có thị trường quá nhỏ dẫn đến nhà đầu tư không thể giao dịch trái phiếu một cách nhanh chóng.

Có nên đầu tư trái phiếu ngân hàng không?

Dù tồn tại nhiều rủi ro, loại chứng khoán này vẫn là một hình thức đầu tư đáng để thử.

  • Mức lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng: So với gửi tiết kiệm ngân hàng, gửi trái phiếu mang lại cho nhà đầu tư khoản lãi suất cao hơn.
  • Độ an toàn cao: Do là trái phiếu được ngân hàng phát hành và chịu sự quản lý của nhà nước, loại trái phiếu này có mức an toàn cao hơn các loại chứng khoán và trái phiếu khác. Bên cạnh đó, trong trường hợp ngân hàng phá sản, các khoản vay từ trái phiếu sẽ được ưu tiên thanh toán.
  • Mệnh giá không quá cao: Đa số ngân hàng phát hành trái phiếu với mệnh giá không quá cao, phù hợp với các nhà đầu tư không có nhiều vốn.

Trên đây là các thông tin về trái phiếu ngân hàng được chia sẻ bởi công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. Hy vọng các nhà đầu tư đã có cái nhìn rõ hơn về trái phiếu cũng như xác định được hướng đầu tư phù hợp cho mình.